Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

Sau Ukraine, “điểm nóng” tiếp theo sẽ ở đâu?

 

Sau Ukraine, “điểm nóng” tiếp theo sẽ ở đâu?

RFA

Đinh Hoàng Thắng

19-3-2022

Hình minh hoạ: một người lính Ukraine một nhà kho bị cháy vì pháo kích của Nga ở Kyiv hôm 17/3/2022. Nguồn: AFP

Trước đây, có thể là một trong hai nơi: Đài Loan hoặc Việt Nam. Nhưng nay, Trung Quốc đang rút ra những sai lầm từ cuộc xâm lược Ukraine của Putin và có thể sẽ có điều chỉnh. Trước mắt, “chảo dầu” trên Biển Đông vẫn tiếp tục sôi.

Từ các chiến trường Nga – Ukraine…

Theo tin từ Washington DC, Tổng thống Joe Biden sẽ nói chuyện “phải quấy” với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc qua trực tuyến, vào ngày 18/3 này. Đây là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo từ tháng 11 năm ngoái đến nay.

Bản tin của CNN cho hay, bà Jen Psaki, phát ngôn viên Nhà Trắng, loan báo việc này chỉ ít ngày sau khi một công điện ngoại giao Mỹ được công bố, theo đó, Trung Quốc bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ về quân sự và tài chính cho Nga trong cuộc xâm lăng vào Ukraine.

Các giới chức Mỹ nói rằng, đến nay chưa rõ Trung Quốc dự trù cung cấp những gì cho Nga. Bà Psaki nói, cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập là “một phần của nỗ lực duy trì đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc”. Bà cho biết thêm: “Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về sự cạnh tranh giữa hai quốc gia, cùng với cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine, cũng như các vấn đề khác mà cả hai bên cùng quan tâm” (1).

Xem vậy để thấy, lò lửa Ukraine chưa tắt nhưng các cường quốc hàng đầu đang vội vã lo toan tính cho các “cuộc lấn sân nhau” trong giai đoạn “hậu Ukraine”. Mâu thuẫn giữa ba đại cường Mỹ – Nga – Trung rõ ràng đang/và sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao hơn, đối kháng. Họ tiếp tục giành giật quyết liệt các khu vực ảnh hưởng của nhau.

Không phải ngẫu nhiên trước và trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine hiện nay, hai “ngọn núi lửa” âm ỉ khác là Đài Loan và Biển Đông lúc nào cũng chực phun trào (2). Tuy nhiên, với cuộc chiến tranh ở Ukraine, Trung Quốc, trên thực tế đã bỏ công nghiên cứu và theo dõi rất kỹ mọi diễn tiến trên chiến trường cũng như các xung lực khác đằng sau cuộc xung đột.

Trong quá trình các cuộc hội đàm Mỹ – Trung diễn ra căng thẳng, giới phân tích cho rằng, rồi Trung Quốc sẽ buộc phải điều chỉnh mục tiêu. Trước mắt, Trung Quốc nhận thấy Đài Loan không dễ nuốt trôi. Xã hội Đài Loan, tiềm lực và năng lực của lãnh thổ này hoàn toàn khác với xã hội và quốc lực Ukraine. Đặc biệt, Mỹ vẫn nhấn mạnh về “Bộ Luật Đài Bắc” (Taipei Act) để cảnh báo Trung Quốc chớ hành động một cách bất cẩn.

Từ quan điểm được cho là khách quan nói trên, cuộc chiến của Nga ở Ukraine hẳn đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính khả thi của một cuộc xâm lược tương tự của Bắc Kinh vào Đài Loan. Phản ứng quyết liệt và dứt khoát của NATO trước sự hung hăng của Nga khiến cho bài học đầu tiên này càng có giá.Không thể tưởng tượng rằng, Bắc Kinh nhìn vào phản ứng của các chính phủ phương Tây và cả của Nhật Bản nữa, đối với cuộc xâm lược của Nga, mà không kết luận rằng, phương Tây trên thực tế có thể “bật dậy lần nữa” khi đối mặt với hàng loạt hiểm hoạ địa-chính trị mới do cuộc tấn công Đài Loan gây ra.

Qua phản ứng tập thể của phương Tây và NATO, rõ ràng châu Âu không phải là “lục địa già” đang lụi tàn trên sân khấu chính trị thế giới. Ngược lại, phương Tây và NATO vẫn luôn là một đối trọng có vai vế chủ lực, mang tính hệ quả cao, có thể tác động lên toàn cầu. Nhưng bài học thứ hai liền kề nói rằng, châu Âu không thể đến giúp Ukraine thông qua một liên minh phòng thủ, vì Kiev không phải là thành viên NATO. 

Bài học thứ hai này dường như đi ngược lại bài học thứ nhất, tức là Hoa Kỳ và châu Âu rõ ràng không muốn mạo hiểm chiến tranh hạt nhân đối với các mối quan hệ an ninh không tuân thủ theo hiệp ước. Washington đã tuyên bố rất rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không dung thứ cho một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên NATO, rằng họ sẽ tôn trọng các cam kết Điều 5 của Hiệp ước, trong trường hợp chiến tranh bùng nổ.

Kết luận rút ra là, trong trường hợp không có hiệp ước song phương (như với Nhật hoặc đa phương như hiệp ước với các thành viên NATO), Mỹ khó có thể can thiệp trực tiếp bằng quân sự để bảo vệ Đài Loan. Nếu thực tế là như vậy, Bắc Kinh có thể được khuyến khích sử dụng vũ lực quân sự trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai liên quan đến chính quyền Đài Bắc (3). Tuy nhiên, “Taipei Act” vẫn là một “sự lập lờ về chiến lược” của Mỹ mà Trung Quốc không thể coi thường trước khi quyết định khai hoả.

Bài học thứ ba, cuộc chiến Ukraine cho thấy, cộng đồng quốc tế có thể tự huy động để đối phó với hành động xâm lược. Từ các chính phủ đến các tổ chức quốc tế, từ các công ty tư nhân đến các hiệp hội văn hóa, thế giới đã phản ứng với hành động xâm lược của Nga một cách nhanh chóng và có tác động tức thì. Tất nhiên, khả năng khá cao là trong khi cộng đồng quốc tế sẵn sàng huy động chống lại sự xâm lược của một nước Nga đang đi xuống, thì cộng đồng này sẽ ít có xu hướng hành động quyết liệt và nhất quán như vậy, khi phải đối mặt với cuộc xâm lược được thực hiện bởi một Trung Quốc hùng mạnh hơn nhiều và có nền kinh tế sung mãn. Cộng hưởng của cả ba bài học này là Trung Quốc có thể “bỏ qua” mục tiêu Đài Loan. Điều này đặt ra vấn đề là mâu thuẫn Trung – Mỹ tới đây sẽ “được” xì tiếp ra ở đâu? 

Đến cuộc chạy đua với thời gian

Để trả lời câu hỏi nói trên, trước hết phải ghi xương khắc cốt các cuộc kháng chiến oanh liệt trước đây của dân tộc Việt Nam từ năm 1954 đến gần đây nhất là cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 với Trung Quốc. Rõ ràng, mục tiêu hàng đầu của các cuộc kháng chiến thiêng liêng ấy chính là giành lấy các quyền dân tộc tự quyết, quyền được sống trong độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, qua các cuộc chiến khốc liệt ấy, Việt Nam cũng đã “từng là Ukraine” cho Đông Á và thế giới.

Giữa những khát vọng cháy bỏng của con dân đất Việt, cho đến nay, vẫn còn đó một số mục tiêu đâu có thể coi là đã trọn vẹn. Chưa bàn tới, nếu căng thẳng hiện nay ở Biển Đông dẫn đến xung đột toàn diện, theo ý kiến các chuyên gia, dường như ngày càng có nhiều khả năng mục tiêu mà Trung Quốc tấn công đầu tiên sẽ là Việt Nam (4).

Giáo sư Panos Mourdoukoutas, Trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York trong bài viết trên Forbes cách đây một năm cũng khẳng định, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu của Trung Quốc khi Bắc Kinh thúc đẩy chương trình nghị sự trên Biển Đông (5).

Hãy mở to mắt để nhìn: Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển, Na Uy… lần  đầu tiên trong lịch sử đã bỏ qua quy chế trung lập của mình để tham gia vào mặt trận chung của Mỹ và EU trừng phạt nước Nga. Đa số các nước ASEAN đầy lo lắng nguy cơ nước lớn dùng vũ lực ăn hiếp nước nhỏ. Tám thành viên ASEAN đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Đại hội đồng LHQ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này, trong đó Singapore tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Chỉ riêng Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng.

Thủ ướng Úc Scott Morison ngày 06/03/2022 phải kêu lên, nước Úc chưa bao giờ bị đe doạ nguy hiểm như hôm nay kể từ sau chiến tranh thế giới hai, và đã xúc tiến các biện pháp phòng vệ.

Mỗi ngày mới đến, là một ngày chiến sự khốc liệt hơn trên khắp các chiến trường Ukraina. Song thời gian đen tối nhất của cuộc chiến tranh này vẫn đang ở phía trước, với những kết cục chưa ai định trước được… Chưa ai biết trước được cuộc chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng thế giới có niềm tin vững chắc: nhân dân Ukraina có thể bị đè bẹp trong một số trận đánh, nhưng chung cuộc họ sẽ đánh bại cuộc chiến tranh phi nghĩa vô cùng tàn bạo này. Bởi vì, nếu cái ác thắng, thì cả thế giới sẽ là một hoả ngục lớn! (6)

Xem thế để khẳng định, đã đến lúc Việt Nam nên nghiêm chỉnh rút tỉa những kinh nghiệm xương máu từ bài học của Ukraine. Phải chăng bài học quan trọng nhất là, Việt Nam phải trở lại, và trở thành là chính mình, đã đến lúc phải dũng cảm bỏ qua những thành kiến từ quá khứ, nhận thức rõ chính tà, phải trái, đâu là quyền lợi sát sườn hiện nay của quốc gia dân tộc.

Trong tình thế quốc tế nước sôi lửa bỏng như hiện nay, giờ không phải là lúc ngồi bàn yêu ai ghét ai. Bây giờ là lúc sinh mệnh quốc gia, tương lai của dân tộc đang thực sự bị thách thức (7). Phải thấu triệt cho được mọi mưu đồ của Trung Quốc, nhất là một khi Trung Quốc đang lăm le bắt tay với Nga, trước mắt là trên chiến trường Ukraine, sau này có thể cả trên Biển Đông.

Các chiến lược gia quốc tế chỉ rõ, tới đây, Trung Quốc rất có thể sẽ nắn gân Mỹ ở Biển Đông. Thậm chí, nếu Trung Quốc mở một “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với Việt Nam, giống như Nga mở ở Ukraine, thì sự phản đối của cộng động quốc tế đối với Bắc Kinh, đặc biệt là sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả như Mỹ và châu Âu hiện đang dành cho Kyiv sẽ không diễn ra như thế đối với chiến trường Biển Đông (8).

Nhìn nhận cục diện như trên, không phải để bi quan, mà cũng không phải để “kê cao gối ngủ”. “Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như hiện nay!” là nói để tuyên truyền, khác với nói để chuẩn bị chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nhận diện tình hình khách quan là để nhấn mạnh một số nguy cơ hiện hữu trong bối cảnh chúng ta vẫn còn cơ hội để thoát hiểm (9).

Chúng ta đã thành công một bước trong quá trình “quốc tế hoá” cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, nhưng để thực sự hạ nhiệt “chảo dầu sôi” ấy, chúng ta còn rất-rất nhiều việc phải làm cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tiếc rằng sau hơn 30 năm đổi mới, lòng người ngay trong và ngoài nước Việt Nam vẫn còn ly tán. Chúng ta chưa hiện đại hoá được cái minh triết của Hưng Đạo Vương dặn lại vua quan đời Trần: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

Đấy là chưa nói sự cố kết giữa người Việt trong và ngoài nước vẫn còn khoảng cách. Từ khoảng cách ấy, sự đoàn kết quốc tế, nếu có chiến sự ở Biển Đông, sẽ khá bấp bênh. Càng bấp bênh hơn, nếu trong cuộc chiến Nga – Ukraine, một bộ phận không nhỏ trong xã hội chưa phân biệt được Putin không phải là nước Nga, mà nước Nga lại càng không phải là Liên Xô. Luyến tiếc và hoài niệm về một tương quan “Việt – Trung – Xô” viển vông nào đó, thì thật hiểm hoạ khôn lường.

Nếu lãnh đạo xác định tới đây là thời cơ để Việt Nam thay đổi, sẽ là hồng phúc cho dân tộc. Nếu được đổi mới toàn diện, cả kinh tế lẫn chính trị, mạnh mẽ trên con đường nhà nước pháp quyền, thì chúng ta còn cơ hội. Đảng lúc bấy giờ phải là Đảng của Dân tộc, Đảng của Đất nước, Đảng của Nhân dân, chứ không phải của một nhóm người đặc quyền đặc lợi.

Nói như Giáo sư Nguyễn Đình Cống khả kính, nếu cứ tăng cường độc quyền đảng trị như hiện nay thì nhiều khả năng u ám bao trùm. Đến lúc nào đó, dân tộc sẽ lâm nguy, mà Đảng cũng chẳng còn, chỉ còn lại một nhúm người tay sai cho bọn thống trị ngoại bang và một quần chúng nô lệ, bị hủy diệt dần như Tây Tạng và Tân Cương hiện nay (10).

Trong khi đó, nếu Việt Nam quyết tâm thay đổi, Trung Quốc cũng chẳng thể làm gì. Còn đất nước sẽ có cơ hội mở ra với thế giới văn minh mà không cần phải chọn bên. Hiện nay, Thủ tướng nói không chọn bên, chọn lẽ phải, chọn công lý, nhưng bỏ phiếu ở LHQ ta lại chọn Nga, chọn Tàu thì thật là nói một đằng, làm một nẻo. Không những bạn bè thất vọng, thế giới ngạc nhiên, mà trong nước “quân ta” sẽ tiếp tục đánh nhau với “quân mình”. Mấy ông tướng tiếp tục tụng ca “đồng chí Putin”, lên án “kẻ địch” Ukraine.

Thử hỏi có bi kịch nào lớn hơn đối với một dân tộc đang tứ bề thọ địch. Khi Tàu ép ta, thậm chí “nổi lửa” trên Biển Đông, lúc đó chỉ còn một mình ta với họ. Thảm hoạ thay!!!

_______

Tham khảo:

(1) https://www.cnn.com/2022/03/17/politics/joe-biden-xi-jinping-friday/index.html

(2) https://tu-do.com/index.php/categories/tu-do/business/fbnc-vietnam/youtube-id-3npobgywh-4

(3) https://thehill.com/opinion/international/597560-three-geopolitical-lessons-china-is-learning-from-russias-war-in

(4) https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20190909-vi-sao-trung-quoc-se-chon-danh-viet-nam

(5) https://vn.sputniknews.com/20190910/bien-dong-vi-sao-viet-nam-tro-thanh-muc-tieu-cua-trung-quoc-8011979.html

(6) http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KhongXemChoiGa.html

(7) https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/he-lo-them-nguyen-nhan-sau-xa-khien-trung-quoc-muon-doc-chiem-bien-dong-855981.vov

(8) https://www.cnn.com/2022/03/14/politics/us-china-russia-ukraine/index.html

(9) https://vpctn.gov.vn/tin-tuc-su-kien/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-chu-tri-phien-hop-thu-nhat-bcd-xay-dung-de-an-tong-ket-chien-luoc-bao-ve-to-quoc-trong-ti.html

(10) https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/from-diplomatic-trick-to-real-play-02202022085525.html.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét