Phát động chiến tranh Nga - Ukraine, ông Putin làm cho nước Nga mạnh lên hay yếu đi?
Nguyễn Ngọc Chu
Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine sẽ cho Việt Nam nhiều sự thức tỉnh. Trong số đó là về trang bị vũ khí. Ngoài những tên lửa chiến lược, siêu thanh, vũ khí thông thường của Nga không chứng minh được sự vượt trội. Một chiếc xe tăng T90 giá từ 2,5-4,3 triệu USD, dễ dàng bị bắn hạ bởi một tên lửa vác vai Javelin giá rẻ hơn nhiều chục lần. Các vũ khí mà Việt Nam mua của Nga, thì Trung Quốc đều có với số lượng vượt trội, kể cả đời mới hơn.
Trong khu vực, ngày 10/2/2022 Indonesia đã mua 6 trong tổng số hợp đồng 42 máy bay Rafale của Pháp (https://vov.vn/.../indonesia-mua-42-tiem-kich-rafale-cua...). Hơn thế nữa ngày 14/2/2022 Indonesia ký hợp đồng trị giá 13,5 tỷ đô la để mua 36 máy bay F-15 Eagle của Mỹ, thay vì mua Su 35 của Nga.
Chậm còn hơn không bao giờ.
I. TIẾNG NÓI TRUNG LẬP
1. Lập trường của Nhà nước Việt Nam về tranh chấp quốc tế là rất rõ ràng. Phát biểu tại Liên Hợp Quốc về chiến tranh Nga – Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh:
"Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm.
Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”.
“Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này” (https://vov.vn/.../toan-van-tuyen-bo-cua-viet-nam-tai-dai...).
2. Về tình hình chiến sự Nga - Ukraine, trao đổi với PV báo Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao...), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết:
“Với Việt Nam, cần làm rõ: trước hết hòa bình thế giới bị đe dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta”.
Tôi nghĩ rằng nguyên nhân để xung đột leo thang như hiện nay không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, nhưng rõ ràng chiến dịch quân sự này tạo ra tiền lệ xấu trong việc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, hòa bình thế giới bị đe dọa.
Nhưng kết cục của cuộc chiến sẽ đi về đâu, ai sẽ thắng? Cá nhân tôi cho rằng cả Nga và Ukraine đều không có bên nào thắng”.
“Tôi nhắc lại, muốn hạ nhiệt ở Ukraine cần chọn công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận”.
Còn Thiếu tướng PGS -TS Đoàn Hùng Minh thì đánh giá như sau:
“Theo tôi, với nước Nga, một người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam, chúng ta ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới, không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga.
Nhưng đồng thời cũng góp ý với bạn, trước hết không đồng tình khi chủ quyền, lãnh thổ các nước không được tôn trọng theo luật pháp quốc tế, bất luận là hình thức nào. Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận, chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.
Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách "ngoại giao pháo hạm" của nước lớn.
Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, cũng cần góp ý với các bạn Ukraine về việc để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn.
Thêm vào đó, khi sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Cũng cần góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào”
(https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao...).
II. PHÁT ĐỘNG CHIẾN TRANH NGA - UKRAINE, ÔNG PUTIN LÀM CHO NGA MẠNH LÊN HAY YẾU ĐI?
Tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022 với 20 vạn quân thường trực, ông Putin có làm cho nước Nga mạnh lên, hay đang làm cho nước Nga bị suy yếu hơn? Thử điểm qua các nhân tố dưới đây để đi tìm câu trả lời.
1. NGA KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU THEO KẾ HOẠCH
Đàm phán Nga – Ukraine phụ thuộc vào thực tiễn chiến trường. Chiến trường sẽ quyết định những vấn đề cơ bản nhất cho việc chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraine.
Sau 10 ngày chiến tranh, mặc dù ông Putin lớn tiếng tuyên bố cuộc chiến diễn ra như kế hoạch dự định, nhưng thực tế chiến trường cho thấy điều khác. Nhiều chuyên gia quân sự đã cho biết những đánh giá sau đây từ thực tiễn chiến trường.
1.1. Không đạt được mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh.
Quân đội Ukraine có 170 000 biên chế phải căng ra trên lãnh thổ 603 000 km2 (ngoại trừ Crimea và 2 vùng ly khai). Mặc dù ông Putin chối bỏ kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng thực tế cho thấy Tình báo Mỹ đã dự báo đúng. Phía Nga đã tính toán rất kỹ, chuẩn bị từ cả năm trước cho cuộc tấn công Ukraine. Trung Quốc yêu cầu Nga không động binh trong thời gian Olympic Bắc Kinh. Với số lượng quân đội 200.000 người, có vũ khí nhiều lần vượt trội, đánh phủ đầu các cơ sở quân sự bằng tên lửa, chiếm ưu thế trên không, dày đặc quân thám báo nội phản, phía Nga dự kiến đè bẹp 2 thành phố chiến lược quan trọng nhất của Ukraine là Kyiv và Kharkiv trong vòng 72 giờ. Chiếm được thủ đô Kyiv, lập nên chính phủ mới là giải quyết xong vấn đề Ukraine, không để cho thế giới kịp phản ứng.
Nhưng thực tiễn cho thấy, sau 10 ngày giao tranh, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Nga đã không thành.
1.2. Quân Nga bị tổn thất nặng nề hơn so với dự tính
Nguồn tin về thương vong và tổn thất đưa ra từ hai phía rất khác nhau. Nhưng thực tiễn các thước phim chiến trường và sự tiến quân chậm của Nga cho thấy Nga bị tổn thất nặng về người và phương tiện quân sự. Đến ngày 03/3/2022 mới có thông báo đầu tiên của Nga về thương vong, với 498 lính tử trận và 1597 quân nhân bị thương. Con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều.
1.3. Sai lầm về chiến thuật, tác chiến kém, một bộ phận lớn vũ khí hiệu quả thấp
Theo các chuyên gia quân sự, thực tế trên chiến trường cho thấy quân Nga đã không thể hiện được sức mạnh như nhiều người dự đoán. Ngược lại còn bộc lộ nhiều điểm yếu: về chiến thuật, về hợp đồng tác chiến, về cung cấp hậu cần. Về mặt vũ khí, ngoài các tên lửa hành trình, thì xe tăng và thiết giáp không đạt hiệu quả mong muốn, các trang thiết bị lạc hậu. Tất cả gộp lại buộc Nga phải thay đổi chiến thuật.
1.4. Tinh thần chiến đấu của quân Nga mỗi ngày một sa sút
Xâm lược nước khác không bao giờ đẻ ra một tinh thần chiến đấu cao. Càng kéo dài chiến tranh, tinh thần chiến đấu của quân Nga càng đi xuống. Đó là điều chắc chắn.
1.5. Khả năng chiến đấu của quân Ukraine mạnh hơn nhiều so với dự báo của Nga
Ông Putin và các tướng lĩnh Nga vạch kế hoạch tấn công Ukraine đã đánh giá sai về tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội Ukraine. Kịch bản Crimea 2014 vận dụng cho cuộc tấn công toàn Ukraine 2022 đã thất bại. Ngoài việc quân đội Ukraine được huấn luyện tốt hơn, có vũ khí hiện đại hơn, thì tinh thần xả thân bảo vệ quê hương, Tổ quốc trước quân xâm lăng mới là sức mạnh vô địch.
Sau 10 ngày chiến tranh, quân đội Nga đã không thể hiện được sức mạnh như nhiều người lầm tưởng về cường quốc quân sự số 2 thế giới.
2. NGA SẼ PHẢI TỐN NHIỀU BINH LỰC ĐỂ DÀNH ƯU THẾ CHIẾN TRƯỜNG LÀM TỔN HẠI ĐẾN TIỀM LỰC QUÂN SỰ CỦA NGA
Nga đang thay đổi chiến thuật, tập trung lực lượng và binh khí để bao vây, tấn công, khuất phục bằng được Kyiv, Kharkiv và các thành phố lớn của Ukraine. Sự chiến đấu dũng cảm của quân dân Ukraine cho thấy khốc liệt đang ở phía trước. Tổn thất về tiềm lực quân sự và nhân mạng của hai phía dự báo sẽ còn gia tăng. Cuộc chiến càng kéo dài thì tiềm lực quân sự của Nga càng suy yếu. Nhìn vào tình thế hiện nay, Nga sẽ phải đón chờ những tổn thất lớn về nhân mạng và khí tài trong tương lai, hàng ngàn xe tăng và chiến xa sẽ bị huỷ diệt, hàng trăm máy bay sẽ bị bắn rơi, hàng ngàn trọng pháo và bệ phóng tên lửa sẽ bị phá huỷ, hàng chục ngàn binh lính sẽ bị thương vong… Năng lực quốc phòng Nga sẽ bị suy hiếu trầm trọng.
3. NGA KHÓ THÀNH LẬP ĐƯỢC MỘT CHÍNH PHỦ Ở KYIV ĐƯỢC NGƯỜI DÂN UKRAINE CHẤP NHẬN
Cho dù có tạm thời chiếm được các thành phố lớn của Ukraine, thì Nga rất khó dựng được một chính phủ mà người dân Ukraine chấp thuận. Và tình hình đối kháng sẽ kéo dài nhiều năm. Cũng như Liên Xô và Mỹ đã phải rút khỏi Afghanistan, kết cục cuối cùng là Nga sẽ thua cuộc chiến Nga - Ukraine.
4. KINH TẾ NGA BỊ SUY YẾU TRẦM TRỌNG DO CẤM VẬN
Sau khi chiếm đóng và sát nhập Crimea năm 2014, nước Nga đã bị cấm vận. Nền kinh tế Nga xuống dốc từ đó. Nhưng đợt cấm vận lần này, sau khi Nga đưa quân tấn công Ukraine, thì chưa từng thấy. Nga hầu như hoàn toàn bị đẩy ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế và cô lập với gần như toàn bộ nền kinh tế thế giới. Cấm vận sẽ tác động lâu dài đến kinh tế và tiềm lực quốc phòng Nga trong nhiều năm tới. Chỗ dựa cơ bản nhất của Nga hiện nay là Trung Quốc. Nga càng ngày càng thêm phụ thuộc vào Trung Quốc.
5. ĐỜI SỐNG CỦA NHÂN DÂN NGA SẼ RẤT KHÓ KĂN
Kinh tế của Nga sẽ bị tụt dốc và người gánh chịu hậu quả cuối cùng sẽ là nhân dân Nga. Đời sống của người dân Nga sẽ rất khó khăn.
6. NATO KHÔNG YẾU ĐI MÀ MẠNH LÊN
Một điều nhận thấy trong mấy ngày qua là NATO càng thêm thống nhất. Tránh đối đầu trực diện với Nga, vì kết cục cuối cùng sẽ là chiến tranh hạt nhân, nhưng NATO cam kết bảo vệ từng inch (2,5cm) đất đồng minh. Các nước trong khối NATO đều gia tăng chi phí quốc phòng. Đức lập tức nâng ngân sách quốc phòng 2022 lên 100 tỷ Euro, vượt quá 2% GDP. Còn Ba Lan thì tăng ngân sách quốc phòng từ 2,2% lên 3%. NATO không yếu đi mà mạnh lên.
7. THÊM CÁC NƯỚC MUỐN GIA NHẬP EU VÀ NATO
Sau đơn xin gia nhập EU của Ukraine ngày 01/2/2022, thì ngày 02/3/2022, ông Irakli Kobakhidze - Chủ tịch đảng cầm quyền tại Gruzia, cho biết nước này sẽ lập tức nộp đơn xin gia nhập EU, yêu cầu Brussels xem xét khẩn cấp đơn của Gruzia, và trao cho Gruzia tư cách ứng viên xin gia nhập EU. Tiếp theo Ukraine và Gruzia, ngày 03/3/2022 Tổng thống Moldovia Maia Sandu cho biết, Moldova đang nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu.
Còn Phần Lan và Thuỵ Điển cũng xem xét khả năng từ bỏ vị thế trung lập để gia nhập NATO (https://www.saigondautu.com.vn/.../nga-chan-nghi-quyet...).
Từ các nhân tố đưa ra ở trên, mỗi người có thể tự rút ra kết luận, rằng phát động chiến tranh Nga - Ukriane, ông Putin làm cho nước Nga mạnh lên, vẻ vang hơn? hay là làm cho nước Nga suy yếu đi, bị cô lập hơn?
8. CÓ MỘT NƯỚC NGA KHÁC
Bà Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong bài phát biểu đầy nhiệt huyết cam kết viện trợ 1 tỷ Euro cho Ukraine, ngày 1/3/2022, về cuộc xâm lược Nga đối với Ukraine đã nói:
“Có một nước Nga khác phía sau những chiếc xe tăng của Putin. Và chúng tôi mở rộng vòng tay của tình bạn với nước Nga khác này. Hãy vững tin, họ có sự hỗ trợ của chúng tôi”
(https://ec.europa.eu/.../pressco.../detail/en/speech_22_1483).
9. THẾ NÀO LÀ CHIẾN THẮNG?
Ông Putin và những người ủng hộ ông Putin chỉ mong sao cho quân đội Nga nhanh chóng dành được chiến thắng, để chứng minh “lẽ phải thuộc về ông Putin”.
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều bài học cay đắng về “chiến thắng”. Những “chiến thắng” chớp nhoáng, lật đổ được chính quyền, chiếm đóng được đất, nhưng 10 năm, 20 năm sau phải cay đắng thu quân, thừa nhận thất bại. Có những “chiến thắng” mà 10 năm, 20 năm, 50 năm sau phải hối tiếc giá đừng có “chiến thắng” thì tốt hơn biết bao nhiêu.
Chiến tranh luôn bắt đầu bằng kẻ cầm quyền, và kết thúc bằng máu và nước mắt của nhân dân.
VÀ SỰ THỨC TỈNH
Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine sẽ cho Việt Nam nhiều sự thức tỉnh. Trong số đó là về trang bị vũ khí. Ngoài những tên lửa chiến lược, siêu thanh, vũ khí thông thường của Nga không chứng minh được sự vượt trội. Một chiếc xe tăng T90 giá từ 2,5-4,3 triệu USD, dễ dàng bị bắn hạ bởi một tên lửa vác vai Javelin giá rẻ hơn nhiều chục lần. Các vũ khí mà Việt Nam mua của Nga, thì Trung Quốc đều có với số lượng vượt trội, kể cả đời mới hơn.
Trong khu vực, ngày 10/2/2022 Indonesia đã mua 6 trong tổng số hợp đồng 42 máy bay Rafale của Pháp (https://vov.vn/.../indonesia-mua-42-tiem-kich-rafale-cua...). Hơn thế nữa ngày 14/2/2022 Indonesia ký hợp đồng trị giá 13,5 tỷ đô la để mua 36 máy bay F-15 Eagle của Mỹ, thay vì mua Su 35 của Nga.
Chậm còn hơn không bao giờ.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét