Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Xã luận: Ông quận phó thượng tôn hay không thượng tôn pháp luật?

Xã luận: Ông quận phó thượng tôn hay không thượng tôn pháp luật?








(Nguồn:luatkhoa.org)



Ở nơi nào quy trình pháp luật bình thường không hiệu quả, người ta thường khao khát sự quyết liệt bất thường của lãnh đạo.
Ông Đoàn Ngọc Hải giành được sự ủng hộ lớn của dư luận vì ông cho người ta tận mắt chứng kiến sự quyết liệt bất thường mà người ta khao khát.
Trước hết, cần phải công bằng với ông Hải rằng việc lấn chiếm vỉa hè là chuyện vi phạm pháp luật lồ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật, là chuyện đã nói đi nói lại, nói tái nói hồi, cũng là chuyện đã xử lý bằng đủ các loại hình thức khác nhau.
Khó có người dân nào có thể biện hộ rằng họ không biết lấn chiếm vỉa hè là sai. Các hộ tiểu thương thì càng biết rõ, vì họ là những người đã phải thường xuyên đối phó với các đội trật tự phường bằng cách tạm dọn dẹp quán xá khi có đoàn kiểm tra, hoặc đút lót để được nghiễm nhiên kinh doanh trên vỉa hè.
Lâu dần thành quen, một bộ máy quản lý vừa lỏng lẻo vừa tham nhũng cộng với thói coi thường pháp luật của một số người dân đã hình thành nên một thứ văn hoá pháp luật mới, nơi người ta cùng sai để cùng hưởng lợi.

Ông cho cẩu cả xe biển xanh. Ảnh: Zing.
Ông Hải cũng cho người ta một cái khoái cảm chính trị rất mới lạ: ông không nể nang cả cơ quan nhà nước.
Trả lời VnExpress, ông nói, để giành lại vỉa hè “thì không chỉ xử lý vi phạm ở nhà dân, ở các điểm kinh doanh mà phải làm ở các cơ quan Nhà nước để làm gương. Tất nhiên trong quá trình xử lý sẽ có đụng chạm, song chúng tôi vẫn phải làm vì không ai được đứng trên pháp luật”.
“Không ai được đứng trên pháp luật” (no one is above the law).
Đó là điểm cốt lõi của tinh thần thượng tôn pháp luật, của một nền pháp trị/pháp quyền (rule of law).
Đã từ lâu, người dân luôn ấm ức trong lòng khi thấy quan chức nhà nước tham nhũng, hạch sách, hành xử như dân xã hội đen nhưng lại không bị trừng phạt như đáng lẽ họ phải bị trừng phạt theo quy định pháp luật. Trong khi đó, một cô gái tát cảnh sát giao thông hay hai thanh niên cướp vài ổ bánh mỳcũng bị phạt đến cả chục tháng tù.
Kẻ đứng trên pháp luật đã luôn luôn là quan chức nhà nước, tạo ra một xã hội dụng pháp trị (rule by law), thay vì pháp trị (rule of law). Trong xã hội dụng pháp trị, pháp luật được kẻ cầm quyền dùng như một công cụ cai trị đám dân bên dưới, chứ không được áp dụng cho chính kẻ cầm quyền.
Cái trật tự đó đã bị ông Hải phá vỡ khi ông không ngần ngại phá bỏ các công trình lấn chiếm vỉa hè của Uỷ ban Nhân dân phường hay Ngân hàng Nhà nước. Ông cũng chẳng nể nang gì mà thẳng tay bứng cả vọng gác của công an. Ông Hải tựa hồ như còn to hơn cả Thủ tướng, khi dám thách thức tất cả để làm cái việc ông cho là đúng pháp luật. Việc này, người Việt Nam thường chỉ thấy trên phim Mỹ.
Ông Phó Chủ tịch quận còn một cái hay nữa, đó là ông dám làm gương (modeling).
Khi được hỏi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nói: “Tôi có hỏi đồng chí Hải, sao phải trực tiếp đi, không giao cho cấp dưới. Đồng chí Hải trả lời rằng đã giao nhưng chuyển biến chậm quá. Các chủ tịch, phó chủ tịch phải trực tiếp xuống chỉ đạo như vậy mới ra vấn đề, chứ không ngồi bàn giấy được”.
Ông Hải phá bỏ một định kiến thâm căn cố đế trong đầu người dân về cán bộ nhà nước, vốn luôn coi cán bộ như những kẻ ngồi bàn giấy, ngồi phòng điều hoà, ngồi ô-tô máy lạnh chỉ tay năm ngón, hay nếu có ra hiện trường thì cũng chỉ trống dong cờ mở, rùm beng một hồi để quay phim, chụp ảnh rồi ra về. Cái thói làm chính trị khôn lỏi và hoa bướm đó chưa bao giờ qua mắt được người dân.
Với tất cả sự quyết liệt đó, ông thổi một luồng gió mới vào cái không khí chính trị ngột ngạt và bế tắc triền miên của cả một đất nước, gieo cho người ta hy vọng về một lối thoát mới, mà khởi đầu là hy vọng về những vỉa hè thông thoáng. Ông gợi cho người ta về những hình mẫu lãnh đạo quyết liệt và hiệu quả như Lý Quang Diệu của Singapore hay Park Chung Hee của Hàn Quốc. Cái cảm hứng chính trị mà ông tạo ra lớn đến thế, hỏi sao mà người dân không thích ông cho được?
Nhưng có thực ông Hải thượng tôn pháp luật?
Tôi không muốn làm những người ủng hộ ông Hải thất vọng, vì chẳng nhẽ một thứ cảm hứng chính trị tích cực hiếm hoi đến như vậy mà còn phải đặt dấu hỏi hay sao? Cứ vặn vẹo hoài thì bao giờ mới giải quyết được việc?
Tôi hiểu, nhưng vặn vẹo là cách tốt nhất, nếu không muốn nói là duy nhất, để chúng ta tìm ra được cái đúng và cái tốt, loại bỏ những cái sai và cái dở.
Không ai được đứng trên pháp luật, kể cả ông Hải.
Việc ông có một mục đích tốt là dọn sạch vỉa hè không cho phép ông dùng mọi phương tiện để đạt được điều đó. Người ta có thể đồng ý với ông về đích đến, nhưng đường đi của ông lại đặt ra rất nhiều dấu hỏi.
Theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, trong hầu hết các trường hợp, ông phải lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt và yêu cầu cá nhân/tổ chức vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Chỉ trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không trả lại vỉa hè, ông mới có quyền cưỡng chế thực hiện, tức là phá bỏ các bậc tam cấp, đập bỏ trụ sở cơ quan, tháo dỡ vọng gác của Ngân hàng Nhà nước.
Tôi không có thông tin nào về việc ông Hải đã cho thực hiện đúng trình tự thủ tục trên, ngoài việc ông xua quân đi cưỡng chế như một cơn lũ.
Tôi cũng chưa thấy căn cứ rõ ràng nào cho việc đi tịch thu/tạm giữ các phương tiện vi phạm như bàn ghế, tủ kính của các tiểu thương dọc vỉa hè. Điều 125 nói rõ như sau:
1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
Không biết việc ông Hải mang quân đi thu dọn vỉa hè như mấy ngày qua rơi vào trường hợp nào trong mấy trường hợp trên? Tôi nghi ngờ rằng nó không rơi vào trường hợp nào cả.
Ngay cả việc tịch thu hay tạm giữ cũng phải được làm đúng thủ tục, đó là lập biên bản, niêm phong trước mặt chủ phương tiện, nếu không có chủ phương tiện thì phải có người chứng kiến. Những thủ tục này có được ông Hải chấp hành đúng không? Khả năng rất cao, trong nhiều trường hợp, là không.
Trình tự hợp lý (due process) 
Liên quan đến chuyện thủ tục xử lý, bạn đọc có thể liên hệ với khái niệm due process trong luật Mỹ. Khái niệm này thường được dịch là trình tự hợp lý hay pháp trình chính đáng.
Tiêu chuẩn về due process được ghi rõ trong Tu chính án thứ Năm của Hiến pháp Mỹ. Theo đó, mỗi khi chính quyền muốn tước đoạt mạng sống, quyền tự do hay tài sản của công dân thì phải tuân theo một trình tự thủ tục hợp lý, sao cho đảm bảo công bằng và bảo vệ được quyền lợi của công dân.
Ví dụ: Bắt được quả tang rành rành một tên giết người trên phố, tưởng như chẳng có gì để nói nữa, nhưng vẫn phải trải qua đủ các thủ tục tố tụng hình sự bình thường để điều tra, truy tố, xét xử. Bị cáo vẫn có quyền có luật sư, được quyền cãi, chứng cứ do công tố viên trình ra trước toà phải được thu thập một cách hợp pháp, hai bên vẫn phải tranh luận với nhau đến khi không còn gì để nói, rồi sau cùng bồi thẩm đoàn vẫn phải bỏ phiếu quyết định xem bị cáo có tội hay không.
Điều đó có nghĩa là, anh không thể đi tắt, dù việc anh đi đúng trình tự hay đi tắt đều mang lại kết quả y hệt nhau là bỏ tù thủ phạm 20 năm.
Việc tuân thủ đúng thủ tục là để giảm thiểu mọi sự tuỳ tiện, oan sai, đảm bảo cho các bên đều được quyền giải thích như nhau. Có như thế thì quyết định sau cùng mới có thể đúng thực tế, được các bên tâm phục, khẩu phục. Công lý nhờ thế mà được thực thi.
Nếu ông Phó Chủ tịch quận làm đúng thủ tục, ông đã không phải bứng oan cái vọng gác ở trụ sở Ngân hàng Nhà nước buổi chiều, rồi đến đêm phải mang ra lắp lại, chỉ vì có thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước có quyền lắp vọng gác.
Hơn nữa, việc tịch thu, tạm giữ tài sản của các tiểu thương là hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu và nồi cơm của họ. Trong trường hợp này, ở Mỹ, chính quyền chỉ được phép làm nếu có lệnh của toà, chứ không được tự ý làm. Nghĩa là luôn luôn có toà kiểm soát chính quyền, nhằm tránh việc chính quyền lạm dụng.
Chính quyền có lỗi chính trong việc buông lỏng vỉa hè chứ không phải người dân
Suy cho cùng, việc để cho vỉa hè bị lấn chiếm trong nhiều năm qua không phải lỗi của người dân. Ít nhất, người dân không phải là kẻ phải chịu trách nhiệm chính.
Sự tha hoá của chính quyền mới là thủ phạm chính. Nó bóp méo pháp luật, bóp méo chính sách và là nhân tố chính tạo ra thứ văn hoá pháp luật mà chúng ta đang có ngày nay, trên những vỉa hè.
Khi đó, lằn ranh đúng và sai, tuân thủ và vi phạm không còn rõ ràng nữa. Có khi, có người, có chỗ vi phạm thì bị xử lý; khi khác, với người khác, ở chỗ khác thì không. Pháp luật mất đi tính chất quan trọng bậc nhất của nó: tính dự báo được.
Trong một nền pháp trị, pháp luật cần phải có tính dự báo được. Nghĩa là bất kể anh là ai, anh ở đâu, vào lúc nào, nếu anh vi phạm thì đều bị xử lý như nhau. Nếu tính chất này được đảm bảo, không người dân nào dám lấn chiếm vỉa hè.
Trong khi thủ phạm chính là chính quyền, thì nay người dân lại phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Điều này, trong một nền pháp trị, là không công bằng. Người ta cần phải thấy cán bộ nhà nước bị trừng phạt trước khi họ bị trừng phạt. Những anh dân phòng, trật tự phường, công an phường, cán bộ phường phải bị kỷ luật, cách chức, truy tố ra toà vì vô trách nhiệm trong việc quản lý vỉa hè, ăn tiền đút lót để bỏ qua vi phạm, trước khi chính những lực lượng này xông ra đường đập phá, tịch thu tài sản của người dân.
Nếu những kẻ hàng tháng vẫn đều đặn đến cửa hàng người ta ăn tiền cũng chính là kẻ đi xử lý vi phạm thì thực ra những kẻ đó vẫn đứng trên pháp luật, chứ không được đẹp đẽ như những gì ông phó quận mong muốn. Rồi khi hết chiến dịch, hoặc khi ông phó quận nghỉ hưu, những kẻ đó có còn nghiêm túc quản lý vỉa hè nữa hay không?
***
Người dân có thể khao khát những lãnh đạo mạnh mẽ và được việc trong bối cảnh hệ thống luật pháp đã bó tay trước những vấn đề xã hội đặt ra. Nhưng sau cùng, họ không muốn sự mạnh mẽ đó dẫn đến một xã hội vô pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét