Thấy gì qua lá phiếu “thuận” của Cambodia vào ngày 2/3/2022 tại Đại hội đồng LHQ?
Đinh Kim Phúc
Cambodia lên án Nga là tự bảo vệ cho chính mình.
Tranh chấp với Thái Lan
Ngày 11/11/2013, Chủ tịch Tòa án ICJ Peter Tomka nhất trí ra phán quyết “Campuchia có chủ quyền đối với toàn bộ khu đất của đền Preah Vihear", Theo phán quyết này, khu đất xung quanh đền Preah Vihear là thuộc về Campuchia.
ICJ đã đưa ra phán quyết ngôi đền trên là của Campuchia vào năm 1962 nhưng Thái Lan vẫn cho rằng quyền sở hữu đối với phần còn lại của đỉnh đồi có ngôi đền vẫn chưa được phán xử.
Sau phán quyết mới nhất, giới chức cũng như dư luận Campuchia đều hoan nghênh, cho rằng điều này là "công bằng và chấp nhận được".
Tranh chấp với Việt Nam
Trong hơn 20 năm qua, mỗi lần ở Campuchia nổi lên một sự kiện chính trị thì lại có dư luận tố cáo chính phủ Phnom Penh thỏa hiệp với Việt Nam trong vấn đề biên giới lãnh thổ.
Chúng ta biết rằng trong quan hệ với Việt Nam, Campuchia là một nước láng giềng có đường biên giới chung trên 1.000km, có vùng biển chung chưa được hoạch định và có dòng sông Mekong nối liền hai nước đi ra biển.
Quan hệ giữa hai nước về cơ bản có những yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề tồn tại do lịch sử để lại về biên giới, lãnh hải.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có tư tưởng chống Việt Nam vẫn lợi dụng những vấn đề này nhằm phục vụ ý đồ chính trị của mình gây ra nhiều phức tạp cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Những nhóm Khmer trên thường viện dẫn những lý do lịch sử và văn hóa để chứng minh chủ quyền của người Khmer trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Sự tiếp cận tuy hợp lý nhưng không đúng. Người Khmer chưa hề làm chủ vùng đất này. Đế quốc Angkor trong thời cực thịnh nhất, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, cũng chưa bao giờ làm chủ vùng đất này vì một lý do đơn giản: người Khmer không có mặt trên đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến nay các nhà khảo cổ học không tìm thấy đền đài nào của thời Angkor trên đồng bằng sông Cửu Long. Cũng nên biết nền văn minh chói sáng của các thời đại Angkor thể hiện qua các công trình kiến trúc bằng đá, tất cả đều tập trung quanh khu vực Siem Reap và Battambang.
Trong suốt thời kỳ hưng thịnh nhất của đế quốc Angkor, trung tâm chính trị và văn hoá được thiết lập phía Bắc hồ Tonlé Sap, quanh Battamang và Siem Reap. Gần như tất cả dân cư sinh sống quanh trung tâm này đều bị bắt về làm nô lệ để xây dựng đền đài. Khi đế quốc Angkor bị người Siam (Thái Lan) tiêu diệt vào giữa thế kỷ XV, không người Khmer nào dám phiêu lưu xuống đồng bằng sông Cửu Long lánh nạn hay lập nghiệp vì sợ rừng thiêng nước độc. Gần như tất cả dân cư Khmer đều tập cư quanh nơi tiếp giáp Biển Hồ và sông Mekong, tức thủ đô Pnom Penh ngày nay. Về sau, để tránh cảnh lụt lội, một số di dân phiêu lưu xuống những gò đất cao (giồng) tại Đồng Tháp và Châu Đốc định cư.
Thời kỳ sau đó, từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ XVII, lãnh thổ của vương quốc Chân Lạp chỉ quanh quẩn từ khu vực phía Nam hồ Tonlé Sap đến khu Mỏ Vẹt phía Đông, và từ Stung Treng phía Bắc đến Tàkeo về phía Nam, mỗi khu vực do một tiểu vương chiếm giữ và đánh phá lẫn nhau. Những danh xưng như Moat Chruk (Châu Đốc), Phsar Dek (Sa Đéc), Toek Khmau (Cà Mau), … chỉ xuất hiện sau này khi người Khmer theo chân người Việt và người Minh Hương đến khai phá đồng bằng sông Cửu Long, từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Di tích xưa nhất của người Khmer: các chùa chiền có cùng niên đại với sự xuất hiện của người Hoa và người Việt, nghĩa là cách đây khoảng 300 năm.
Quyển “Gia Định thành thông chí” do Trịnh Hoài Đức biên soạn trong đời Gia Long và năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đã được công bố. Trong đó, địa danh Phú Quốc và việc xác lập đơn vị hành chánh ở Phú Quốc thuộc triều Nguyễn đã được nhắc lại ở 6 mục.
Nhìn lại mối quan hệ Việt Nam và Campuchia từ xa xưa, chúng ta phải thừa nhận rằng trong lịch sử của các triều đại phong kiến trước đây, Việt Nam và Thái Lan đều có truyền thống tranh giành ảnh hưởng ở Campuchia. Khi mà Vương quốc Angkor chia rẽ, tranh đoạt quyền bính. Người thì chạy sang Bangkok cầu viện, kẻ ra tận Huế xin trợ giúp, do đó mới có việc Trương Minh Giảng, Thoại Ngọc Hầu chinh Tây. Đó là một thực tế của quá khứ.
Bước vào thời kỳ hiện đại, từ trước năm 1964, với nỗi ám ảnh về những vùng đất đai rộng lớn của thời kỳ đế quốc Angkor, quan điểm cơ bản của phía Campuchia về biên giới lãnh thổ giữa hai nước là đòi Việt Nam trả lại cho Campuchia 6 tỉnh Nam kỳ và đảo Phú Quốc.
Nhưng từ năm 1964 trở về sau, dưới sự leo thang trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chính phủ Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu đã chính thức đề nghị Việt Nam công nhận Campuchia trong đường biên giới hiện tại, cụ thể là đường biên giới trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 với 9 điểm sửa đổi, tổng diện tích khoảng 100km2. Trên biển, phía Campuchia đề nghị các đảo phía Bắc đường do Toàn quyền Brévié vạch năm 1939 là thuộc Campuchia, cộng thêm quần đảo Thổ Chu và nhóm phía Nam quần đảo Hải Tặc.
Ngày 20/06/1964, Quốc trưởng Norodom Sihanouk đã gửi thư cho Chủ tịch UBTWMTDTGPMNVN Nguyễn Hữu Thọ đề nghị gặp Chủ tịch để trao đổi ý kiến về vấn đề biên giới. Sihanouk đã nói rõ lập trường của Campuchia về vấn đề biên giới: “Chúng tôi rút lui mọi tuyên bố đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của mình để đổi lấy một sự công nhận dứt khoát rõ ràng đối với những đường biên giới đang tồn tại và chủ quyền của chúng tôi đối với những hòn đảo ven biển mà chính quyền Sài gòn đã đòi một cách phi pháp …”.
Ngày 18/08/1964, Quốc trưởng Norodom Sihanouk lại gửi thư cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: “về phần mình, Campuchia chỉ đòi hỏi sự công nhận đường biên giới hiện tại trên đất liền của mình như đã được vẽ trên các bản đồ thông dụng năm 1954, và sự công nhận chủ quyền của Campuchia đối với các đảo ven biển mà chế độ Sài gòn đã đòi mà không có một chút lý lẽ gì để biện hộ được”.
Tháng 08/1966 Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra tuyên bố: “Công nhận chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong giới hạn hiện tại ở đường biên giới của mình”.
Quan điểm của MTDTGPMNVN đã trở thành một công thức quyết định của Sihanouk. Ngày 9 tháng 5 năm 1967, Chính phủ Vương quốc Campuchia công bố một văn kiện chính thức kêu gọi tất cả các nước mong muốn thiết lập quan hệ bình thường và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia “công nhận độc lập ,chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Campuchia trong giới hạn những đường biên giới đã định trong các bản đồ sử dụng trong năm 1954”.
Ba tuần sau, MTDTGPMNVN đưa ra câu trả lời đầu tiên đối với tuyên bố này của Sihanouk:
“1. Khẳng định lại lập trường trước sau như một là công nhận và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong khuôn khổ những đường biên giới hiện tại.
2. Công nhận và cam kết tôn trọng những đường biên giới hiện tại giữa Việt Nam và Campuchia”.
Một tuần lễ sau nữa, chính phủ VNDCCH cũng tuyên bố một văn kiện tương tự (công hàm của Việt Nam không nói tới vấn đề chủ quyền các đảo trên biển và 9 điểm mà Campuchia đề nghị sửa đổi về đường biên giới trên bộ).
Công thức của Sihanouk đã được chính phủ De Gaull tán thành trong bài diễn văn nổi tiếng của De Gaull tại Phnôm Pênh ngày 01/09/1966 và Hoa Kỳ cũng phải dẹp tính tự ái của mình sang một bên mà tán thành công thức này vào tháng 6/1969.
Ngoài những lời cam kết “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong khuôn khổ những đường biên giới hiện tại” do VNDCCH và Chính phủ CMLTCHMNVN đưa ra tại hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương đầu tháng 04/1970, vấn đề biên giới vẫn bị bỏ lửng cho tới tận khi Khmer đỏ tiếp quản Phnom Penh (17/04/1975).
Sau khi tiêu diệt chế độ diệt chủng và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời (07/01/1979), ngày 27/12/1985 Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trên cơ sở thỏa thuận năm 1967. Thi hành Hiệp ước, hai bên đã tiến hành phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới từ tháng 4/1986 đến tháng 12/1988 được 207km / 1137km, tháng 1/1989 theo đề nghị của phía Campuchia, hai bên tạm dừng việc phân giới cắm mốc.
Cho đến nay, cả hai phía Việt Nam-Campuchia đã hoàn thành 86% việc cắm mốc biên giới, 16% còn lại đang tiếp tục đàm phán.
Trên biển, ngày 7/7/1982 hai Chính phủ ký Hiệp định thiết lập vùng nước lịch sử chung giữa hai nước và thỏa thuận: sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp để hoạch định đường biên giới trên biển, lấy đường gọi là đường Brévié được vạch ra năm 1939 với tính chất là đường hành chính và cảnh sát làm đường phân chia đảo giữa hai nước.
Với Chính phủ Campuchia thành lập sau khi ký Hiệp ước hoà bình về Campuchia năm 1993, năm 1994, 1995 Thủ tướng Chính phủ hai nước đã thỏa thuận thành lập một nhóm làm việc cấp chuyên viên để thảo luận và giải quyết vấn đề phân giới giữa hai nước và thảo luận những biện pháp cần thiết để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực biên giới nhằm xây dựng một đường biên giới hoà bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước. Hai bên thỏa thuận trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về biên giới thì duy trì sự quản lý hiện nay.
Với sự kiên trì và khách quan, hai nước đã thống nhất đồng ý ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 vào ngày 10-10-2005.
Qua trao đổi về đường biên giới biển, phía Campuchia kiên trì quan điểm muốn lấy đường do Toàn quyền Brévié vạch ra tháng 1/1939 làm đường biên giới biển của hai nước.
Việt Nam không thể chấp nhận đường Brévié làm đường biên giới biển giữa hai nước bởi các lý do sau đây:
1. Đường Brévié không phải là 1 văn bản pháp quy, chỉ là một bức thư (lettre) gửi cho Thống đốc Nam Kỳ đồng gửi cho Khâm sứ Pháp ở Campuchia. Văn bản đó chỉ có mục đích giải quyết vấn đề phân định quyền hành chính và cảnh sát đối với các đảo, không giải quyết vấn đề quy thuộc lãnh thổ.
2. Cả hai bên không có bản đồ đính kèm theo văn bản Brévié vì vậy hiện nay ít nhất lưu hành 4 cách thể hiện đường Brévié khác nhau: Đường của Pôn Pốt, đường của Chính quyền miền Nam Việt Nam, đường của ông Sarin Chhak trong luận án tiến sỹ bảo vệ ở Paris sau đó được xuất bản với lời tựa của Quốc trưởng Norodom Sihanouk, đường của các học giả Hoa Kỳ.
3. Nếu chuyển đường Brévié thành đường biên giới biển thì không phù hợp với luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế, quá bất lợi cho Việt Nam và nên lưu ý là vào năm 1939 theo luật pháp quốc tế lãnh hải chỉ là 3 hải lý, chưa có quy định về vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa thì đường Brévié làm sao có thể giải quyết vấn đề phân định lãnh hải theo quan điểm hiện nay và phân định vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.
Phía Việt Nam đã đề nghị hai bên thỏa thuận: áp dụng luật biển quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế, tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trên vùng biển hai nước để đi đến một giải pháp công bằng trong việc phân định vùng nước lịch sử, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của hai nước.
Nếu như lập luận của Sean Pengse thừa nhận rằng Campuchia có quyền về mặt tinh thần với “những lãnh thổ đã bị mất” bao gồm vựa lúa giàu có nhất và thành phố hiện đại nhất của Việt Nam. Rõ ràng nếu thừa nhận sự đúng đắn về đạo lý của các yêu sách đó thì sẽ đặt cơ sở cho yêu sách pháp lý tiếp theo tuy có những tuyên bố từ bỏ vấn đề này (của Vương quốc Campuchia và Campuchia Dân chủ trước đây).
Các thế lực ở Campuchia rêu rao rằng Việt Nam sở hữu hạ tầng sông Mekong ngày nay là bất công vì theo họ việc sở hữu đó đã đạt bằng cuộc xâm lược quân sự chống lại đế chế Khmer xưa kia. Nếu được thừa nhận, thì lập luận này sẽ làm cho người Campuchia có thể đưa thêm những đòi hỏi về lãnh thổ nữa cho người Thái, người Lào và thậm chí người Myanmar. Vô số những yêu sách ngược lại sẽ có thể được đưa ra nhân danh các đế chế hoặc các thành phố độc lập (mà phần lớn cũng đã bị mai một như đế chế Angkor) mà đã từng bị thất bại quân sự về tay người Khmer vào lúc này hay lúc khác trong quá khứ. Nếu dựa vào những lý lẽ “lịch sử” theo kiểu như vậy, tuy có phần hấp dẫn đối với lòng tự hào dân tộc nhưng rõ ràng sẽ mở ra một hộp Pandoras của những xung đột không thể nào giải quyết được.
Lá phiếu của Campuchia một lần nữa cho thấy Campuchia đã đi trước một bước trong quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á.
Đ.K.P.
Nguồn: FB Phuc Dinh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét