Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Cảm nhận của tôi sau khi đọc bài viết

GS Nguyễn Đăng Hưng’s blog » Blog Archive » Vấn đề cốt lõi của công cuộc “đổi mới toàn diện” nền giáo dục và phong cách quản lý khoa học Việt Nam theo tôi, chính là loại ra ngoài lề yếu tố toàn trị, tôn trọng tự do học thuật, tôn trọng quyền lợi chính đáng của trí tuệ, của nhà khoa học, người trí thức.

GS Pierre Darriulat

Cảm nhận của tôi sau khi đọc bài viết

của GS. Pierre Darriulat

GS Nguyễn Đăng Hưng

Tôi rất cảm động sau khi đọc bài của GS. Pierre Darriulat ! Việc đầu tiên là tôi phải chân thành cám ơn người đồng nghiệp này! Tôi có đọc ông trước đây một số bài rồi, nhưng qua bài này tôi có những cảm xúc, không những thú vị mà còn có thể nói là xúc động!
Thậy vậy, tôi không ngờ ông hiểu và yêu đất nước Việt Nam chúng ta đến vậy!
Vâng, phải “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, một khẩu hiệu của đảng CS Việt Nam ra đời đã gần 30 năm, giai đoạn Việt Nam đang lâm vào khủng hoản ngút ngàn và muốn thoát ra chỉ có một cách là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”.
Tuy nhiên vế cuối cùng của khẩu hiện này, nói rõ sự thật  thì hình như chưa, chưa được thực hành đúng mức, chưa được thể hiện đến nơi đến chốn. Có lẽ đó là hệ lụy của tình trạng tệ hại hiện nay!
____
Chú ý: bên trong bạn đọc có thể tham khảo toàn văn bài viết của GS Pierre Darriulat
Trong bài này GS. Pierre Darriulat đã nói rõ sự thật, sự thật về tình trạng giáo dục và đào tạo hiện hành, về phong cách quản lý nghiên cứu khoa học, những sự thật đau lòng mà sau gần 30 năm đổi mới, nó vẫn còn tồn đọng, thậm chí ngự trị bao trùm tại Việt Nam.
Ba mươi năm đã đủ cho Hàn Quốc vốn kém mở mang đã trở thành một cường quốc kinh tế và khoa học công nghệ. Đây chính là sự thật đau xót, cháy bỏng tâm can đông đảo người Việt Nam!
GS. Pierre Darriulat đã đưa ra những dẫn dụ mà ông chứng kiến tại Việt Nam trong thời gian tác nghiệp về chuyên ngành của ông: vật lý hạch nhân và vũ trụ.
Là chuyên gia lăn lộn tại Việt nam từ năm 1977 rồi bỏ cuộc 10 năm, sau đó  nối lại từ 1989 cho đến tuổi về hưu năm 2006, tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều điều tương tự trong ngành của tôi: Tính toán cơ học.
Xin đơn cử vài ví dụ điển hình. Có lần tôi liên lạc được với một vài cán bộ cao cấp ngành dầu khí, trong những năm 90 là ngành khá thịnh vượng tại Việt Nam, sẳn sàng đầu tư cho việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại cho việc thiết kế tính toán các thiết bị thăm dò và khai khác dầu trên biển Đông Nam Á. Là người đã tham gia lập trình trong cuối những năm 60, một trong những nhà khoa học viết những dòng đầu  cho một phần mềm tính toán sau này trở thành một chương trình vạn năng có giá trị thương mại cao vì có khả năng tính toán thiết kết các cấu trúc phức tạp, đặt biệt xác định độ rung của các dàn khoan trước tải trọng sóng gió!
Vì là đồng tác giả, tôi có thẩm quyền chuyển giao công nghệ này về Việt Nam với một giá rất rẻ. Than ôi, tôi bất ngờ có được câu trả lời là họ chỉ muốn mua phần mềm này ở giá thật là cao và đã có ký kết mua ở Singapore. Tôi biết ở thời buổi ấy Singapore đang học hỏi chúng tôi. Và tôi ngỡ ngàng chợt hiểu là họ mua để có nhiều hoa hồng chứ không phải để xử dụng trên thực tế vì họ không đế ý đến đề nghị chính đáng của tôi với tư cách chuyên gia là đào tạo người biết xử dụng và đánh giá các kết quả tính toán mới là việc quan trọng chứ không phải chỉ đem về phần mềm cài trên máy rồi ngồi đó bấm chuột lung tung…
Một sự thật nghiêm trọng hơn là năm 1991, khi tôi tổ chức một lớp thỉnh giảng chuyên đề về phương pháp phần tử hữu hạn và các phần mềm áp dụng phương pháp này tại một viện … nổi tiếng tại Sài Gòn. Tôi vốn là một kỹ sư nên bài giảng của tôi luôn luôn có phần thực hành đi theo, làm bài tập tính toán trực tiếp trên máy tính. Tôi đem tử Bỉ về một môn đệ gốc người Pháp, học trò xuất sắc của tôi. Tôi lo phần giảng lý thuyết và trợ lý của tôi lo phần thực hành. Trợ lý của tôi (nay là một giáo sư cơ học bề thế tiếng tăm tại Pháp) cài vào các máy tính của viện này các phiên bản của phần mềm chúng tôi đem về. Vì phần mềm này đang được thương mại hóa rất thành công tại Châu Âu (thiết kế cho máy bay Châu Âu) chúng tôi phải dùng các khóa cứng trên các máy tính để đảm bảo an toàn.
Đến chiều thứ hai khi bắt đầu phân phối bài tập cho học viên, chẳng có máy nào chạy cả. Trợ lý báo cho tôi hay là, lợi dụng những ngày cuối tuần, ai đó đã vào máy bẻ khóa với ý định chôm phần mềm của chúng tôi. Kẻ xấu không đạt được ý đồ, nhưng trong thao tác lung tung đã làm hỏng các lệnh tương tác với hệ thống điều hành. Không cài lại thì không thể xử dụng được.
Người trợ lý còn bảo với tôi là sẽ báo cáo về Bỉ việc này. Nội dung là đối tác mà tôi đã chọn là đối tác không thể tin tưởng được. Sau đó tôi bắt buộc phải ngưng mọi hợp tác với đối tác này. Họ đã hành xữ rất sai lầm. Nếu tử tế bình thường qua hợp tác họ sẽ có hết vì theo dự án, chúng tôi đã trù liệu không những cung cấp miễn phí phần mền sau khóa học mà còn ra sức đào tạo nhân sự biết xử dụng, làm chủ trọn vẹn công nghệ… Mọi chi phí đã được bố trí trong nội dung dự án…
Đây chính là tư duy ăn xổi ở thì trong giáo dục khoa học công nghệ, phát xuất từ những quan điểm cố hữu sai trái, những tệ đoan đã dần dần thành hệ thống…
Thành ra tôi rất đồng ý với GS. Pierre Darriulat, nói ra sự thật là thiết yếu trong tình hình hiện nay. Bởi vậy, tôi cho rằng các nhà khoa học Việt kiều thành công ở nước ngoài khi về Việt Nam tác nghiệp, nên cố gắng giữ cho mình một tinh thần độc lập, phê phán và phản biện nghiêm túc và kịp thời những sai trái hiện hữu. Chỉ có như thế mới có thể góp phần hữu hiệu cho việc đóng góp “đổi mới toàn diện” nền giáo dục, phong cách quản lý khoa học đã bị chệch hướng từ quá lâu tại Việt Nam.
Trong phần đầu của bài viết GS. Pierre Darriulat có nhắc đên quan điểm của GS Hồ Đắc Di về giáo dục và quản lý khoa học. Chúng ta không nên quên là GS Hồ Đắc Đi đã được đào tạo bài bản tại Pháp từ những năm 20 của thế kỷ trước. Và bắt đầu từ những năm 30 khi ông về Việt Nam hành nghề, ông đã bị chính quyền thuộc địa Pháp đối xử không công bằng. Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa Pháp không có yếu tố toàn trị, nên cuối cùng vẫn có những đồng nghiệp người Pháp trong giới lãnh đạo y học như  hiệu trưởng trường Đại học Y – Dược thuộc Đại học Đông Dương bác sĩ Leroy des Barres mời ông về giảng dạy về phụ sản tại Hà Nội, nối lại những chức năng mà ông đã từng có tại Paris.
Vấn đề cốt lõi của công cuộc “đổi mới toàn diện” nền giáo dục và phong cách quản lý khoa học Việt Nam theo tôi, chính là loại ra ngoài lề yếu tố toàn trị, tôn trọng tự do học thuật, tôn trọng quyền lợi chính đáng của trí tuệ, của nhà khoa học, người trí thức.
Đó là những điều tôi hiểu khi đọc bài của GS. Pierre Darriulat và một lần nữa, cám ơn ông đã có cái nhìn khách quan, vô tư nhưng rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và quản lý khoa học tại nước ta.
Sài Gòn ngày 19/2/2014
GS Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư danh dự Đại học Liège, Bỉ,
_______________________________________________________________________________________

Dũng cảm nhìn vào sự thật

Pierre Darriulat


Trong lớp trẻ ngày nay không có nhiều người theo đuổi các ngành KH&CN mà chỉ chạy theo sự hào nhoáng của tên gọi các ngành học, các trường đại học đua nhau mở các khóa kinh tế học, quản trị, marketing, nhưng sự thật là đa phần họ chỉ đào tạo ra những giao dịch viên ngân hàng, những nhân viên bàn giấy, những đốc công, và những người bán hàng.
Do ảnh hưởng từ những giá trị chuẩn mực của khoa học phương Tây, chúng ta vẫn thường tôn vinh những phẩm chất như sự nghiêm túc trong tư tưởng và đạo đức khoa học, hay tự do học thuật; chúng ta đấu tranh chống lại những luận điệu áp đặt mang tính phi khoa học, khuyến khích lối tư duy phê phán; hướng tới sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giữa lý thuyết và thí nghiệm hay quan sát thực tế, giữa nghiên cứu và giảng dạy; chúng ta cũng mong muốn những lời phát biểu của Giáo sư Hồ Đắc Di tại rừng Việt Bắc những năm 1947 – 1949 sẽ trở thành nền tảng để xây dựng hệ thống đại học Việt Nam hiện đại. Đó là những lý tưởng tốt đẹp mà nhiều người trong chúng ta đã dành cả cuộc đời mình để theo đuổi.
Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc VI, 1986
Tuy vậy, mối nguy hiểm ở đây là đôi khi chúng ta vì mải mê đắm chìm vào lý tưởng mà quên nhìn vào thực trạng của nền giáo dục đại học và khoa học của đất nước, vốn còn xa mới đạt tới những gì ông Hồ Đắc Di mong mỏi. 
Khi bàn về giáo dục đại học ở Việt Nam, người ta thường nhắc đến ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa Việt; họ cũng luôn nói rằng Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng còn sớm hơn cả trường đại học lâu đời nhất ở châu Âu, rằng người Việt luôn luôn đề cao vai trò của sự học. Nhưng sự thật, là cách đây gần một thế kỷ, hơn 90% dân số Việt Nam không biết đọc, và 30 năm chiến tranh đã gây nhiều tác động tiêu cực tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả một thế hệ. 
Ngày nay, tình hình đã thay đổi: hơn 90% dân số biết đọc biết viết; các bậc cha mẹ đều tìm cách hướng con em mình theo học đại học, nơi được coi là cánh cửa dẫn tới tiền tài, địa vị xã hội, hạnh phúc, tức là tất cả những gì họ từng mong ước nhưng chưa có được trong những năm tháng gian truân vất vả khi xưa. Họ không quản ngại hy sinh để cho con theo học đại học, những gia đình khá giả hơn thậm chí còn dành dụm tiền để gửi con đi du học nước ngoài. Trong suy nghĩ của họ, họ đánh đồng hạnh phúc với tiền tài, văn hóa với sự giàu có; và sự thật là con em họ trưởng thành với tư tưởng coi trọng tiền bạc hơn kiến thức.
Lãng phí các nguồn lực
Sự thật là trong lớp trẻ ngày nay không có nhiều người theo đuổi các ngành KH&CN, một phần do các tổ chức học thuật trong nước vô cùng thụ động trong các hoạt động quảng bá cho khoa học và hỗ trợ sự phát triển của thế hệ trẻ. Trong khi đó, chạy theo sự hào nhoáng của tên gọi các ngành học, các trường đại học đua nhau mở các khóa kinh tế học, quản trị, marketing, nhưng sự thật là đa phần họ chỉ đào tạo ra những giao dịch viên ngân hàng, những nhân viên bàn giấy, những đốc công, và những người bán hàng. Tại các trường đại học ở Hà Nội mà tôi có dịp tham gia giảng dạy, tôi thấy rất nhiều sinh viên uổng phí bốn năm học chỉ để làm một việc là quên lãng dần những kiến thức phổ thông bởi các trường đại học không nghiêm túc kiểm soát chất lượng kiến thức của người học nhưng vẫn cấp bằng, điểm số được chấm một cách dễ dãi, năng lực và tài năng của sinh viên không được đánh giá một cách đúng mực. Vì vậy, những người có hiểu biết đều thiếu niềm tin vào chất lượng cũng như năng lực của các trường đại học trong nước tới nỗi họ tìm mọi cách gửi con cái mình đi du học.
Người thầy giáo nào càng đào tạo được nhiều học trò giỏi hơn mình thì càng hạnh phúc. – Giảng dạy và nghiên cứu là hai anh em sinh đôi, và nhiều khi giảng đường trang nghiêm chỉ là sảnh chờ trước khi bước vào phòng thí nghiệm. – Trường đại học không chỉ là nơi giảng dạy khoa học đã hình thành, mà còn là nơi đang hình thành khoa học. – Nghiên cứu là làm việc theo nhóm. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ và nhẫn nại. Nó bao gồm những kỹ năng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, luôn không ngừng tìm kiếm phát minh để có thể nắm bắt cơ hội. Cùng với công việc, trí tưởng tượng và  phương pháp, cơ hội và sự quan tâm sẽ đến trong tầm tay. – Nhà khoa học phải có một phông văn hóa rộng để không chỉ như những người thợ thủ công lành nghề được đào tạo ở các trường trung học chuyên nghiệp. Đào tạo các nhà khoa học phải chú trọng phát triển cả về trí tuệ và đạo đức, bao gồm cả khoa học và nghệ thuật. – Tinh thần học thuật là một đặc trưng của đào tạo giáo dục bậc cao so với bậc trung học và trung học chuyên nghiệp; đó là sự thỏa hiệp giữa sinh viên và giảng viên mà không có chỗ cho việc lạm dụng quyền hạn. Chỉ khi đó, thông qua mối quan hệ không áp đặt, năng lực phán xét mới có thể nở rộ hoàn toàn tự do-đó là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa trí tuệ nhân loại, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với khoa học. – Khi học thì phải nghi ngờ và khi làm thì phải có niềm tin. – Có thể điều khiển được các nhà khoa học, nhưng không thể điều khiển được Khoa học. – Thật quý giá cho nhà khoa học nào có một công việc kết hợp được cả Khoa học và Lương tâm. Có tài là chưa đủ; mà phải có đạo đức trong sáng.  – Trường đại học phải tự hào vì đã quyết tâm gìn giữ di sản trí tuệ của những người đang đấu tranh vì tự do.Người thầy giáo nào càng đào tạo được nhiều học trò giỏi hơn mình thì càng hạnh phúc. – Giảng dạy và nghiên cứu là hai anh em sinh đôi, và nhiều khi giảng đường trang nghiêm chỉ là sảnh chờ trước khi bước vào phòng thí nghiệm. – Trường đại học không chỉ là nơi giảng dạy khoa học đã hình thành, mà còn là nơi đang hình thành khoa học. – Nghiên cứu là làm việc theo nhóm. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ và nhẫn nại. Nó bao gồm những kỹ năng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, luôn không ngừng tìm kiếm phát minh để có thể nắm bắt cơ hội. Cùng với công việc, trí tưởng tượng và  phương pháp, cơ hội và sự quan tâm sẽ đến trong tầm tay. – Nhà khoa học phải có một phông văn hóa rộng để không chỉ như những người thợ thủ công lành nghề được đào tạo ở các trường trung học chuyên nghiệp. Đào tạo các nhà khoa học phải chú trọng phát triển cả về trí tuệ và đạo đức, bao gồm cả khoa học và nghệ thuật. – Tinh thần học thuật là một đặc trưng của đào tạo giáo dục bậc cao so với bậc trung học và trung học chuyên nghiệp; đó là sự thỏa hiệp giữa sinh viên và giảng viên mà không có chỗ cho việc lạm dụng quyền hạn. Chỉ khi đó, thông qua mối quan hệ không áp đặt, năng lực phán xét mới có thể nở rộ hoàn toàn tự do-đó là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa trí tuệ nhân loại, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với khoa học. – Khi học thì phải nghi ngờ và khi làm thì phải có niềm tin. – Có thể điều khiển được các nhà khoa học, nhưng không thể điều khiển được Khoa học. – Thật quý giá cho nhà khoa học nào có một công việc kết hợp được cả Khoa học và Lương tâm. Có tài là chưa đủ; mà phải có đạo đức trong sáng.  – Trường đại học phải tự hào vì đã quyết tâm gìn giữ di sản trí tuệ của những người đang đấu tranh vì tự do.
GS Hồ Đắc Di
Tôi cũng đã thấy nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp lại khăn gói lên đường tầm sư học đạo xứ người, chắc mẩm rằng cứ đi du học là tự khắc sẽ giỏi, nhưng khi đối diện với thực tế đã vỡ mộng ra sao. Những người thành công thì hoặc là định cư hẳn ở nước ngoài, hoặc là về nước để rồi không tìm thấy cơ hội phát triển sự nghiệp xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra để học hỏi những kỹ năng mới, kiến thức mới. Sự thật, là tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra gay gắt. Tất cả những công sức đầu tư của các gia đình và cả Nhà nước gửi người đi đào tạo ở nước ngoài rốt cuộc trở thành lãng phí vì chúng ta không khai thác sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đó. 
Một trong những ví dụ điển hình là trong hơn một thập kỷ nay, người ta đã bàn bạc nhiều về chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, nhưng rút cục trên cả nước vẫn chưa có một trung tâm đào tạo các nhà khoa học, các kỹ sư giúp vận hành nhà máy điện hạt nhân tương lai; nơi có thể gửi người đi tập huấn rồi trở về truyền đạt lại kiến thức cho sinh viên, hoặc mời chuyên gia nước ngoài tới giảng những khóa ngắn hạn theo từng chủ đề cụ thể; nơi có thể tận dụng các kinh nghiệm nghiên cứu tích lũy được trong nhiều năm qua tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Trong khi đó, chúng ta vẫn cứ tiếp tục gửi người đi du học nước ngoài mà không hề giám sát tiến độ học tập của họ, và cũng chẳng hề chuẩn bị để có thể tiếp nhận và sử dụng hiệu quả họ sau khi tốt nghiệp về nước. 
Kết quả là, tới nay chúng ta vẫn hoàn toàn thiếu sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân, và đây là lí do khiến một số chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này có ý kiến cho rằng Việt Nam nên từ bỏ tham vọng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai trước mắt. Đây cũng là một sự thật đáng tiếc.
Cách đây mấy năm, Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) ra đời. Đó là một sáng kiến rất đáng khen, nhằm tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp đánh giá các đề tài nghiên cứu một cách khách quan hơn. Nhưng sự thật, là số tiền tài trợ cho các dự án mới kể từ ngày 01/01/2013 cho tới hơn một năm sau mới được Bộ Tài chính duyệt cho giải ngân. Điều này gây ra nhiều xáo trộn nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các đề tài. Mặt khác, là quỹ NAFOSTED đến nay vẫn chưa có động thái nỗ lực nào để khuyến khích tinh thần làm việc nhóm và tự do sáng tạo cá nhân. Trái lại, họ yêu cầu mỗi thuyết minh đề tài phải giải trình thật chi tiết nội dung đóng góp của từng cá nhân thay vì cho phép chủ nhiệm đề tài tự quản lý một cách linh hoạt công việc của các thành viên tham gia thực hiện đề tài. 
Người ta vẫn thường kêu ca rằng sở dĩ nền nghiên cứu của Việt Nam khó cất cánh được là vì thiếu thiết bị nghiên cứu. Nhưng sự thật như tôi được biết có những thiết bị quan trọng do các cơ quan nghiên cứu mua, hoặc do nước ngoài tài trợ, nhưng rồi bị đắp chiếu vì trong nước không có người đủ năng lực khai thác, sử dụng. 
Một Việt kiều từng tặng cho Việt Nam một giao thoa kế vô tuyến, để rồi nó bị chôn vùi trong tủ để đồ ở một trường đại học tại Hà Nội trong suốt 15 năm. Sau khi được chúng tôi phát hiện và mang về, nó đã được một sinh viên của tôi sử dụng phục vụ nghiên cứu cho luận văn thạc sỹ. Nhưng rồi một vị công chức bàn giấy trong trường phát hiện ra rằng danh sách hàng tồn kho của anh ta thiếu mất thiết bị ấy nên đã gọi chúng tôi đòi lại. Vậy là nó lại quay về nằm im trong tủ và nhiều khả năng sẽ ở lại đó vĩnh viễn. 
Khoa vật lý hạt nhân của một trường đại học từng bỏ ra vài triệu đô la để mua một chiếc máy gia tốc mà họ cũng không biết phải dùng để làm gì. Thực ra, loại máy gia tốc này chỉ hữu ích cho giới vật lý hạt nhân khoảng 60 năm về trước, còn hiện nay nó chỉ có thể được sử dụng trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu mà thôi. Tuy vậy, người ta vẫn quyết định mua, nhưng lại không cho các nhà khoa học vật liệu cơ hội sử dụng nó. 
Sự thật là tôi đã thấy có những cá nhân xin mua những thiết bị lớn đắt tiền, giá cả có khi lên tới hàng trăm triệu đô la hoặc hơn, mà không hề tham khảo ý kiến của đồng nghiệp và cũng không lưu tâm tới thực tế là trong nước không có người đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để vận hành và bảo dưỡng thiết bị đó một cách hợp lý. Tôi còn được biết rằng bạn bè quốc tế đã tặng cho Việt Nam những công cụ máy móc cơ khí hiện đại nhưng rồi tất cả đều bị đắp chiếu trong xưởng tới hàng thập kỷ đơn giản vì không có người vận hành. 
Bằng cấp và đạo đức 
Những người sở hữu bằng đại học lẽ ra phải được coi là người có năng lực, và tấm bằng đại học lẽ ra phải là bàn đạp phát triển cho giới trẻ hòa nhập vào giới tinh hoa của nước nhà, là nền tảng xây dựng tương lai đất nước. Sự thật, là tiền lương công nhân viên chức không đủ để họ nuôi gia đình, nên họ phải bươn chải làm ngoài để sinh tồn. Trong khi đó, không có sự khác biệt về tiền lương nào giữa những người làm việc chăm chỉ và những người thậm chí còn không thèm bước chân vào cửa cơ quan, ngoại trừ những dịp như dịp lễ tết để thu phong bì. Sự thật thì chiếc bằng đó chẳng mấy hữu dụng, và cách tốt nhất để kiếm được một vị trí như ý nhiều khi là đưa những chiếc phong bì cộm tiền cho những vị thủ trưởng, hoặc có người thân làm to. Đó là những câu chuyện đáng buồn mà tôi đã từng chứng kiến. 
Mấy năm trước, ngài Phó Thủ tướng chia sẻ tham vọng được thấy 20.000 tiến sĩ tốt nghiệp vào năm 2020. Sự thật, là ba cựu nghiên cứu sinh của tôi từng theo học tiến sĩ trong dự án hợp tác giữa Việt Nam và các trường đại học danh tiếng của Pháp, nhưng cho tới giờ họ vẫn chưa nhận được bằng của phía Việt Nam cấp, bất chấp sự tồn tại của cái thỏa thuận chính thức giữa hai nước rằng sau khi nghiên cứu sinh bảo vệ khóa luận, trường đại học của cả hai bên đều phải cấp bằng. Một sinh viên của tôi đang làm tiến sĩ tại Việt Nam đã viết xong luận án từ cách đây vài tháng, nhưng giờ lại phải vượt qua một chặng đường dài gồm một loạt những thủ tục hành chính đặt ra chỉ để đánh đố nhau: tám buổi thuyết trình; một bản nhận xét của hai thầy phản biện – một trong hai người đó đã đưa ra những nhận xét lộ rõ sự yếu kém năng lực chuyên môn của mình; thu thập đủ 15 đánh giá tốt từ 50 tiến sĩ tại Việt Nam – thực tế là phần lớn những người này không hiểu gì về luận văn đó dù đã được gửi bản thuyết minh tóm tắt. 
Chúng ta phải có can đảm để đối diện với sự thật. Vấn đề không phải là đổ lỗi cho ai đó, bởi có quá nhiều tác nhân lịch sử dẫn tới tình trạng như hiện nay. Người duy nhất có lỗi ở đây là người chối bỏ sự thật.
Hiện nay, các nghiên cứu sinh cứ ba tháng một lần phải gửi báo cáo cho phòng phụ trách nghiên cứu sinh của trường để báo cáo tiến độ, như thể người ta cho rằng vị quản lý nghiên cứu sinh là kẻ bất tài, thiếu trách nhiệm, hay gian dối, không đáng tin cậy để thực hiện công việc đó. Chúng ta sẽ dễ nghĩ rằng cách giám sát kỹ càng như vậy có thể hạn chế những gian lận trong việc cấp bằng, nhưng trên thực tế, chúng ta lại thường xuyên phải nghe đến những vụ mua bán bằng cấp hay thuê người viết luận văn, hay khá khẩm hơn là được cắt dán xào xáo bởi những người chuyên sống bằng nghề này.   
Người ta ưa dùng những danh xưng nghe thật “kêu”. Đi dọc hành lang các viện nghiên cứu hay các trường đại học, ta sẽ bắt gặp không ít những cánh cửa gắn biển giám đốc phòng này, giám đốc ban nọ, nhưng sự thật, là phòng này ban nọ mà vị giám đốc đó lãnh đạo thường chỉ gồm có một người – tức là chính vị giám đốc đó – còn văn phòng của ông ta thì hầu như lúc nào đóng cửa bỏ không. Tôi có những sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp của một khoa được coi là chất lượng cao tại một trường đại học Hà Nội, có tên gọi Năng lượng cao và Vũ trụ học. Nhưng thực tế là những sinh viên của khoa này chẳng hề biết thuyết tương đối hay vũ trụ học là gì, thậm chí thiếu cả những kiến thức rất sơ đẳng về vật lý.
Cách đây mấy năm dư luận xôn xao về một vụ đạo văn. Nguyên là một nhóm các nhà vật lý, trong đó có hai giáo sư, một người giữ chức vụ cao, từng đại diện Việt Nam trong một sự kiện quốc tế, đã “xào nấu” một công trình nghiên cứu bằng cách cắt dán lại từ những tài liệu đã được công bố, sau đó thêm thắt vào một vài câu vô nghĩa rồi gửi tới nhiều tạp chí quốc tế khác nhau. Một số báo đã nhận đăng – điều này phản ánh chất lượng thẩm định của các báo đó tệ hại như thế nào – nhưng có một số báo đã phát hiện ra được sự gian dối. Nhưng sự thật là đến nay các nhà quản lý của chúng ta vẫn chưa có biện pháp nào ngăn cản, hạn chế những sự việc như vậy tái diễn.
Đối diện với sự thật như thế nào?
Nền giáo dục sẽ chẳng đi tới đâu khi mà cách tốt nhất để người ta kiếm được một công việc tốt là có tiền, mối quan hệ, hay có người thân làm quan chức. Tham nhũng là kẻ thù tồi tệ nhất của giáo dục.
Sự thật, là chúng ta phải xây dựng lại từ đầu một hệ thống trường đại học Việt Nam đáp ứng nhu cầu của tương lai, và việc che giấu những khuyết điểm như chúng ta vẫn làm trong suốt những thập kỷ qua sẽ không đi tới đâu cả. Chúng ta phải có can đảm để đối diện với sự thật. Vấn đề không phải là đổ lỗi cho ai đó, bởi có quá nhiều tác nhân lịch sử dẫn tới tình trạng như hiện nay. Người duy nhất có lỗi ở đây là người chối bỏ sự thật.
Sự thật là việc xây dựng một hệ thống trường đại học như vậy sẽ phải trải qua nhiều thế hệ. 2/3 người Việt Nam sinh ra sau thời kỳ Đổi mới. Chúng ta cần phải suy nghĩ lại xem mình cần – và có thể – đem lại cho họ loại hình giáo dục, đào tạo nào. Chúng ta phải ngừng ngay việc so sánh các trường đại học Việt Nam với các trường đại học trên thế giới, bởi đây không chỉ là một việc làm vô nghĩa mà, tai hại hơn, còn gây ra những ngộ nhận về đường hướng. 

Chúng ta phải đặt ra các ưu tiên, và điều chỉnh cân đối tỉ lệ các trường hướng nghiệp, trường chuyên nghiệp, trường kinh doanh, và trường đại học. Chúng ta phải tìm hiểu rõ hơn đất nước mình cần bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu kỹ sư, hay giáo viên, những dự đoán sát thực tế hơn về số lượng nhà kinh tế, nhà quản lý, và doanh nhân cần thiết. Chúng ta cũng cần biết rõ về tỉ trọng nhân lực giữa hai khu vực nhà nước và tư nhân. 
Ngoài những vấn đề ưu tiên nói trên, chúng ta cũng cần phải ưu tiên khôi phục lại đạo đức và sự trung thực trong các hoạt động. Nền giáo dục sẽ chẳng đi tới đâu khi mà cách tốt nhất để người ta kiếm được một công việc tốt là có tiền, mối quan hệ, hay có người thân làm quan chức. Tham nhũng là kẻ thù tồi tệ nhất của giáo dục. 

Tôi vừa đọc xong cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình (Gia đình, Bạn bè, và Đất nước), trong đó có một chương thú vị nói về những vấn đề xảy ra trên dưới 30 năm trước mà bà phải đối mặt trong giai đoạn 10 năm bà làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Đó là: hợp nhất hai nền giáo dục Nam Bắc, xóa nạn mù chữ trong công nhân, xây trường mới (ở cả các vùng sâu vùng xa) và mở trường sư phạm để đào tạo giáo viên, duy trì hoạt động giáo dục trong giai đoạn khó khăn những năm 1979 – 1980, trồng cây vải ở Hải Dương giúp cải thiện đồng lương giáo viên, hướng dẫn thực hiện các hoạt động như “Phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, “Góp giấy làm kế hoạch nhỏ”, “Thu gom chai lọ”, hay “Góp lông gà lông vịt”. Qua cuốn hồi ký, có thể thấy  rằng vào cuối thập niên 1980, các trường đại học hiện đại Việt Nam đều được xây dựng lên từ rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Ngày nay, chúng ta cũng cần đối diện với một sự thật, rằng ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như hai lĩnh vực mà tôi quen biết là vật lý hạt nhân và vật lý học thiên văn, thì mọi việc hầu như phải bắt đầu từ con số 0. 
Vậy đến bao giờ chúng ta mới giải quyết được những vấn đề này, và tới khi nào trường đại học mà Giáo sư Hồ Đắc Di từng mơ ước mới trở thành hiện thực? 
Dĩ nhiên, chưa thể mong sẽ trông thấy nó trong tương lai gần. Chúng ta phải xây dựng nó từ đầu nên quá trình hoàn thiện có thể phải kéo dài hàng nhiều thế hệ chứ không chỉ vài năm. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng ngay từ bây giờ chúng ta vẫn có thể gieo trồng hạt giống của khoa học cơ bản với những nghiên cứu khai phá ở tận biên giới tri thức khoa học của nhân loại. Tất nhiên những nghiên cứu như vậy chỉ có thể thực hiện ở quy mô khiêm tốn, và phải ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Muốn vậy ta phải làm gì? 
Trước tiên, cần chọn ra một số lĩnh vực mà Việt Nam sẵn sàng – và có đủ khả năng – hậu thuẫn. Khi lựa chọn cần lưu ý đến tiềm năng phát triển một số lĩnh vực vẫn còn để ngỏ nhiều cơ hội nghiên cứu và chúng ta dễ đạt được thành tựu hơn trong một vài thập kỷ tới. 

Cũng cần phải cân nhắc tới vấn đề tài chính, không nên bỏ tiền xây dựng, chế tạo những thiết bị, cơ sở vật chất tốn kém trong khi có thể tận dụng những thiết bị ở nước ngoài với mức chi phí phải chăng; trước khi đầu tư xây dựng thiết bị khoa học mới trong nước, cần bàn bạc với nhiều bên, kể cả các chuyên gia nước ngoài. Cần phải tìm hiểu cụ thể về tài năng và năng lực của những người làm nghiên cứu trong nước; một ngành nghiên cứu nào đó chỉ có thể được tài trợ một cách hữu hiệu khi đã có sẵn một đội ngũ nghiên cứu năng động trong nước, đã từng chứng tỏ khả năng hoạt động hiệu quả của mình trong lĩnh vực đó. Và, mặc dù đây không phải là ưu tiên, nhưng cũng cần quan tâm tới mối liên hệ giữa lĩnh vực đó với các nghiên cứu ứng dụng và các địa chỉ ứng dụng khác. Tuy nhiên, trước khi đầu tư vào trang thiết bị, chúng ta cần đầu tư vào con người, chúng ta cần đầu tư vào trí tuệ, chúng ta phải xây dựng được những đội ngũ có đủ năng lực để sử dụng, vận hành, và bảo dưỡng những trang thiết bị đó.
Người ta vẫn thường kêu ca rằng sở dĩ nền nghiên cứu của Việt Nam khó cất cánh được là vì thiếu thiết bị nghiên cứu. Nhưng sự thật như tôi được biết có những thiết bị quan trọng do các cơ quan nghiên cứu mua, hoặc do nước ngoài tài trợ, nhưng rồi bị đắp chiếu vì trong nước không có người đủ năng lực khai thác, sử dụng.
Một vấn đề khác cần quan tâm là việc trọng đãi nhân tài. Ở đây, chúng ta cũng cần phải dũng cảm đối diện với sự thật. Sự thật là ở Việt Nam nhiều giảng viên đại học chỉ biết đọc bài giảng sẵn có trong sách giáo khoa và không đủ năng lực thực hiện công việc nghiên cứu. Vì vậy chúng ta phải khen thưởng cho những người có thể tự thiết kế chương trình, tự soạn bài giảng, và có tham gia nghiên cứu; những người này cần có những mức lương xứng đáng để họ có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời được xã hội tôn trọng. Hiện nay, thu nhập của một nhà nghiên cứu trẻ còn thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của một nhân viên bàn giấy tại ngân hàng hay doanh nghiệp tư nhân, khiến họ không được gia đình, bạn bè coi trọng và buộc phải làm thêm, dạy thêm quá sức để có thể sinh tồn. Với thực tế như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể xây dựng được ngôi trường đại học như mong muốn.  
Tuy nhiên, việc cần làm gấp hiện nay là trang bị cho giới trẻ những gì là cần thiết để họ có đủ dũng cảm đối diện với sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, hình thành lối tư duy phê phán, và theo đó mà hành động. Tức là, chúng ta cần đào tạo được những người trưởng thành có trách nhiệm.         Bùi Thu Trang dịch
Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=7318

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét