Tính dân tộc trong âm nhạc (I)
Trần Văn KhêJun 24 5:40 PM
Tính dân tộc trong âm nhạc
Thử tìm hiểu xem
“dân tộc” là gì?
Trần Văn Khê
Tôi đã có dịp định nghĩa sơ bộ những từ “dân tộc” và “hiện đại” trong bài tôi viết về Giải thưởng Hoàng Mai Lưu năm 1990 vừa qua.
Hôm nay, tôi xin mạn phép bàn thêm về từ “dân tộc”.
Dân tộc ở đây có nghĩa là tính dân tộc.
Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, và trong bản in lần thứ hai, năm 1977, do Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý và bổ sung, đã định nghĩa “tính dân tộc” là “Tính chất đặc biệt của từng dân tộc, thường biểu hiện ở văn hoá”. Trong cuộc hội nghị bàn về tính dân tộc trong âm nhạc vào năm 1972, nhiều nhạc sĩ và lãnh đạo văn hoá đã tham luận, và một tập kỷ yếu được xuất bản lần đầu ngày 25 tháng 10 năm 1972, gồm có 20 bài do 17 tác giả viết, sách dầy 232 trang, với cái tựa đề Về tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam, tái bản ngày 15.8.76, dầy 249 trang. Trong đó, anh Hà Huy Giáp có dịp định nghĩa “tính dân tộc” một cách đầy đủ hơn:
“Khi ta nói đến tính dân tộc, tức là ta nói đến những đặc điểm, tính độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức của nghệ thuật do sinh hoạt vật chất và tinh thần và những truyền thống riêng biệt của dân tộc tạo nên, và có một sức sống rất bền bỉ, lâu dài trong đời sống văn hoá và nghệ thuật” (sách đã dẫn, tr. 7).
Khi người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài của ta, khác với áo kimono của Nhật, áo sari của Ấn Độ, áo xẻ từ đùi tới chân như áo Thượng Hải, chúng ta cho rằng áo dài của ta có tính chất dân tộc. Ai thấy áo dài cũng biết ngay là áo đó của dân tộc Việt Nam.
Khi chúng ta ăn thịt kho, cá kho bằng nước dừa xiêm, có bỏ nước màu, khác hẳn với thịt heo xào chua ngọt và cá chưng tương của người Trung Quốc, thì thịt kho, cá kho đã mang tính “dân tộc” Việt Nam. Nói chi đến cách gói nem chua, thì dân tộc Trung Quốc, Nhật Bổn, Triều Tiên, Thái Lan nhất định không biết làm món ấy. Nem chua rất đậm màu dân tộc Việt Nam.
Trong lĩnh vực âm nhạc, xét về mặt nội dung và hình thức, từ phương tiện và phong cách biểu diễn âm nhạc, đến việc xây dựng dàn nhạc, phối hợp âm thanh, đồng ca, hoà nhạc, sáng tạo dân ca cổ nhạc, sử dụng ngôn ngữ âm nhạc (thang âm, điệu thức tiết tấu) thì “dân tộc tính” là những nét đặc biệt trong cách tạo, cách dùng nhạc khí, cách lên dây, cách phối hợp nhạc khí thành dàn nhạc, cách luyến láy, thành hơi, thành điệu, cách rao hay dạo mở đầu, cách thêm chữ chuyền, chữchạy, cách nhấn nhá, rung, mổ thành chữ già, chữ non, cách đàn hát theo nhịp nội nhịp ngoại, cách đánh trống, gõ nhịp, và biểu diễn theo nguyên tắc chân, phương, hoa, lá, cách lấy hơi, bắt giọng, hát cho tròn vành rõ chữ, ém hơi nhả chữ, ngân dài, ngân ngắn theo cách đổ hột, đổ con kiến, hát lề lối, hát hàng hoa... Trong khí nhạc và thanh nhạc có rất nhiều cách đàn, cách hát mà cha ông chúng ta đã thể nghiệm, áp dụng và lưu truyền cho chúng ta. Người trong nghề thì biết rõ phong cách đàn hát đã đành, người không ở trong nghề, khi nghe quen tai cũng nhận ra được thế nào là dân tộc, thế nào là lai căng, lạc điệu.
Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi không thể đi vào chi tiết, chỉ muốn, ngang qua vài dẫn chứng, tìm ra những đặc điểm của “tính dân tộc” trong âm nhạc Việt Nam. Các bạn đọc nào muốn có thêm đầy đủ chi tiết xin tìm xem quyển Tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam mà chúng tôi đã dẫn ở trên.
Thử xem qua các nhạc khí Việt Nam, cây đàn nào có nhiều tính dân tộc?
Cây đàn bầu (hay đàn độc huyền), cây đàn đáy, cây đàn nguyệt (hay cây đàn kìm), cái sênh tiền là những nhạc khí rất “dân tộc” của Việt Nam. Vì sao?
1. Những nhạc khí ấy chỉ có mặt trong nước Việt Nam mà thôi. Không có một nước nào khác trên thế giới có những nhạc cụ ấy kể cả những nước châu Á lân cận, láng giềng của chúng ta.
Đàn một dây cũng có thể gặp được nhiều nơi. Trung Quốc có đàn i xian qin, cũng như Nhựt Bổn có đàn ichi gen kin, cả hai đều viết bằng chữ Hán nhứt huyền cầm. Đàn một dây tơ, không dùng bồi âm (harmoniques), không có cần đàn, tay mặt khảy dây bằng móng tay hoặc móng ngà tsumecủa người Nhựt, giọng cao thấp do tay trái nhấn làm cho phần dây rung ngắn, dài, phát ra âm cao, thấp.
Ấn Độ có đàn gopi yantra, một dây mà giọng cao thấp chỉ do sự dùng thẳng của dây, mà cũng không có dùng bồi âm.
Người Khmer có đàn sadev (đọc xa điêu), một dây có bầu áp vào người, khảy bằng những ngón của bàn tay mặt, dây bấm bằng các ngón tay trái, không có dùng đặc biệt bồi âm.
Người châu Phi có nhiều đàn một dây, mà toàn là đàn có cung kéo chớ không phải đàn có dây khảy.
Người đàn bầu Việt Nam tạo ra bồi âm bằng cách kích thích sợi dây đúng ngay các nút dao động, và độ cao của các bồi âm lại thay đổi theo bàn tay trái ấn trên cần đàn, làm cho sức căng của dây thay đổi như trên dây đàn bầu. Đàn bầu Việt Nam, có những nét độc đáo đó, từ đời trước truyền đến đời sau, đã mang “tính dân tộc Việt Nam”.
Đàn đáy cũng vậy. Tuy đàn có 3 dây, mà không giống cây san xian (tamhuyền) của Trung Quốc, hay đàn shamisen của Nhựt, sandze của Mông Cổ, setar của Ba Tư, vì thùng đàn của Trung Quốc và Mông Cổ bịt bằng da trăn, thùng đàn shamisen bằng da mèo phía mặt và da chó phía lưng, thùng đàn đáy bằng gỗ, hình thang hoặc hình vuông dài chớ không phải bầu dục như đàn setar. Cần đàn đáy rất dài và đàn có 10 phím chớ không trơn tru như các đàn 3 dây của Trung Quốc, Nhựt Bổn, Mông Cổ, hay buộc dây như đàn setar. Trên thế giới, không có cây đàn nào trong hình dáng và cách biểu diễn, giống như đàn đáy cả. Đàn đáy có “tính dân tộc” Việt Nam.
Đàn nguyệt Việt Nam không giống yue qin của Trung Quốc, mặc dầu chữ yue qin phiên âm ra tiếng Việt là nguyệt cầm, vì đàn yue qin cần rất ngắn, như đàn đoản, phím không cao, đàn có chữ chuyền, thiếu chữ nhấn. Đàn chapey của người Khmer, thì cần quá dài, phím gắn không theo thang âm Việt Nam mà theo thang âm 7 cung đồng đều của dân tộc Thái và Khmer. Đàn nguyệt có tính dân tộc Việt Nam.
Sênh tiền Việt Nam rất độc đáo vì có 3 thanh gỗ, có gắn tiền điếu trên 1 thanh, nên ngoài tiếng gỗ chạm vào nhau còn có tiếng đồng kêu xệch xoạt, do những đồng tiền điếu nhảy theo động tác của tay gõ nhịp, lại có thanh khắc răng cưa để cọ quẹt nên tuy là một nhạc khí mà có 3 chức năng: phách gõ, phách rung và cọ quẹt. Trong lối nhạc nan kuan cổ nhạc triều đình Trung Quốc có phách gõ và cọ quẹt mà không có đồng tiền nhảy theo phách rung. Sênh tiền Việt Nam có tính dân tộc Việt Nam.
Không phải yếu tố chỉ có ở nước Việt Nam mới định được dân tộc tính.
2. Ngoài ra, có những truyền thuyết trong dân gian chứng tỏ rằng nhạc khí đó được dân tộc Việt Nam sáng tạo.
Khuôn khổ của bài này không cho phép chúng tôi thuật lại cả truyền thuyết vợ Trương Viên, hiếu đạo với mẹ chồng được tiên cho cây đàn 1 dây, mà theo tương truyền là cây đàn bầu, cây đàn mầu nhiệm, để hành khất nuôi mẹ chồng trong lúc chạy giặc và sau nhờ cây đàn ấy mà vợ chồng sum hiệp.
Cây đàn đáy, theo tương truyền, cũng do tiên cho Đinh Dự (hay Đinh Lễ) miếng gỗ ngô đồng và dạy cách đóng đàn. Nhờ đàn ấy, Đinh Dự trị cho Bạch Hoa tiểu thơ khỏi bịnh câm và nên duyên cầm sắt với nàng.
Một nhạc khí muốn mang tính dân tộc, phải có ba điểm quan trọng sau đây:
3. Đông đảo người Việt chấp nhận như là một nhạc khí của dân tộc Việt Nam vì nhạc khí đó phù hợp với tâm hồn Việt Nam, với quan điểm thẩm mỹ của người Việt.
4. Nhạc khí đó đã được lưu truyền từ đời này đến đời kia, mãi đến ngày nay, và như thế đã chịu thử thách của thời gian. Tính dân tộc phải là một cái gì trường cửu, chớ không phải nhứt thời như một thời trang, ưa chuộng đó, rồi bỏ đi sau một thời gian rất ngắn.
5. Nhạc khí đó phải nói được tiếng nói của âm nhạc Việt Nam .
Yếu tố này vô cùng quan trọng. Và nhờ nó, mà chúng ta có thể chấp nhận những nhạc khí dầu không phải do dân tộc ta chế ra, không phải chỉ ở Việt Nam mới có, mà từ một nước khác du nhập vào. Khi nói được tiếng nói âm nhạc Việt Nam, rõ ràng, không ngọng nghịu, thì nhạc khí đó trở thành nhạc khí dân tộc Việt Nam.
Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều trường hợp giao lưu văn hoá. Nhiều nhạc khí từ các nước lân cận, hay từ Trung Quốc, Ấn Độ, ngang qua Lâm Ấp, Chiêm Thành, đã được du nhập vào nước Việt, và sau bao nhiêu đời đã trở thành cây đàn dân tộc Việt Nam. Như cây đàn tranh, đàn cò (đàn nhị), đàn tỳ bà do các nhạc khí từ Trung Quốc mang sang (đàn zheng, đàn er hu, đàn pipa) nay đã được coi như đàn dân tộc. Tuy không do người Việt chế tạo, tuy không có truyền thuyết chi trong dân gian về các nhạc khí ấy, nhưng ba điều kiện sau cùng đã có đủ. Và quan trọng nhất là các nhạc khí ấy nói được tiếng nói âm nhạc của dân tộc Việt Nam.
Trong các nước khác, chúng ta cũng thấy nhiều thí dụ như vậy (...)
Có người nói rằng: cây đàn piano, mà được dân tộc Việt Nam dùng, sau một thời gian cũng sẽ thành nhạc khí dân tộc Việt Nam. Đàn piano làm sao nói được tiếng nói âm nhạc theo phong cách Việt Nam để thành nhạc khí dân tộc Việt Nam?
Cây đàn ghita (lục huyền cầm), cây đàn violon (vĩ cầm), nhất là cây đàn ghita phím lõm thì có thể được coi như là nhạc khí Việt Nam, vì các đàn ấy nói được tiếng nói âm nhạc của dân tộc Việt Nam, xự non xang già cống non... luyến, láy, vuốt rung nhẹ, tăng mạnh, hưởng, nhấn, chầy, được cả. Chớ đàn piano, không thể đàn xự non, xang già, cống non, khi hoà theo câu hò mái nhì, không thể nhấn chữ xang dằn và nhấn sâu một chút và rung nhẹ, khi đàn một câu Vọng cổ. Đàn piano đàn đệm câu hò mái nhì hay bài Vọng cổ, nghe như người nói ngọng, thì không thể nào cây đàn piano trở thành đàn dân tộc Việt Nam được.
Cũng như cây đàn harmonium đã được dùng để dạy xướng âm cho các trường mẫu giáo Nhựt Bổn, từ buổi đầu thời Minh Trị (khoảng năm 1860 đến nay) khi có ông giáo sư cố vấn người Mỹ Luther Whiting Mason đề nghị đùng đàn ấy để dạy âm nhạc và xướng âm cho trẻ con Nhựt Bổn. Đến nay, đàn harmonium đã đi vào đời sống âm nhạc của trẻ em Nhựt, từ đời này qua đời khác, đã hơn 130 năm rồi, mà người Nhựt không bao giờ cho rằng đàn harmonium là đàn dân tộc Nhựt. Trong khi đó đàn shamisen (tam huyền), du nhập từ Trung Quốc do đàn san xian của Trung Quốc, nhưng nhờ đàn shamisen nói được ngôn ngữ âm nhạc của dân tộc Nhựt, mà đã trở thành một nhạc khí rất dân tộc của Nhật Bổn.
Các dân tộc Ấn Độ, miền Nam lẫn miền Bắc, mà miền Nam nhiều hơn miền Bắc, đã chấp nhận cây đàn violon phương Tây như là đàn dân tộc Ấn Độ từ hơn 100 năm nay. Nhạc sĩ Ba Tư, Árập, Việt Nam cũng chấp nhận cây đàn violon, vì nó nói được tiếng nói âm nhạc của các nước ấy một cách rất rõ ràng trong vài trường hợp. Nhưng người Inđônêxia, thà dùng cây đàn kéo cung rebab, người Khmer thà dùng cây tro chey, người Thái Lan thà dùng cây saw-sam-sai, hơn dùng cây violon, vì đàn này không nói được rõ ràng tiếng nói âm nhạc của các dân tộc ấy.
Do đó, chúng ta thấy rằng muốn được coi như là nhạc khí dân tộc, phải có được ít nhất là ba điều kiện số 3, 4, 5 mà chúng tôi đã nêu phía trên. Nếu không, thì dầu cho có một thiểu số mê những nhạc cụ, nhạc khí du nhập từ nước ngoài, các nhạc khí ấy sẽ không bao giờ được mang danh là nhạc khí dân tộc.
( còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét