Trần Hữu Thục
Bài viết mang nhiều tính chất thời sự này là tổng hợp của bảy (7) bài viết của cùng tác giả về cựu tổng thống Donald Trump, kể từ ngày ông xuất hiện trên chính trường Hoa Kỳ vào năm 2015 cho đến tháng 2/2021 đi trên các trang mạng Da Màu, Văn Việt, Bauxite Việt Nam, Diễn Đàn Thế Kỷ, được nhuận sắc và cập nhật với những tin tức mới nhất trong thời gian vừa qua, trong cố gắng dựng lại chân dung sống động của một nhân vật lịch sử đương đại.
Tác giả
Đôi dòng lan man…
Donald Trump, sinh năm 1946, là một nhân vật lạ, hiếm.
Nhân dáng ông to, cao 6 feet 2 (gần 1 mét 9), chỉ thua có viên cựu Giám đốc FBI James Comey (cao 6 feet 8). Bước chân vững. Giọng nói mạnh. Cả người toát ra một cái gì rất đàn ông. Lời phát ngôn nào của ông cũng nghe chắc như đinh đóng cột. Nói như máy nói. Nói không cần uốn lưỡi, dù chỉ là uốn một lần. Khi nói, trong lúc hai cánh tay xòe ra hai bên với hai bàn tay mở rộng, bao biện thì ngược lại, miệng ông thu nhỏ, tròn, gọn – một đặc điểm nổi bật mà đức Đạt Lai Lạt Ma chọn để diễn tả về ông khi được nhà báo Piers Morgan phỏng vấn trên truyền hình.
Chữ ký của Trump cũng khác lạ.
Nó trông giống một đoạn hàng rào thép gai: lởm chởm, góc cạnh. Mấy chữ cái viết hoa (D,T,P) nhô cao hẳn lên, bất thường. Loại chữ ký như thế này, theo dân bói toán, cho thấy ông thuộc hạng người luôn luôn bị ám ảnh bởi thứ quyền hành của riêng mình. Chẳng mấy thân thiện hay cởi mở với người khác. Chẳng chịu nhường ai. Khi làm tổng thống, mỗi lần ký xong một “executive order”, ông đưa cao tài liệu cho ai cũng nhìn thấy rõ chữ ký của mình, với khuôn mặt sáng lên, kiêu hãnh và thỏa mãn. Với ông, me first. Ông hay tự khen mình. Tự khen khi chưa làm, tự khen trước khi làm và thậm chí tự khen cả khi… không làm được hay thất bại. Chẳng thế mà, trong một bài báo viết cho CNN, Michael D’Antonio gọi ông là một “tổng thống bé con” (a little boy president) (1). Chính ông, ông cũng thú nhận là “Khi tôi nhìn vào chính tôi lúc còn học sinh lớp Một và nhìn tôi bây giờ, tôi thấy về căn bản vẫn là một người. Tính tình không có gì khác lắm.” Vâng, đúng là không khác. Có điều, cậu bé lớp Một ngày xưa có nói này nói nọ, cũng chỉ dính líu đến bản thân cậu bé, còn “tổng thống bé con” ngày nay, nhất cử nhất động đều ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Chả thế mà, trong suốt bốn năm làm tổng thống, cả thế giới gần như chao đảo theo ông, do những hành vi hay phát ngôn bất ngờ và bất thường của ông. Với cung cách đó, ông là một tổng thống phá cách. Về nhiều mặt. Ông phớt lờ các thủ tục ngoại giao, chẳng hạn bỏ họp với đồng minh nửa chừng, chen lấn với lãnh tụ thế giới để được đứng trước. Ông không thèm phong cách “quân tử” Tàu: “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy.” Hôm nay ông nói ngược, ngày mai ông nói xuôi, tự nhiên như nhiên. Ông cũng chẳng cần “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, kiểu Việt Nam. Ông không cần tổng-thống-tính (presidentiality). Đúng hơn, ông tạo ra một tổng-thống-tính kiểu mới, phi truyền thống. Ông coi đại sự là tiểu sự; và biến tiểu sự thành đại sự. Trong lúc xem thường những sự kiện có tầm mức ảnh hưởng lớn trên thế giới, ông lại quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, có cái rất nhỏ nhặt, như lời phê bình tiệm ăn của một khách hàng, con số người tham dự ngày lễ nhậm chức của ông, số phiếu bầu phổ thông, chuyện tờ báo New York Times sụt giảm số người đặt mua, hay chê diễn viên hài Stephen Colbert, chê những vở kịch giễu hài của Saturday Night Live.
Cá tính hay thủ đoạn, bản năng hay suy luận, chiến lược hay ngu dốt, ngây thơ hay tính toán? Chịu! Hiểu ngã nào, chúng cũng đi ngược lại óc phán đoán bình thường của mình. Trump vi phạm (trầm trọng) những tiêu chuẩn bình thường và, có thể, cả tiêu chuẩn không-bình-thường. Còn hơn thế: Trump sáng tạo chúng. Một cách rất hồn nhiên. Trump là một trộn lẫn kỳ lạ giữa thành thật và dối trá, giữa quyết đoán và khinh mạn, giữa trẻ thơ và người lớn, giữa nghiêm túc và giễu cợt. Tính cách đó thể hiện ngay trong chính quyền ông. Ron Klain cho rằng, chính quyền Trump là chế độ tổng thống một-người (a one-man presidency). “Không có một chủ thuyết Trump. Không có một kế hoạch Trump. Không có một chủ nghĩa Trump. Chỉ có Trump. Bất cứ những gì Trump nói ra là những gì Trump nói. Chẳng có ai khác nói thế cho ông.” Cũng thế, theo Shirley Anne, Đại học Gettysburg, việc làm tổng thống của Trump là một “one-man show”, màn trình-diễn-một-người. Cho đến cuối nhiệm kỳ của mình, có khá nhiều chức vụ trong tòa Bạch Ốc cũng như trong nội các chưa được Trump bổ nhiệm. Lý do? Trump chẳng cần.
Bỏ ra ngoài chuyện chính sách này chính sách nọ thường được biện giải theo từng quan điểm, tất cả những hành vi, cử chỉ của Trump, nếu tập hợp lại, có thể biên soạn thành một tập sách dày: nói nhịu khi phát biểu về Jerusalem; viết sai chính tả, sai ngày tháng, sai sự kiện trong các “tuýt” (tweet) (2) của mình; chen ngang và gần như xô đẩy lấn chỗ của một lãnh tụ nước khác trên diễn đàn quốc tế, lờ đi không cần bắt tay bà thủ tướng Đức, chế giễu chuyện ấm nóng toàn cầu, dọa cúp viện trợ cho nước nào không bỏ phiếu ủng hộ Mỹ tại LHQ, để mắt trần xem nhật thực, chế giễu hay phê phán những định chế có sẵn như CIA và FBI, tố cáo cả quan tòa hay những người cùng đảng và cả nhân viên nội các do mình bổ nhiệm, chỉ trích các tổng thống tiền nhiệm và chỉ trích người đã bị mình đánh bại, chỉ trích toàn thể ngành truyền thông vốn được xem là quyền thứ tư; nói xỏ xiên, sỉ nhục người này người nọ, đối thủ cũng như đồng minh, từ một nhà độc tài cho đến một cầu thủ bóng cà-na, vân vân và vân vân…
Trump đã và đang là một hiện tượng.
Mãi đến bây giờ, sau khi không còn là tổng thống nữa và bị các “Big Tech” (Đại công ty công nghệ truyền thông) (3) đình chỉ tài khoản riêng của ông, ông vẫn mãi hiện diện đâu đó và các phát biểu của ông vẫn có một ảnh hưởng lớn trên chính trường Hoa Kỳ.
*
Cái gì đã làm cho tổng thống Donald Trump trở thành “hiện tượng”?
Có thể có nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố đó, theo tôi, là ngôn ngữ.
Nicholas O’Shaughnessy, tác giả của tập sách “Selling Hitler: Propaganda and the Nazi Brand”, viết: “Ông đã phát triển một cá tính giúp ông nói những điều kỳ quặc và chuyển đảo chúng thành ý nghĩa của ngôn ngữ.” Đẩy xa hơn, với tính cách này, O’Shaughnessy tâng ông lên thành “viên đại sứ của xã hội hậu-sự-thật”(ambassador of the post-truth society) và là hình mẫu của một “tổng thống hậu-sự-thật” (a post-truth president). Hậu-sự-thật là gì? Là “Có liên hệ đến hay bao hàm những tình huống trong đó những sự kiện khách quan có ít ảnh hưởng đến việc hình thành dư luận hơn là những gì gây nên xúc cảm hay niềm tin cá nhân.” (4) Post-truth, một tính từ (adjective), được tổ hợp biên soạn từ điển Oxford Dictionaries (Anh) chọn làm từ vựng của năm 2016 (Word of the Year 2016) (5). Chữ này xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1992, nhưng năm 2016 đã được sử dụng đến mức tối đa, tăng 2000% so với năm 2015, nhân sự kiện Brexit ở Anh và bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Nước Mỹ đã chọn ông, đã hứng khởi cũng như lao đao theo cuộc phiêu lưu mà ông vạch ra trong suốt bốn năm ròng đầy biến động và trông bộ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng những gì ông đã nói, đã làm và tiếp tục nói, tiếp tục làm, mặc dù ông không còn làm tổng thống nữa.
Nhảy vào chính trường: chống phát ngôn “phải đạo”
Vừa nhảy vào chính trường (2015), Trump đã trở thành một ông vua: vua tranh cãi (King of Controversy), theo Julian Zelizer (CNN). Độc đáo, khác thường, Trump xuất hiện đột ngột, làm xáo trộn cái không khí tranh cử vốn thường nghiêm túc và lịch sự trên chính trường Mỹ. Là một người của công chúng, Trump vi phạm hầu như tất cả những chuẩn mực thông thường của bất cứ một cá nhân nào khi giao tiếp với đám đông. Đối với một chính trị gia đang ngấp nghé làm tổng thống của cường quốc số một trên thế giới, vi phạm đó lại càng trầm trọng. Đã thế, vi phạm ở đây không do lỡ lời, do bất cẩn hay do ngu dốt: Trump vi phạm một cách hoàn toàn có chủ ý. Tờ “The Economist” (Anh) cho Donald Trump là một gã hề, một loại ứng cử viên bất bình thường, thô lỗ, một loại người “không thể được bầu” (un-electable). Một tờ báo khác, “Huffington Post” (HuffPost), đưa các bản tin liên quan đến Donald Trump vào mục giải trí, thay vì tin thời sự.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, khi điểm thăm dò dư luận của ông lên cao một cách bất ngờ và khó hiểu, Trump bỗng được nhìn một cách hoàn toàn khác. Trump trở thành một ứng cử viên “rất có thể được bầu” (very electable). Từ chỗ là một hiện tượng bất thường, Trump trở thành một sự kiện hấp dẫn. Từ chỗ là một nhân vật phi chính trị, hài hước, dở hơi, ông trở thành một ứng cử viên sáng giá. Chỉ trong một sớm một chiều, ông đẩy các chính trị gia sừng sỏ khác của Đảng Cộng Hòa vào bóng mờ. Quần chúng ủng hộ ông càng ngày càng cuồng nhiệt, đến nỗi nhà báo Melanie Tannenbaum gọi là chứng “nghiện Trump” (Trump-mania), mà những người Việt không ưa ông Trump gọi một cách xiên xỏ là “cuồng-Trump” (6). Giải mã hiện tượng này, Melanie Tannenbaum tìm ra một yếu tố then chốt: tâm lý thù ghét cái được gọi là “political correctness”. Hiểu nhóm từ này sẽ một phần nào hiểu được tính cách bất thường của Trump và hiện tượng “nghiện Trump”.
“Political correctness” (danh từ) và “politically correct” (tính từ) viết tắt là PC hay pc (đừng lẫn lộn với PC = personal computer) có một lai lịch khá phức tạp (7), được sử dụng một cách phổ biến ở Hoa Kỳ vào khoảng thập niên 1990. Đó là cách dùng ẩn dụ để chỉ một hình thức phát ngôn được chọn lựa cẩn thận. PC, nói chung, mô tả lối phát ngôn thận trọng của bất cứ một ai khi truyền đạt đến công chúng, cố tránh dùng ngôn ngữ hay cử chỉ có thể bị xem là xúc phạm, kỳ thị hay có vẻ chỉ trích một nhóm người đặc thù nào đó trong xã hội, nhất là khi liên quan đến chủng tộc hoặc giới tính. Stephen Morris, Đại học Yale, hiểu PC một cách tổng quát hơn (8). Theo ông, vì một số phát ngôn nào đó khiến người nghe có những suy diễn bất lợi về xu hướng hay lập trường của diễn giả, cho nên, đối với những vấn đề nhạy cảm, diễn giả tìm cách thay đổi cách nói để tránh những suy diễn này. Đó là PC. Tại sao? Vì những suy diễn bất lợi thường có xu hướng gia tăng và biến thành một vụ tai tiếng.
Sự thận trọng trong ngôn ngữ hay hành vi đối với những người giao tiếp với công chúng mọi loại, thực ra, không chỉ giới hạn trong một vài nhóm, vài giới, mà với hầu như tất cả mọi người: giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc, truyền thống… Tóm lại, phải thận trọng tối đa trong giao tiếp, không những trong cách hiểu trực tiếp mà còn ngay cả trong sự suy diễn do cách sử dụng từ ngữ gây ra.
Nội hàm của nhóm chữ này khá đặc biệt, nên khó có thể tìm ra một chữ tương đương ngắn gọn trong tiếng Việt. Tra thử một từ điển Anh-Hán trên mạng (9), ta thấy “political correctness” được dịch theo chữ một: 政治上的正确性 (chính trị thượng đích chính xác tính), tức là “chính trị chính xác,” ý muốn nói đến sự chính xác trong chính trị. Cách dịch này rõ ràng không dính dáng gì đến ý nghĩa thực sự của nó trong cách người Mỹ sử dụng. Một ai đó trên mạng đề nghị dịch là 交际婉语 (giao tế uyển ngữ) dùng cho danh từ “political correctness”, và 交际用语委婉 (giao tế dụng ngữ ủy uyển) dùng cho tính từ “politically correct”. Nghe khá sát và hợp nghĩa. Nhưng trông có vẻ “Hán tự” quá, nên tôi tạm dịch là “phát ngôn thận trọng” hay “phát ngôn phải đạo” nghe có vẻ Việt ngữ hơn. Xin được gọi gọn là “phải đạo”. Hai chữ “phải đạo” mượn từ một bài viết của Hoàng Ngọc Hiến khi nhà phê bình văn học này đề cập đến các tác phẩm văn học cộng sản trước thời kỳ đổi mới, mà ông gọi là “văn học phải đạo” (10). Văn học phải đạo là thứ văn học tuân theo chính sách của Đảng Cộng sản cho phải phép, phải việc, tránh khỏi những điều rắc rối.
Đối với một chính trị gia ở Hoa Kỳ, thì cách ăn nói phải đạo là thận trọng, tránh đưa ra những nhận xét có thể được giải thích hay được suy diễn như là phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, chống tuổi già, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo, chống các nhóm quyền lực. Có thể nói, phát ngôn phải đạo là cá tính thứ hai của các lãnh tụ chính trị chuyên nghiệp. Họ là những kẻ thường được nuôi dưỡng trong một môi trường với một bản danh sách những cạm bẫy về mặt ngôn ngữ và/hoặc cử chỉ nên tránh khi giao tiếp với quần chúng. Khi phát ngôn trong bất cứ trường hợp nào, họ phải ăn nói và hành xử với sự tự chế cao độ, tránh tất cả mọi sơ hở có thể khiến cho đối thủ hay báo chí khai thác.
Phân tích sự thành công bất thường của Trump, trong một bài báo có tựa đề “Donald Trump Wins in Battle Against Political Correctness” (Donald Trump thắng trong cuộc chiến chống phát ngôn phải đạo) (11), Jeff Crouere cho rằng dân Hoa Kỳ hiện nay quá chán với vấn nạn di dân bất hợp pháp và hàng rào biên giới chống nhập cảnh lậu. Chẳng có nước nào mà di dân lậu được hưởng nhiều quyền lợi như ở Hoa Kỳ. Theo Trump, trong cái xã hội thích sử dụng lối nói uyển ngữ, sợ mích lòng người này người nọ, giới này giới nọ, không ai dám nói lên sự thật đó. Tại sao? Rõ ràng là vì lợi nhuận. Phe Dân Chủ thì được hưởng lợi nhờ con số những phiếu bầu giá rẻ (cheap votes); còn những nhà tư bản thuộc giới chức quyền uy trong Đảng Cộng Hòa thì được hưởng lợi nhờ trả công lao động giá rẻ (cheap labor). Chỉ thiệt hại là thiệt hại cho người dân Hoa Kỳ bị mất việc làm hay trở thành nạn nhân của các hoạt động tội phạm do di dân bất hợp pháp gây ra. Thành ra, lối phát ngôn phải đạo chỉ là một cách tránh trút sự thật, là một thứ phát ngôn không chỉ “ba-phải” mà là đa phải làm cho phía nào nghe cũng không cảm thấy mích lòng. Và rồi đâu lại hoàn đó, không hề giải quyết. “Đó là một thứ tai ách hết sức trầm trọng đã gây ra nhiều thiệt hại cho xứ sở chúng ta. Rốt cuộc, nó sẽ phá hủy nước Mỹ nếu không được nhổ đi tận gốc và xóa hẳn dấu vết,” theo Crouere.
Trong cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên với các ứng cử viên khác thuộc Đảng Cộng Hòa, Trump đã đưa ra một lời tuyên bố có tính cách nguyên tắc khi trả lời cho một câu hỏi khúc mắc của bà điều hợp viên Megyn Kelly: “Tôi cho rằng vấn nạn lớn của xứ sở này là lối phát ngôn phải đạo. Tôi đã bị quá nhiều người phản đối, và nói trắng ra, tôi chẳng dư thì giờ cho thứ phát ngôn phải đạo toàn diện đó. Và nói thực với cô, xứ sở này cũng chẳng dư thì giờ.” (12) Sau đó, trong một dịp khác, Trump nhắc lại: “Tôi quá chán ngán với loại chuyện tầm phào phải đạo này.” (13) Báo chí gọi Trump là một anti-PC (anti-politically correct): người “chống phát ngôn phải đạo”. Tóm lại, Trump xuất hiện như một nhân vật chống lại các định chế và thói quen có sẵn, tạo nên một phản diện từ cách nói, cách dùng chữ và cách diễn tả. Chính thái độ này đã tạo nên tính cách “không giống ai” của Trump. Một Trump phản diện! Nếu phát ngôn phải đạo là không (hay làm ra vẻ không) phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi già, tôn giáo, nghề nghiệp… thì Trump, ngược hẳn lại.
· Trước hết, ông không ngại đụng chạm đến vấn đề chủng tộc. Vừa tuyên bố ra tranh cử tổng thống, Trump đề cập ngay đến vấn đề di dân bất hợp pháp mà Hoa Kỳ đang phải đối phó. Thay vì nói quanh co cho phải phép, ông gọi những di dân bất hợp pháp từ Mexico chỉ “mang vào xứ sở này ma túy, tội phạm, hiếp dâm.” Không những công kích di dân Nam Mỹ, ông còn công kích cộng đồng Á châu bằng cách bêu riếu cách nói tiếng Anh của người Trung Quốc và Nhật. Trong khi đi vận động ở tiểu bang Iowa vào ngày 25/8, nói về chuyện thương thuyết với người Nhật hay với người Tàu, ông chê họ chỉ là những người chỉ biết đi tìm kiếm lợi nhuận qua các hợp đồng chứ chẳng có chút lịch sự tối thiểu nào.
· Trump không ngại phê phán phụ nữ. Ông công kích không thương tiếc, thậm chí sỉ nhục người điều phối viên của đài Fox News, Megyn Kelly, khi bà này đưa ra một câu hỏi khó. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Trump chẳng hề ngượng miệng khi nói: “Anh có thể nhìn thấy máu me chảy ra từ mắt bà ấy, máu me chảy ra từ bất cứ cái gì ở bà ta.” Trong một lần phỏng vấn khác với tạp chí “Rolling Stone”, Trump lại sỉ nhục một phụ nữ khác, ứng cử viên cùng đảng (Cộng Hòa), bà Carly Fiorina, khi cho rằng cái “bản mặt” của bà này chẳng có ai bầu và chẳng có thể là tổng thống của nước Mỹ.
· Trump chống thành phần ưu tú và có thế lực của nước Mỹ, kể cả những người thuộc Đảng Cộng Hoà của ông. Ông sáng tạo ra một từ ngữ mới để chỉ những đảng viên Cộng Hòa không ủng hộ ông là RINO (Republican In Name Only = Cộng Hoà trên danh nghĩa), tức là “fake Republican” (Cộng Hòa giả). Ông chế giễu danh hiệu “anh hùng” dành cho Thượng nghị sĩ McCain. “Ông ta là anh hùng chiến tranh bởi vì ông ta đã bị bắt. Tôi thích những người không bị bắt.” Trong một lần khác, Trump cho rằng McCain chẳng làm được gì nhiều cho các cựu chiến binh. “Tôi hết sức thất vọng về John McCain,” Trump nói. Ông còn chế giễu một ứng cử viên Cộng Hòa khác gốc Ấn Độ là Bobby Jindal khi cho rằng ông ta không đáng được nói chuyện vì chỉ chiếm chưa tới 1% trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông phê phán cả Karl Rove, một nhân vật có thế lực của Đảng Cộng Hòa và là người đã từng đưa George Walker Bush (Bush-Con) lên làm tổng thống hai nhiệm kỳ.
· Trump chống truyền thông. Các ứng cử viên thường rất o bế truyền thông vì sợ các ký giả đưa tin và hình ảnh thiên lệch về mình. Trump khác. Ông bắt bẻ lại người điều phối viên của đài Fox News Megyn Kelly khi bà này đưa ra một câu hỏi hóc búa nhằm làm khó làm dễ mình, thẳng thừng đuổi ký giả Jorge Ramos của đài truyền hình “Noticias Univision” ra khỏi phòng vì ông này phê phán chính sách di dân của mình; gọi bình luận gia tờ Washington Post, George Will, là một “tai họa”; gọi chung những bình luận gia bảo thủ, kể cả Karl Rove là một “đám thua cuộc” (group of losers).
Điều khôi hài là, chính truyền thông mọi loại, nhất là các đài truyền hình, đã góp phần rất lớn và rất hiệu quả tạo nên hiện tượng Trump. Khai thác tối đa sự tò mò, hiếu kỳ của quần chúng, nhiều đài truyền hình liên tục đưa tin và hình ảnh về Trump: Trump cười, Trump nói, Trump đi, Trump đứng, Trump vung tay múa ngón, ôm vai người này, bá cổ người kia đủ kiểu, đủ dạng, đủ loại. Tiếp sức cho truyền hình là các cuộc thăm dò dư luận, qua đó, điểm của Trump tiếp tục lên cao và cuối cùng, dẫn đầu! Rõ là, truyền thông đã biến một nhân vật phản diện thành chính diện! Hay nói cách khác, Trump vừa là nạn nhân mà cũng vừa là sản phẩm của truyền thông. Phải chăng, chống truyền thông cũng là một cách truyền thông – và là truyền thông có hiệu quả?
Cũng cần nhấn mạnh một điểm: từ lâu, truyền thông nói chung không còn đóng vai trò chủ động và được ưu ái như xưa. Một là, do sự ra đời của các mạng xã hội: người ta truyền tin cho nhau mà không cần đến báo chí; hai là, do cạnh tranh, đưa tin không còn là đưa ra những sự kiện (facts) thuần túy, mà đưa ra những phó sản đã được chế biến theo khẩu vị của các đại gia truyền thông. Thành ra, thông tin hoàn toàn bị nhiễu loạn. Người ta bị đánh lừa vì mập mờ giữa “tin tức” (news) và “ý kiến” (opinion), giữa tường thuật (reporting) và bình luận (commentary), giữa “thông tín viên” (reporter) và “bình luận viên” (commentator).
Tránh cái bẫy truyền thông, rất khôn lanh, Trump tự thực hiện bộ máy truyền thông riêng, bằng cách trực tiếp đưa tin đến các “fan” của mình, qua các mạng xã hội, nhất là mạng Twitter. Các “tuýt” của ông vừa là tin, vừa là lập trường và vừa là quyết định. Khi cần, ông ào ạt “tuýt”, tạo ra những trận “bão tuýt” (tweetstorms), gây chấn động thương trường và chính trường.
· Và cuối cùng, Trump chống cả… thế giới (against the World). Theo Trump, dân Hoa Kỳ hiện nay quá chán ngán vì phải “è cổ” trả tiền để nuôi dưỡng đủ thứ tổ chức, hiệp ước và định chế quốc tế, từ Liên Hiệp Quốc và các con đẻ của nó như UNESCO, WHO cho đến khối NATO, từ đồng minh Nam Hàn, Nhật cho đến “Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu” (Paris Climate Agreement), từ di dân hợp pháp cho đến di dân bất hợp pháp. Ông cũng cho rằng, chẳng có nước nào mà di dân, kể cả di dân lậu, được hưởng nhiều quyền lợi như ở Hoa Kỳ. Cả thế giới đã đua nhau gửi di dân sang Mỹ để lấy đi công ăn việc làm của người Mỹ và về lâu về dài, chiếm cứ luôn nước Mỹ, theo ông.
Mới đây, tôi chú ý đến nhóm chữ “chain migration”, di dân xâu chuỗi. Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times ở Florida, Trump khẳng định, “Chúng ta sẽ tống khứ hình thức di dân [giống như] xâu chuỗi, chúng ta sẽ tống khứ xâu chuỗi.” (14) “Di dân xâu chuỗi” là một cách nói giễu cợt để chỉ những di dân vào Hoa Kỳ dựa trên quan hệ gia đình. Tức là bảo lãnh diện đoàn tụ: một người có quốc tịch Mỹ hay có “Thẻ xanh” (Green Card) có thể bảo lãnh thân nhân qua Mỹ định cư. Di dân xâu chuỗi, theo Trump, là một đe dọa cho an ninh Hoa Kỳ: những kẻ khủng bố mới đây trên đất Mỹ là di dân hay con cái của di dân [xâu chuỗi]. “Mỗi một khi có một di dân được chấp nhận, thì cánh cửa sẽ mở ra cho nhiều di dân khác vào,” nghĩa là tạo thành xâu chuỗi di dân, theo tài liệu của “National Security System” do Trump công bố hôm 25/12/2017. Di dân kéo di dân: vợ, chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em. Và các cộng đồng di dân sẽ lớn dần (không hề có chuyện giảm bớt) mang theo tệ nạn, khủng bố, cướp công ăn việc làm của người Mỹ vốn là da trắng và có truyền thống Thiên chúa giáo.
Tống khứ di dân xâu chuỗi! Đó là một trong những mục tiêu lớn của Trump!
Sở dĩ Trump công kích chính sách DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals, tạm dịch là “Lệnh hoãn trục xuất”) của Obama – cấp cho gần 700 ngàn con cái của những di dân bất hợp pháp, nếu như họ hội đủ một số điều kiện để ở lại đi học – chỉ vì sợ rằng sau khi học xong họ sẽ tìm cách nhập quốc tịch, và hậu quả là, sớm hay muộn, cha mẹ của họ (những di dân bất hợp pháp) cũng sẽ trở thành những cư dân hợp pháp, theo hình thức bảo lãnh xâu chuỗi. Và cứ thế… Tống khứ di dân xâu chuỗi có nghĩa là thay đổi toàn bộ chính sách di dân, đi từ hạn chế một cách nghiêm ngặt cho đến (biết đâu!)… chấm dứt hẳn chuyện di dân: không tỵ nạn, không bảo lãnh, không bốc thăm (visa lottery). Có nghĩa là, nếu chấm dứt di dân xâu chuỗi, thì toàn bộ chính sách di dân rộng rãi, nhân đạo, hào phóng mà nước Mỹ hiến tặng cho toàn nhân loại cả trăm năm qua sẽ trở thành lịch sử. Và cái gọi là “American Dream” sẽ chỉ còn một giấc mơ hoang tưởng!
Tiếp sức với ngôn ngữ là cử chỉ (cử chỉ cũng là một thứ ngôn ngữ, body language). Khác với nhiều ứng cử viên khác, Trump thường hay dùng tay để diễn tả bản thân và ý tưởng của mình. Ông dùng cả hai tay mở rộng, chuyển động lên xuống theo lời nói. Nhìn cách nói chuyện, người ta có cảm tưởng ông là một người đầy cá tính, như bao trùm hết cả khoảng không gian chung quanh. Những ngón tay cũng thế, bao trùm quanh chỗ đứng. Với cung cách đó, “Ông ta tự làm cho mình trở nên rộng hơn về mặt thể xác” và điều đó góp phần làm nổi rõ tính cách của ông ta. “Bàn tay lớn tạo nên nhân vật lớn,” (15) theo nhận xét của Emily Atkin.
Trong cuộc thăm dò dư luận do Đại học Suffolk University thực hiện cho tờ “USA Today” (30/9/15) (16), khi được hỏi diễn tả Trump bằng một từ ngữ duy nhất, người ta “tặng” cho ông một lô chữ (đến 90%) hoàn toàn tiêu cực: idiot (xuẩn ngốc), jerk(xuẩn ngốc), arrogant (kiêu ngạo), clown (hề), selfish (ích kỷ), pompous (đại ngôn), big mouth (to mồm), racist (kỳ thị), rude (thô lỗ)… Ấy thế mà, điểm thăm dò dư luận của Trump vẫn cao, vẫn dẫn đầu so với các ứng cử viên khác. Tại sao? Lý do đơn giản là: họ ủng hộ Trump vì cung cách (style) của ông ta hơn là thực chất (substance), theo giáo sư David McLennan trích dẫn qua một bài viết của Husna Haq (17). Khác hẳn với những lần bầu cử trước, cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 có vẻ như là về tính cách lãnh tụ hơn là về các vấn đề chính sách. Husna quả quyết: “Trump không chỉ thách thức các quy luật về sự nghiêm túc chính trị mà còn viết lại chúng.” Đừng tưởng cung cách đó chỉ là cảm hứng bất thường mà có thể xuất phát từ một ý niệm mang tính “triết lý” trong kinh doanh của Trump, cũng theo Husna. Trong cuốn sách bán rất chạy bàn về kinh doanh, “The Art of the Deal” xuất bản vào cuối thập niên 1980, Trump viết: “Tôi chơi với trí tưởng tượng của con người. Tôi gọi đó là thứ ngoa dụ đáng tin. Đó là một hình thức cường điệu hồn nhiên và là một hình thức thúc đẩy rất hiệu quả.” (18)
Chữ và người. Người và chữ
Word matters! Chữ đóng vai trò quan trọng (19).
Trong một cuộc thăm dò dư luận về trợ cấp xã hội do “National Opinion Research Center” (NORC) thực hiện năm 2006, khi được hỏi tiền trợ cấp xã hội là để “assistance to the poor” (giúp đỡ người nghèo), 65% người được thăm dò đã trả lời là chính phủ chi ra “too little” (quá ít). Nhưng nếu thay “assistance to the poor” bằng “welfare”, thì 45% trả lời là nhà nước đã chi ra “too much” (quá nhiều). Mặc dầu về “ý”, cả hai đều có nghĩa là giúp đỡ cho người có lợi tức thấp. Sự khác nhau nằm ở cách dùng chữ: chữ “welfare” gợi đến cảnh những người lợi dụng trợ cấp, không chịu đi làm, nên nghe tiêu cực, trong lúc đó, “assistance to the poor” gợi đến cảnh những người gặp hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ, nên nghe tích cực hơn.
Thế cho nên, người của công chúng phải học ăn học nói, học gói học đùm, không thể bừa phứa được. Các chính trị gia chuyên nghiệp và giới học giả đều cho rằng thái độ thận trọng và sử dụng ngôn ngữ thích hợp trong cung cách ứng xử với quần chúng là tiêu chuẩn phổ biến, được mọi người chấp nhận. Tiêu chuẩn đó không hẳn lúc nào cũng hay, cũng đúng và cũng gây nên hiệu quả mong muốn, nhưng rõ ràng là một cách ứng xử đầy ưu thế, nhất là đối với những người nổi tiếng. Điều này tạo thành một trục văn hóa quyền lực chi phối giới trí thức, truyền thông và giải trí (Academia-Media-Entertainment Axis). Các nhân vật được đào luyện trong trục văn hóa này thường xuất hiện nghiêm túc, nói những câu, chữ y như đã sắp đặt sẵn, những điều mà hầu như ai cũng có thể đoán trước hay mong đợi được nghe. “Thừa” nhưng “cần”.
Trump khác. Chữ nghĩa của Trump là một nghịch đảo đối với trục văn hóa đó. Cung cách chống-phải-đạo của Trump được thể hiện không chỉ ở “ý” mà còn ở “lời”. Mỗi một lần xuất hiện, thay vì phải chọn chữ chọn lời, Trump ăn nói tùy tiện, thẳng thừng, không quanh co, sẵn sàng bêu riếu đối thủ, không ngần ngại lột trần sự thật về những đề tài vốn được các chính trị gia khôn ngoan tìm cách tránh trút và sẵn sàng đốp chát với phóng viên hay người phỏng vấn mình. Thay vì lời nói phải trước sau như một (nhất dĩ quán chi = nhất quán) để tạo sự tin cậy, Trump phi-nhất quán. Nhiều lần, Trump flip-flop một cách hồn nhiên: hôm nay nói thế này, mai nói thế khác và mốt lại nói khác nữa. Trump tìm thấy trong cách nói đó có nhiều lợi điểm và khai thác tối đa lợi điểm này như một thủ thuật. Trước khi ông đến nói chuyện trong một cuộc tập họp quần chúng nào đó, thường thì khán giả và báo chí không đoán biết ông ta sẽ nói những gì, sẽ sỉ nhục hay xúc phạm những ai và sỉ nhục, xúc phạm kiểu nào. Điều này khêu gợi trí tưởng tượng và sự tò mò của quần chúng, nhất là đối với giới truyền thông, luôn luôn cần tin giật gân. Nhiều phát biểu ứng khẩu của ông nghe bất ngờ, mới mẻ, gây sửng sốt – và thích thú (!) – cho người nghe. Có lúc chúng như những phát súng bắn thẳng vào khán giả hay đối thủ. Chả thế mà, so với các đối thủ, Trump tiêu rất ít tiền để quảng cáo, nhưng lại hưởng được sự chú ý tối đa của nghành truyền thông. Giới kinh tế gia ước tính cách quảng cáo không công này tiết kiệm cho Trump cả tỷ đô la nếu phải thuê bao trực tiếp.
- Khi tấn công đối thủ, Trump nói xách mé, “xuy tỳ” (20) cá nhân, và đặc biệt, sử dụng một phương pháp độc đáo: chụp mũ. Trump quả là bậc thầy trong nghệ thuật này. Chụp mũ là tìm một nhược điểm nổi bật nào đó của đối thủ, đặt cho nó một biệt danh ngắn gọn, cụ thể, dễ nhớ có tính cách tiêu cực. Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần, biệt danh này trở thành nhân cách, bản sắc, thói quen hay quan điểm của người đó. Chế giễu dáng người nhỏ nhắn, thấp bé của Rubio là “small Rubio” (Rubio bé con) hay cái tật hay uống nước của ông này khi đi vận động là “sweat Rubio” (Rubio chảy mồ hôi); chế giễu Hillary về việc bà này bỏ phiếu ủng hộ cuộc xâm lăng Iraq (rồi sau đó, xin lỗi) hay sử dụng email cá nhân để làm việc công (rồi sau đó xin lỗi) là crooked Hillary (Hillary lươn lẹo); chế giễu cung cách vận động từ tốn, đơn điệu của Jeb Bush là low-energy Jeb (Jeb yếu sức) hay số tiền quyên góp khá nhiều của Jeb là “puppet of the donors” (con bù nhìn của những người tài trợ). Có thể nói, tuy đơn sơ, khôi hài và thậm chí hạ cấp, chụp mũ là một đòn tu từ độc hiểm, gây nên một hiệu quả đáng kể. Các đối thủ của Trump dường như bất lực, không tìm ra được cách đối phó, ngoài những phản ứng khá thụ động hay im lặng chịu trận.
- Bênh vực mình, Trump sử dụng một cách diễn đạt khác: khoe. Ông khoe giàu, khoe giỏi, khoe thành công, khoe thành đạt… Những nhà nghiên cứu cho đó là thứ ngôn ngữ gây xúc động (emotionally-charged language), tuy khó nghe, nhưng lại khiến cho Trump có vẻ thành thật (hơn các ứng cử viên khác) (21).
- Ngôn ngữ của Trump, nói chung, có tính sỉ nhục và kỳ thị. Chả là, khi phát biểu, ông đánh thẳng vào cảm tính người nghe để tạo xúc động. Chẳng hạn, khi đòi xây bức tường ở biên giới Mexico-Mỹ hay cấm người Hồi giáo nhập cư, ông tạo một ấn tượng sâu sắc đối với những người Mỹ chống di dân và chống Hồi giáo.
- Mặt khác, trong lúc các chính trị gia thường thích dùng những danh từ nghe “kêu” (big words) nhưng ý nghĩa thì chung chung, lắm khi rỗng tuếch, chẳng mang thêm điều gì mới mẻ thì Trump, ngược lại, sử dụng loại từ ngữ trực tiếp, cụ thể, ngắn gọn, nhiều lúc nghe có tính cách “đàn bà”.
Để thấy rõ sự khác biệt này, giáo sư ngữ học Mark Yoffe Liberman (22), Đại học Pennsylvania, so sánh cách dùng chữ của Trump với một ứng cử viên điển hình khác là Jeb Bush. Bush hay dùng những chữ như “chiến lược”, “chính phủ”, “tổng thống”, “Hoa Kỳ” hay “tăng trưởng”, “nhà nước”; còn Trump thích dùng chữ “tôi” và chữ “Trump”. Khoảng 8 trong 13 chữ mà Trump hay dùng chỉ có một vần và những chữ hai vần thường rất giản dị như “very”, “China” và “money”.
Không khác mấy với Jeb Bush, Hillary Clinton thường dùng những chữ nặng tính suy tư và kế hoạch như “gia đình”, “kinh nghiệm”, “thành tích”, “trợ cấp”, vân vân. Sau đây là bảng đối chiếu hai cách “xài” chữ khác nhau qua một số phát biểu của Hillary và Trump:
Hillary | Trump |
Like it or not, women are always subject to criticism if they show too much feeling in public. (Dù thích hay không, phụ nữ luôn luôn dễ bị phê bình nếu họ bày tỏ quá nhiều xúc cảm giữa chốn công cộng.) | With the proper woman you don’t need Viagra. (Với người phụ nữ thích hợp thì bạn không cần đến Viagra.) |
I have a million ideas. The country can’t afford them all. (Tôi có cả triệu ý tưởng. Nhưng đất nước không thể dung chứa tất cả chúng.) |
I’m really rich. (Tôi giàu thực sự.) |
The difference between a politician and a statesman is that a politician thinks about the next election while the statesman thinks about the next generation. (Sự khác nhau giữa một chính trị gia và một chính khách là chính trị gia thì suy nghĩ về cuộc bầu cử sắp tới trong khi chính khách thì suy nghĩ về thế hệ sắp tới.) | Part of the beauty of me is that I am very rich. (Một phần trong cái đẹp nơi tôi là tôi rất giàu.) |
If I want to knock a story off the front page, I just change my hairstyle. (Nếu tôi muốn lấy đi một câu chuyện ra khỏi trang chính, tôi chỉ cần thay kiểu tóc.) | My life has been about winning. My life has not been about losing. (Đời tôi chỉ toàn là thành công. Đời tôi không hề thất bại.) |
Human rights are women’s rights, and women’s rights are human rights. (Quyền con người là quyền phụ nữ và quyền phụ nữ là quyền con người.) | I’ve said if Ivanka weren’t my daughter, perhaps I’d be dating her. (Tôi đã nói là nếu Ivanka mà không phải là con gái tôi, có lẽ tôi sẽ hẹn hò với nàng.) |
Chữ nghĩa của Hillary mang phong cách “truyền thống”: nghiêm túc, lịch sự, trí thức.
Chữ nghĩa Trump hoàn toàn “phá cách”: khoe khoang, ngược ngạo, bất ngờ.
Đó là một điểm.
Khi phát biểu quan điểm, chính kiến hay chính sách này nọ, thì Trump còn đặc biệt hơn nữa.
Đề cập đến Iran:
Look, having nuclear—my uncle was a great professor and scientist and engineer, Dr. John Trump at MIT; good genes, very good genes, OK, very smart, the Wharton School of Finance, very good, very smart —you know, if you’re a conservative Republican, if I were a liberal, if, like, OK, if I ran as a liberal Democrat, they would say I’m one of the smartest people anywhere in the world — it’s true!—but when you’re a conservative Republican they try—oh, do they do a number—that’s why I always start off: Went to Wharton, was a good student, went there, went there, did this, built a fortune—…
Đề cập đến việc thay thế Obamacare:
We have to come up, and we can come up with many different plans. In fact, plans you don’t even know about will be devised because we’re going to come up with plans, — health care plans — that will be so good.
Đề cập đến việc Obama gài máy nghe lén:
Well, I’ve been reading about things. I read in, I think it was January 20 a “New York Times” article where they were talking about wiretapping. There was an article, I think they used that exact term. I read other things. I watched your friend Bret Baier the day previous where he was talking about certain very complex sets of things happening, and wiretapping. I said, ‘Wait a minute; there’s a lot of wiretapping being talked about.’ I’ve been seeing a lot of things.
Lối phát biểu của ông trông rườm rà, đứt đoạn, lòng thòng; đã thế, có lúc ngưng ngang ở giữa câu và chuyển qua ý khác, khiến cho người ta khó ghi chép lại một cách trung thực. Theo ký giả Daniel Libit, các phát biểu của ông là cơn ác mộng của thông tín viên. “Bất cứ khi nào chúng tôi hoàn tất một bản ghi chép những gì ông nói, luôn có một cái gì ở trong đó khiến cho ta tự hỏi chẳng biết ông đang nói gì.”
Một số ký giả mệnh danh lối phát biểu của ông là word salad (23), xà lách chữ. Gì vậy?
Word salad là những chữ hay nhóm chữ được chọn lựa một cách tình cờ liên kết với nhau trong một cấu trúc bất khả tri. Đó là một sự trộn lẫn những chữ hay nhóm chữ được chọn lựa tùy tiện không cho một nghĩa rõ ràng, có tính cách hỗn loạn (disorganized speech) thường xuất phát từ vấn đề tâm thần. Phải chăng Trump đã nói những điều “vô nghĩa” (non-sens)? Không! Trump là một bậc thầy về cách sử dụng ngôn ngữ (24), theo William Cummings: chữ một đàng nghĩa một nẻo. Dzậy mà không phải dzậy! Muốn hiểu ông, phải vượt ra ngoài những gì ông nói theo nghĩa đen. Cố vấn Kellyanne Conway của Trump giải thích rõ hơn: Trump nói bằng trái tim. Theo bà, sở dĩ người ta không hiểu ông chỉ vì “muốn nghe những gì thoát ra khỏi miệng ông hơn là nhìn vào những gì thoát ra từ trái tim ông,” còn nhân dân Hoa Kỳ thì hiểu ngay những gì ông nói vì họ nhìn thấu trái tim của ông. Một cách giải thích mang tính phe phái, “nói lấy được” để tuyên truyền chính trị.
Thực ra, thường thì các phát ngôn trực tiếp bao giờ cũng lộn xộn, đó là tật chung, nên chẳng phải chỉ có Trump mới nhiều “xà lách chữ”. Để tránh xà lách chữ, những chính trị gia khôn ngoan luôn luôn đọc những gì đã soạn sẵn. Trump không cần. Ông thích phát biểu trực tiếp, không giấy tờ. Trump thích “xà lách chữ”. Với Trump, đó là một nghệ thuật và khai thác tối đa nghệ thuật này. Vì thế, ngôn ngữ của Trump được George Lakoff, một trong những nhà ngữ học nổi tiếng Hoa Kỳ, người sáng lập ra môn “Ngữ Học Tri Nhận” (Cognitive Linguistics) từ những năm đầu thập niên 1970, khảo sát một cách nghiêm túc và hàn lâm hơn. Cùng với triết gia Mark Johnson, ông đề ra lý thuyết “Ẩn dụ ý niệm” (conceptual metaphor), giải thích vai trò của ý niệm trong việc hình thành ẩn dụ, vốn là nguồn suối căn bản của tư tưởng con người (25). Lakoff cho biết là ngay từ khi Trump mới ra tranh cử tổng thống, “Tôi đã sử dụng Ngữ Học Tri Nhận để tìm hiểu hiện tượng Trump.” Theo ông, ngôn ngữ là một phương tiện dùng để tổ chức và truyền đạt tin tức, do đó, là một kho chứa kiến thức về thế giới, một tập hợp những phạm trù có ý nghĩa giúp con người tiếp thu, đối phó với những kinh nghiệm mới và tích trữ những kinh nghiệm cũ. Nói khác đi, kinh nghiệm và thái độ của một cá nhân đối với những vấn đề xã hội và chính trị được “kết khung” (framed) (26) trong những cấu trúc ngôn ngữ. Ngôn ngữ kích hoạt mạch cơ cấu não bộ (frame-circuits), giúp não bộ nắm bắt và lý giải những gì chúng ta trải qua trong hiện thực. Một mặt, nó phản ảnh những nhu cầu, quyền lợi, mối quan tâm cũng như kinh nghiệm cá nhân và mặt khác, định hình cách ta suy nghĩ và hành động về phương diện xã hội và chính trị.
Chính vì vậy, bằng cách sử dụng ngôn ngữ để kích hoạt, người ta có thể chi phối cách thức người khác suy nghĩ và hành động. Càng nghe nhiều, càng bị kích hoạt. Một từ ngữ hay một nhóm từ ngữ, nếu được lập đi lập lại đến một độ nào đó, sẽ tự biến thành thường trực, kết khung trong óc não và từ đó, thay đổi nhãn quan của chúng ta đối với thế giới. “Bằng cách để cho Trump kích hoạt ý tưởng của ông vào trong óc não, chúng ta [vô hình trung] tăng cường mạch thần kinh (neurocircuitry) cho những ý tưởng này [mà không biết]. Điều đó cho phép Trump chiếm lĩnh vùng vô thức của chúng ta, vì 98 phần trăm tư tưởng chúng ta vốn là vô thức,” theo Lakoff. Ông cho rằng Trump đơn giản chỉ dùng những cơ cấu diễn ngôn có hiệu quả để truyền đạt những gì ông muốn truyền đạt cho các khán giả của mình. “Tôi đã tìm thấy rằng ông ta rất cẩn thận và rất có chiến lược trong cách sử dụng ngôn ngữ. Trump thường bắt đầu một câu và ngừng lại để cho những người ủng hộ ông chấm dứt trong đầu họ cái mà ông ta nói. Họ dường như thấu đạt và chấp nhận (từ trước) những gì ông ta nói mà không cần phải nghe hết câu. Đó là một phản ứng vô thức, tự động, nhất là những khi mà câu, chữ tuôn ra một cách rất nhanh chóng.” (…) “Những người thuộc Đảng Dân Chủ và hầu hết truyền thông đều cho rằng Trump là một tên hề, một ngôi sao của chương trình truyền hình hiện thực không nắm vững vấn đề.” (…) “Chín tháng trước cuộc bầu cử, tôi đã bàn về việc Trump đã vận dụng óc não của những người lắng nghe ông như thế nào cho có lợi cho mình.” (…) “Tư tưởng vô thức hoạt động dựa trên những cơ cấu căn bản nào đó. Trump sử dụng chúng một cách bản năng để quay não trạng của họ hướng về những gì ông muốn: uy quyền tuyệt đối, tiền tài, quyền hành và danh tiếng.” (27)
Tóm lại, theo nhà ngữ học này, cách nói của Trump là chiến lược, không phải là một thứ trộn chữ hổ lốn. Đó là sản phẩm của đầu óc, chứ không phải của trái tim! Chính vì thế, trong một bài báo viết vào giữa tháng 11/2018 (28), ông lên tiếng phê phán truyền thông Hoa Kỳ “đã không làm tròn công việc của mình”, vì đã để cho Trump tiếp tục lợi dụng, khi phân tích cách dùng chữ của Trump khi “tuýt”. Theo ông, Trump đã biến chữ thành vũ khí qua mạng Twitter. Bằng cách “tuýt” những điều đôi khi không giống ai, hoặc là “nói lấy được”, ông thường tạo ra những tin tức nổi bật, có tính gây “sốc”. Những dòng chữ ngắn ngủi, đa phần có thể nảy sinh bất chợt từ trong đầu óc của ông, khi xuất hiện, thường làm xáo trộn thị trường, phá vỡ mối bang giao quốc tế và hâm nóng không khí chính trị hàng ngày. Lakoff nhận xét: cái điện thoại cầm tay của Trump trở thành một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất trong lịch sử chính trị thế giới. Chữ nghĩa trong các “tuýt” của Trump, nói chung, là vô trách nhiệm và rất phi-tổng thống (un-presidental), nhưng, nhưng chúng khống chế và “kiểm soát chu kỳ tin tức”, cũng theo Lakoff.
Lakoff phân các “tuýt” của Trump thành bốn loại:
1) kết khung (frame) trước để chiếm lợi thế;
2) làm lệch hướng sự chú ý về chuyện khác khi một tin tức nào đó đang gây bất lợi cho mình;
3) chuyển hướng dư luận: quy lỗi cho người khác;
4) thả bóng thăm dò.
Bất cứ cái “tuýt” nào của Trump, dù đó là tự tâng bốc mình, đưa sai số liệu, sỉ nhục đối thủ hay chê bai, gây gổ với thuộc cấp, bạn bè và đồng minh, trước sau bất nhất, vân vân, là đều có dụng ý. Điều này, theo Lakoff, “sản xuất ra một hiệu quả mà ngữ học tri nhận gọi là “ảo giác hội tụ” (focusing illusion) trên người đọc và người nghe. Trong lúc nhiều người cho rằng truyền thông Hoa Kỳ đã đồng loạt và liên tục công kích, gây hại cho Trump, Lakoff lại quả quyết Trump đã sử dụng phương tiện truyền thông để thao túng dư luận, làm lợi cho mình; điều này đã chuyển đổi một cách căn bản hình thức truyền thông của một tổng thống Mỹ. Rốt cuộc, điều nghịch lý diễn ra: truyền thông, trong mục đích chống lại Trump, thì lại hoạt động giống như là đại lý tiếp thị (marketing agency) của Trump. Trump trở thành một “thử nghiệm thô bạo” (brutal test) đối với nhân dân Mỹ. Ông chẳng cần giấu giếm ý định của mình khi nói thẳng với những người làm báo, “Tôi đang kiểm soát lợi tức của các vị. Như các vị đã biết, tôi kiểm soát cách các vị kiếm sống. Và tôi có thể lấy nó đi bất cứ khi nào tôi muốn. Vậy thì tốt nhất là các vị hãy chơi đẹp với tôi.” (29)
Từ đảng-tranh đến Trump-tranh
Trump thay đổi diện mạo nền chính trị Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ theo chế độ lưỡng đảng. Hai đảng thay nhau nắm quyền trong vòng mấy trăm năm qua là Dân Chủ và Cộng Hòa. Giành giật niềm tin của cử tri dựa vào các chính sách nòng cốt của mỗi đảng (30) để nắm quyền, đó là cái “job” của hai đảng, tạm gọi là “đảng-tranh”. “Đảng tranh” là chuyện thường ngày trong sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ trên hầu hết mọi lãnh vực. Thế nhưng, kể từ khi Trump xuất hiện, tranh chính sách và đường lối thì ít, mà “Trump-tranh” (hay tranh-Trump) thì nhiều. Bênh ai, chống ai, bênh gì, chống gì không qua khỏi một hình bóng: Trump! Vị tổng thống này là đỉnh cao của ý thức hệ bảo thủ. Đỉnh cao nên lúc nào cũng nóng hôi hổi! Bênh hay chống, đụng đến Trump, ai cũng có cảm giác như tay mình cầm hòn lửa. Không khéo “handle” thế nào cũng phỏng tay.
Thực tình mà nói, tôi không ngạc nhiên về những người chống đối Trump, nhưng vô cùng ngạc nhiên về những người ủng hộ ông. Tại sao họ vẫn trung thành (gần như tuyệt đối) với ông dù ông trải qua bao nhiêu sóng gió? Theo Katherine “Katty” Kay(31), xướng ngôn viên của BBC World News, Trump được ủng hộ và ngưỡng mộ không phải vì những gì Trump “tán thành” mà vì những gì Trump “chống lại”: chống giới quyền uy và trí thức (anti-establishment, anti-elite), chống truyền thông (anti-media) và chống… thế giới (against the World), như đã đề cập ở phần trên (32). Con người đặc biệt này dẫn đến một hiệu quả đặc biệt: hiện tượng tôn sùng. Không cần biết Trump đúng hay Trump sai, những người ủng hộ Trump (Trump fans) vẫn theo Trump một cách kiên trì, cuồng nhiệt và gần như vô điều kiện. Không “Trump fans” chắc chắn là không có Trump-tổng-thống. Họ ủng hộ Trump chỉ vì Trump là nhân vật duy nhất có thể thực hiện được những điều họ muốn. Và Trump trở nên tự do: ông có thể vi phạm hay thậm chí bước qua giới hạn đạo đức chính trị, nếu cần, miễn là thực hiện, hay chí ít, “nói lên” nguyện vọng của họ: thay đổi hẳn một nước Mỹ như ta từng biết cho đến nay.
Sự tôn sùng cá nhân ở các nước độc tài thường được thực hiện qua một hệ thống tuyên truyền dối trá: tẩy não. Hiện tượng tôn sùng Trump hoàn toàn ngược lại: không có một bộ máy tuyên truyền nào đứng đàng sau ông. Trump tự phơi bày chính mình, tự tuyên truyền cho chính mình. Ông luôn luôn xuất hiện như một Trump nguyên vẹn, không giống ai, đầy cá tính. Thay vì “tốt khoe xấu che”, ông để cho cá tính của mình bộc lộ thoải mái, không cần che đậy. Nó biến ông thành một người mà đối thủ của ông có thể sử dụng bất cứ hình dung từ nào xấu nhất để mô tả, những là idiot(xuẩn ngốc), arrogant (kiêu ngạo), nut (gàn dở), những là clown (hề), pompous (đại ngôn) vân vân và vân vân. Bất ngờ là, điều đó, thay vì dìm ông xuống, lại đẩy ông lên, hấp dẫn những “fans” của ông. Chống-Trump gây ra phản động lực: Phò-Trump! Trong lúc một số trong giới tinh hoa thuộc Đảng Cộng Hòa cũng như giới có trình độ đại học ở các đô thị chia tay với Trump, thì đa phần số cử tri nòng cốt vốn đã từng đưa ông vào Tòa Bạch Ốc vẫn trung thành. Do đó, sự lên tiếng chống đối Trump của những nhân vật tai to mặt lớn phe Cộng Hoà như cựu tổng thống Bush-Con, James Mattis, Mitt Romney, Colin Powell… hầu như rất ít ảnh hưởng đến họ. Trump nắm vững sự kiện này nên chiến lược tranh cử của ông là “thỏa mãn khối người ủng hộ” mình trước (base first strategy).
Khối người đó là ai?
Theo nghiên cứu của những nhà chuyên môn, đó là những cử tri cư ngụ ở các vùng nông thôn, là giới thợ thuyền ở các tiểu bang công nghiệp hiện bị suy đồi do chủ trương toàn cầu hóa và điện tử hóa, nhất là những người có lập trường bảo thủ cư ngụ ở vùng đất nội địa, xa biển gọi là “heartland”. “Heartland” là một thuật ngữ địa lý để chỉ những tiểu bang Hoa Kỳ không tiếp giáp với biển. Ngoài ra, “heartland” còn có nghĩa là “vùng địa lý trung tâm của Hoa Kỳ trong đó những giá trị chính mạch hoặc truyền thống chiếm ưu thế,” theo từ điển Merriam-Webster (33). Do đó, nó còn là một thuật ngữ văn hóa, ám chỉ phẩm tính và giá trị của những người lao động chân tay (blue collar): siêng năng, cần cù, mộc mạc, giản dị, đàng hoàng. Khối người này là hình ảnh một nước Mỹ cũ, da trắng, ổn định, có căn có gốc, luôn giữ gìn truyền thống, tin tưởng vào các giá trị Thiên Chúa giáo; ngược hẳn lại với khối người sống ở các vùng đô thị và vùng biển (coastal) là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của di dân: đa chủng, đa văn hóa, phi truyền thống và không ổn định. Họ không tin truyền thông vì theo họ, xu hướng chung của truyền thông Mỹ là phiến diện, có xu hướng tự do (liberal), thiên về vùng biển, không mấy khi quan tâm đến những nhu cầu của “heartland”. Làm gì thì làm, miễn là phải trả lại khung cảnh của một nước Mỹ với các giá trị truyền thống của nó, thứ giá trị mà theo họ, đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trước đây. Hiểu điều này, ta mới hiểu hai chữ “great again” (vĩ đại trở lại) được sử dụng trong khẩu hiệu tranh cử 2016, “Make America Great Again” (MAGA), của ông. “Vĩ đại trở lại” mang ý nghĩa của nước Mỹ cũ, nước Mỹ truyền thống. Chẳng thế mà, nó thỏa mãn khối người bảo thủ, vốn là thành phần nòng cốt của Đảng Cộng Hòa.
Trump nắm bắt được nguyện vọng cốt tủy của thành phần này. Chỉ cần thỏa mãn nguyện vọng đó là đủ, còn những thứ linh tinh khác thì sao cũng được. Chả thế mà trong một lần vận động tranh cử năm 2016, ông không ngần ngại tuyên bố, “Tôi có thể đứng ngay giữa Đại Lộ Số Năm (Fifth Avenue), bắn [chết] một ai đó mà không bị mất bất cứ cử tri nào.” (34) Cách nói “không giống ai” như thế này, quả thực, chỉ tìm thấy ở Trump, chẳng thể ở ai khác.
Phe Dân Chủ thường cho rằng phong trào MAGA đơn thuần chỉ là “hiện tượng sùng bái Trump” (a cult of Trump voters). Thực ra, hiện tượng này vượt qua khỏi tầm vóc của một cá nhân. Trump được ủng hộ chỉ vì ông đã biết chìu theo sự quan tâm cốt tủy của giới cử tri “cựu trào” bảo thủ và nói lên tiếng nói của họ, nhất là về vấn đề di dân. Hình như Trump vẫn không, hay chưa, nhận ra điều này, nên [có ảo] tưởng rằng người ta ủng hộ ông chỉ vì ông là Trump. Sự lầm lẫn này rất có thể khiến ông sẽ bị một nhân vật khác vượt qua trong tương lai gần: Ron DeSantis, đương kim Thống đốc bang Florida. DeSantis được gọi là một “bàn sao của Trump” (Trump clone), có thể là người sẽ loại bỏ Trump (the Man Out-Trumping Trump) vì ông này “mở ra một triển vọng xán lạn cho chủ nghĩa Trump (Trumpism) mà không có hành lý và tính ích kỷ của Trump.” (35)
Thua giả
Trên đây là phân tích một Trump thắng: thắng trong tranh cử, trong nghệ thuật chinh phục sự nhiệt thành của cử tri, trong các chính sách độc đáo của mình. Trump thắng đã rất đặc biệt, thì Trump thua cũng lạ lùng! Thua nhưng không phải là thua. Thua giả. Vì sao?
Rigged Election! Voter Fraud! Election Fraud! Bầu cử gian lận!
Bầu cử gian lận là một nhóm chữ rất quen thuộc, vốn để chỉ một thực trạng chính trị tiêu cực thường xảy ra ở các nước thế giới thứ ba: kẻ cầm quyền tráo phiếu hay thậm chỉ tự bỏ thêm phiếu để bảo đảm thắng lợi, cho phép họ tiếp tục nắm quyền một cách hợp pháp. Nhưng đây là Mỹ, nơi mà tính dân chủ từ hàng thế kỷ đã thấm sâu vào máu người dân, một mặt; và mặt khác, được bảo đảm bằng luật pháp và sự kiểm soát nghiêm ngặt, do đó, nếu có gian lận thì chỉ là những hiện tượng hoàn toàn cá biệt. Đã từng có những kiện cáo về bầu cử gian lận trước đây. Nhưng với Trump thì khác. Ông cho rằng gian lận bầu cử ở Mỹ, từ lâu, đã là một hiện tượng quy mô, có tính chất hệ thống. Ông biến nhận xét đó thành một luận điểm. Luận điểm này vừa là một cách đánh giá và phê phán hiện thực Mỹ, vừa áp đặt một cái nhìn tiêu cực về đất nước Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của những chính quyền Cộng Hoà cũng như Dân Chủ trước đây. Ông sử dụng nó như một tiền đề, chuẩn bị cho cuộc tranh cử năm 2016. Và tiếp tục sử dụng nó quyết liệt hơn khi thất cử năm 2020.
Gian lận bầu cử có lẽ là cách nhìn “nhất quán” hiếm thấy ở con người không mấy khi xem trọng cung cách “nhất dĩ quán chi” này.
Ngay từ lâu, trước khi nhảy vào chính trường, Donald Trump đã khẳng định nước Mỹ là một nước thuộc “Thế giới thứ ba” (Third World country) so với Dubai hay Trung Quốc. Khi Obama mới đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu (2008), Trump đã lên tiếng phê phán bầu cử Mỹ là một trò “bôi bác” (travesty), chẳng có gì đáng gọi là dân chủ cả. Đến khi Obama thắng cử lần thứ hai (2012), Trump gọi đó là hậu quả của một hình thức bầu cử “bất công lớn lao và ghê tởm” (great and disgusting injustice) (36). Ông kêu gọi những người không-bỏ-phiếu-cho-Obama phải chống đến cùng kiểu bầu cử mà đã làm cho (một người như) Obama thắng cử. Năm 2016, vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, Trump lại tiếp tục lên tiếng cảnh báo về bầu cử gian lận vì theo ông, nó hoàn toàn bị ngành truyền thông ủng hộ Hillary lừa bịp và bóp méo thông tin. Khi ông thắng cử và Hillary tuyên bố thua cuộc, Trump vẫn tiếp tục tố cáo cuộc bầu cử (mà ông thắng) là gian lận, vì nhờ đó mà Hillary hơn ông đến ba [3] triệu phiếu phổ thông. Trong suốt cuộc vận động tái tranh cử năm 2020 chống lại Biden, ông lặp đi lặp lại nhóm chữ “bầu cử gian lận” hàng chục lần để lên án một cuộc bầu cử chưa diễn ra. “Cách duy nhất mà tôi thất cử trong cuộc bầu cử này [ngày 3/11/2020] là nếu nó gian lận,” đó là lời khẳng định của Trump vào ngày 17/8/2020, ba tháng trước khi bầu cử, tại cuộc vận động tranh cử ở Oshkosh, bang Wisconsin. “Cách duy nhất” đó xảy ra: Trump thất cử.
Ai gian lận?
Trump và những người ủng hộ ông tố cáo Đảng Dân Chủ đã “ăn cắp” cuộc bầu cử (37). Thực ra, như đã nêu trên, chính những người trong Đảng Cộng Hòa hay thân-Cộng Hòa, thân-Trump hay “chịu ơn” Trump, đã “ăn cắp” giùm cuộc bầu cử cho Biden. Đó là một danh sách dài những nhân vật Cộng Hòa tai to mặt lớn thuộc cả ba ngành lập pháp, tư pháp và hành pháp: các cựu Bộ trưởng Jeff Session, Jim Mattis, Mark Esper, Rex Tillerson, Alex Azar, các cựu Cố vấn John Francis Kelly, John Bolton, Kellyanne Conway, các Thống đốc hay cựu Thống đốc Cộng Hòa Brian Kemp (Georgia), Doug Ducey (Arizona), Mike DeWine, John Richard Kasich, Chris Christie… và đài Fox. Đó là chưa kể đến cựu Tổng thống George Bush, cựu Ngoại trưởng Colin Powell, cựu Giám đốc truyền thông tòa Bạch Ốc Anthony Scaramucci, cựu Giám đốc an ninh mạng Christopher Cox Krebs và “The Lincoln Project,” một siêu ủy ban vận động chính trị “Đoạn Tuyệt Trump” (Never-Trump) của một nhóm chức sắc Cộng Hòa. Ngoài ra, cũng phải kể đến Phó tổng thống Mike Pence, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell và hầu hết các Thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện tiểu bang và liên bang, trong đó, nhiều người do Tổng thống Trump bổ nhiệm, nhất là ba Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện liên bang (SCOTUS = The Supreme Court of the United States): Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett. Hoặc không thừa nhận là có gian lận trong bầu cử, hoặc chấp nhận ông Biden thắng cử, hoặc bác bỏ các vụ kiện cáo gian lận khi được đưa ra tòa hay đưa lên Tối Cao Pháp Viện.
Đảng Dân Chủ và Biden gian lận như thế nào? Đó là hình thức “bầu bằng thư”.
“Bầu bằng thư” (mail-in voting), hay “bầu khiếm diện” (absentee voting), là hình thức bầu cử tồn tại từ thời Nội Chiến (1861-1865), dành cho những cử tri không thể đi bầu trực tiếp trong ngày bầu cử. Đó là những người bị bệnh tật, những người đang sinh sống hay làm việc ở nước ngoài (quân nhân, nhân viên các tòa đại sứ, sinh viên du học) hay những người đi công tác xa. Bầu cử bằng thư là cách hiệu quả nhất để tăng thêm số lượng cử tri đi bầu (turnout). Năm 2020, do đại dịch, các tiểu bang đều chấp nhận mở rộng hình thức bầu bằng thư vì nếu không, số lượng cử tri đi bầu sẽ rất thấp (low turnout), đìều mà không giới chức bầu cử nào mong muốn.
Tuy nhiên, bầu bằng thư, theo Trump, “thực sự phá hoại hệ thống của chúng ta. Nó là một hệ thống hư hỏng. Nó làm cho người ta hư hỏng ngay đối với những người mà bản tính họ không hư hỏng, vì họ trở nên hư hỏng quá dễ dàng. Họ có thể kiếm ra ngay bao nhiêu phiếu mà họ cần. Họ đợi, và đợi và rồi họ tìm ra chúng.” (37) “Họ” đây là Đảng Dân Chủ. Sao gọi là hư hỏng? Phiếu bầu bằng thư đa phần là của người da đen và da màu; và đa phần phiếu bầu này đều dồn cho ứng cử viên Dân Chủ. Do đó, bầu bằng thư là bất hợp lệ, là gian, theo Trump. Ông đã nhiều lần khắng định: “Nếu [chỉ] đếm những phiếu bầu hợp lệ, tôi thắng cử một cách dễ dàng. Nếu đếm cả những phiếu bất hợp lệ, họ có thể tìm cách đánh cắp [thắng lợi] của chúng ta.”
Cái nhìn chắc nịch này của Trump đối với hình thức bầu bằng thư đã trở thành một chất keo kết dính những người ủng hộ Trump trong Đảng Cộng Hòa. Họ đã cùng với Trump tiến hành một cuộc “thập tự chinh” hậu-bầu-cử dai dẳng, quy mô, ồn ào, đầy kịch tính với một kế sách đồng bộ nhằm lật ngược kết quả bầu cử, kéo dài từ sau ngày bầu cử cho đến ngày Tổng thống mới Biden nhậm chức và tiếp tục kéo dài cho đến… không biết khi nào mới chấm dứt. Có lẽ đây là lần đầu tiên, một nước “đại dân chủ” như Mỹ lại xảy ra chuyện cáo buộc bầu cử gian lận quy mô. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử thế giới, tổng thống và đảng cầm quyền tố cáo đảng đối lập gian lận bầu cử. Tổ luật sư của Trump vận dụng tất cả ngón nghề và kẽ hở luật pháp để kiện, từ tiểu bang này đến tiểu bang khác, từ tòa dưới đến tòa trên, từ Tối Cao Pháp Viện tiểu bang lên Tối Cao Pháp Viện liên bang. Kiện liên tục đến nỗi báo chí gọi là họ đã “lạm dụng tòa án” (abuse of courts), “lạm dụng hệ thống luật pháp” (abuse of legal system) vì nhiều vụ kiện rất “không giống ai”. Trump thua tất cả các vụ kiện cáo. Lý do rất đơn giản: các quan toà từ tiểu bang đến liên bang và cả Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (liên bang), nơi phe bảo thủ chiếm đến 6/9 thẩm phán, trong đó, có ba chánh án do ông bổ nhiệm, không tìm thấy bằng chứng của “gian lận bầu cử”. Và cuối cùng, ông thua luôn một vụ tháu cáy phút cuối cùng vào ngày 6/1/2021 khi ông tập hợp những người ủng hộ ông tiến vào tòa nhà Quốc hội để làm áp lực.
Biến cố 6/1/2022
6/1/2022 là một ngày lịch sử! Báo chí Hoa Kỳ gọi ngày này là “The January 6 Insurrection” hay “2021 United States Capitol Attack”. Hôm đó, có lẽ cũng như hàng triệu người Mỹ khác, tôi ngồi im trên ghế salon gần như suốt ngày, đầu óc căng thẳng dán mắt lên màn truyền hình, theo dõi diễn tiến từng phút, từng giây tình hình bạo loạn ở điện Capitol, thủ đô Washington, tưởng như nền dân chủ Mỹ đến hồi kết thúc. Xin ghi lại diễn tiến những giờ phút nghẹt thở trong ngày lịch sử đó (38).
6 – 10:30 sáng
Đám đông hàng ngàn người ủng hộ Trump tập trung gần công viên Ellipse (Washington D.C.), theo lời kêu gọi của Trump trong một cái “tuýt” vào ngày 19/12: “Biểu tình lớn ở D.C. vào ngày 6/1. Hãy đến đó, sẽ rất là sôi động.”
Trump nói chuyện điện thoại với nhiều viên chức tòa Bạch Ốc.
Văn phòng phó Tòa Bạch Ốc Tony Ornato thông báo với Trump là có nhiều ngưới tham dự mang theo vũ khí. Trump bảo đừng lo, họ là những người ủng hộ Trump, không hại Trump.
Cuộc biểu tình mang tên “Save America Rally” bắt đầu với phát biểu của hai người con của Trump.
10:47 sáng
Sau hai người con, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani phát biểu, nói với đám đông là “hãy thử chiến đấu” và thúc giục những nhà lập pháp lật ngược kết quả bầu cử.
11:50 sáng
Diễn giả chính, tổng thống Trump, phái biểu. Mở đầu, ông đòi gỡ bỏ những tấm kim loại chắn đạn bảo vệ ông, để ông cảm thấy không ngăn cách với những người tham gia biểu tình. Ông nói hơn một tiếng đồng hồ.
01 chiều
Các nhà lập pháp hai viện họp chung tại Hạ Viện để kiểm phiếu Cử Tri Đoàn.
01:10 chiều
Cuối bài diễn văn, Trump nói: “Chúng ta chiến đấu đến cùng, và nếu các bạn không chiến đấu đến cùng, các bạn sẽ không còn một đất nước nữa. Vì vậy, chúng ta sẽ đi bộ xuống đại lộ Pennsylvania. Tôi yêu đại lộ Pennsylvania, và chúng ta sẽ đến Điện Capitol.”
Nghe lời Trump, những người biểu tình bắt đầu tiến tới Điện Capitol và giằng co với cảnh sát trên thềm điện.
01:19 chiều
Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.
01:26 chiều
Cảnh sát Capitol ra lệnh sơ tán Thư viện Quốc hội, Tòa nhà Madison và Văn phòng Cannon House trên đại lộ Độc Lập đối diện Điện Capitol.
1:40 chiều
Thị trưởng D.C. Muriel Bowser ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố bắt đầu vào lúc 6:00 chiều hôm đó cho đến 6:00 sáng hôm sau.
1:46 chiều
Dân biểu Elaine Luria (Dân Chủ) “tuýt”, cho biết bà đang được sơ tán sau khi tin cho biết có bom gài bên ngoài. “Những người ủng hộ tổng thống đang cố đột nhập vào Điện Capitol và tôi nghe nhiều tiếng súng nổ.”
2:00 chiều
Điện Capitol được lệnh đóng cửa.
2:11 chiều
Những người biểu tình chọc thủng hàng rào cảnh sát phía tây Điện Capitol. Sau đó, họ leo lên tường.
2:15 chiều
Tại Tòa Bạch Ốc, cố vấn Cipollone đề nghị Trump nên đứng ra can thiệp để chận đứng những người biểu tình.
2:22 chiều
Có tin phó tổng thống Mike Pence đã được hộ tống khỏi Thượng Viện.
2:24 chiều
Trump “tuýt”: “Mike Pence không có can đảm làm cái cần phải làm để bảo vệ Đất Nước và Hiến Pháp chúng ta là cho phép các tiểu bang xác nhận những cử tri đoàn chính xác, chứ không phải là những cử tri đoàn gian dối hay không chính xác đã được họ xác nhận trước đây. Nước Mỹ đòi hỏi sự thật!”
2:28 chiều
Dân biểu Cộng Hòa thân-Trump Marjorie Taylor Green đòi hỏi tổng thống lên tiếng xoa dịu đám đông.
2:33 chiều
Đài C-SPAN tường trình những người biểu tình băng qua hành lang, tiến vào Hạ Viện và Thượng Viện.
2:35 chiều
Cựu văn phòng trưởng Tòa Bạch Ốc đề nghị Trump cần phải kêu gọi đám đông rút khỏi Điện Capitol.
2:38 chiều
Trump “tuýt”: “Xin hỗ trợ cảnh sát Capitol và Cơ quan Thực thi Pháp luật của chúng ta. Họ thực sự đứng về phía Đất Nước của chúng ta. Hãy giữ bình tĩnh.”
2:39 chiều
Những người biểu tình đập phá cửa sổ Điện Capitol. Họ lật hàng rào chắn, ẩu đả với cảnh sát, tràn vào Hạ Viện.
2:44 chiều
Có tiếng súng nổ ở Hạ Viện.
2:47 chiều
Thông tín viên báo Huffington Post tuýt hình ảnh các người biểu tình đang ở trên bục Hạ Viện.
2:53 chiều
Dân biểu Alex Mooney (Cộng Hòa) tuýt là ông đã được hộ tống an toàn ra khỏi Hạ Viện. Ông nói là ông và những dân biểu khác đã được cung cấp mũ trùm đầu, ống thở dưỡng khí và mặt nạ chống cháy và chống hơi độc.
2:55 – 3:00 chiều
Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa) gửi tin nhắn: “Nghe tiếng súng nổ.”
Dân biểu Kevin McCarthy, trưởng khối thiểu số Hạ Viện, năn nỉ Trump kêu gọi đám đông giải tán. Trump không nghe.
3:03 chiều
Những người biểu tình đang ở trong Thượng Viện.
Các phụ tá trong Tòa Bạch Ốc soạn thảo lời tuyên bố lên án các hành vi bạo động, nhưng không công bố.
3:13 chiều
Trump “tuýt”: “Tôi yêu cầu mọi người đang ở trong Điện Capitol giữ bình tĩnh. Không được bạo động! Xin nhớ rằng, CHÚNG TA là Đảng của Luật Pháp và Trật Tự – hãy tôn trọng Luật Pháp và lực lượng cảnh sát. Cám ơn!”
3:15 chiều
Ivanka Trump, con gái tổng thổng, gọi đám đông là “những người yêu nước” và yêu cầu họ không được bạo động.
3:31 chiều
Sean Hannity, người dẫn chương trình nổi tiếng của đài Fox, “tuýt” đề nghị tổng thông lên tiếng yêu cầu đám đông rời thủ đô một cách hòa bình.
3:34 chiều
Một phụ nữ biểu tình, Ashli Babbitt, 35 tuổi, cụu chiến binh, tử vong vì vết thương quá nặng sau khi bị cảnh sát bắn trong lúc tìm cách trèo vào cửa sổ Điện Capitol.
3:51 chiều
Một ngàn Vệ Binh Quốc Gia thuộc D.C. đã được điều động đến tăng cường cho lực lượng bảo vệ luật pháp địa phương.
4:05 chiều
Những lãnh tụ Quốc hội đã được di tản khỏi Điện Capitol.
4:17 chiều
Trong một video được “tuýt” ra kéo dài hơn một phút, Trump nói: “Tôi biết nỗi đau của các bạn. Tôi biết các bạn bị thương tổn. Chúng ta đã có một cuộc bầu cử bị kẻ khác ăn cắp. Ai cũng biết đó là một cuộc bầu cử mà chúng ta thắng lớn, nhất là phe bên kia. Nhưng lúc này các bạn nên về nhà. Chúng ta nên bình tĩnh. Chúng ta có luật pháp và trật tự… Vậy, các bạn nên về nhà. Chúng tôi yêu các bạn, các bạn thật tuyệt vời… Tôi biết tấm lòng các bạn. Nhưng hãy về nhà và về nhà trong hòa bình.”
Một số “tuýt” Trump gửi cho những người biểu tình bị xóa bỏ. Công ty Twitter cấm tổng thống không được “tuýt” trong vòng 12 tiếng. Lúc đầu, họ chận đứng các “tuýt” của ông và không cho phép bình luận hay chuyển cho người khác, rồi sau đó, cấm hẳn.
6:01 chiều
Trump “tuýt”, cho biết mọi chuyện xảy ra là vì cuộc bầu cử mà ông thắng vẻ vang đã bị tước đoạt một cách trắng trợn khỏi tay những người yêu nước.
8:00 tối
Quốc hội trở lại làm việc, tiếp tục đếm phiếu Cử Tri Đoàn.
Phó tổng thống Pence trở lại bục chủ tọa, tuyên bố những kẻ làm rối loạn Quốc hội đã thua.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối đa số Cộng Hòa Thượng Viện gọi những sự kiện xảy ra là một “cuộc bạo loạn thất bại.” (a failed insurrection).
Tổng kết: có 5 người chết và ít nhất 68 người bị bắt. Khám phá hai trái bom, một gài tại Ủy Ban Quốc Gia Đảng Dân Chủ và một tại Ủy Ban Quốc Gia Đảng Cộng Hoà.
Đêm hôm đó, tôi thức cho đến 3 giờ 40 sáng ngày hôm sau để chứng kiến cảnh làm việc không biết mệt mỏi của hơn 500 vị dân cử Quốc hội Hoa Kỳ thông qua phiếu bầu đại cử tri, chính thức xác nhận vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, lòng nhẹ hẳn đi. Chỉ trong có mấy tiếng đồng hồ vào buổi chiều ngày 6/1/2021 và rạng sáng ngày 7/1/2021, chúng ta chứng kiến hai Donald Trump hoàn toàn khác nhau: một Trump bướng bỉnh, hùng hổ, tự tin, đứng trên bục hô hào những người ủng hộ cuồng nhiệt của ông tiến về trụ sở Quốc hội; và một Trump ôn tồn, dè dặt, thận trọng, đồng ý chuyển quyền (dù không chính thức) một cách trật tự cho đối thủ, sau khi Quốc hội đã chính thức xác nhận Biden đắc cử. Thành thật mà nói, tôi không mừng vì ông Biden đắc cử mà mừng vì cơ chế dân chủ lâu đời của Mỹ không bị phá vỡ.
*
Ngày 19/1/2021, trong bài diễn văn từ biệt dài gần 20 phút, Tổng thống Trump nói, “Tuần lễ này, chúng ta có chính quyền mới và cầu nguyện cho chính quyền đó thành công trong việc giữ gìn một nước Mỹ an ninh và thịnh vượng. Chúng ta gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến họ và mong muốn họ có nhiều may mắn…” (…) “… bây giờ trong khi tôi sửa soạn giao quyền hành cho chính quyền mới vào trưa thứ Tư, tôi muốn nhắc nhở quý vị là phong trào mà tôi khởi xướng chỉ mới bắt đầu.”
Sáng sớm ngày 20/1/2021, Tổng thống Donald Trump lặng lẽ rời khỏi tòa Bạch Ốc, trở thành “cựu”. Nhìn chiếc trực thăng cất cánh chở ông bay vòng vòng trên bầu trời rồi hướng về phía phi trường, tôi thở dài nhẹ nhõm, pha chút ngậm ngùi. Trong buổi lễ tiễn biệt cảm động ở phi trường Joint Base Andrews, nhiều người tham dự đã rơi nước mắt, kể cả cô con gái cưng Ivanka Trump. Phát biểu tại đó, ông khẳng định, “Chúng ta sẽ trở lại [Toà Bạch Ốc] dưới một hình thức nào đó.” (…) “Tôi mong muốn chính quyền mới gặp nhiều may mắn và đạt nhiều thắng lợi. Tôi nghĩ là họ sẽ thành công lớn.” Trả lời phóng viên Alex Wagner, trong chương trình truyền hình “The Circus: Inside the Greatest Political Show on Earth”, Hogan Gidley, cựu Thư ký báo chí tòa Bạch Ốc cho biết, người đứng bên cạnh ông nói là có cảm giác đang dự “một đám tang”; một người khác thì than thở, “đất nước chết rồi.”
Ra đi, Trump và những người ủng hộ ông tiếp tục tiến hành công việc chống “bầu cử gian lận” bằng nhiều hình thức khác nhau:
- Biến lời tố cáo “gian lận bầu cử” thành một “ý thức hệ”: Bằng cách lặp đi lặp lại một cách liên tục, công khai và dứt khoát vào bất cứ tình huống nào lời tố cáo gian lận bầu cử, Trump và của những người ủng hộ ông tìm cách bào mòn uy tín và phi pháp hóa chính quyền Biden. Tháng 5/2022, trong một buổi nói chuyện với cử tri, Trump cho biết là ông sẽ viết một cuốn sách với tựa đề “The Crime of the Century” (Tội ác của thế kỷ) phê phán tính cách không liêm chính của hệ thống bầu cử của Mỹ. So sánh với cách bầu cử của Pháp, ở đó, người ta chỉ sử dụng phiếu bầu trực tiếp, bầu ngay trong ngày, cả hai cách bầu bằng thư (absentee voting) và bầu sớm (early voting) của Mỹ đều đưa đến gian lận vì các phiếu bầu có thể dễ dàng sửa đổi khi giữ trong kho. Đó là một trò lừa đảo, ăn cắp, một tội ác, theo ông (39).
- Tiến hành kiểm toán phiếu bầu (election audit): Tuân theo “chỉ thị” của Trump, các nhà lập pháp Cộng Hòa tiến hành việc kiểm toán phiếu bầu không những chỉ ở một số tiểu bang tranh chấp mà Trump thua phiếu như Arizona (40), Philadelphia, Wisconsin, Georgia, mà còn ở cả Texas, nơi ông thắng và thắng lớn.
- Tiến hành cải cách bầu cử: Trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 27 tháng 9 năm 2021, ít nhất 19 bang nơi Đảng Cộng Hòa chiếm đa số trong Quốc hội đã ban hành 33 luật hạn chế quyền tiếp cận phiếu bầu (restrict voting access) (41). Những luật này làm cho việc bỏ phiếu bằng thư và bỏ phiếu sớm (early voting) trở nên khó khăn hơn bằng cách áp đặt các đòi hỏi về kiểm tra ID cử tri khắc nghiệt hơn và nhiều quy định chặt chẽ khác nhằm mục đích hạn chế tối đa việc bầu cử bằng thư. Hơn 400 dự luật với các điều khoản hạn chế quyền tiếp cận bỏ phiếu đã được đưa ra ở 49 bang trong các phiên họp lập pháp năm 2021.
Sau đây là một số điểm chính trong các luật cải cách bầu cử:
- Cử tri có ít thời gian hơn và khó khăn hơn khi đòi hỏi phiếu bầu khiếm diện.
- Sẽ có những quy định nghiêm ngặt hơn về ID khi đòi hỏi phiếu bầu khiếm diện.
- Sẽ là bất hợp pháp nếu các viên chức bầu cử gửi đơn xin phiếu bầu khiếm diện đến cử tri. Ở Texas, các viên chức phụ trách bầu cử có thể đối mặt với truy tố tội hình sự nếu họ khuyến khích cử tri làm đơn xin phiếu bầu bằng thư. Ở Iowa và Kansas, người ta có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự vì gửi giúp phiếu bầu nhân danh những cử tri cần giúp đỡ, chẳng hạn như những cử tri có khuyết tật.
Ngoài ra, cũng trong mục đích hạn chế ảnh hưởng của phiếu bầu bằng thư, có những quy định:
- Giới hạn tối đa số lượng các thùng bỏ phiếu bầu khiếm diện (drop box).
- Hạn chế thời gian đi bầu sớm (early voting).
- Hạn chế việc gia hạn giờ bầu phiếu trong trường hợp có rắc rối xảy ra.
Luật bầu cử mới ở Georgia còn quy định: Không được mang đồ ăn thức uống đến cho cử tri đang sắp hàng đợi vào phòng phiếu. Nghe thì buồn cười, nhưng luật mới không ngoài mục đích hạn chế số cử tri bầu cho Đảng Dân Chủ. Ở những khu vực có nhiều cử tri lợi tức thấp (hầu hết là da đen), người đi bầu thường mang theo con cái khi đứng sắp hàng, có khi phải đợi nhiều tiếng đồng hồ mới đến phiên, nên thân nhân phải mang đồ ăn và nước uống đến cho họ. Hiện tượng này hiếm thấy hoặc không hề có ở những cử tri da trắng. Luật cấm mang đồ ăn rõ ràng là để hạn chế số cử tri đi bầu cho Đảng Dân Chủ.
Tóm lại, với lý thuyết “bầu cử gian lận”, những người ủng hộ Trump tiến hành cùng lúc một chiến dịch quy mô, vừa về tâm lý vừa về luật pháp để thúc đẩy những thay đổi có lợi cho Đảng Cộng Hoà, mà mục đích tối hậu là hạn chế tối đa số cử tri có khuynh hướng bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, trong đó, có hình thức bầu cử bằng thư.
Về phương diện cá nhân, Trump tiếp tục củng cố “chủ nghĩa Trump” theo cách của ông. Các Đại Công Ty Công Nghệ, thường được gọi là “Big Tech” như Facebook, Twitter, Google, đình chỉ tài khoản của ông, nhưng không có mấy tác dụng. Ngoài việc lập ra một công ty riêng cùa mình, Truth Social, ông vẫn xuất hiện dài dài trên tất cả mọi hệ thống truyền thông. Dù không thích Trump hay chống Trump, truyền thông vẫn cần ông. Hễ có dịp phát biểu là ông tố cáo gian lận bầu cử, kể cả khi đi dự một đám cưới (42), hay khi Putin mang quân tấn công Ukraine (43).
Rõ ràng là Trump, trong một thời gian ngắn ngủi, đã để lại một dấu ấn riêng biệt, sâu đậm trong chính trường Hoa Kỳ và thế giới. Đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, tiêu cực hay tích cực, những quyết định của Trump đã làm thay đổi bộ mặt nước Mỹ và thế giới. Trump không những không tìm cách tự điều chỉnh mình để thích ứng với vai trò tổng thống của Mỹ như một siêu cường hay để thích ứng với thế giới, mà buộc Mỹ và thế giới phải tìm cách thích ứng với chính bản thân Trump.
Trump xuất hiện trong thế giới như một người lạ mặt.
Lạ nhân dáng.
Lạ nết người.
Lạ ăn lạ nói.
Lạ đi lạ đứng.
Tóc tai lạ.
Chữ ký lạ.
Ngôn ngữ lạ.
Hành trạng lạ.
Chính sách lạ.
Lúc nào nhìn ông, tôi cũng cảm thấy lạ.
Lạ hơn cả nhân vật tiểu thuyết… hậu hiện đại!
Donald Trump lạ mặt, rốt cuộc, khiến cho Hoa Kỳ cũng trở thành một nước… lạ mặt!
7/2022
(Từ tập tiểu luận CÕI CHỮ CÕI NGƯỜI sắp xuất bản)
T. H. T.
Tác giả gửi BVN.
_____________
Tài liệu tham khảo:
1. Atkin, Emily, What Language Experts Find so Strange About Donald Trump, Sep 15, 2015.
https://archive.thinkprogress.org/what-language-experts-find-so-strange-about-donald-trump-2f067c20156e/
2. Bershidsky, Leonid, Trump’s Risky Bet Against Political Correctness, Bloomberg View, August 7/2015.
http://www.bloombergview.com/articles/2015-08-07/donald-trump-s-risky-bet-against-political-correctness
3. Crouere, Jeff, Donald Trump Wins in Battle Against Political Correctness.
http://www.christianpost.com/news/donald-trump-wins-in-battle-against-political-correctness-141154/
4. Berdyaev, Nikolai, Words and Reality in Societal Life, Berdyaev (1874-1948).
http://www.berdyaev.com/berdiaev/berd_lib/1915_206.html
5. Daily Mail, Donald Trump’s Language Could Win Him the Presidency, March 21, 2016.
http://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-3502925/Donald-Trump-s-language-win-presidency-Candidates-use-emotional-words-votes-times-crisis.html
6. Cummings, William, Trump is a master of language. 17/2/2017.
https://www.usatoday.com/story/news/politics/2017/02/17/trump-rhetoric-techniques/97463770/
7. D’Antonio, Michael, The Little Boy President, CNN 12/5/2017.
https://www.cnn.com/2017/05/11/opinions/little-boy-president-opinion-dantonio/index.html
8. Hansen, Bue & Stahl, Rune, The Fallacy of Post-Truth.
9. Haq, Husna, Poll finds Trump ‘most electable Republican for 2016.’ Really?, The Chritian Science Monitor, 15/10/2015.
https://www.csmonitor.com/USA/USA-Update/2015/1015/Poll-finds-Trump-most-electable-Republican-for-2016.-Really
10. Hoàng Ngọc Hiến, Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, tạp chí
Văn Nghệ, Hà Nội 9/6/1079.
11. Kay, Katty, Why Trump’s Supporters Will Never Abandon Him.
https://www.bbc.com/news/world-us-canada-41028733
12. Lakoff, George và Durán, Gil, Trump is using Twitter to manipulate the country. Here’s how to
stop falling for it.
13. Lakoff, George, Understanding Trump’s use of language.
14. Lakoff, George, “A Minority President: Why the Polls Failed, and What the Majority Can Do.”
15. Oxford Dictionaries.
16. Tannenbaum, Melanie, Decoding Trump-Mania, Scientific American.
http://blogs.scientificamerican.com/psysociety/decoding-trump-mania-the-psychological-allure-of-hating-political-correctness-part-2/
17. Salon.com, Jerk, idiot,buffoon: Voters choose brutal words to describe Donald Trump.
http://www.salon.com/2015/09/30/jerk_idiot_buffoon_voters_choose_brutal_words_to_describe_donald_trump/
Chú thích:
[1] Michael D’Antonio, The Little Boy President, CNN 16/5/2017.
https://www.cnn.com/2017/05/11/opinions/little-boy-president-opinion-dantonio/index.html
[2] Tạm phiên âm từ chữ “tweet”. Trong tiếng Anh, tweet vừa động từ có nghĩa là “hót líu lo”, vừa danh từ là “tiếng chim hót líu lo”, đã được tự điển “Oxford English Dictionary” (OED) chấp nhận nghĩa mới vào năm 2013, cũng vừa danh từ vừa động từ. “To tweet” (gửi đi một cái “tuýt”) được định nghĩa là “đưa lên mạng xã hội Twitter” (to make a posting on the social networking service Twitter); nó cũng có nghĩa là “sử dụng Twitter một cách đều đặn hay thường xuyên (to use Twitter regularly or habitually).
[3] Năm “Big Five” ở Mỹ là: Google, Amazon, Apple, Meta (Facebook), Microsoft.
[4] Relating to or denoting circumstances in which objective facts are less influential in shaping public opinion than appeals to emotion and personal belief. Oxford Dictionaries,
https://www.oxforddictionaries.com/press/news/2016/12/11/WOTY-16
[5] The Oxford Word of the Year is a word or expression that has attracted a great deal of interest over the last 12 months. Every year, we debate candidates for word of the year and choose a winner that is judged to reflect the ethos, mood, or preoccupations of that particular year and to have lasting potential as a word of cultural significance.
[6] Melanie Tannenbaum, Decoding Trump-Mania: The Psychological Allure of Hating Political Correctness, Scientific American (August 15/2015).
http://blogs.scientificamerican.com/psysociety/decoding-trump-mania-the-psychological-allure-of-hating-political-correctness-part-2/
[7] Về định nghĩa của nhóm từ này, có thể tìm thấy trên nhiều trang mạng. Về lai lịch của nó, xem ở Wikipedia:
https://en.wikipedia.org/wiki/Political_correctness
[8] Leonid Bershidsky, Trump’s Risky Bet Against Political Correctness, Bloomberg View, August 7/2015.
http://www.bloombergview.com/articles/2015-08-07/donald-trump-s-risky-bet-against-political-correctness
[9] http://www.mdbg.net/chindict/chindict.php
[10] “Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ nói năng ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn nảy sinh chủ nghĩa hiện thực phải đạo.” (Hoàng Ngọc Hiến, Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, tạp chí Văn Nghệ, Hà Nội 9/6/1079).
[11] Jeff Crouere, Donald Trump Wins in Battle Against Political Correctness, Christian Post 3/7/2015
http://www.christianpost.com/news/donald-trump-wins-in-battle-against-political-correctness-141154/
[12] I think the big problem this country has is being politically correct. I’ve been challenged by so many people and I don’t, frankly, have time for total political correctness. And to be honest with you, this country doesn’t have time, either.
[13] I am so tired of this politically correct crap.
[14] Nguyên văn: We have to get rid of chainlike immigration, we have to get rid of the chain.
https://www.salon.com/2017/12/29/here-are-the-bestworst-moments-from-trumps-new-york-times-interview/
[15] Nguyên văn: Big hands make a big man. (Xem Emily Atkin, chú thích trước).
[16] Xem Salon.com, ”Jerk,” “idiot,” “buffoon”: Voters choose brutal words to describe Donald Trump.
http://www.salon.com/2015/09/30/jerk_idiot_buffoon_voters_choose_brutal_words_to_describe_donald_trump/
[17] Husna Haq, Poll finds Trump ‘most electable Republican for 2016.’ Really?, The Chritian Science Monitor, 15/10/2015.
https://www.csmonitor.com/USA/USA-Update/2015/1015/Poll-finds-Trump-most-electable-Republican-for-2016.-Really
[18] Nguyên văn: I play to people’s fantasies. I call it truthful hyperbole. It’s an innocent form of exaggeration and a very effective form of promotion. (Theo Husna Haq, bđd).
[19] Nikolai Berdyaev, Words and Reality in Societal Life.
Xem: http://www.berdyaev.com/berdiaev/berd_lib/1915_206.html
[20] 吹毛求疵 = xuy mao cầu tỳ = thổi lông tìm vết
[21] Daily Mail, Donald Trump’s language could win him the presidency, Jun 25, 2016.
Xem: http://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-3502925/Donald-Trump-s-language-win-presidency-Candidates-use-emotional-words-votes-times-crisis.html
[22] Xem Emily Atkin, What Language Experts Find So Strange About Donald Trump, Sep 15, 2015
https://archive.thinkprogress.org/what-language-experts-find-so-strange-about-donald-trump-2f067c20156e/
[23] Nguyên văn: The term word salad refers to a random words or phrases linked together in an often unintelligible manner. Often, a listener is unable to understand the meaning or purpose of the phrase. Mental health issues can often be the cause of disorganized speech such as word salad. Word salad is a “confused or unintelligible mixture of seemingly random words and phrases.”
http://examples.yourdictionary.com/examples-of-word-salad.html#dUDDrTbe1L4TaPl9.99
[24] William Cummings, Trump is a master of language.
https://www.usatoday.com/story/news/politics/2017/02/17/trump-rhetoric-techniques/97463770/
[25] Về quan niệm ẩn dụ ý niệm, xem ở Trần Hữu Thục, “Ẩn dụ, cuộc phiêu lưu của chữ.” Có thể xem ở “Ẩn dụ ý niệm”:
https://damau.org/archives/27623
[26] Kết khung (framing) là một bộ những ý niệm và lý thuyết, qua đó, cá nhân hay tập thể tổ chức, nhận thức và truyền đạt về hiện thực.
[27] George Lakoff, Understanding Trump’s use of language.
https://socialeurope.eu/understanding-trumps-use-language
[28] George Lakoff and Gil Durán, Trump is using Twitter to manipulate the country. Here’s how to stop falling for it.
https://www.sacbee.com/opinion/california-forum/article193085404.html?fbclid=IwAR0Tni_AhGttatK3gG4PUerjOVffJOaY0BIshB_veznfROmdrAPAElzncRc
[29] Nguyên văn: He’s essentially saying to the press, “I have control over your income, I have control over, you know, how you earn your living. And I can take it away whenever I want. And you had better be nice to me.”
[30] Tạm tóm tắt như sau:
- Đảng Dân Chủ: tả khuynh (left-leaning), tự do (liberal), gắn liền với sự tiến bộ và bình đẳng, ủng hộ một chính phủ mạnh để cải cách xã hội, ủng hộ mở rộng chính sách di dân, hạn chế sử dụng vũ lực trong các tranh chấp quốc tế, tăng thuế người có lợi tức cao đồng thời giảm thuế cho người có lợi tức thấp, ủng hộ phá thai, ủng hộ đồng tính, chuyển giới, ủng hộ kế hoạch hóa gia đình, chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, hạn chế án tử hình, hạn chế sử dụng quân sự ở nước ngoài, do đó, chỉ từ từ gia tăng ngân sách quân sự, hạn chế và kiểm soát việc sử dụng súng vì sự gia tăng các vụ giết người hàng loạt cũng như sự vô trách nhiệm của những người sở hữu súng.
- Đảng Cộng Hòa: hữu khuynh (right-leaning), bảo thủ (conservative), gắn liền với công lý và tự do kinh tế, khuyến khích sự cạnh tranh, ai làm việc giỏi thì lợi nhuận nhiều (survival of the fittest), giới hạn sự can thiệp của chính phủ vào những vấn đề nội trị, chủ trương mạnh mẽ trong ngoại giao, có thái độ cứng rắn với Iran, chủ trương gia tăng ngân sách quân sự và ủng hộ giải pháp quân sự nếu cần, chịu ảnh hưởng tôn giáo và truyền thống, hạn chế di dân, ủng hộ kiểm soát chặt chẽ biên giới, ủng hộ cắt giảm thuế đồng đều cho người giàu cũng như người nghèo và để cho thị trường kiểm soát lương tối thiểu, ủng hộ án tử hình, chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính vì tin rằng nếu hợp pháp hóa chúng sẽ làm tan rã cơ cấu xã hội, ủng hộ bảo hiểm y tế tư nhân, ủng hộ quyền giữ vũ khí (tu chính án thứ 2), ủng hộ mang súng ở nơi công cộng.
[31] Katty Kay, Why Trump’s Supporters Will Never Abandon Him, BBC News, 23/8/2017.
https://www.bbc.com/news/world-us-canada-41028733
[32] Tiểu mục “Nhảy vào chính trường: chống phát ngôn phải đạo”.
[33] Nguyên văn: The central geographical region of the U.S. in which mainstream or traditional values predominate.
https://www.merriam-webster.com/dictionary/heartland
[34] Nguyên văn: The polls, they say I have the most loyal people (…) Where I could stand in the middle of Fifth Avenue and shoot somebody and I wouldn’t lose any voters, okay?” (2016)
[35] Rich Lowry, DeSantis and the new Republican Party, National Review March 30, 2022. Xem:
https://www.crowrivermedia.com/independentreview/news/opinion/guest_columns/commentary-desantis-and-the-new-republican-party/article_6a465fb2-ac52-11ec-ad20-cfd28e75efcf.html
[36] Xem: https://www.itv.com/news/update/2012-11-07/donald-trump-our-country-is-now-in-serious-trouble/
[37] Khẩu hiệu chính trong các cuộc biểu tình ủng hộ Trump sau bầu cử (11/2020) là “Stop the Steal” (Chận Đứng Trò Ăn Cắp).
[38] Xem: https://abcnews.go.com/Politics/trump-longstanding-history-calling-elections-rigged-doesnt-results/story?id=74126926
[39] USA Today, Timeline: How the storming of the U.S. Capitol unfolded on Jan. 6.
https://www.usatoday.com/in-depth/news/2021/01/06/dc-protests-capitol-riot-trump-supporters-electoral-college-stolen-election/6568305002/
và:
https://www.cnn.com/2022/07/10/politics/jan-6-us-capitol-riot-timeline/index.html
[40] https://www.businessinsider.com/trump-crime-century-says-writing-book-about-stolen-election-lies-2022-5
[41] Kết quả công bố kiểm toán (audit) ở Arizona do Đảng Cộng Hòa thuê vào hôm 23/9/2021 từ Maricopa County Board of Supervisors, cho thấy không những không có gian lận, mà số phiếu bầu của Biden còn nhiều hơn số cũ 99 phiếu trong lúc Trump mất thêm 261 phiếu.
[42]https://www.brennancenter.org/our-work/research-reports/voting-laws-roundup-october-2021
[43] Trump takes mic at wedding and talks about election being rigged
https://www.theweek.in/news/world/2021/03/30/trump-takes-mic-at-wedding-and-talks-about-election-being-rigged.html
[44] Trump says Russia is invading Ukraine because of ‘rigged’ U.S. election
https://www.nydailynews.com/news/politics/us-elections-government/ny-trump-russia-ukraine-rigged-election-20220224-pyk3w2uz6bddppsg7sktiavb64-story.html
Tác giả gửi BVN