Nhiều cán bộ, công chức Việt Nam không về nước sau khi học tập, công tác ở nước ngoài
Báo chí Việt Nam mới đây đưa tin rằng hàng chục người được chính quyền Đà Nẵng cử đi học tập, công tác ở nước ngoài đã không về nước sau khi kết thúc chương trình, và một cán bộ ở Quảng Bình cũng không hồi hương sau khi đi du lịch Mỹ.
Những trường hợp này bổ sung vào con số hàng nghìn cán bộ, công chức Việt Nam được cử đi tu nghiệp bằng ngân sách nhà nước song không quay về nước khi hoàn thành các khóa học.
Các báo mạng, trong đó có VietnamNet, Tuổi Trẻ…, hôm 13/3 trích dẫn thông tin tại một hội nghị của công an Đà Nẵng cho hay 25 cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng được đưa đi đào tạo, công tác ở nước ngoài đã phá bỏ cam kết rồi “cư trú, làm việc ở nước ngoài”, ngoài ra, 17 học viên thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng “không trở về nước làm việc”.
Hội nghị ngày 13/3 của công an thành phố Đà Nẵng được tổ chức để đánh giá 5 năm thực hiện một chỉ thị của thủ tướng Việt Nam về “tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài”.
Ít ngày trước, báo chí trong nước đưa tin hôm 5/3 rằng Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình cho thôi việc một nữ cán bộ sau khi bà này nghỉ phép đi Mỹ du lịch rồi không trở về. Tin cho hay bà từng làm trong Phòng Tổ chức Cán bộ, Thanh tra và Thi đua Khen thưởng của toàn án.
Theo quan sát của VOA, những tin tức kể trên dẫn đến nhiều bàn luận trên mạng xã hội, bao gồm những thắc mắc vì sao các cán bộ nhà nước lại rời bỏ Việt Nam, nơi bộ máy tuyên truyền vẫn thường ca tụng là một đất nước “bình yên”, “ổn định” và “trên đà phát triển”, hay “ngày càng thịnh vượng”, để tìm cách ở lại Mỹ hoặc các nước tư bản vốn hay bị mô tả là “bất ổn”, “nguy hiểm”, “nhiều tệ nạn”, “bất công” hoặc thường xuyên có “khủng hoảng”.
Võ sư Đoàn Bảo Châu với nhiều ảnh hưởng trên Facebook viết trong trang cá nhân có hơn 150.000 người theo dõi rằng việc những người có học, có vị trí trong xã hội “bỏ nước ra đi” là một “sự thật rất đáng buồn” và ông hy vọng những người trong hệ thống nhà nước nhìn thấy điều đó cũng như tự tra vấn xem điều gì đang diễn ra.
Ông Châu chỉ ra thực trạng là còn có hàng nghìn người khác “khao khát” được đi lao động xuất khẩu hoặc tìm cách xuất cảnh chui, và đưa ra bình luận: “Người lãnh đạo cần có một tầm nhìn rất cao, rất rộng và quan trọng là phải có cái tâm rất cao quý để có thể đau lòng trước sự thật này”.
Trong các bài đăng và ý kiến thảo luận khác trên mạng xã hội, nhiều người đề cập đến những yếu tố làm cho một số lượng đáng kể những người Việt muốn ra nước ngoài sinh sống, đó là mức lương trong nước quá thấp so với năng lực của những ai có bằng cấp, cơ hội phát triển ít ỏi hơn so với ở nước ngoài, nền giáo dục của nhiều nước khác tiên tiến, hiện đại hơn Việt Nam, v.v…
Không ít ý kiến cho rằng nếu cơ chế đãi ngộ trong các cơ quan nhà nươc Việt Nam không cải thiện, xu hướng cán bộ, công chức phá cam kết khi được đưa đi nước ngoài sẽ còn tiếp tục.
Cách đây chưa lâu, hồi tháng 10/2023, các báo Tiền Phong, Đại Biểu Nhân Dân và nhiều báo khác dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết trong 10 năm từ 2013-2022, bộ này cấp ngân sách nhà nước cho gần 12.000 người đi học ở nước ngoài, nhưng trong số đó, gần 4.500 người “chưa trở về nước làm việc dù đã đến hạn”.
Để khắc phục tình trạng này, ngoài các biện pháp như phạt hoặc yêu cầu người đi học phải hoàn trả tiền được cấp, Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy cần phải “cải thiện môi trường nghiên cứu, làm việc trong nước theo hướng hiện đại, công bằng, lành mạnh và bảo đảm điều kiện làm việc thuận lợi”, theo tường thuật của Đại Biểu Nhân Dân.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khuyến nghị rằng điều không kém phần quan trọng là phải “bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện các chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài như trả lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện làm việc, xây dựng quy định hỗ trợ tài năng, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, v.v...”.
Ngoài các trường hợp nghiên cứu sinh, du học sinh được nhà nước cấp tiền đi tu nghiệp ở nước ngoài song không quay về, còn có một số vụ doanh nhân, công chức, quan chức “trốn ở lại nước ngoài” trong những năm gần đây, theo ghi nhận của VOA.
Vụ việc gây chú ý nhất là 9 người đã “bỏ trốn, cố ý ở lại Hàn Quốc” hồi tháng 12/2018 khi đi cùng phái đoàn chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Phải đến tháng 9/2019, bộ trưởng kế hoạch-đầu tư của Việt Nam mới xác nhận vụ này.
Vào tháng 11/2019, tỉnh Cà Mau ra quyết định kỷ luật, cho thôi việc một nữ phó trưởng phòng thuộc Chi cục Biển và Hải đảo của tỉnh vì bà này đi đào tạo ở Úc nhưng không về khi kết thúc chương trình.
Hồi tháng 12/2016, báo chí Việt Nam đưa tin một nam cán bộ thuộc Bộ Công Thương giữ chức phó tổng giám đốc công ty nhà nước PV Power đi Singapore học và không về, dù cơ quan không chấp nhận cho ông làm như vậy.
Trước đó, giữa tháng 8/2014, Sở Ngoại vụ tỉnh Cần Thơ cho biết một nam phó trưởng phòng hợp tác quốc tế đã “tự ý xuất cảnh” và “trốn ở lại Mỹ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét