Gửi Trung tướng Nguyễn Đức Hải và Thiếu tướng Lê Văn Cương Bênh Nga Cộng sản
Đinh Kim Phúc
Một sách giáo khoa về luật pháp quốc tế của Michael Akehurst khái quát chung như sau: “Đất đai chinh phục được ngày nay, hoặc ít ra đất đai do một kẻ xâm lược chinh phục, thì không thể được thừa nhận quyền sở hữu. Trong quá khứ thì được. Nhưng quyền sở hữu trước kia dựa vào sự chinh phục bây giờ có trở nên mất giá trị không? Nếu trở nên mất giá trị, thì kết quả sẽ rất là sửng sốt; nếu rút ra kết luận logic của việc đó, thì có nghĩa là bắt Mỹ sẽ trả lại cho người Idian da đỏ, và người Anh sẽ phải trả lại nước Anh cho người xứ Welsh”.
Những ví dụ như vậy có thể nhân lên không bao giờ hết. Kết luận mà phần đông các nhà cầm quyền đạt được là những khái niệm về luật pháp quốc tế không thể áp dụng lui trở lại cho các cuộc xung đột trong quá khứ để làm mất giá trị pháp lý của những biên giới ngày nay được.
Những vấn đề đó đặc biệt gay gắt trong các thuộc địa cũ của các cường quốc thực dân Châu Âu. Akehurst nhận xét: “Những biên giới thuộc địa, được vạch ra bằng vũ lực trong các thế kỷ trước, ngày nay phần lớn đã trở thành những biên giới của những nước mới độc lập, mà không nước nào muốn thấy biên giới của họ bị đưa ra đặt vấn đề lại. Các nước Mỹ la tinh và Á-Phi, với một cái ngoại lệ (như Trung Quốc chẳng hạn) đã đồng ý rằng các biên giới thuộc địa phải được tiếp tục sử dụng, theo luật pháp quốc tế, như những biên giới sau độc lập. Ở Mỹ la tinh, điều đó được hiểu là nguyên tắc Utipossidetis, nghĩa là: Như bạn đã sở hữu, bạn sẽ tiếp tục sở hữu”.
Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Trong đó lãnh thổ và biên giới quốc gia lại là hai yếu tố gắn bó với nhau như hình với bóng do đó pháp luật quốc tế hiện đại và tập quán quốc tế đều thừa nhận tính bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia.
Cho đến đầu thế kỷ XX, pháp luật quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Nhưng ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hiến chương Liên Hợp Quốc được thông qua năm 1945 có điều 2, khoản 4 cấm sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia.
Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc trao trả nền độc lập cho các nước và các đân tộc thuộc địa đã viết: “Mọi hành động vũ trang và mọi biện pháp đàn áp, bất kể thuộc loại nào, chống lại các dân tộc phụ thuộc sẽ phải được chấm dứt để các dân tộc đó có thể thực hiện quyền của họ về độc lập hoàn toàn một cách hoà bình và tự do, và toàn vẹn lãnh thổ của họ sẽ được tôn trọng”.
Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hợp Quốc lại viết: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.
“Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.
Đ.K.P.
Nguồn: FB Phuc Dinh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét