Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Học gì từ cách Đài Loan phản ứng với vụ Nga xâm lược Ukraine?

 

Học gì từ cách Đài Loan phản ứng với vụ Nga xâm lược Ukraine?

Trịnh Hữu Long

Đứng về phía liên minh dân chủ là cách Đài Loan phát triển và tự bảo vệ mình.

Một người Ukraine sống tại Đài Loan biểu tình vào ngày 1/3/2022, phản đối hành động xâm lược của Nga. Biểu ngữ trên tay ghi “Đài Loan sát cánh với Ukraine”. Ảnh: Reuters/ Ann Wang.

Tôi trải nghiệm ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine theo một cách rất khác với những người đang ở châu Âu hay Việt Nam. Ở Đài Loan, nơi tôi sinh sống và làm việc, Nga và Ukraine không phải là những quốc gia thường được nhắc tới hay bàn thảo. Nhưng không vì thế mà cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine không gây chấn động mạnh ở đảo quốc cách chiến trường hàng vạn dặm này.

Lý do thì cũng dễ hiểu: ai cũng giật mình nghĩ cứ thế này thì Trung Quốc đánh Đài Loan tới nơi.

Ta hãy xem Đài Loan đã phản ứng thế nào.

Một ngày trước khi Nga chính thức nổ súng vào Ukraine, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã ra tuyên bố – thông qua người phát ngôn – lên án hành động của Nga là “vi phạm chủ quyền của Ukraine” và kêu gọi các bên giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình và lý tính. [1]

Ngày 25/2, tức một ngày sau khi Nga chính thức xâm lược Ukraine, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan) đã ra tuyên bố “lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine” và “tham gia các nỗ lực trừng phạt Nga”. [2] Tuyên bố không quên nhắc nhở rằng Đài Loan là một thành viên của liên minh dân chủ thế giới, luôn bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền phổ quát.

Trên các trang fanpage của bà Tổng thống lẫn Bộ Ngoại giao Đài Loan liên tục đăng các bài có hashtag #StandWithUkraine (Ủng hộ Ukraine) và #StopRussianAggression (Chấm dứt hành vi xâm lược lược của Nga).

Không nói suông, Đài Loan gửi 27 tấn vật tư y tế tới Ukraine vào đêm ngày 28/2, tức chỉ bốn ngày sau khi chiến tranh bắt đầu. Các kênh truyền thông của chính phủ phát đi thông điệp quen thuộc có từ thời COVID-19: “Taiwan Can Help” (Đài Loan có thể giúp). [3]

Với chừng ấy động thái, Đài Loan chọn phe rất rõ ràng.

Chưa hết, ở trong nước, Bộ Giáo dục nước này lập tức yêu cầu các trường đại học hỗ trợ sinh viên Ukraine đang theo học ở đây. Có 72 sinh viên như vậy và nguồn tài chính hỗ trợ họ từ quê nhà có thể đã bị gián đoạn do chiến tranh. [4]

Các nghị sĩ Đài Loan cũng thúc giục chính phủ có chính sách hỗ trợ thị thực cho những người Ukraine đang sinh sống ở đây. Đáp lại, Bộ trưởng Nội vụ cho biết người Ukraine chỉ cần đăng ký gia hạn thị thực thì sẽ được gia hạn không giới hạn số lần. [5]

Các nghị sĩ Đài Loan biểu tình trước tòa nhà lập pháp của nước này vào ngày 2/3/2022, thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và phản đối hành động xâm lược của Nga. Ảnh: CNA.

Đấy là phía chính quyền trung ương. Còn chính quyền địa phương và người dân Đài Loan thì có nhiều cách để ủng hộ Ukraine. 

Ngay ngày 25/2 và 26/2, hàng trăm người Đài Loan và người nước ngoài đang sinh sống ở đây đã đến biểu tình phản chiến trước cơ quan ngoại giao của Nga ở Đài Bắc. [6] Tòa nhà nổi tiếng Taipei 101 và Lễ hội Đèn lồng Cao Hùng cũng trình diễn màu cờ Ukraine để ủng hộ nước này. [7] Thị trưởng Cao Hùng Chen Chi-mai – ngôi sao đang lên của chính trị nước này – tuyên bố lên án hành vi xâm lược của Nga và “đoàn kết với người dân Ukraine”. [8]

Đài Loan dứt khoát chọn phe Ukraine không chỉ vì đoàn kết với các đồng minh của họ như Mỹ, mà còn vì Đài Loan chia sẻ chung các giá trị dân chủ, nhân quyền, pháp quyền với Ukraine cũng như các quốc gia dân chủ khác trên thế giới. Điều này không chỉ được phản ánh qua các động thái của chính phủ mà cả trong công chúng.

Sâu xa không kém, việc bám chặt vào các giá trị dân chủ, hòa bình và vào liên minh dân chủ thế giới do Mỹ dẫn đầu có vai trò đặc biệt quan trọng về chiến lược với Đài Loan, bởi đó là thứ khiến cho họ khác với Trung Quốc độc tài và nhờ vậy họ sẽ được thế giới dân chủ bảo vệ trước Trung Quốc. Dân chủ và an ninh quốc gia là hai yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau trong đường hướng phát triển quốc gia của Đài.

Lùi lại về quá khứ, ta sẽ thấy các phong trào dân chủ ở Đài Loan gần như luôn luôn đòi hỏi tách bạch Đài Loan với Trung Quốc, cổ xúy cho một nền độc lập dù là không chính thức của Đài Loan. Họ không muốn trở thành một phần của Trung Quốc đã đành, đó là yếu tố dân tộc chủ nghĩa, họ lại càng không muốn trở thành một phần của nước Trung Quốc độc tài, đó là yếu tố dân chủ.

Cũng chớ lý tưởng hóa Đài Loan. Các diễn ngôn cổ xúy dân chủ của chính phủ nước này ít khi nào nhắm tới nước nào khác ngoài Trung Quốc. Họ dùng lá bài dân chủ để tấn công bản chất độc tài của Trung Quốc. Còn với tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam, Lào, Thái Lan hay rất nhiều nước khác thì họ gần như không đụng tới. Gần như thôi, chứ không phải hoàn toàn không đụng tới. Bạn có thể nói là họ đạo đức giả hay tiêu chuẩn kép, nhưng thực tế là họ chỉ muốn giao hảo với các nước và tranh thủ sự ủng hộ của các nước để làm ăn kinh tế và tăng cường vị thế quốc tế của họ. Họ cần sự công nhận của thế giới, bởi cho đến nay chỉ có chưa tới 20 nước công nhận Đài Loan là một quốc gia, họ thậm chí còn không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc. [9]

T.H.L.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét