Công Lý Của Nhà Nước Pháp Trị
Alan Phan
10 Jan 2015
Hoàn toàn ảo tưởng (dối trá) khi cho rằng Cái Đẹp là Cái Thiện (It’s amazing how complete is the delusion that beauty is goodness – Leo Tolstoy)
Sáng nay ngồi chém gió với một chính trị gia Việt vừa đem gia đình qua California nghỉ lễ. Tình cờ găp nhau ở quán dimsum Din Tai Fung buổi trưa, tôi cười nói,” sao ông không dự Hội Nghị 10 của Trung Ương mà lại trốn qua đây du hí?” Ông ta đùa lại, “Tôi qua đây chữa bệnh mà”. Tôi thầm thì,” Riết rồi ai cũng qua Mỹ chữa bệnh hết.”
Ngồi với nhau một chút, ông chỉ một mẫu tin nhỏ bên trang trong của tờ Los Angeles Times, về câu chuyện của Tướng David Petraeus, cựu Giám Đốc CIA (Trung Ương Tình Báo Mỹ) năm 2012, bị FBI và Bộ Tư Pháp đề nghị bỏ tù về việc cho cô tình nhân xem các tài liệu bí mật của CIA. Lúc đó, truyền thông đang theo đuổi scandal ông Giám Đốc này ngoại tình với cô Paula Broadwell, một sĩ quan cũ dưới quyền ông Tướng. Vì scandal này mà ông Petraeus phải từ chức.
Nhà chính trị Việt có nhiều thắc mắc: (a) tại sao một ông Tướng quyền lực như Petraeus (anh hùng của trận chiến Iraq và Afghanistan và Obama phải bổ nhiệm ông vào chức vụ để lấy vốn chính trị dù không ưa lập trường của ông Tướng này) lại bị truyền thông bới móc vì một chuyện nhỏ (dan díu vui chơi tí mà); (b) sao cô sĩ quan vẫn trung thành hết mực với người yêu lại không “liều mình cứu Chúa” mà cô lại khai thực với FBI về chuyện ông Petraeus để cô xem hồ sơ mật (ở Việt Nam thì bố nội cô cũng không dám nói); (c) chuyện quan trọng của một nhân vật lớn như vậy mà cả xã hội Mỹ không ai quan tâm (báo LA Times cho vào tít nhỏ ở trang 20 gì đó).
Ngày xưa, nhiều bộ óc “dân chủ” trên thế giới cũng đã từng ngạc nhiên về những chuyện như ông Nixon phải từ chức vì tội để thuộc hạ nghe lén đối thủ ở Watergate hay chuyện ông Clinton suýt bị bãi nhiệm vì nói dối về quan hệ tình dục với cô Lewinsky. Tại nhiều quốc gia đang tập tễnh phát triển, các chuyện này lả những chuyện hàng ngày ở huyện. Nói chi đến những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba…
Do đó, tư duy cố hữu của những người nước ngoài là nước Mỹ và dân Mỹ có những hành động coi như self-destructive (tự huỷ), nhất là đối với những thần tượng, anh hùng, vĩ nhân…những biểu tượng (icon) mà các quốc gia khác sẵn sàng lập đền thờ hay lăng tẩm hoành tráng. Không những chỉ với nhân vật cận đại như tay đua xe đạp Lance Armstrong đã đạt 7 lần chiến thắng Tour De France cho Mỹ, mà còn cả với các công thần lập quốc. Những ông như Washington, Lincoln, Eisenhower… vẫn thường trực bị những sử gia Mỹ phơi bày các tài liệu xấu xa về dời tư hay sự nghiệp công (chúng ta gọi là xuyên tạc, phản động và gây chia rẽ của các thế lực thù địch…). Sự tôn trọng sự thật của xã hội Mỹ gần như không có giới hạn.
Theo triết lý Tây Phương, mục tiêu cao thượng của con người là “Chân-Thiện-Mỹ”. Sự thật còn được tôn trọng hơn cả đạo đức hay sắc đẹp. Vơi những người đã được dậy dỗ từ khi sinh ra là phải “dối trá” liên tục để yên thân, để có khẩu phần “tem phiếu”, để có quyền lực và sĩ diện…thì những hành xử của các trí thức Âu Mỹ là điều không những không “hiểu” được mà không thể “chấp nhận” được. Nguyên lý dân chủ nghe rất bùi tai; cho đến khi chạm với thực tế của mưa máu giang hồ, nhất là ở các đấu trường chính trị. Cho nên, thay đổi một cơ chế hành chánh và pháp luật để cho phép bắt giam một Giám Đốc tình báo, công an hay nội vụ; để viết và nói ra sự thật về những thánh nhân chân đất ; để điều tra những lời dối trá của quan chức…là một cải cách phải mất cả trăm năm ở những quốc gia còn nằm trong thời kỳ đồ đá.
Tuy nhiên, những việc “làm cho đẹp (cái Mỹ) ” như mua những siêu xe, du thuyền, hàng hiệu, biệt thự, chân dài…cho mình và gia đình phe nhóm là việc dễ làm hơn, không mất thì giờ. Chỉ cần quên đi những bất tiện của chuyện “làm cái Thiện”…
Alan Phan
PS: Không riêng gì tại Mỹ, một bình luận gia kể một câu chuyện trong trí nhớ ở Na Uy:
“Chuyện này làm tôi nhớ lại chuyện một bà Việt Nam thăm con cháu bên Norway khi nước này còn có dưới quyền một bà thủ tướng nữ đầu tiên, Gro Harlem Brundtland, làm thủ tướng từ 1981- 1996. Lần nọ bà để cháu chơi ngoài đường vào nhà làm công chuyện. Nghe có tiếng ồn ào nên bà quay ra thì thấy 1 đoàn xe đang dừng lại không dám băng qua đám con nít đang chơi trên đường. Bà ngạc nhiên hỏi con dâu:
- Xe nào mà đông vậy con?
Cô con dâu nói:
- Xe bà thủ tướng đấy mẹ.
Bà sống ở Việt Nam nên biết chuyện mấy ông lớn mình đi đâu thì xe lớn xe bé dẹp đường, cảnh sát hú còi, gậy vụt tới tấp… nên lo lắng nói:
- Con ra kéo con vào nhà để bả đi qua.
Cô con dâu nghe vậy cười:
- Không sao đâu mẹ. Bả không dám băng qua đâu.
Bà thử coi lời con dâu nói có thật không nên cứ nhìn ra đường. Lát sau có lẽ chờ đám trẻ hơi lâu, có anh chàng vệ sĩ bước vào nhà nói với cô con dâu, mà sau này cô dịch lại cho mẹ chồng. Anh ta nói:
- Bà thủ tướng có chuyện cần đi. Cô có vui lòng ra gọi mấy đứa nhỏ tránh cho chúng tôi băng qua không? Cám ơn cô.
Lúc đó cô con dâu mới chạy ra gọi hai đứa con vào nhà. Chẳng biết cô muốn dạy cho mẹ chồng thế nào là dân chủ, hay muốn chơi trội. Nhưng tôi tin là bà mẹ không kể láo câu chuyện. Kết thúc, bà chỉ chép miệng bảo tôi:
- Tao thấy cái đất nước chi mà lạ lùng. Thủ tướng mà thua đứa con nít. Như Việt Nam đó hả, nó đánh cho mà chạy không kịp.
(Theo Ba Càm Ràm – Dân Luận – Link: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150111/ba-cam-ram-noi-chuyen-bac-thanh )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét