Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Chiến sự Syria:Không có kẻ thắng trận

Chiến sự Syria:Không có kẻ thắng trận
Nguồn:Nghiên cứu lịch sử.com
Disintegrating Syria
Đàm Hà Khánh dịch
Đã đến lúc để chấp nhận rằng quốc gia Cộng hòa Arab Syria được thành lập vào năm 1946 đã không còn tồn tại. Thế chỗ nó là những mảnh xé nhỏ các vùng lãnh thổ mà ranh giới địa lý và dân cư thường xuyên biến đổi. Trong những cộng đồng tạm thời được hình thành, một số lãnh đạo cố gắng duy trì hoặc mở rộng tầm ảnh hưởng bằng vũ lực và ý thức hệ; những người khác cố gắng làm như vậy bằng cách cung cấp an ninh, thực phẩm, chỗ ở, và nhiên liệu cho dân chúng khỏi sự tàn phá. Phe nổi dậy gồm nhiều tôn giáo, chính trị và sắc tộc khác nhau-một số được hỗ trợ từ Saudi và nguồn tiền đến từ Vịnh Ả Rập, những người khác lấy cảm hứng từ chủ nghĩa dân tộc- khuấy lên cuộc xung đột lớn và bị cuốn vào cuộc chiến chống lại quân đội Syria và lực lượng dân quân như Hezbollah, những người được chi viện bằng các nguồn lực của Iran và Nga. Tuy nhiên, tất cả các bên đều đang thua cuộc, bởi vì sự ổn định đã biến mất ở Syria và bất ổn đang loang rộng ra bên ngoài.
Kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào tháng 3 năm 2011, dân số Syria từ 18 triệu đã giảm khoảng 10%, ít nhất 160.000 người chết theo Tổ chức quan sát nhân quyền về Syria (Liên hợp quốc ngừng đếm khi con số vượt ngưỡng 100.000), khoảng 6,5 triệu người mất chỗ ở, và 3 triệu người tị nạn tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở các nước lân cận. Ngay lập tức, người dân Syria chính là kẻ thua cuộc lớn nhất. Thảm kịch vốn giết chết và tàn phá nơi ở của một nửa dân số là bằng chứng rõ nhất cho thấy một quốc gia đã vĩnh viễn không còn tồn tại, và cũng chẳng có lực lượng dân chủ hoặc độc tài nào mang đến sự giúp đỡ.
Tổng thống Bashar al-Assad chỉ còn kiểm soát khoảng một phần tư trong số tổng diện tích 71.000 dặm vuông của Syria. Ngay cả thành phố thủ đô của ông ta, Damascus, cũng nằm trong đống đổ nát, và cộng đồng dân tộc Alawite mà ông ta xuất thân vốn đã từng chiếm 13 phần trăm dân số, cũng đang chiến đấu cho sự sống còn. Bởi hành động khủng bố nhằm vào binh lính cũng như thường dân bằng khí chlorine và bom làm từ mảnh và các phần của ống dẫn dầu, Assad, người gần đây đã tự tái đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu giả mạo, khiến cho người Sunni, chiếm 74 phần trăm dân số của Syria, sẽ không còn thỏa hiệp với ông ta hoặc đảng Baath của ông ta. Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Assad vào quân đội Hồi giáo Shiite từ Cách mạng Vệ binh Iran và Hezbollah ở Lebanon bóc trần lớp vỏ cuối cùng của nền độc lập, trong khi đào sâu sự phân chia phe phái vốn xé toạc Syria ra từng phần. Assad chứng kiến các đồng minh một thời cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho chế độ của ông ta. Ông ta bây giờ chắc hẳn lo sợ những nước bảo trợ có thể xem xét lại sự hữu ích của ông ta đã đi đến hồi kết, và tính toán tìm một sự thay thế khác, cũng giống như việc Tehran đã làm khi Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki không giữ được quốc gia thống nhất về dân tộc, tôn giáo, hay quân sự. Có hoặc không có Assad, người Alawites có thể sẽ thấy mình không có chỗ nào để đi, ngoại trừ vùng ven quanh các thành phố cảng vùng Địa Trung Hải như Tartus và Latakia, trong khi cố gắng tái dựng lại nhà nước mà họ được hưởng một thời gian ngắn từ 1920-1936 dưới sự ủy nhiệm của Pháp cho Syria. Tuy nhiên, ngay cả khi đó họ sẽ phải chạm trán kẻ thù Sunni từ ba phía.
Người Kurd, vốn chiếm 10 phần trăm dân số, đã củng cố vững chắc vị trí của họ tại đông bắc Syria. Bên cạnh những bà con của họ ở miền bắc Iraq, hiện kiểm soát nhiều mỏ dầu và cơ sở hạ tầng, cùng với người Kurd ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, những người tìm kiếm sự độc lập từ chính quyền tại Ankara. Trên thực tế, không còn đường biên phân chia rõ ràng giữa cộng đồng người Kurd ở Iraq và Syria; ranh giới ngăn cách họ với khu vực lãnh thổ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu hòa tan. Đối mặt với các cuộc tấn công từ các nhóm phiến quân khác như Nhà nước Hồi giáo (tiền thân là ISIS), các cộng đồng người Kurd bắt đầu củng cố lực lượng chiến đấu bao gồm cả đàn ông và phụ nữ để đánh bại không chỉ các chiến binh thánh chiến mà còn cầm chân quân đội chính phủ Syria và Iraq tại vùng vịnh. Trong tất cả các nhóm tham gia vào cuộc chiến tranh trong lãnh thổ Syria, người Kurd có hiện nhiều khả năng nhất để thiết lập và duy trì một quốc gia kết hợp với khu vực lãnh thổ tự trị ở Iraq. Tuy nhiên, nguyện vọng độc lập của người Kurd đối mặt với phản ứng dữ dội không chỉ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, vốn không bao giờ chấp nhận một quốc gia dân tộc chủ nghĩa xuất hiện tại biên giới của họ, mà còn từ phía các đối thủ trong Syria và Iraq, đặc biệt là các nhóm thánh chiến. Thật vậy, ngay cả khi họ đạt được các bước tiến dài tới độc lập, người Kurd đang đối diện việc các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đang áp sát hai bên sườn phía nam của họ bằng cách nhắm vào các mục tiêu quân sự và tầng lớp thanh niên trẻ ở nông thôn. Bất chấp việc trải qua nhiều năm đào tạo, các lực lượng chiến đấu Peshmerga của người Kurd có nguồn lực khiêm tốn, vũ khí xuống cấp và nhóm tinh hoa ở các bộ lạc thường xuyên mất liên lạc với phần còn lại của xã hội. Kết quả là, các chiến binh của họ và các nhánh dân sự bị bao vây ở cả Syria và Iraq. Một rắc rối nữa là một số nhóm vũ trang của họ bao gồm Ðảng Lao Động Kurdistan, được quy kết là tổ chức khủng bố từ năm 2002.
Quân đội Syria Tự do từ trước tới nay chỉ là một liên minh vô tổ chức của các tiểu đoàn chủ yếu là thế tục. Được tổ chức chỉ ở cấp huyện và xã, nhận chỉ đạo từ Hội đồng các tỉnh một cách không hiệu quả, vậy nên  hầu hết các đơn vị gần như hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ từ các mạnh thường quân ở nước ngoài để tồn tại. Mỗi tiểu đoàn tự tạo các video trên YouTube để khoe chiến tích và nhằm mục đích gây quỹ, rốt cuộc rất khó để đo lường hiệu quả thực sự của họ qua những kênh quan hệ công chúng như thế. Hơn nữa, nhiều tiểu đoàn không gì khác hơn là các đơn vị bảo vệ cho chính ngôi làng của họ. Những đơn vị này hình thành, sáp nhập, giải thể trong vòng vài ngày và thậm chí kết đồng minh với các nhóm thánh chiến trong các cuộc tấn công chống lại các mục tiêu của chế độ Assad. Thế là, ưu thế giành được trên chiến trường nhanh chóng bị đánh mất thông qua sự quản lý yếu kém của xã hội dân sự. Các nhà lãnh đạo của Quân đội Syria Tự Do bên trong Syria còn có các mối quan hệ gây tranh cãi với các nhóm chống đối ​​ở nước ngoài. Vì vậy, rốt cuộc họ có rất ít hy vọng vào mục tiêu lật đổ Assad, chế ngự các nhóm Hồi giáo địa phương, hoặc đẩy lui các nhóm chiến binh thánh chiến nước ngoài, chứ đừng nói tới việc thiết lập lại luật pháp và trật tự cho toàn bộ Syria hoặc thậm chí bộ phận người Sunni. Đúng là quân đội Syria Tự Do từng là lực lượng tiên phong của cuộc nội chiến với Assad là mục tiêu chính nhưng bây giờ chính họ đã nhòa dần vào mớ bòng bong.
Trong khi các lực lượng dân quân thế tục hiếm khi vượt ra khỏi khu vực địa phương hoặc các tỉnh của họ, thì các nhóm thánh chiến bản địa như Jabhat al-Nusra và Mặt trận Hồi giáo chiến đấu trong khắp cả nước. Jabhat al-Nusra lợi dụng sự quản lý yếu kém của quân đội Syria Tự Do bằng các đánh chiếm những ngôi làng và thị trấn từ tay những lực lượng dân quân thế tục và tái lập các tổ chức xã hội thông qua trường học, tòa án, và các dịch vụ công cộng khác. Đó là những tổ chức tôn giáo cực đoan, hành quyết cả những người trung thành với ông Assad lẫn các nhóm thánh chiến thế tục và các lực lượng cản đường khác. Kết hợp với nhau, Jabhat al-Nusra và Mặt trận Hồi giáo chiếm các thành phố như Raqqa từ tay Quân đội Syria Tự Do trong tháng 9 năm 2013, bao gồm cả chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Syria để bổ sung kinh phí, và cố gắng để áp đặt một chính quyền Hồi giáo ở đó. Tuy nhiên, vào tháng 1 năm 2014, các chiến binh thánh chiến Syria mất quyền kiểm soát các khu đô thị ở các vị trí chiến lược vào tay các chiến binh nước ngoài. Mặt trận Hồi giáo bị buộc phải thối lui vào miền trung Syria, nơi nó phối hợp với Quân đội Syria Tự do và các nhóm dân quân địa phương thế tục khác. Jabhat al-Nusra tiếp tục chiến thuật của mình là xâm lấn lãnh thổ của các nhóm dân quân thế tục và chiến binh thánh chiến Syria khác, nhưng chịu suy giảm thành công trong ý định thực thi một xã hội Hồi giáo. Chắc chắn không phe nào trong số các nhóm thánh chiến Syria có thể chống lại một cách hiệu quả trước sự tấn công của nhóm Hồi giáo nước ngoài vào lãnh thổ của họ. Thay vào đó, họ bị áp đảo không chỉ về quân sự mà còn về nguồn lực, tổ chức, và hệ tư tưởng. Ngoài ra, họ cũng đang mất đi sức hấp dẫn ban đầu đối với người Sunni bằng việc diễn giải cực đoan những phong tục Hồi giáo.
Nhóm cuồng tín nhất trong số các nhóm chiến binh thánh chiến khởi nguồn từ nhánh al-Qaeda ở Iraq, sau đó đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, đã tận dụng điểm yếu và mâu thuẫn giữa các đối thủ bản địa ở Syria. Nó di chuyển chiến lược sang Syria và chiếm giữ các con đập quan trọng trên sông Euphrates và các mỏ dầu quan trọng trong khu vực Deir ez-Zor. Ban đầu nhóm thiết lập một môi trường tương ít tội phạm, cung cấp thực phẩm và nhiên liệu, sau đó nó thiết lập luật lệ và thu thuế từ thường dân. Hiểu biết rõ cách đàm phán với lãnh đạo các làng xã cho phép họ mở rộng tầm ảnh hưởng. Được tăng cường thêm các chiến binh đến từ nước ngoài, lãnh đạo của nhóm đã có thể tung ra một lực lượng chiếm giữ một lãnh thổ bao trùm khu vực biên giới giữa Syria và Iraq, đồng thời mở rộng về phía đông để chiếm thêm các thành phố như Mosul ở bắc Iraq. Các thiết bị quân sự mà Mỹ cung cấp cho quân đội Iraq bị bắt giữ, được vận chuyển trở lại Syria, và được sử dụng chiếm các mỏ dầu khác từ chế độ Assad cũng như để càn quét vào khu vực người Kurd. Cuối cùng họ tuyên bố thiết lập một Caliphate và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo, nhóm này kiểm soát về mặt quân sự tại nửa phía đông và miền Trung Syria. Sức mạnh của Nhà nước Hồi giáo nằm ở khả năng kiểm soát vùng ãnh thổ biên giới giữa các quốc gia, lấn sang khu vực mà người Kurd đã kiểm soát và như vậy nó thu hút được các nguồn lực từ bên trong cả Syria lẫn Iraq. Do đó, nhóm này đã mở rộng phạm vi quản lý của mình, ít nhất là trên danh nghĩa, vào khoảng 100.000 dặm vuông giữa khu vực Al-Ra’i, Salbah, và Al-Nabak ở Syria và Mosul, Fallujah và Al-Rutbah tại Iraq. Khu vực này đã từng có 3,9 triệu cư dân đô thị, nhưng với cuộc nội chiến ở Syria và Iraq chỉ còn lại 915.600 người ở lại mà mạng sống giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào lòng nhân từ của các chiến binh thánh chiến.
Khu vực lãnh thổ do Nhà nước Hồi Giáo (IS) kiểm soát
Khu vực lãnh thổ do Nhà nước Hồi Giáo (IS) kiểm soát
Các chiến binh cùa Nhà nước Hồi giáo đang ngày càng không khoan dung đối với người Shiite, người Kitô, người Do Thái, người Druzes, và Yezidis thuộc quyền cai trị của họ, đối xử với tất cả họ như những kẻ ngoại đạo. Đối mặt với việc xuất hiện các cuộc thảm sát các nhóm dân tộc thiểu số ở Iraq, chính phủ Mỹ cuối cùng cũng phải có hành động quân sự hạn chế. Chắc chắn, các cuộc không kích chống lại các chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo sẽ làm cho người Mỹ và người châu Âu cảm thấy tốt hơn. Nước Mỹ có thể tạo dựng hình ảnh kẻ bảo vệ người Kitô đang bị bao vây và các dân tộc thiểu số khác khi tấn công vào một tổ chức khủng bố nguy hiểm, nhưng từ hình đến thực tế là khoảng cách quá xa. Việc người Mỹ ném bom các công sự của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, ngay cả khi mở rộng vào Syria, dường như không có tác động lâu dài đối với tổ chức đó, cũng như nhiều năm tấn công bằng máy bay không người lái chống lại Taliban và al-Qaeda tại Pakistan, Afghanistan, Yemen, và tất cả những nơi này đều thất bại trong việc khống chế quyền kiểm soát lãnh thổ các nhóm và việc mở rộng tư tưởng thánh chiến. Thật vậy phát ngôn viên Nhà nước Hồi giáo chế nhạo Mỹ vì đã không đem quân chiến đấu trực tiếp và cầu nguyện cho lá cờ của họ tung bay trên nóc Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong khi việc Mỹ không kích thể không tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, những chiến binh thánh chiến cũng đối mặt thêm một đối thủ mạnh mẽ trong quá trình mở rộng liên tục của họ và chắc chắn bị suy giảm một phần nguồn lực. Khả năng tấn công vượt ra ngoài Trung Đông có thể giảm, nhưng dù sao vai trò của họ trong cuộc nội chiến Syria sẽ kéo dài và chắc chắn cũng tăng cường trong cuộc nội chiến của Iraq. Thật vậy, hành động của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq đã làm gia tăng sức hấp dẫn của nó; các chiến binh từ các tổ chức Hồi giáo khác, kể cả từ phương Tây hiện đang đổ xô đến gia nhập thông qua ngả Syria. Và, như đã chứng kiến ​​ở nơi khác, những nhóm như Nhà nước Hồi giáo một khi tránh được sự trừng phạt quân sự quy mô từ các lực lượng Mỹ và châu Âu sẽ trở lại nguy hiểm hơn bao giờ hết.
 Tuy nhiên uy tín của Nhà nước Hồi giáo ở Syria suy giảm mạnh do sự tàn bạo cực đoan của nó đối với người những Sunni không chấp nhận cách diễn giải tôn giáo cực đoan rất có thể sẽ mang đến sự sụp đổ của chính nó. Do vậy, ở Syria, và cả Iraq, sự tiếp đón nồng nhiệt ban đầu của quần chúng đối giành cho các chiến binh Sunni của Nhà nước Hồi giáo như là những người giải phóng họ khỏi sự chuyên chế của chính phủ đã mờ nhạt nhanh chóng, và được thay thế bằng sự kháng cự chống lại áp bức mà nó mang đến. Dân làng và các bộ lạc nhận ra họ tốt hơn nên tự kiểm soát khu vực sông Euphrates và các giếng dầu hơn là ở thụ động cho phép tài nguyên được khai thác bởi các chiến binh nước ngoài. Một cuộc nổi dậy vũ trang đã nổ ra chống lại Nhà nước Hồi giáo trong khu vực chiến lược kinh tế Deir ez-Zor. Do đó, nhiều khả năng Caliphate sẽ không thể chinh phục được người Sunni ở Syria hoặc ít nhất giữ vững vùng lãnh thổ mà nó đã chiếm. Thật không may, tầng lớp lãnh đạo Sunni ở các thành phố, làng mạc, và các bộ tộc cho thấy rất ít dấu hiệu của sự hợp tác và mối quan tâm hướng tới mục tiêu chung dài hạn trực tiếp của mình. Vì vậy, ngay cả khi họ thành công trong việc lật đổ Nhà nước Hồi giáo và chính phủ Assad, người Sunni cho đến nay đã chứng tỏ họ không thể xây dựng lại một quốc gia với xã hội ổn định .
Trong khi quốc gia Syria sụp đổ, biên giới với Lebanon cũng tan biến. Kết quả là, Hezbollah và quân đội Syria chiến đấu  chống lại nhóm Jabhat al-Nusra và quân nổi dậy thế tục bên trong Lebanon, trong khi chiến binh Sunni Lebanon tham gia cuộc đấu tranh chống chệ độ Assad ở Syria. Nhà nước Hồi giáo có ý định truyền bá bạo lực vào Lebanon nhằm thiết lập một Caliphate trong khu vực bằng việc thực hiện đánh bom xe ở Beirut. Mỹ hiện nay đang gấp rút cấp thêm vũ khí cho quân đội Lebanon chống lại các mối đe dọa Hồi giáo từ Syria. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo cũng đang tìm cách xóa bỏ biên giới phía nam của Syria với Jordan, trong đó có khoảng 1,5 triệu người tị nạn cộng thêm những người Palestine thất vọng với tình trạng hiện tại đang tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm đánh đổ chế độ quân chủ Hashemite thân phương Tây. Chính phủ Jordan chắc chắn sẽ đánh trả, với sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây và thậm chí từ Israel, không ai trong số các quốc gia này có đủ khả năng chịu đựng một cuộc nội chiến hoặc tồi tệ hơn là tiếp tục duy trì chế độ Hồi giáo ở Amman.
Những tay chơi khác cũng chẳng khá gì hơn. Iran đã bị mất con đường trên đất liền nối biên giới Tây Nam với biển Địa Trung Hải, vốn được sử dụng để củng cố quyền kiểm soát của Hezbollah tại Lebanon và tiến hành khủng bố chống lại Israel. Bản thân Hezbollah bị kéo căng chiến đấu dàn mỏng ở Syria trở nên dễ bị tổn thương trước hai đối thủ, người Sunni Lebanon và quân đội Israel. Iran và Nga nhận thấy mình việc phải hỗ trợ chế độ Assad không chỉ ngoại giao mà cả tài chính và nguồn cung thiết bị đã vượt quá khả năng, ngoài ra toàn bộ các nhân viên quân sự của họ cũng đã được rút ra khỏi xung đột không có hồi kết này. Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar vốn đi đầu trong việc tài trợ cho phiến quân Sunni bên trong Syria. Tuy nhiên, chế độ quân chủ của họ sớm nhận ra các đồng minh Syria của họ không đáng tin cậy và thường xuyên đổi phe, thậm chí liên minh với  Nhà nước Hồi giáo khi thuận tiện. Ả Rập Saudi đang bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột mở rộng, bây giờ phải cố gắng tái ổn định cho Lebanon với chi phí ban đầu hơn 1 tỷ USD. Nguy hiểm hơn đối với những nhà cầm quyền này là mối đe dọa ngày càng tăng từ phía các chiến binh trở về từ chiến trường Syria để thách thức quyền lực của những nhà bảo trợ Ả Rập. Nhà nước Hồi giáo được cho là đã thậm chí phát động một chiến dịch Twitter nhằm xác định các điệp viên tình báo và sĩ quan Saudi như là các mục tiêu ám sát. Tương tự như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ từng sẵn sàng giúp đỡ quân nổi dậy bằng cách bỏ qua việc vận chuyển vũ khí và chiến binh từ nước ngoài nhập lậu qua biên giới phía đông nam bây giờ phải đối mặt với nguy cơ đến từ không chỉ người Kurd mà cả từ những nhóm thánh chiến, chẳng hạn như Nhà nước Hồi giáo, đe dọa sự ổn định của quốc gia này.
Vấn đề không chỉ đơn thuần là người Ả Rập, người Kurd, và người Iran cùng nhau can dự tại Syria trong việc làm tan rả và phân mảnh quốc gia này thành các nhóm sắc tộc và địa lý. Thanh niên nam nữ, những người xem bạo lực như là phản ứng thích hợp đối với những bất mãn của họ đang lên đường tiến vào đấu trường tự do để chiến đấu và thậm chí mang theo con cái của họ một cách hết sức cực đoan từ các nước ở vùng Caucasus, Trung Á và Nam Á, những nơi tư tưởng Wahhabi đã bén rễ, và từ Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, và Úc. Thẳng thừng mà nói, Syria giống như Iraq, đã trở thành chiến trường đại diện giữa các tín đồ của phe Sunnism và phe Shiism , ngoài ra còn là bệ phóng giống như Afghanistan và Pakistan-cung cấp làn sóng những kẻ cực đoan tấn công chống lại các quốc gia khác. Do đó ngay cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, chủ yếu đứng ngoài cuộc nội chiến ở Syria, rốt cuộc chứng kiến việc dửng dưng của họ mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích. Họ đang chứng kiến ​​các đồng minh của họ ở Trung Đông phải đối mặt với những nguy hiểm đến từ sự gắn kết của chủ nghĩa khủng bố và nội chiến lan rộng ra nước ngoài từ Syria, cũng như phải cảnh giác với làn sóng ngầm đang dâng lên ở quê nhà, mặc dù với mức độ thấp hơn nhiều. Chắc chắn, nếu người dân địa phương không để lật đổ Nhà nước Hồi giáo, Mỹ và châu Âu sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là đối đầu với nhóm khủng bố một cách trực tiếp bằng chiến tranh trên bộ không chỉ cứu Syria, Iraq, Lebanon và Jordan, mà còn nhằm để bảo vệ Mỹ và EU.
Ba năm chiến tranh đã phá tan tất cả các cấu trúc bên trong quốc gia và xã hội Syria. Các nhóm phiến quân Hồi giáo thế tục tại Syria đã không chứng minh được tài năng, năng lực tái lập tổ chức xã hội. Nhà nước Hồi giáo thì mong muốn làm được điều đó thông qua phương thức cực đoan nhưng không có kinh nghiệm tổ chức hoặc các kỹ năng nào khác ngoài áp dụng bạo lực. Chế độ Assad có bí quyết tồn tại, mặc dù chủ yếu học theo các đường lối độc tài toàn trị, nhưng, cũng giống như tất cả các chế độ độc tài khác trên mặt đất, thiếu tính hợp pháp trong nước và quốc tế. Tóm lại, bất cứ cơ hội nào có thể có được để duy trì tính toàn vẹn của quốc gia Cộng hòa Arab Syria hoặc để thiết lập một quốc gia Syria mới thông qua thay việc đổi chế độ dài trôi qua. Trong số những công dân có kỹ năng tổ chức và hành chính, nhiều người tham gia một cách hòa bình khi cuộc biểu tình chống Assad bắt đầu tháng 3 năm 2011, thì bị tàn sát và phân tán rải rác khắp Syria và các nước láng giềng. Nạn cố chấp, chủ nghĩa bè phái, tàn bạo, chủ quyền tạm thời, và sự thay đổi phe phái đã trở thành cảm nhận chung cho tất cả các vấn đề ở Syria. Không có gì ngạc nhiên, các phe phái vốn ẩu đả lẫn nhau kịch liệt tại Syria đang dần lộ diện là những kẻ thua cuộc bởi vì tất cả những gì bọn họ đạt được là sự phá hủy và tương lai thì chẳng có gì đảm bảo ngoài bạo lực tiếp diễn bạo lực. Tương tự như vậy, những tay chơi bên ngoài tài trợ cho các phe phái bên trong Syria cũng đối mặt với bóng ma của sự hỗn loạn lan rộng về phía họ.
Về bản chất không có kết thúc trước mắt cho cuộc chiến này và vì vậy không tồn tại khả năng một chính phủ, không nói đến một một xã hội hữu hiệu với đầy đủ đại diện nhân dân Syria, sẽ xuất hiện. Kết quả cuối cùng có thể sẽ là một quốc gia không ổn định kinh niên nếu Syria tồn tại nguyên vẹn, hoặc nhiều khả năng là một tập hợp các quốc gia nhỏ phân chia theo các nhóm sắc tộc và tôn giáo. Có lẽ bây giờ xét về điều kiện ngoại giao và quân sự thì điều đó là không thể tránh khỏi, các bối cảnh dự đoán sự ra đi của chính quyền Assad và sự kiểm soát chắc chắn của Nhà nước Hồi giáo, tương ứng với viễn cảnh đó là phe ôn hòa chứ không phải các nhóm chiến binh thánh chiến sẽ kiểm soát khu vực của người Sunni, đó có thể là kết thúc tốt nhất có thể. Mỹ và EU phải đào tạo và hỗ trợ những người ôn hòa trong việc xây dựng sự ổn định bao gồm kiến tạo trật tự xã hội, và họ phải làm được nhiều điều tích cực những gì họ đã làm ở những nơi khác trong những năm gần đây, như những e ngại về sự hỗn loạn trật tự như đã xảy ra ở Iraq và Afghanistan. Một bài học lớn cuối cùng có thể rút ra từ Syria, cho tất cả các bên trong và ngoài Syria khi trục lợi bằng việc can dự vào những căng thẳng trong nội bộ một quốc gia: tiếp tay hoặc bỏ qua mối xung đột xã hội đều bất lợi cho tất cả các bên tham gia; không có ai chiến thắng, tất cả đều là kẻ thua cuộc.
Carol EB Choksy là giảng viên phụ tá Khoa Tình báo chiến lược tại Trường Tin học và Vi tính thuộc Đại học Indiana, cũng là Giám đốc điều hành của công ty Tư vấn chiến lược IRAD .
Jamsheed K. Choksy là một giáo sư nghiên cứu về Trung Âu-Á, Hồi giáo, và Trung Đông tại Trường Đại học Nghiên cứu Toàn cầu và quốc tế thuộc Đại học Indiana. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Quốc gia Hoa Kỳ về Nhân văn tại Quỹ Quốc gia về Nhân văn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét