Một người Việt ở NASA tham gia nghiên cứu sao Hỏa
Ông Võ Đức Hùng, chuyên viên phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực JPL, thuộc Cơ quan Hàng không & vũ trụ Hoa Kỳ (Jet Propulsion Laboratory, NASA), từng tham gia chương trình đưa hai xe tự hành Spirit và Opportunity lên khảo sát sao Hỏa.
Ông Hùng sinh năm 1952 tại Huế, tốt nghiệp cử nhân địa chất học và kỹ sư điện toán tại California. TTCN đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Hùng nhân chuyến về thăm VN lần thứ ba của ông vào đầu tháng 3-2005.
+ Đài BBC đưa tin ông là trưởng nhóm thiết kế và thử nghiệm các xe tự hành được đưa lên sao Hỏa vào đầu năm 2004…
- Có một chút thiếu chính xác trong tin đã đưa của BBC. Tôi chỉ phụ trách một trong những nhóm soạn phần mềm kiểm tra của rất nhiều chương trình điều khiển hoạt động của Spirit và Opportunity, do các chương trình điều khiển không thể dự đoán được hết các tình huống và các quyết định tương tác của xe tự hành trong môi trường xa lạ của sao Hỏa.
+ Spirit và Opportunity có gì khác với xe Sojourner được phóng lên năm 1997?
Spirit
- Sojourner nhỏ hơn, chỉ nặng khoảng 10kg, mang một phổ kế Alpha Proton X-ray và ba camera, so với trọng lượng 180kg và camera toàn cảnh, máy tầm nhiệt, phổ kế Alpha Particle X-ray, máy vi ảnh, thiết bị đào đất của hai xe sau.
Tín hiệu vô tuyến của Sojourner rất yếu, chỉ liên lạc được với Trái đất qua trung gian phi thuyền mẹ và do đó chỉ hoạt động được trong bán kính khoảng 700 mét quanh phi thuyền mẹ trên mặt sao Hỏa, trong khi hai xe sau có tầm hoạt động rộng hơn do vừa có khả năng gửi tín hiệu lên vệ tinh trên quĩ đạo sao Hỏa lại vừa liên lạc trực tiếp được với Trái đất (tín hiệu vô tuyến phải mất 10 phút để đi từ sao Hỏa đến Trái đất hoặc ngược lại).
Sojourner hoạt động được ba tháng, thử nghiệm đầu tiên việc truyền hình ảnh về trái đất và việc di chuyển trên sao Hỏa. Spirit và Opportunity được thiết kế để hoạt động trong ba tháng, nhưng đến nay đã hơn một năm vẫn tiếp tục di chuyển và gửi tín hiệu về Trái đất.
+ Mục tiêu của chương trình thám hiểm sao Hỏa là gì, thưa ông?
Sojourner
- Tổng quát là tìm hiểu xem sao Hỏa có thể hoặc đã từng là nơi sinh sống được không. Muốn vậy phải tìm hiểu về địa chất, khí hậu, quá trình hình thành và phát triển của nó.
Một trong những nhiệm vụ của các chuyến thám hiểm (trực tiếp là của các xe tự hành) hiện nay là tìm xem trên sao Hỏa có hoặc đã từng có nước - điều kiện quan trọng để tồn tại sự sống hữu cơ - hay không? Cho đến nay, sao Hỏa được xem là hành tinh gần Trái đất nhất về cự ly (487 triệu km) và về các phương diện lý hóa so với các hành tinh khác trong Thái dương hệ.
Dữ liệu tổng hợp từ những nghiên cứu của Mỹ và châu Âu cho thấy đã có hơi nước và khí methane trên sao Hỏa, có nghĩa là sự sống đã hoặc có thể đang tồn tại ở đây.
Một trong những vấn đề phải giải quyết để con người có thể trực tiếp thám hiểm là tìm cách rút ngắn thời gian bay đến hành tinh đỏ thay vì phải mất đến bảy tháng như hành trình của các phi thuyền hiện nay.
Thiên thạch trên sao Hỏa
+ Có nhiều người nhập cư làm việc ở JPL?
- Khoảng gần một nửa, đông nhất là người Trung Quốc và Nhật. Riêng người gốc Việt Nam có hơn 100.
+ Năng lực, hiệu quả làm việc của người gốc Việt so với người Mỹ và người từ nước khác?
- Nói chung không có gì khác biệt. Ở JPL, bản thân tôi phụ trách một nhóm công tác gồm hầu hết là người Mỹ. Nhiều người nước ngoài thích đến làm việc ở Mỹ, nhất là trong giới nghiên cứu khoa học.
Ngoài những điều kiện về đãi ngộ, nguyên nhân chủ yếu, theo tôi, là do Mỹ có một hạ tầng cơ sở khoa học rộng lớn, trang thiết bị và các điều kiện làm việc rất đầy đủ, có sự khuyến khích nghiên cứu, học hỏi. Cấp quản lý thường tạo điều kiện thuận lợi cho những nhân viên có chí hướng muốn học hỏi, nghiên cứu sâu và xa hơn.
Sao Hỏa -----------------------------------------Trái đất
Khoảng cách đến Mặt trời 142 triệu dặm (mile) 93 triệu dặm
Tốc độ quay quanh Mặt trời 14,5 dặm/ giây 18,5 dặm/ giây
Đường kính 4.220 dặm 7.926 dặm
Độ nghiêng trục quay 25 độ 23,5 độ
Độ dài một năm 687 ngày 365,25 ngày
Độ dài một ngày 24 giờ 37 phút 23 giờ 56 phút
Trọng lực 0,375 lần của Trái đất 2,66 lần của sao Hỏa
Nhiệt độ trung bình 81 độ F 57 độ F
Khí quyển Hầu hết CO2, một ít hơi nước nitrogen, oxygen, argon, một số khí khác
Số mặt trăng 2 1
+ Nhận định của ông về cách dạy và học ở Mỹ?
- Nổi bật nhất là tính thực tiễn, thực dụng. Đại học Mỹ gắn rất chặt với hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài lĩnh vực cơ bản, các đề tài nghiên cứu hầu hết là theo đơn đặt hàng của các hãng, các công ty và được họ tài trợ. Kết quả nghiên cứu phục vụ thiết thực nền kinh tế - xã hội. Thực tập, thực hành là phần quan trọng của học trình.
Không có lối học từ chương.
Thứ hai là người dạy luôn khuyến khích sự phản biện. Quan hệ thầy - trò về mặt chuyên môn, học thuật rất bình đẳng. Những suy nghĩ độc lập, những hướng giải quyết mới luôn được đánh giá cao.
Một điều quan trọng nữa là chương trình học thường xuyên được cập nhật từ các công trình nghiên cứu riêng của giáo viên, từ các hội thảo và các nguồn khác.
Ngoài ra, học trình được xây dựng hợp lý. Ở đại học, học chế tín chỉ là phổ biến và các kỳ thi - kiểm tra được phân bố đều cho suốt năm, tạo một nếp học tập đều đặn, tránh được lối học dồn, học tủ.
Hoàn toàn không có sự khác biệt giữa nội dung chương trình học của các lớp tại chức (học bán thời gian) và các lớp chính qui. Do vậy cũng chỉ có một loại văn bằng trong các ngành học.
PV thực hiện
Việt Báo (Theo_TuoiTre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét