Việt Nam ‘mắc kẹt’ trong cuộc chiến phản tác dụng của Nga ở Ukraine
02/03/2022
Phát biểu trong ngày thứ hai 1-3, tại phiên họp đặc biệt về tình hình Ukraine do Đại hội đồng LHQ tổ chức, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - chia sẻ từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của chính mình, Việt Nam thấy rằng chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Về lâu dài, sách lược “bắt cá hai tay” sẽ khó mang lại quyền lợi cho Việt Nam, một khi Tập Cận Bình làm theo cách của Putin, lợi ích chính đáng của Việt Nam có thể bị thiệt hại.
Nhưng thử hỏi, nay mai, khi Tập Cận Bình sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học” tàn bạo giống như hoặc hơn (so với bài học tháng 2/1979) thì Việt Nam “ăn làm sao nói làm sao”?
Việt Nam “mắc kẹt” trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã đành. Hà Nội sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong một trật tự quốc tế hậu Ukraine. Về lâu dài, sách lược “bắt cá hai tay” sẽ khó mang lại quyền lợi cho Việt Nam, một khi Tập Cận Bình làm theo cách của Putin, lợi ích chính đáng của Việt Nam có thể bị thiệt hại.
Trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra từ ngày 24/2, Chính phủ Việt Nam thực sự lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nga là “đối tác chiến lược toàn diện” hàng đầu của Hà Nội. Đây là một trong ba thỏa thuận ở cấp độ cao nhất về đối ngoại mà Việt Nam đã cam kết. Không lên án Nga, vì Moscow và Hà Nội có mối liên hệ ở cấp chiến lược rất quan trọng. Nhưng kẹt một nỗi, Việt Nam cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ với Ukraine. Về mặt thương mại, Ukraine là một thị trường quan trọng cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang châu Âu và cũng là quốc gia mà Việt Nam có mối bang giao hữu hảo. Ukraine là nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính cho Việt Nam, đóng vai trò trong việc giúp Việt Nam nâng cấp và hiện đại hóa quân đội. Một phần công nghiệp quốc phòng của Liên Xô cũ nằm trên lãnh thổ Ukraine. Cần biết là một phần vũ khí của Việt Nam từ những năm 1990 được hiện đại hóa nhờ các nhà công nghiệp Ukraine.
Thế kẹt khó thoát của Hà Nội
Cuộc chiến diễn ra đến ngày thứ tư, Việt Nam mới cho một tờ báo “cấp hai” của quốc doanh đăng tải trả lời phỏng vấn của bà Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội. Tuy là đăng lại lời phát biểu của Đại biện lâm thời Ukraine Nataliya Zhynkina, nhưng đây là một tuyên bố rõ ràng nhất được đưa lên truyền thông chính thống của Nhà nước Việt Nam kể từ ngày nổ ra cuộc xâm lược man rợ của Moscow. “Phía Nga đã gây ra cuộc chiến lần này và người dân Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ hòa bình, độc lập cho đất nước mình”. So với lối nói nước đôi, với kiến thức cũ mèm về Liên Xô của các vị giáo sư-tiến sỹ “ăn mày dĩ vãng” và các tướng lĩnh hãnh tiến, dạy đời trên mạng, thì bài phỏng vấn là một “điểm son”, chuyển tải những thông tin cốt lõi cho độc giả.
Theo bà Nataliya Zhynkin, những gì đang diễn ra không nằm ở phía Ukraine mà đến từ nước Nga. Khoảng 10 năm trước tại Diễn đàn An ninh toàn cầu Munich (Đức), Nga đã không giấu tham vọng lập lại trật tự thời Liên Xô, và theo họ, điều này không thể thiếu Ukraine. Putin lấy lý do là NATO bao vây khắp nơi, nhưng đó là một sự ngụy biện. Nước Nga rộng lớn kéo từ Á sang Âu như thế, lại có lực lượng quân sự với vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác khổng lồ như vậy, thì ai dại mà đi gây sự với họ. Nhưng các quốc gia châu Âu cần có phòng thủ tập thể. NATO là một hiệp ước phòng thủ như vậy. Bà đại biện còn nhấn mạnh, chưa có quốc gia nào tự từ bỏ vũ khí hạt nhân cả, nhưng Ukraine thời điểm 1994, đã làm vậy. Cho nên, những gì nước Nga làm sau đó, và nhất là bây giờ, đang tạo tiền lệ nguy hiểm cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, đe dọa hòa bình trên toàn thế giới.
Trên một bình diện rộng lớn hơn, quá trình leo thang quân sự của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine đã để lộ ra một “kẻ tòng phạm” quan trọng là Trung Quốc. Ai cũng nhìn ra, trong cuộc xung đột mang tầm quốc tế này, đã có “sự rỉ tai" rất thân thiết giữa Putin và Tập Cận Bình. Trong khi nhiều quốc gia tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông 2022, với lý do Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, Putin đã xuất hiện đúng lúc và sáng lòa với “Tuyên bố chung” với Tập Cận Bình là “hợp tác không có giới hạn”. Nhiều nhà quan sát thời sự đã sớm nhận định rằng Moscow và Bắc Kinh đang hình thành – dù không chính thức – một “liên minh ma quỷ” và điều này sẽ là một mối lo về sự ổn định cho trật tự thế giới tự do. Trước khi tiếng súng vang lên ở Kyiv, đã có dự đoán cho rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ ủng hộ các hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Mặc dầu người phát ngôn chính phủ Trung Quốc bác bỏ thỏa thuận bí mật này.
Tình huống trớ trêu ở đây là, Việt Nam có thể “làm ngơ” trước cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Putin như hiện nay, thậm chí trên một vài tờ báo chính thống, vẫn bật “đèn xanh” cho lối tuyên truyền nhằm “biện minh” cho hành động xâm lược ở quy mô gần với các hành động “diệt chủng” của binh lính Nga đối với thường dân Ukraine. Nhưng thử hỏi, nay mai, khi Tập Cận Bình sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học” tàn bạo giống như hoặc hơn (so với bài học tháng 2/1979) thì Việt Nam “ăn làm sao nói làm sao”? Cho dù, trong chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam có kèm theo cái đuôi “một nếu”, nhưng rõ ràng Việt Nam sẽ khó có tiếng nói đồng cảm, chưa kể đến tầm vóc ủng hộ và giúp đỡ quốc tế hiện nay đối với nhà nước dân chủ Ukraine.
Cuộc chiến phản tác dụng của Nga
Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine mà Tổng thống Joe Biden gọi là “phi lý và vô nghĩa” sau những ngày đầu đụng độ vẫn làm cho các nhà phân tích cảm thấy khó hiểu. Những người có đầu óc bình thường hầu như đều cho rằng, trong thời đại ngày nay, chiến tranh không phải là giải pháp cho các vấn đề chính trị và quốc tế. Cuộc xâm lăng Ukraine, một quốc gia độc lập và có chủ quyền, là một hành động không thể biện minh được. Ông Putin có thể sẽ chiếm được toàn bộ lãnh thổ Ukraine trong những ngày tới nhưng cuộc xâm lược và chiếm đóng Ukraine sẽ đẩy nước Nga vào thảm họa cả về kinh tế – chính trị lẫn uy tín quốc tế. Đã có thể hình dung Ukraine tương lai sẽ là một “ác mộng Afghanistan” của Liên Xô trong quá khứ. Hồi bấy giờ, sau 10 năm chiếm đóng, tổn thất hàng vạn binh sĩ, cuối cùng Liên Xô cũng phải rút ra khỏi Afghanistan trong thảm bại. Cân nhắc lợi ích và cái giá phải trả, rõ ràng Putin đã chọn một giải pháp sai lầm.
Tổng thống Putin nói ông không có ý định chiếm đóng Ukraine nhưng đến nay không có nhiều người tin vào những tuyên bố bất nhất, mâu thuẫn và đầy dối trá của nhà lãnh đạo Nga. Nhưng cho dù chiếm được Ukraine, đất nước có 44 triệu dân và diện tích gấp đôi nước Việt Nam, dựng lên ở đó một chính quyền “chư hầu” của Moscow thì Nga sẽ giải quyết được vấn đề gì? Biên giới phía Đông của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể sẽ không bao gồm Ukraine – như tình trạng hiện nay và đó là yêu sách hàng đầu của ông Putin – nhưng điều đó có bảo đảm an ninh của Nga sẽ không bị đe dọa nếu nổ ra xung đột giữa Nga và phương Tây? Cuộc xâm lược của Nga chẳng những không làm phương Tây sợ hãi, mà còn làm cho Tổ chức này đoàn kết hơn. Chính cuộc chiến của Putin là yếu tố thúc đẩy NATO gia tăng lực lượng phòng thủ ở sườn phía Đông.
Trong vài tuần qua, Hoa Kỳ đã liên tục chuyển các lực lượng tinh nhuệ tới Ba Lan và Đức, phối hợp với các đơn vị của NATO ở Đông Âu sẵn sàng ứng phó nếu chiến tranh lan rộng. Các hệ thống đánh chặn hỏa tiễn của Hoa Kỳ ở Romania và Ba Lan đang được khởi động – đặc biệt căn cứ phòng thủ hỏa tiễn tại Ba Lan, chỉ cách biên giới Nga 100 km và có thể phóng hỏa tiễn Tomahawk tới tận thủ đô Moscow mà Nga khó trở tay kịp. Đây mới chính là mối đe dọa an ninh mà Nga phải lo sợ, cho dù Ukraine có gia nhập NATO hay không.
Việt Nam trong trật tự hậu Ukraine
Nếu như trong khói lửa chiến tranh ở Ukraine Việt Nam đã và đang như “gà mắc tóc” thì một “thế giới lưỡng cực” hậu Ukraine sẽ là thách thức ghê gớm đối với Hà Nôi, xưa nay vẫn theo một chính sách “đu dây” giữa các khối. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ là một bước phát triển mới, có khả năng thúc đẩy thế giới trở về với “trật tự lưỡng trục”. Một bên là những chế độ chuyên chế, hiếu chiến và bành trướng với Nga và Trung Quốc liên kết thành một trục, và bên kia là các thể chế dân chủ tự do do Hoa Kỳ và châu Âu dẫn dắt. Sự phân cực này không chỉ về chính trị và an ninh, mà còn ảnh hưởng tới tất cả các phương diện khác như hệ thống tài chính, nguồn cung ứng hàng hóa, vùng nguyên liệu, thị trường, mạng lưới giao thông và tiêu chuẩn công nghệ. Sẽ có lúc, hàng hóa, dịch vụ giao thương với các nước thuộc trục bên này sẽ không tương thích với các nước ở trục bên kia.
Hiện đang có một cuộc tranh luận thực sự ở cấp vùng về vấn đề Ukraina và Nga nhưng tách hẳn khỏi những hoạt động mang tính quân sự ở châu Âu. Điều mà nhiều nước Đông Nam Á, cũng như Việt Nam, cần phải hết sức để tâm trí ứng phó là xuất hiện một trật tự quốc tế mới đang được hai cường quốc hiện nay là Trung Quốc và Nga thảo luận và trên thực tế, trật tự này bác bỏ trật tự truyền thống và lịch sử. Việt Nam và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á có nguy cơ bị bắt làm con tin trong những thay đổi đó. Trong trường hợp này, Việt Nam “mắc kẹt” trong cuộc chiến Nga – Ukraine đã đành. Hà Nội sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong một trật tự quốc tế hậu Ukraine. Về lâu dài, thái độ “bắt cá hai tay” sẽ khó mang lại quyền lợi cho Việt Nam, một khi Tập Cận Bình làm theo sách của Putin, lợi ích chính đáng của Việt Nam có thể bị thiệt hại.
Theo Giám đốc Benoît de Tréglodé từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Quân sự Pháp (IRSEM), chắc chắn đối với các nhà hoạch định chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cuộc chiến hiện nay ở Ukraina là một trường hợp nghiên cứu thực tế lớn, như một kiểu “trò chơi chiến tranh”, cho phép họ hiểu được các nước trên thế giới có lập trường như thế nào về các vận động địa-chính trị theo kiểu này. Châu Á hoàn toàn có lý khi theo dõi, nhưng không phải là về tình hình chiến sự mà để xem các nước khác, kể cả phương Tây, phản ứng như thế nào về kiểu can thiệp đơn phương, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, cũng như việc phương Tây có thể sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp xảy ra xung đột ở châu Á trong tương lai.
H.T.
Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
Nguồn: voatiengviet.com
Đọc thêm:
Đại diện Ukraine tại Việt Nam trải lòng về chiến sự Nga-Ukraine
Chủ Nhật, ngày 27/2/2022
(PLO) - Bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam, kêu gọi người dân thế giới hãy đứng về phía Ukraine, kêu gọi hòa bình được lập lại.
Chia sẻ với PLO về tình hình khủng hoảng Nga-Ukraine, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam Nataliya Zhynkina cho rằng: Phía Nga đã gây ra cuộc chiến lần này và người dân Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ hòa bình, độc lập cho đất nước mình.
. Phóng viên: Tôi rất tiếc khi nghe Ukraine bị rơi vào hoàn cảnh chiến tranh như hiện nay. Xin bà chia sẻ về tình hình gia đình, người thân của bà ở trong nước đến lúc này?
+ Bà Nataliya Zhynkina: Cảm ơn anh đã quan tâm đến Nhân dân Ukraine. Người thân, bạn bè tôi ở một số thành phố lớn, nhất là Thủ đô Kiev đều là những nơi đang bị quân đội Nga tấn công. Họ tấn công bằng tên lửa, bằng máy bay. Giống như nhiều người dân Ukraine khác, người thân và bạn bè của tôi đã tìm được nơi trú ẩn. Mặt khác, gia đình tôi thì ở vùng phía Đông, Lugansk, nhưng khá xa khu vực bị tấn công, nên vẫn an toàn.
. Còn tình hình thương vong, nhất là những người dân thường, diễn ra cho đến lúc này là như thế nào, thưa bà?
+ Phía Nga nói rằng họ chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, thực tế đã có những quả tên lửa trúng vào các tòa nhà dân sự, đã có thương vong dân thường. Tôi chưa có con số cụ thể, nhưng thông tin trên mạng xã hội khu dân sự ở phố Kasiora, trung tâm Kiev đã bị bắn phá.
Hiện tại, ngay ở Ukraine, liên lạc đang bị gián đoạn. Tuy nhiên, chính xác là phía Nga đang tấn công chúng tôi trên toàn tuyến biên giới từ Đông sang Tây, và cả phía Nam, từ biển Đen, biển Azov vào nữa. Ở khu vực nhà máy điện nguyên tử Chornobyl, họ đã đưa đặc nhiệm và cả xe tăng vào chiếm đóng. Lực lượng phòng vệ ở đó đã hi sinh. Đây là vấn đề nguy hiểm. Hải quân Nga đã tấn công đảo Rắn, một hòn đảo rất nhỏ phía Nam Ukraine, trên biển Đen.
Bà Nataliya Zhynkina thông tin đến PLO: "Phía Nga nói rằng họ chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, thực tế đã có những quả tên lửa trúng vào các tòa nhà dân sự." Ảnh: TUYẾN PHAN
. Thông tin mà phía Nga đưa ra là họ công nhận khu vực ly khai phía Đông và đưa quân đội vào theo yêu cầu hỗ trợ của khu vực này. Vậy tình hình khu vực phía Đông này hiện thế nào?
+ Chúng tôi không tin vào những lý do mà phía Nga đưa ra. Các bạn đã thấy rõ là họ không chỉ gây sức ép phía Đông mà còn tấn công trên toàn tuyến biên giới, bắn tên lửa, tấn công bằng máy bay vào các thành phố, địa điểm ở khắp bên trong Ukraine. Nga cũng đưa đặc nhiệm, lính dù vào tận thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác. Mấy hôm trước, phía Nga đưa lực lượng rất mạnh vào với mục đích khống chế, bắt giữ các quan chức Chính phủ của chúng tôi, theo kiểu tấn công vào cơ quan đầu não. Nhưng chúng tôi đã nắm bắt được mưu đồ này nên họ đã thất bại.
Tôi thông báo cho bạn biết là so với Kiev và các thành phố chiến lược khác thì khu vực phía Đông hiện khá ổn định. Nga lấy lý do ủng hộ phong trào độc lập ở tỉnh Donetsk, Lugansk để đưa quân can thiệp, nhưng mục đích chính của họ là khống chế toàn Ukraine. Họ tấn công phía Đông, phía Nam để chiếm các khu vực quan trọng giáp biển Đen, tấn công từ phía Bắc xuống để chiếm thủ đô.
Họ vu khống chúng tôi gây hấn ở phía Đông, nhưng thực tế không đúng. Chúng tôi vẫn luôn kiên trì giải pháp ngoại giao để ổn định khu vực này. Phía Đông được 150.000 quân của nước Nga bao vây, thì dại gì chúng tôi lại gây chiến để tạo cớ cho họ đánh mình. Thực tế phía Nga khiêu khích, nhưng chúng tôi không mắc bẫy. Tôi cho rằng đây là sai lầm chính trị của Nga.
Chiến tranh diễn ra tại Kiev. Ảnh: Sergei Supinsky/Agence France-Presse — Getty Images
Mảnh máy bay bị bắn rơi ở Kiev. Ảnh: Lynsey Addario for The New York Times
. Căng thẳng Nga-Ukraine đã kéo dài nhiều năm qua, liệu phía Ukraine đã có biện pháp phòng vệ cho người dân?
+ Chúng tôi đã có sự chuẩn bị. Ở Kiev và các thành phố đều đã chuẩn bị khu vực trú ẩn cho người dân. Có những công trình từ hồi chiến tranh vệ quốc, chống phát xít Đức đã được khôi phục lại. Rồi dưới tàu điện ngầm, tầng hầm các tòa nhà, tất cả đều sẵn sàng. Có báo động là người dân trú ẩn ngay. Các bạn coi các video thì thấy đấy, cộng đồng người Việt Nam ở các nơi đó cũng vậy, họ xuống các tầng hầm để trú ẩn.
. Còn các hình thức đáp trả bằng quân sự của Ukraine hiện ra sao?
+ Chúng tôi có chuẩn bị chứ, và đã hi vọng là sự ủng hộ, kêu gọi của các nước, cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình thì phía Nga sẽ chùn bước. Nhưng như bạn thấy, Nga vẫn ra lệnh tấn công. Quân đội, lực lượng phòng vệ của chúng tôi đang kiên cường chiến đấu. Nhưng phía Nga rất mạnh. Hiện tôi biết là chiến sự ở thành phố Kherson ở phía Nam đang rất căng thẳng, có sự giằng co.
Tất cả các địa phương đều tổ chức lực lượng phòng vệ, tổ chức cho người dân tham gia bảo vệ Tổ quốc bên cạnh lực lượng vũ trang chuyên nghiệp. Trên Tiktok và các mạng xã hội khác, bạn có thể thấy khi được hỏi chiến tranh thế này thì đi đâu, những cô gái Ukraine đã trả lời lời không đi đâu cả, và khoe giấy đăng ký vào lực lượng phòng vệ, kèm theo là giấy phép sử dụng súng.
Đại diện phía Ukraine ở Việt Nam cho biết "phía Nga đang tấn công chúng tôi trên toàn tuyến biên giới từ Đông sang Tây, và cả phía Nam, từ biển Đen, biển Azov vào nữa". Ảnh: TUYẾN PHAN.
Lính Ukraine tại Kiev. Ảnh: Sergei Supinsky/Agence France-Presse — Getty Images
. Tạm gác chuyện chiến sự, tôi mong bà chia sẻ một chút về quá trình hình thành nhà nước Ukraine sau khi Liên Xô tan rã đứng ở góc độ luật pháp quốc tế? Liệu về mặt công pháp quốc tế, giữa Ukraine và CHLB Nga còn gì chưa rõ ràng, vướng mắc, tranh chấp để rồi dẫn tới mâu thuẫn gay gắ như hiện nay?
+ Tôi muốn được nói rõ: Nguyên nhân của những gì đang diễn ra không nằm ở Ukraine mà là nước Nga. Khoảng 10 năm trước ở Diễn đàn An ninh toàn cầu Munich (Đức), Nga đã không giấu tham vọng lập lại trật tự thời Liên Xô, và điều đó không thể thiếu Ukraine. Lý do của Tổng thống Nga đó là NATO bao vây khắp nơi, nhưng tôi cho đó là một sự ngụy biện. Nước Nga rộng lớn kéo từ Á sang Âu như thế, lại có lực lượng quân sự với vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác khổng lồ như vậy thì ai dại mà gây sự. Nhưng các quốc gia châu Âu cần có phòng thủ tập thể. NATO là một hiệp ước phòng thủ như vậy.
. Bà vẫn chưa trả lời tôi về khía cạnh pháp lý đối với quan hệ hai nước?
<?XML:NAMESPACE PREFIX = "[default] http://www.w3.org/2000/svg" NS = "http://www.w3.org/2000/svg" />
+ Về công pháp quốc tế, không có sai sót nhỏ nào trong quá trình Ukraine độc lập từ năm 1991. Năm ấy, Nga và Ukraine là các chủ thể độc lập cùng đứng ra công bố độc lập và cả hai công nhận lẫn nhau. Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được nước Nga ghi nhận ít nhất hai lần trong hiệp ước song phương, kể cả vùng Crimea phía Nam và hai tỉnh phía Đông.
Ukraine là thành viên Liên hợp quốc, được công nhận đầy đủ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Các hiệp định mà Ukraine ký kết song phương, đa phương với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế đều không có vấn đề gì để tranh cãi.
Lưu ý là trong Hiệp định Budapest mà Ukraine, vì hòa bình và an ninh thế giới, đã tự nguyện tham gia để tự giải giáp vũ khí hạt nhân mà mình sở hữu sau khi Liên Xô tan rã, tất cả các quốc gia bao gồm Nga – nước tiếp quản số vũ khí khủng khiếp ấy – đã cam kết rõ ràng sẽ đảm bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia của đất nước tôi. Nhưng những gì mà họ đã tiến hành từ năm 2014 đến nay cho thấy họ đã phá vỡ cam kết của mình.
Xin nhấn mạnh, chưa có quốc gia nào tự từ bỏ vũ khí hạt nhân cả, nhưng Ukraine thời điểm 1994 ấy, đã làm vậy. Cho nên, những gì nước Nga làm sau đó, và nhất là bây giờ đang tạo tiền lệ nguy hiểm cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, đe dọa hòa bình trên toàn thế giới.
Theo bà Nataliya Zhynkina, về công pháp quốc tế, không có sai sót nhỏ nào trong quá trình Ukraine độc lập từ năm 1991. Ảnh: TUYẾN PHAN
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp về việc Nga tấn công Ukraine. Ảnh: John Minchillo/Associated Press
. Rõ ràng Ukraine có lịch sử phức tạp với Nga. Một bộ phận người Ukraine nói tiếng Nga, và một bộ phận dân chúng cũng có quan điểm gần gũi với Nga, trong khi một bộ phận khác chọn phía EU. Nhìn nhận thế nào về yếu tố này trong nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay?
+ Đó là lý lẽ đơn phương của Nga mà thôi. Chúng tôi là một quốc gia đa sắc tộc, có người Ukraine, người Nga, rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Acmenia, Do Thái… Tất cả đều sinh sống yên bình, đoàn kết. Về cơ bản, chúng tôi tất thảy không để ý đến chuyện nguồn gốc hay sắc tộc gì. Ngay về ngôn ngữ, trước 2014, chúng tôi vẫn nói tiếng Nga bình thường như bao ngôn ngữ khác. Nhưng sau khi Nga cưỡng đoạt bán đảo Crimea thì nguyện vọng của người dân là phải coi tiếng Ukraine là quốc ngữ, nên chúng tôi xây dựng một luật về vấn đề này.
Tuy nhiên, cho dù thế nào thì hiện tại cũng như tương lai, tiếng Nga vẫn được sử dụng bình thường, vẫn có trường dạy bằng tiếng Nga. Như tôi đây, ngoài tiếng Ukraina thì vẫn sử dụng cả tiếng Nga, và tiếng Anh.
. Bà có nghĩ rằng Ukraine suốt thời gian qua đã “mắc kẹt” giữa một bên là EU và một bên là Nga, điều đó dẫn tới những khó khăn như hiện nay? Liệu “bài toán chọn lựa” này tới đây sẽ như thế nào?
+ Có lẽ, những người Ukraine đã, đang yêu mến nước Nga hoặc có thái độ trung dung thì nay sẽ không còn tình cảm ấy nữa. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy nước Nga không chỉ thất tín, gây hấn mà còn đang dùng vũ lực để tấn công chúng tôi. Chắc chắn, đa số dân chúng đã hoàn toàn đổ vỡ và thất vọng, không còn muốn quay lại với nước Nga nữa. Thậm chí, đã có tâm lý tiêu cực, thù địch với nước Nga.
Năm 2014, người Ukraine không sẵn sàng nổ súng vào binh lính Nga, chính vì vậy mà Crimea bị họ chiếm đóng. Nhưng bây giờ khác rồi, sự thù nghịch với nước Nga càng ngày càng rõ, nên kể cả dân thân Nga cũng thay đổi thái độ rồi. Đấy là hậu quả mà chính nước Nga gây ra.
. Ukraine công khai mong muốn gia nhập NATO và điều ấy rõ ràng Nga không muốn, bởi chính Nga có vẻ cũng lo lắng nếu Kraine tham gia liên minh quân sự rất hung mạnh vốn đối đầu với Nga. Liệu rằng việc Ukraine xin gia nhập NATO có góp phần kích ngòi khủng hoảng lần này?
+ Sau 2014, bị Nga chiếm đóng Crimea thì nhân dân chúng tôi mới thực sự có nguyện vọng tìm tới những hợp tác phòng thủ như NATO. Chứ trước đó thì người dân không nghĩ tới, và Chính phủ cũng không có định hướng đối ngoại nào như vậy. NATO cũng là lựa chọn của nhiều nước Đông Âu và kể cả một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Họ đều trải qua những giai đoạn lịch sử không vui với nước Nga nên ngay sau 1991 đã tìm đến NATO và thành công. Còn Ukraine đâu có tưởng tượng tới một ngày sẽ có chiến tranh với nước Nga!
"Sau 2014, bị Nga chiếm đóng Crimea thì nhân dân chúng tôi mới thực sự có nguyện vọng tìm tới những hợp tác phòng thủ như NATO"- Bà Nataliya Zhynkina. Ảnh: TUYẾN PHAN
. EU và khối NATO đã và đang lên tiếng ủng hộ Ukraine. Nhưng họ có hành động thực chất nào không?
+ Nhiều nước đang trực tiếp giúp đỡ chúng tôi vũ khí, khí tài. Rồi họ công bố áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga và các nước liên quan. Sẽ còn nhiều biện pháp mới, hỗ trợ mới nữa. Liên hợp quốc sẽ lên tiếng bảo vệ Ukraine. Không chỉ các quốc gia mà cả các tổ chức quốc tế, các quỹ, ngân hàng lớn, các tập đoàn đa quốc gia cũng đang và sẽ ủng hộ chúng tôi, hoặc trừng phạt phía bên kia. Ông Putin sẽ thấy các biện pháp cấm vận triệt để hơn nữa.
Chúng tôi hiểu, chỉ có Nhân dân Ukraine phải đổ máu trên chiến trường. Nhưng thế giới văn minh, loài người tiến bộ sẽ ủng hộ chúng tôi chống lại xâm lược.
. Nước Nga có tiềm lực quân sự mạnh. Bà dự báo tương lai cuộc chiến thế nào?
+ Chúng tôi không nghĩ nước Nga đủ sức chiếm đóng Ukraine. Bởi vì mình chiến đấu trên mảnh đất của mình, còn Nga là bên xâm lược. Ukraine có 40 triệu dân, còn lực lượng quân đội Nga chỉ có 150.000 thôi. Kể cả Chính phủ Ukraine có sụp đổ thì người dân cũng không bao giờ để cho Nga ở lại.
. Xin cám ơn bà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét