Người Hiền – Đại tá Phạm Quế Dương (11.3.1931 – 21.2.2022). Kỳ 1
PHẠM QUẾ DƯƠNG (11.3.1931 – 21.2.2022)
Vĩnh biệt một con người can đảm vứt bỏ bằng sắc lợi danh để thoát khỏi sợi dây trói độc tài.
Bauxite Việt Nam
Phạm Đình Trọng
Từ hơn năm nay biết sức khoẻ của người Anh, Đại tá Phạm Quế Dương mỗi ngày một kém đi, tôi đã nhờ một người thân cũng rất quí trọng Anh Phạm Quế Dương cùng ở phố Lý Nam Đế thường xuyên đến thăm Anh Phạm Quế Dương, thường xuyên cho tôi biết tin về người Anh thân yêu Phạm Quế Dương của tôi. Dù biết sức khoẻ của Anh đang tiệm lùi chậm chạp nhưng bền bỉ theo qui luật về số không, tôi vẫn đau đến lặng người khi nghe tin Người Anh Lớn Phạm Quế Dương mất ngày 21.02.2022.
Lúc Anh Phạm Quế Dương còn tỉnh táo, tôi đã đưa Anh đọc bài tôi viết về Anh. Anh xác nhận mọi sự việc cuộc đời Anh trong bài đều đúng nhưng Anh không muốn tôi công bố. Nay Anh Phạm Quế Dương đã về thế giới Người Hiền. Những Người Hiền cao cả mà bình dị dù đang sống hay đã khuất bóng đều làm đẹp cuộc sống và có sức nâng đỡ rất nhiều phần Ngưởi ở những người khác. Phạm Quế Dương là một Người Hiền như vậy.
Bài viết Người Hiền - Đại Tá Phạm Quế Dương khá dài. Xin được chia thành bốn kì.
1. GIÃ TỪ CỘNG SẢN
19 tháng mười hai, năm 1946, Hà Nội nổ súng kháng chiến chống Pháp. Vương Thừa Vũ 36 tuổi là Tư lệnh và Trần Độ 23 tuổi đời, 6 tuổi cộng sản là Chính uỷ mặt trận Hà Nội.
Phạm Quế Dương 15 tuổi là liên lạc của Chính uỷ Trần Độ.
Từ mặt trận Hà Nội đi qua bốn cuộc chiến tranh nối tiếp, chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam - Bắc, chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới phía Nam, Chính uỷ Trần Độ trở thành vị tướng trận mạc, trở thành nhà cầm quân hàng đầu của quân đội công nông. Liên lạc viên Phạm Quế Dương qua khoá 5 trường sĩ quan Lục quân Trần Quôc Tuấn, qua các chiến dịch Tu Vũ, Hoà Bình, Điện Biên Phủ cũng trở thành sĩ quan chính trị đại đội, trung đoàn, sư đoàn, sĩ quan cục Tư tưởng Văn hoá, Tổng cục Chính trị, rồi Đại tá, Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự.
Tướng của cuộc chiến tranh cách mạng được người dân biết đến, sau Võ Nguyên Giáp là Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Lê Trọng Tấn, Trần Độ… Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Lê Trọng Tấn… chỉ là tướng cầm quân, tướng của những chiến dịch, tướng quân sự. Là tướng quân sự, Trần Độ còn là vị tướng trên trận địa tư tưởng văn hoá.
Tướng quân sự, tướng chiến dịch, tướng tư lệnh, dù là Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn chỉ là công cụ của chính trị, chỉ là Thiên Lôi, chỉ đâu đánh đấy. Phải phục tùng chính trị, răm rắp chấp hành sự sai bảo, điều khiển của chính trị, phải nhẫn nhục chịu đựng cả sự xúc phạm của chính trị như tướng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phải chịu đựng sự xúc phạm của thủ lĩnh chính trị Lê Duẩn. Tướng tư tưởng thì không. Tướng tư tưởng không thể là công cụ của chính trị mà là nhà tư tưởng, đối thoại với chính trị.
Trần Độ đối thoại với chính trị:
Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng nhờ có nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm đựơc mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người chỉ là một ảo tưởng hão huyền. Thế mà đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân.
… Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần cuả nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ giáo điều. Nó đang làm hại cả một nòi giống.
Trần Độ xác định vị trí, tư thế nhà tư tưởng Trần Độ:
Tôi không thế chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ. Tôi không tán thành cái thứ chủ nghĩa xã hội đã thất bại trên thế giới và đã gây nên nghèo đói ở Việt Nam. Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hoá, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể đảng nữa.
Trần Độ ở tư thế đối thoại:
Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức đảng, trừ bỏ "hiệp thương" mà thực chất là gò ép. Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp
Đảng cộng sản kiên trì mớ lí luận Mác Lê Nin, kiên trì chủ nghĩa xã hội chỉ để kiên trì độc quyền quyền lực nhà nước, độc quyền cai trị xã hội đương nhiên không thể chấp nhận đối thoại tư tưởng, không thể chấp nhận tư tưởng Trần Độ. Không chấp nhận tư tưởng Trần Độ nhưng đảng độc quyền không dám công khai loại bỏ Trần Độ vì lí do tư tưởng mà phải gài bẫy bôi nhọ Trần Độ về nhân cách để có cớ kỉ luật, loại bỏ Trần Độ về sinh hoạt cá nhân.
Ngày 4.1.1999, Trần Độ, Trung tướng, nguyên Uỷ viên trung ương đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chính uỷ quân Giải phóng miền Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, 76 tuổi đời, 59 tuổi cộng sản bị kỉ luật khai trừ đảng.
Ngày 6.1.1999, Phạm Quế Dương, Đại tá, nguyên Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự, 68 tuổi đời, 51 tuổi cộng sản vào văn phòng Tổng cục Chính trị trong thành cổ Cột Cờ, Hà Nội trả lại thẻ đảng, trả lại huy hiệu 40 tuổi đảng và trả lại hơn hai chục huân chương, huy chương các loại để phản đối việc khai trừ đảng với tướng Trần Độ, vị tướng có công lớn với cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Năm 1999, người cộng sản có 51 tuổi đảng Phạm Quế Dương trả lại thẻ đảng, từ bỏ đảng cộng sản thì 45 năm trước, năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người cộng sản đó là Chính trị viên phó Đại đội pháo cao xạ.
Trận địa của Đại đội Phạm Quế Dương bị máy bay Pháp phát hiện, tập trung dội bom, bắn phá. Bốn khẩu pháo cao xạ 37 li thì ba khẩu bị máy bay Pháp phá huỷ. Đại đội trưởng và Chính trị viên trưởng hi sinh. Đại đội phó bị đạn bắn gãy xương và phá nát đùi trái. Chính trị viên phó đại đội Phạm Quế Dương đứng vào vị trí Đại đội trưởng, cầm lá cờ chỉ huy thét trong tiếng bom đạn: Các đồng chí đảng viên cộng sản theo tôi về vị trí chiến đấu, giữ vững trận địa.
Tiếng thét, lời kêu gọi từ trái tim đảng viên cộng sản Phạm Quế Dương đã xốc lại ý chí chiến đấu, truyền sức mạnh cho những người lính. Những người lính còn sức chiến đấu dù là đảng viên hay quần chúng lại chia nhau các vị trí ở khẩu pháo còn lành lặn. Trận địa đang lặng ngắt không một chớp lửa, không một đường đạn đánh trả. Được dịp, máy bay Pháp càng lồng lộn quyết xoá trắng một mối đe doạ với chúng. Bỗng những loạt đạn 37 li từ trận địa đột ngột quất lên tốp Hellcat F6F nối tiếp bổ nhào bắn phá trận địa. Một chiếc Hellcat lãnh trọn một đường đạn thẳng căng, bùng cháy lao xuống cánh rừng phía Bắc thung lũng Mường Thanh.
Mừng công tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính trị viên phó đại đội pháo cao xạ Phạm Quế Dương được đề bạt lên Chính trị viên trưởng, được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất.
Ngày 6.1.1999, cùng với việc trả lại thẻ đảng, từ bỏ cộng sản, Đại tá Phạm Quế Dương đã trả lại cả tấm huân chương chiến công hạng nhất Điện Biên Phủ cùng tất cả huân chương các loại mà ông đã được trao tặng trong suốt 45 năm mặc áo lính đi qua bốn cuộc chiến tranh như một thái độ dứt khoát từ bỏ quãng đời đi cùng đường với những người cộng sản.
(Hết kỳ 1)
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét