Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Tính cách người cai trị trong lịch sử Việt Nam


Tính cách người cai trị trong lịch sử Việt Nam


vietnam xua (17).jpg
Vương Trí Nhàn
Được làm vua thua làm giặc, kẻ võ biền chiến thắng tự dành cho mình tính chính danh trong việc quản lí đất nước. Cậy là có công cứu nước, họ buộc cộng đồng mãi mãi mang ơn và tự cho mình có toàn quyền bóc lột đàn áp dân chúng.
Người Trung Hoa rất thông thạo về các danh nhân của họ. Sự ham mê viết về danh nhân kéo dài từ thời Tư Mã Thiên đến ngày nay.
Sách 100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung quốc (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Văn Dương 2002) phân loại nhân vật lịch sử như sau.
Chương I, dành cho các nhân vật ngoại hạng, như Khổng Tử, Lão Tử, Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông.
Đặc biệt cũng được coi là ngoại hạng, có Từ Quang Khải, chỉ làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, song lại chuyên về nghiên cứu khoa học. Ở một nước có tinh thần dân tộc rất cao, đóng góp chính của ông lại là hấp thu nền văn hóa phương Tây.
Chương II, các vị đế vương các lãnh tụ vĩ đại, trong đó xếp cả Lưu Bang, Hán Cao Tổ, Võ Tắc Thiên, sau đó là Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch.
Chương III, các nhà tư tưởng v.v…
Chương IV , các nhà văn nhà thơ.
So với các sách khác, sách này có thêm có phần phụ lục về 10 đại hôn quân bạo chúa và bề tôi gian nịnh, bao gồm vua Trụ, Tùy Dạng Đế, Từ Hy thái hậu, Tần Cối, Đổng Trác và Viên Thế Khải…
Cùng cách làm vậy, trong ngăn lịch sử đương đại ở các hiệu sách Trung quốc, người ta đã bầy những cuốn viết về mấy người tạm gọi là bạo chúa đương đại  như Khang Sinh truyện, Giang Thanh truyện…
Tôi thấy có lẽ phải đi sâu thế mới gọi là làm sử.
Bởi viết lịch sử không chỉ có nghĩa là tìm ra những tấm gương để người đời noi theo. Lịch sử còn hấp dẫn và cần thiết cho người ta qua việc miêu tả những nhân vật đã có ảnh hưởng tới sự vận động của xã hội dân tộc thời đại cả theo chiều thuận lẫn theo chiều nghịch.
Tôi ước ao có người nào đó khi viết sử sẽ đi vào cuộc đời cả những bạo chúa và bề tôi gian nịnh trong lịch sử VN. Chắc chắn các nhân vật này ở VN khác nhiều so với những người cùng loại bên Trung quốc.
Tôi thử tìm hiểu một số trường hợp trong sử Việt
I/ Trường hợp bạo chúa Lê Long Đĩnh 
Một tính cách bệnh hoạn
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư ghi tóm tắt
NGỌA TRIỀU HOÀNG ĐẾ Tên húy là Long Đĩnh, lại có tên là Chí Trung, con thứ năm của Đại Hành ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi (986-1009) băng ở tẩm điện. Vua làm việc càn dỡ giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo, muốn không mất nước sao được?
Hồi  học tiểu học, đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, bọn tôi đã ghi sâu vào đầu óc chi tiết ông vua này sở dĩ gọi là ngọa triều hoàng đế vì hoang dâm vô độ, phải nằm thiết triều. Lại thấy nói là ông ta tàn ác, khi ăn mía thường đặt tấm mía lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh thoảng giả vờ nhỡ tay để dao chạm vào đầu nhà sư, thấy máu chảy lênh láng thì cười vui sướng.
Đại Việt sử ký toàn thư kể chi tiết hơn:
Mậu Thân, 1008 ,Vua thân đi đánh hai châu Đô Lương , Vị Long, bắt được người Man và vài trăm con người, sai lấy gậy đánh, người Man đau qúa kêu gào, nhiều lần phạm tên húy của Đại Hành, vua thích lắm. Lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu và châu Thiên Liễu, bắt được người thì làm chuồng nhốt vào rồi đốt.
Một đoạn khác
Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: “Nó không quen chịu chết”. Vua cả cười.
Và đoạn sau:
Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui.
Có lần vua đi đến sông Ninh , sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền , đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau.
Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích.
Nói ông vua này có tính cách một người tàn ác còn là đơn giản. 
Sự tàn ác ở đây kèm theo tất cả đặc điểm của một kẻ bệnh hoạn về tâm lý. Cố ý tổ chức ra sự đau khổ ( buộc người cho rắn cắn). Thích quan sát ngắm nghía sự đau khổ đó như thưởng thức một cảnh đẹp.
Niềm vui thú bệnh hoạn này chắc chắn có ở nhiều kẻ thống trị khác, nhưng sách sử ở ta ít chép, tôi tạm lấy ra một đoạn sử Tầu.
Trong cuốn 100 danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung quốc nói trên,  đoạn nhắc tới Trụ Vương  kể ông ta có một hình phạt gọi là pháo lạc.
Sai đặt một trụ đồng trên lửa đỏ.
Lại sai bôi mỡ trên đó rồi cho tội nhân đi trên, người nào người nấy trước sau đều ngã xuống bể than đỏ rực, giãy giụa kêu khóc cho đến chết cháy.
Trụ Vương làm vậy vì ái phi của ông là Đát Kỷ rất thích được ngắm khung cảnh đó. 
Trong tâm lý học hiện đại, có người bảo đây là một niềm vui liên quan tới chứng sadism (ác dâm, bạo dâm).
Về phần Lê Long Đĩnh, không phải là vua không hiểu hành động của mình là phản tự nhiên ( “nó không quen chịu chết”), nhưng có vẻ như ông ta xem đó là cách tự khẳng định con người của kẻ có quyền.
Quái lạ nhất và phản tự nhiên nhất là việc Long Đĩnh thích người ta chửi thẳng vào tên người đã đẻ ra mình.
Tại sao ở ông ta lại hình thành thói quen đó, hiện tôi chưa giải thích được. Chỉ tạm thời hãy ghi nhận là chắc nó có chút liên hệ với loại tính cách lưu manh trong các làng quê VN cũ, mà Nam Cao từng nhắc tới trong Chí Phèo :
Ngay ở đoạn mở đầu của truyện ngắn, tác giả đã viết về một cơn say đồng thời là một cơn chửi của anh Chí. Đối tượng của cái mạch chửi ấy được kê ra lần lượt như sau:
1/chửi trời
2/ chửi đời
3/ chửi cả làng Vũ Đại.
Sau cùng , tới điểm dừng lại
4/ chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn.
Nghiên cứu về bộ máy thống trị và tầng lớp thống trị phải là một bộ phận của lịch sử
Trong bài báo Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Báo động đỏ in trên Tia sáng 27/07/2012 , tôi thấy người ta đưa ra một nguyên tắc: trí tuệ của một cộng đồng trước tiên là ở cách tổ chức nhà nước và xã hội của cộng đồng đó . 
Chứ không phải trí tuệ một dân tộc chỉ hàm ý trong tập hợp đó có nhiều người làm toán giỏi hoặc lý luận giỏi như nhiều người ở ta vẫn hiểu.
Các sách nghiên cứu về văn hóa Trung quốc mà tôi đọc được đều có phần mở đầu nói về văn hóa quyền lực của nước này.
Các bộ lịch sử cổ ở ta cũng chép khá kỹ về việc triều chính tức là việc quản lý xã hội mà nói theo thuật ngữ xưa nay vẫn dùng tức là việc cai trị .
Chỉ đến các bộ lịch sử sau 1945 điều này mới được chép một cách sơ sài nếu không nói là lảng tránh. Có vẻ như để nhấn mạnh rằng cái chuyện cai trị là cũ rồi, thời nay  không ai cai trị ai cả.
Sử viết trong 30 năm đất nước mải làm chiến tranh thì viết như thế là có lý. Để làm cho mọi người có ảo tưởng rằng mình là chủ của xã hội này rồi hết lòng mà chiến đấu.
Nhưng nay đã sang thời lo làm ăn kinh tế, và rộng hơn là tổ chức lại xã hội, lẽ nào lại không quay về nghiên cứu quy trình cai trị của các thời trước, từ đó rút ra quy luật soi sáng việc tìm hiểu thời nay.
Trong tình hình phát triển của khoa học xã hội hiện đại, nhân học đang đóng vai trò trung tâm.
Theo tinh thần ấy, chắc chắn các công trình nghiên cứu lịch sử cai trị xã hội ở VN, ít ra phải gồm hai bộ phận:
– cách tổ chức bộ máy và nguyên lý vận hành của bộ máy.
– con người hoạt động trong các bộ máy đó.
Trong phần tiếp theo đây, tôi sẽ nói có chút kỹ hơn về việc làm vua của Lê Long Đĩnh.
Lần này hãy tạm dừng lại ở phần tạm gọi là tính cách cá nhân của nhân vật này.
Trở lại chuyện nêu lên lúc đầu. Lâu nay, chẳng những không nghiên cứu về các loại hôn quân bạo chúa mà các nhà làm sử VN cũng không hề tính chuyện nghiên cứu về cá nhân con người thuộc về tầng lớp cầm quyền này nói chung.
Tại sao, lý do một phần là vì người ta cho rằng nhân dân thì bao giờ cũng tốt đẹp, còn giai cấp thống trị – mà bao giờ cũng bị gán cho nhãn hiệu tàn bạo xấu xa – thì không phải là người VN, họ không tiêu biểu cho cộng đồng người Việt nói chung.
Có biết đâu, trong xã hội học thời nay, bên cạnh tầng lớp trí thức, lớp người quản lý nắm giữ quyền lực điều hành xã hội luôn luôn được coi là bộ phận đặc tuyển, có tính chất tinh hoa. Cần nghiên cứu để qua họ thấy chân dung của cả cộng đồng nói chung.
Sẽ có người hỏi ừ thì nghiên cứu về việc cầm quyền là cần chứ moi móc vào những thói xấu trong tâm lý và đi vào sinh hoạt hàng ngày của người ta làm gì?
Để trả lời, xin chép lại một chi tiết nữa trong đoạn nói về Lê Long Đĩnh ở các sách sử.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi Mỗi khi ra chầu, [vua] tất sai bọn khôi hài chầu hai bên, vua có nói câu gì thì người nọ người kia nhao nhao pha trò cười, để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính.
Tức là nhà vua coi việc triều chính chỉ là một thứ trò đùa, quan lại dưới quyền chỉ là một lũ tay sai mạt hạng.
Cách chủ trì việc nước như thế chắc chắn chỉ có ở một kẻ hỗn loạn nhân cách như đã dẫn ở trên.
Cơ sở phương pháp luận
Muốn phác họa bộ mặt quyền lực ở VN, lẽ ra anh phải đi vào những điển hình như Lê Thánh Tông chứ sao lại dừng lại ở một “nhân vật tiêu cực” như LLĐ? Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc của nghiên cứu khoa học hiện đại. Là người ta không dừng lại ở cái trung bình, nhất là cái đa số tức cũng là cái phổ biến. Mà lại lấy cái thiểu số – cái đột biến – cái bên ngoài hình như là ngoại lệ chứ không phải thông lệ — làm đối tượng.
Như sau đây sẽ thấy, trong Lê Long Đĩnh cũng mang những đặc điểm chủ yếu của tầng lớp thống trị xã hội thời đầu lập quốc. Do đa số xuất thân từ thủ lĩnh quân sự, nên họ chẳng có bài bản gì trong quản lý xã hội, chỉ có lấy bạo lực để cai trị. Về phương diện này thì tính cách điển hình của vị vua độc đáo LLĐ hoàn toàn được bảo đảm. 
Giải thích thêm về tính cách LLĐ 
a/ Trong bài trước, ta đã thấy LLĐ bộc lộ tính cách tàn bạo trong việc xử tội. Nhưng vì sao có tính cách ấy? Việc này có từ thân sinh ông ta – Lê Hoàn.
Sách Lịch sử Việt Nam thuộc Tủ sách Đại học sư phạm, dẫn lại lời của sứ nhà Tống là Tống Cảo, cho thấy Lê Hoàn xử tội rất tùy tiện 
“tả hữu có lỗi nhỏ cũng giết đi, hoặc đánh từ 100 roi đến 200 roi. Bọn giúp việc ai hơi có điều gì làm phật ý cũng bị đánh từ 30 đến 50 roi, truất làm tên gác cổng, khi hết giận lại gọi về cho làm chức cũ” ( LSVN của ĐHSP in 1970, nxb Giáo dục, q.I, tập II, tr 89).
Trước đó Đinh Bộ Lĩnh cũng có tính cách tương tự. Sách Lịch sử VN từ nguồn gốc đến thế kỷ XI X của Đào Duy Anh chép có lần một sứ quân đánh ĐBL, ông phải đưa con là Đinh Liễn làm con tin. Bên kia buộc Liễn lên ngọn cây rồi bảo ĐBL nếu không hàng sẽ giết Liễn. ĐBL không chịu, cho thói quyến luyến con cái là tính khí đàn bà. Liền sai mười tay nỏ chờ sẵn, nếu bên kia cứ quyết làm sẽ bắn chết luôn Liễn. Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn thấy Đinh Bộ Lĩnh đã cương quyết và nhẫn tâm như thế, giết Liễn cũng vô ích, thả Liễn và rút quân về.
b/ Bên cạnh chất tàn nhẫn, LLĐ còn bị coi là người hoang dâm vô độ.
Nhưng đọc sử được biết Lê Hoàn cũng sống hoang phí đến mức có tội. Cả Đại Việt sử ký toàn thư lẫn Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB ) đều chép Lê Hoàn cho xây cung điện dát vàng dát bạc.
Và Lê Hoàn cũng ham chơi. Khái quát về Lê Hoàn, sách ĐVSKTB tr 178 chép:
Vua anh minh quả quyết nhiều mưu trí giỏi dụng binh[… ]. Song tính nghiêm khắc tàn nhẫn, ưa người nịnh hót[… ].Quần áo phần nhiều chuộng lụa hồng, mũ thì trang sức bằng châu báu. Dinh thự vua ở xa hoa tráng lệ nhưng cảnh thự của các quan, doanh trại của sáu quân lại chật hẹp mộc mạc. Sứ Tống mỗi lần sang ta thường chê cười về điều đó.
Cũng sách trên ở tr. 173 viết:
Năm 992, vua ngự điện Càn Nguyên xem đèn. …nếu trong cung lợp ngói bạc, thì khi vui chơi, trên thuyền vua cho kết núi tre.
Chắc trong thực tế đây là việc rất xa hoa nên một trong những tác giả sách trên là Nguyễn Nghiễm bình luận Lửa ham muốn bùng lên mà xương tủy dân đã kiệt. Thế mà không tự xét đức hạnh còn có tính trẻ con..
Tóm lại do chỗ gần với Lê Hoàn và cả ĐBL — nên LLĐ hiện ra như một mẫu người đã hình thành. Các cá tính của ông ta không chỉ tiêu biểu cho một vị vua thời mạt vận mà là một tính cách phổ biến với các người đứng đầu quốc gia trong thời kỳ triều chính mới thành lập.
Một nền cai trị hoang dại
Sự tàn bạo của các vua chúa lúc này mang cả vào trong việc quản lý quốc gia. Văn hóa cai trị của nhà cầm quyền còn thô sơ, đại khái găp đâu làm đấy, chẳng ra thể thống gì cả; nhân danh người có công với nước, tự coi ý mình là ý trời, bắt thiên hạ phải noi theo.
1/ Điều này khởi đầu từ nhà Đinh. Sách LSVN ĐHSP nói trên, phần đời sống chính trị cho biết thời Đinh Lê chưa có luật pháp. Mọi hình phạt đều tùy ý của vua hay các viên tướng đứng đầu các khu vực. Đinh Bộ Lĩnh đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi và quy định: người nào trái phép sẽ bị bỏ vạc dầu hay cho hổ ăn. ( tr 87).
ĐDA giải thích về việc này “Nước mới dựng kỷ cương chưa vững, trật tự chưa ổn định, ĐBL lấy hình phạt ghê gớm để uy hiếp nhân dân.”
Hoàng Xuân Hãn nhìn rộng hơn. Trong cuốn Lý Thường Kiệt nhân viết về thời Lý, nhìn lại thời Đinh Lê, ông giải thích “Các vua vũ biền các đời trước đã đem những thói giết chóc thời loạn ra thi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hàng ngày chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập tính của người rừng rú”.
2/ Trong việc chinh phạt và ổn định tình hình xứ sở, Lê Hoàn càng tỏ ra tàn ác. 
ĐVSKTB mà Ngô Thì Sĩ là một tác giả chính chép: Năm 989, Dương Tiến Lộc làm phản lôi kéo người hai châu Hoan Ái, theo về Chiêm Thành nhưng Chiêm Thành không nhận, người hai châu bị giết không biết bao nhiêu mà kể.
Ngô Thì Sĩ bình luận “người làm phản chỉ là Tiến Lộc thôi dân có tội gì” do đó chê Lê Hoàn là người thất đức. 
“Người đã có công chống ngoại xâm, lấy lại đất nước từ tay giặc, sẽ tha hồ muốn làm gì dân thì làm” –người đời sau là chúng ta có quyền ngờ những ý tưởng ấy đã nẩy sinh trong trong tâm trí Lê Hoàn, nó khiến cho ông dám giết người không ghê tay như vậy.
Nền hành chính quá thô sơ
Trên kia đã dẫn đoạn Lê Hoàn đối xử với những người dưới quyền,
Người nêu nhận xét này đầu tiên là Tống Cảo, viên sứ thần TQ. Tống Cảo còn viết thêm về việc tiếp sứ của Lê Hoàn (người đầu tiên dẫn ra sự kiện Tống Cảo là Nguyễn Văn Tố– xem Đại nam dật sử , in lần đầu trên Tạp chí Tri Tân 1943-44)
Lê Hoàn bỏ giày đi chân không, cầm ngọn tre lội xuống nước để đâm cá; mỗi khi trúng một con cá thì những người chung quanh đều hò reo nhẩy múa. Phàm có người dự ngồi trong tiệc yến đều sai cởi đai đội mũ. Lê Hoàn nhiều áo sặc sỡ và áo đỏ mũ thì dát ngọc chân châu, có khi tự hát để mời. Chẳng ai hiểu là hát bài gì. […]Quân lính đến ba nghìn người đều chạm ở trán ba chữ “thiên tử quân”.Tính số thóc cấp cho giã lấy mà ăn. Binh khí chỉ có cung nỏ bài gỗ, súng tay, ống lệnh, yếu không thể dùng được. Lê Hoàn là người khinh suất tàn nhẫn, gần gũi bọn tiểu nhân tâm phúc có năm bẩy bọn yêm thu (?) đứng lẫn ở bên cạnh khi uống rượu lấy hiệu làm vui. Phàm quen thuộc người nào khéo nịnh được cất nhắc chỗ thân cận. Dầu người tả hữu có lỗi nhỏ cũng giết, hoặc lấy roi đánh vào lưng từ một trăm đến hai trăm roi. Dầu đến mạc tán ( tôn làm thầy hoặc làm khách ở trong nhà) hoặc tá tiểu ( người kém mình một tí) mà bất như ý cũng đánh ba mươi roi truất làm hôn lại (người canh cửa) khi hết giận lại triệu cho phục chức. (Đại nam dật sử, bản của Hội khoa học lịch sử VN, H. 1977  tr.247)
Các sử gia cổ Trung quốc có lối miêu tả cụ thể ngắn gọn mà khái quát. Như viết về xứ ta hồi ấy, Tư Mã Thiên viết rằng “Tây Âu Lạc là xứ cởi trần mà cũng xưng vương” ( theo LSVN đã dẫn, qI tI. tr.115).
Những chi tiết Tống Cảo nêu lên ở trên  cũng có sức khái quát đủ cho ta hình dung ra con người và thực chất công việc làm vua của Lê Hoàn. Nó cũng có gì tương tự như việc LLĐ thiết triều -mọi chuyện đùa bỡn đã nêu ở bài trước,
Bây giờ nói về việc LLĐ cướp ngôi của anh 
Ở những xã hội chưa có văn hóa chính trị, việc chuyển giao quyền lực luôn luôn rắc rối, và thường dẫn đến đổ máu.
LLĐ đã lên ngôi không phải do vua cha Lê Đại Hành sắp đặt mà theo con đường bất chính là cướp ngôi.
Tức là giết anh cả và chinh phục sự chống đối của mấy ông anh kế tiếp.
Nhưng hai chữ cướp ngôi cũng là chữ mà ĐVSKTB dùng cho Lê Hoàn ( tr.162). Chẳng những thế, nếu đọc kỹ sự kiện nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh, người ta còn cho thấy ở đây có một âm mưu. Khi tìm hiểu về quan hệ giữa các triều chính Đinh Lê với người phương Bắc, chúng ta sẽ gặp một người Trung Hoa làm đến Thái sư, gọi là Hồng Hiến. Ông này về sau làm tham mưu cho Lê Hoàn nhưng trước đó đã giúp vào việc đưa Lê Hoàn lên ngôi.(Chứ đâu phải đây chỉ là kết quả của cái tấm lòng yêu nước của bà Dương Vân Nga, như sử ngày nay hay nói.)
Nhân đây nói về một cách chép sử xưa. Tức là xét người theo tinh thần dân gian được làm vua thua làm giặc. Ai thắng thì được khoác cho đủ thứ danh nghĩa tốt đẹp và tha bổng cho mọi thói xấu. Vua thế mà dân cũng thế. Làm như để sống được, con người ta chỉ cần có lòng yêu nước thôi, không cần gì khác.
Mà sử ngày nay cũng đi theo vết xe ấy.
Một chính quyền có tính quân sự. Khoảng trống của học vấn
Trở lại với LLĐ. Ông vua 24 tuổi này là minh chứng cho những khái quát về các nhà cầm quyền quân sự mà sử xưa đã miêu tả: Tàn nhẫn dữ tợn kiêu căng. Và nhất là vô học ( chữ của Việt sử thông giám cương mục.)
Ngoài hành động cướp ngôi và đánh giặc ông này cũng có vài hoạt động khác.
Đại Việt Sử ký toàn thư ghi Bọn Ngô đô đốc, Kiểu Hành Hiến dâng biểu xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Vua xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu ấy đào đắp từ cửa quan Chi Long qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lung.
Vua đi Ái Châu, đến sông Vũ Lung. Tục truyền người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhân thế vua sai người bơi lội qua lại đến ba lần, không hề gì. Xuống chiếu đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại.
Nhưng hoạt động quân sự vẫn mạnh hơn cả.
Trên kia đã dẫn câu của Hoàng Xuân Hãn “Các vua vũ biền các đời trước đã đem những thói giết chóc thời loạn ra thi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hàng ngày chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập tính của người rừng rú“.
Câu này do Nguyễn Hữu Châu Phan dẫn lại trong cuốn Xã hội nhà Lý nhìn dưới khía cạnh pháp luật ( Sùng Chính Tùng thư Huế 1971 tr 22)
Chữ võ biền này từng được nhắc tới trong lịch sử.
ĐVSKTB( tr 165) cho biết ĐBL cũng là loại “vũ lược có thừa mà học vấn không đủ, gần gũi bọn tiểu nhân, say đắm vui chơi yến tiệc”
Từ Lê Long Đĩnh có thể rút ra kết luận
— Bộ phận nắm giữ quyền lực và kéo cả cộng đồng theo mình lúc này là các đầu lĩnh các võ tướng.
– Ra đời trong thế yếu nên ngay từ đầu chính quyền lập nên cũng chỉ lao vào việc đánh dẹp để tạo ra sự ổn định luôn luôn là tạm thời, các đầu lĩnh trở thành người có quyền sinh quyền sát quá lớn.
– Đất nước chỉ được tổ chức như một đạo quân mà không tính chuyện hình thành một xã hội.
NHCP bảo việc dùng các loại “luật pháp” rừng rú là dấu hiệu của các quốc gia chưa hình thành.
Đặt cách tổ chức chính quyền theo kiểu quân sự trong văn hóa cai trị
Theo sách Các nền văn minh thế giới– lịch sử và văn hóa ( bản tiếng Việt 2008) của các tác giả Philip Lee Ralph, Edward McNall Burns, thì đây là một kiểu dựng nước trong thế yếu và tình trạng chung là lạc hậu.
Sách này cho biết kiểu thống nhất xã hội  ở Trung Quốc thời cổ đã là nhờ chính quyền. Nhưng chính quyền ở TQ ngay từ thời ấy đã biết nâng việc cai trị lên đến mức thành một văn hóa. Khổng tử Mạnh tử  đừng nói Hàn Phi tử đều nói rất nhiều tới việc cai trị
Vẫn theo sách trên quá trình chuyển sự cai trị từ quân sự sang dân sự ở Trung quốc kéo dài nhiều đời.
Thời nhà Thương xã hội nông nghiệp được giai cấp quý tộc là các chiến binh cai trị. Đại sự quốc gia là tế lễ và tổ chức lực lượng quân sự.
Nhưng sang đời Đường, các hoàng đế không cai trị như kẻ chuyên chế quân sự mà duy trì sự khác biệt giữa dân sự và quân sự một khoảng cách đáng kể. Chỉ trong giai đoạn suy yếu các nhà lãnh đạo quân sự mới nắm chính quyền. 
Vào đời nhà Đường người Trung Hoa đã tin chắc rằng các chế độ quân sự không hợp với các quốc gia có chuẩn tắc và văn minh. (Sđ d tr 405)
Xã hội đời Đường sắp xếp theo thang bậc năm cấp – sĩ nông công thương binh. Binh ở hạng cuối được gộp chung với kẻ ăn xin trộm cướp. Một câu tục ngữ thường được người đương thời trích dẫn ´sách tốt không dùng làm đinh, người tốt không dùng làm binh” ( như trên tr 407)
Theo các tác giả Các nền văn minh thế giới lịch sử và văn hóa, đánh giá như thế tức là quý trọng trí tuệ, biết dùng trí tuệ khống chế bạo lực, không coi trọng những nghề không sinh lợi.
Trong các công trinh nghiên cứu của một trí thức Trung quốc hiện đại là Lâm Ngữ Đường, người ta thấy ông luôn nhấn mạnh:
– TQ trải qua chiến tranh nhưng không hướng tất cả nghị lực và sức mạnh cộng đồng vào chiến tranh. Họ chỉ sử dụng võ lực trong trường hợp cần thiết và trong một thời gian ngắn. Giai cấp thống trị hiểu rằng để đưa đất nước phát triển thì cần có văn – văn với ý nghĩa toàn bộ tri thức khoa học xã hội và kiến thức kinh tế
– Ngay cả trong thời loạn lạc, người dân TQ không cảm thấy thèm một vị tướng tài bằng một người hiền tài có thể hướng dẫn họ ra thoát tình trạng chinh chiến.
Giới cầm quyền ý thức được rằng chỉ có trí tuệmới có thể thuyết phục được tất cả, bằng trí tuệ mới quản lý được mọi người
Ở ta không phải các nhà làm sử thời nay không biết điều này.
Họ hiểu những chính quyền đầu tiên hình thành ở VN thời cổ đều có tính chất quân sự. Thoát thai ra từ thế lực chống ngoại xâm, bộ phận ưu tú trong xã hội  chủ yếu là các đầu lĩnh. Hơn nữa chỉ là những đầu lĩnh nhỏ người nọ diệt người kia mà lớn lên dần.
Và họ hiểu lẽ ra cách quản lý đó phải thay đổi.
Giải thích về việc nhà Tiền Lê mất vào tay nhà Lý, sách LSVN đã dẫn viết “Tập đoàn phong kiến Tiền Lê đại biểu cho thế lực phong kiến quân sự về cơ bản đã làm xong sứ mệnh của mình” ( q.1, t II, tr 98).
Nhưng để làm tròn nhiệm vụ phục vụ tuyên truyền chính trị trước mắt, các nhà lịch sử đương thời vẫn có xu hướng coi việc lấy được đất nước là tiêu chuẩn chính để đánh giá các chính quyền nối tiếp trong lịch sử.
Cách tổ chức chính quyền theo kiểu quân sự là đặc tính kéo dài của xã hội VN suốt gần chục thế kỷ:
– Bằng cách sử dụng những ràng buộc có ý nghĩa tôn giáo, nhà Lý là một sự từ bỏ vai trò của võ tướng thời Đinh – Lê và  trong việc ổn định xã hội, dành cho tôn giáo một vai trò lớn hơn.
– Nhưng chính quyền nhà Trần thì đặc sệt quân sự.
– Đầu nhà Lê, quan võ loại Lê Sát vẫn át quan văn loại Nguyễn Trãi.
Mọi cố gắng của Lê Thánh Tông – ông vua thuộc loại chăm lo xây dựng xã hội dân sự nhất ở ta – rút cục chỉ dẫn tới  tình hình một xã hội rối ren thối nát thời Lê  Mạc, tiếp theo là thời Lê Trung hưng mà  nội dung chính là nền độc tài quân sự giấu mặt của họ Trịnh. 
Do ẩn mình sau cái mặt nạ phù Lê, không làm nhân vật số một mà chỉ đóng vai số hai,  nền độc tài  đậm chất võ biền này kéo dài tới gần 200 năm. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã rất có lý khi gọi hình thái vua Lê chúa Trịnh là môt sự báng bổ đối với đạo Nho.
-Để hiểu bộ máy cai trị đậm chất quân sự của nhà Nguyễn khi mới lấy lại đất nước, chỉ cần nêu lên một chi tiết: trong khi triều đình đóng đô ở Huế thì Nam Bắc mỗi miền được gộp lại quanh những trung tâm quân sự là Gia Định thành và Bắc thành. 
Người đứng đầu các trung tâm này là các Tổng trấn, tức là các vị chỉ huy quân đội. Tổng trấn Bắc thành lúc đầu là Nguyễn Văn Thành và của Gia Định thành là Lê Văn Duyệt.
Lịch sử VN như vậy là đi theo vết xe của các triều Ngô Đinh Tiền Lê thời đầu dựng nước . Và trước khi Pháp sang, nền hành chính VN chỉ mới bước thấp bước cao trên con đường dài dặc là trở thành một bộ phận trong cái xã hội dân sự theo đúng nghĩa.
II/ Trường hợp Trần Khánh Dư – Vừa là người anh hùng có công vừa là viên quan cai trị có tội 
 Trong phần trước, tôi đã nói tới trường hợp những người anh hùng thời mới dựng nước, nhân có công đánh thắng giặc ngoại xâm, khi trở thành vua chúa, tự giành cho mình cái quyền đối xử hết sức tàn tệ với nhân dân.
Bài này nói về một trường hợp muộn hơn vào đời Trần và trong một tình thế gần hơn với chúng ta thời nay.
Một cuộc đời nhiều thăng trầm
Trần Khánh Dư (không rõ năm sinh, mất năm 1339), thường được biết tới như một trong những công thần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Sách Đại việt sử ký toàn thư ( bản của NXb KHXH 1985, t. II tr.58), dưới đây gọi tắt là Toàn thư ghi, trong cuộc chống quân Nguyên lần hai, ông được giao giữ vùng biển phía Bắc, nhưng không chặn nổi quân giặc, bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông sai người xiềng giải về kinh. Khánh Dư xin hoãn, sau tập trung tàn quân ta đánh đoàn hậu cần của địch, bắt được hết lương thực khí giới của chúng, nên được tha tội. 
Trước chiến công đánh chặn quân lương nói trên, trong việc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ nhất, Trần Khánh Dư còn có nhiều công trạng khác, nên từng được phong tước cao như phiêu kỵ tướng quân có lúc được phong tước tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ
Ngoài những thắng thua trong hoạt động quân sự, đời ông còn cả những thăng trầm trên phương diện quan chức.
Điểm thấp nhất trong bước đường công danh của ông xảy ra trước chiến tranh 1285. Do thông dâm với công chúa Thiên Thụy, con dâu Trần Quốc Tuấn, ông bị vua Thánh Tông sai người đánh thật nặng, đoạt hết quan tước và tịch thu toàn bộ tài sản. Khánh Dư lui về Chí Linh, theo chữ của Toàn thư là “cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
Nhờ chiến tranh mà ông được phục chức. 
Toàn thư (sđ d tr46) kể bấy giờ vua Nhân Tông họp các quý tộc ở bến Bình Than bàn kế chống giặc. Khi đó, nước triều rút gió thổi mạnh có chiếc thuyền lớn chở than củi, người trên thuyền đội nón lá mặc áo ngắn. Vua nhận ra là Trần Khánh Dư, sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Quân hiệu gọi, bảo có lệnh vua triệu, người bán than trả lời “Lão là người buôn bán có việc gì mà phải triệu?”. Vua biết chỉ Trần Khánh Dư mới dám nói thế, liền tiếp tục cho gọi đến, cùng ngồi bàn việc nước. Thấy rất hợp nên khôi phục chức phó tướng hồi trước.
Câu chuyện cho thấy Trần Khánh Dư là một con người ngang tàng có bản lĩnh, dám chấp nhận mọi hoàn cảnh. Ngoài tri thức quân sự ông đã sớm làm quen với cuộc đời thường kể cả việc kinh doanh. 
Nhân danh chiến đấu chống ngoại xâm để làm giầu
Nhà Trần vốn là một dòng họ bên đất Mân truyền sang (sđd t. II, tr 5) cướp ngôi nhà Lý mà thành. Wikipedia tiếng Việt còn ghi rõ tổ tiên của nhà Trần có nguồn gốc ở quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Những người đầu tiên từ Phúc Kiến sang Việt Nam vào khoảng năm 1110.
Trong guồng máy chính quyền lúc ấy, các văn quan, các nhà quản lý có vai trò kinh bang tế thếlà một cái gì xa lạ. Việc quản lý từ Trung ương đến địa phương trong tay người trong hoàng tộc cũng tức là các tướng lĩnh quân sự.
Trần Khánh Dư sớm được xếp một vai phụ mẫu chi dân.
Trên cương vị này, người anh hùng của chúng ta hiện ra là người thế nào ? Toàn Thư ( sđd tr 59) viết :
Khi Khánh Dư làm trấn thủ Vân Đồn, tục ở đấy lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang ra lệnh” Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi ( Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón , cho nên lấy tên hương làm tên nón ) ai trái tất phải phạt. Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang: “Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu”. Do đó người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới một tiền, sau giá đắt bán một chiếc nón giá một tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc có câuVân Đồn kê khuyển diệc giai kinh ( “Vân Đồn gà chó thẩy đều kinh” ) là nói thác phục uy danh của Khánh Dư, mà thực là châm biếm ngầm ông ta. Khánh Dư tính tham lam thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét.
Đoạn sử nói trên cho thấy:
1/Tình trạng phụ thuộc của xứ ta vào “nước lạ” phương Bắc, càng những miền gần cận biên giới càng phụ thuộc nặng.
2/ Thực trạng công việc quản lý của các nhà quân sự thời Trần.
Toàn bộ hoạt động xã hội lúc ấy dồn vào việc tự vệ chống giặc. Trong khi chuẩn bị chiến đấu lâu dài, người chỉ huy phải có toàn quyền hành động, từ đó dẫn đến sự lợi dụng quyền lực.
Tại sao nên dùng nón Ma Lôi? Là để phân biệt ta với địch. Lệnh thời chiến ai mà dám trái! 
Nếu chú ý tới chi tiết Trần Khánh Dư cho người đi phao lên rằng thuyền chở nón đã đến để người ta đổ đi mua, thì nói như chúng ta ngày nay, tức là toàn bộ hệ thống chính trị được huy động để phục vụ cho việc kiếm lợi của viên tướng thạo đời này.
Trường hợp của Trần Khánh Dư cũng là trường hợp của nhiều vị anh hùng khác, chẳng qua sử xưa không nói thì chúng ta nay không biết . 
Lâu nay ta chỉ nghĩ ông là người anh hùng có công. Nhưng phải nhận, trên cương vị người quản lý xã hội viên quan cai trị dân, người trấn nhậm vùng Vân Đồn lại hiện ra như một kẻ có tội.
Ông tự dành cho mình cái quyền lừa dối nhân dân để kiếm lợi riêng.
Hơn nữa nên biết đó là điều nằm trong quan niệm làm quan (= cai trị) của ông, chứ đây không phải một hành động ngẫu nhiên bị ai xui bẩy. Chính Toàn thư cũng đã ghi một câu thuộc loại “lời nói có cánh” của ông. Đời vua Anh Tông, tiếp theo Nhân Tông, người dân đã kiện Trần Khánh Dư đến tận triều đình, nhưng ông không sợ mà còn tâu vua: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ ? ”. (S đ d, tr 72)
Có công là một chuyện sử dụng trong cai trị là chuyện khác
Sử học dạy ở các nhà trường hiện nay là thứ sử học soạn ra từ hồi chiến tranh, khi mọi ngành học đều phải hướng vào việc đưa thanh niên đi chiến đấu. Những đoạn vân vi về Trần Khánh Dư có lỗi thường không được cho học sinh biết. 
Tôi cũng ở vào tình cảnh vậy. Mãi chục năm trước khi về hưu, mới ngộ ra, quyết dành nhiều thời gian cho sử, với nghĩa tìm thêm những bài học của ông cha khi sống trong thời hậu chiến. Nên nhặt lại được câu chuyện Trần Khánh Dư.
Những chi tiết trên lại gợi ra nhiều suy nghĩ có liên quan tới đời sống xã hội hiện nay. 
Cũng như Trần Khánh Dư, người anh hùng mà cuộc chiến tranh ở ta sản sinh ra thực ra cũng không phải là những kẻ siêu phàm. Thời thế đã tạo ra họ với tất cả những chỗ mạnh chỗ yếu rõ ràng mà do yêu cầu hoàn cảnh, ta thường quên đi những chỗ yếu mà chỉ nhớ tới những chỗ mạnh.
Cũng như Trần Khánh Dư, sau chiến tranh cả thế hệ anh hùng thời chống Mỹ lại tự đứng ra chia nhau quản lý các công việc mà trước đó họ chưa từng làm quen.
Điều đáng nói là do đã trải qua chiến tranh, nay họ không muốn học nữa, mà cũng không cần cái  tiếng tử tế nữa. Chỉ lo làm giàu thật nhanh để bù đắp lại những vất vả hy sinh mà họ đã gánh chịu trong chiến đấu.
Tôi cho đó là nguồn gốc của những tai vạ trong xã hội hiện nay, khi mà việc làm ăn đều đình đốn và con người thì ngày càng lưu manh sa đọa.
 Không phải riêng tôi mà những người có quan tâm tới thế sự đều nói như vậy. 
Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê ở chương XXI (bị tước bỏ khi in trong nước) có đoạn bàn về việc dùng người ở xã hội ta hiện nay. Ông rất hiểu rằng nay là thời sau chiến tranh nên những người được ưu tiên thường là những người có công trong chiến tranh mà lại kém chuyên môn. Còn người có thực tài mà không có “quá khứ anh hùng “ thì cũng bị cho ra rìa. Và ông cho rằng như thế là nhầm là có hại. 
Mở rộng ra, Nguyễn Hiến Lê bàn đến cả sự khác nhau giữa thời chiến và thời bình cùng là cách sử dụng người có công thế nào. Cả sách vở Trung Hoa cổ cũng ông viện dẫn ra để làm chứng. 
Kinh Dịch, quẻ Sư, hào 6, cũng đã khuyên ta khi chiến thắng rồi, luận công mà khen thưởng thì kẻ ít học, dân thường tuy có tài chiến đấu, lập được công, cũng chỉ nên thưởng tiền bạc thôi, không nên phong đất cho để cai trị, vì công việc kiến thiết quốc gia phải là người có tài, có đức mới gánh nổi.
Rồi cả kinh nghiệm các nước khác trên thế giới:
Nước Anh sau mấy năm thế chiến rồi cũng chỉ thưởng tiền cho các danh tướng; chẳng những vậy, năm 1945, khi chiến tranh chấm dứt, họ thay cả viên Thủ tướng, cho Churchill về vườn, mặc dầu ông có công nhất trong việc cứu quốc, diệt Đức; như vậy chỉ vì chính sách thời bình khác thời chiến, nên phải dùng người khác. 
Khác nhau trong sự thương dân
Toàn thư (sđd tr 56) có ghi lại một chi tiết năm Ất Dậu 1285, mùa đông tháng mười [vua] xuống chiếu định hộ khẩu trong nước. Triều thần can là dân vừa qua lao khổ, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Vua nói:”Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét tình trạng hao hụt điêu tàn của dân hay sao?” Quần thần đều khâm phục.
Các nhà sử học chắc dựa vào đoạn này để viết các vua nhà Trần thương dân, luôn luôn biết lo cho dân.
Nhưng nên có sự phân biệt. Vua thương dân nói ở đây là Nhân Tông Trần Khâm trị vì từ 1278 -1293
Đoạn trên đã kể việc Khánh Dư mắc tội thông dâm, vua lúc đó là Thánh Tông liền nổi trận lôi đình, định đánh cho chết; sau có nghĩ lại thì cũng “sai người đánh thật nặng, đoạt hết quan tước tịch thu toàn bộ tài sản, cho lui về Chí Linh “cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
Trở lại với câu nói “có cánh” của Trần Khánh Dư mà ở trên tôi đã dẫn:“Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ ?”. 
Toàn thư (sđd tr 72) ghi [nghe Khánh Dư nói vậy] “vua không bằng lòng”.Thế thôi. Và vẫn để Khánh Dư lui về nơi đang trị nhậm.
Vị vua về sau này là Trần Anh Tông, đã được Nhân Tông cho tập sự từ 1284, và chính thức lên ngôi khi Nhân Tông qua đời.
Có thể còn là vội vàng khi nói Anh Tông đã thả cho quan chức tùy tiện lột da dân. Nhưng có điều chắc càng về sau các vua càng nể nả với người có công và đã đặt lợi ích của dòng họ cao hơn so với lợi ích của nhân dân. Cũng từ Anh Tông trở đi, nhà Trần đi dần vào khủng hoảng, đưa đất nước từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm. 
Cuộc khủng hoảng của nhà Trần sau khi đánh thắng quân Nguyên
Trên con đường lấy lịch sử để giải thích hiện tại, có một việc tôi đang muốn dành thời gian để  làm là đọc lại sử nước mình những năm sau chiến tranh – ta hay gọi là hậu chiến.
 Câu hỏi đặt ra hôm nay: đánh xong quân Nguyên, xã hội VN thời nhà Trần ra sao? Và tôi tìm thấy một số tư liệu như sau.
Dưới con mắt Đào Duy Anh 
     Trong cuốn Lịch sử VN- từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX,  Đào Duy Anh dành hẳn một chương, chương XXV, nói về Bước suy đốn của nhà Trần, trong đó nói rõ việc đầu tiên Trần Nhân Tông cho làm sau khi quân Nguyên rút lui năm 1285 là duyệt lại hộ khẩu trong nước.
      Để làm gì? Theo Đào Duy Anh, để tìm cách “lấy tiền của mà tu bổ những tổn hại do chiến tranh gây nên.”
    Tiếp đó, Đào Duy Anh kể ra nhiều việc nhà Trần đã làm sau 1288, nhằm “ra tay bóc lột nhân dân thêm nữa”.
     “Ngay năm 1290, sử đã chép có nạn đói lớn [….] Sau khi đã ra sức tham gia kháng chiến trong quân đội hay trong dân quân, người nông dân thấy đời họ không được cải thiện mà lại còn bị bóc lột hơn xưa, họ rất lấy làm bất bình mà đã rục rịch phản đối. Không thể dùng ngay thủ đoạn khủng bố, Trần Khâm ( tức Nhân Tông—VTN ) lại nghĩ ngay đến việc dụng binh đối với các nước nhỏ láng giềng  để đánh lạc hướng bất bình của nhân dân” (Sđd, bản của Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, tr. 258-259) 
Theo cách miêu tả của Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Đức Nghinh
 Trên đây tôi đã bắt đầu từ cuốn  sử của Đào Duy Anh.
 Khốn thay là từ 1958 tới 1980, Đào Duy Anh bị vướng vào vụ Nhân văn  nên các tác phẩm của ông, kể cả cuốn trên, không được in lại. Tuy một số phương diện tư tưởng của ông có được các học trò xuất sắc ở thế hệ sau … tiếp tục, nhưng thực tế là người ta càng ngày càng xa rời cái chiều hướng mà Đào Duy Anh theo đuổi để đi vào một thứ sử học đơn giản và vụ lợi, cốt phục vụ các mục đích chính trị trước mắt.
Cũng may mà những năm trước 1975, tình hình cũng chưa đến nỗi hoàn toàn bi đát.
Theo dư luận chung, một trong những cuốn xuất sắc nhất thời ấy là  Lịch sử chế độ phong kiến VN của khoa Sử đại học tổng hợp viết trước 1975, cuốn I sách này dành để viết về VN trước thế kỷ XV.
 Nhưng tôi hiện không có cuốn đó trong tay, chỉ đành dựa vào bộ Lịch sử Việt Nam quyển I, tập II, bao quát giai đoạn từ thế kỷ VII tới 1427 của Khoa Sử Đại học sư phạm, nxb Giáo dục Hà Nội, 1970. 
 Ở  cuốn sách này, tôi tìm được những trang sử mà mình muốn biết và muốn mọi người cùng biết.
Sau chương V nói về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, chương VII cuốn sử do Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Đức Nghinh biên soạn mang tên Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIV.
Ngay phần mở đầu chương, cùng với việc nêu rõ tầm cỡ chiến thắng, các tác giả viết:
 “…ba năm chiến tranh ác liệt chống chọi với kẻ địch nổi tiếng về tính chất cướp bóc và phá hoại đã để lại những hậu quả quan trọng cho sản xuất và đời sống nông dân. Liền sau đó hai năm 1290, 1291 là những năm đói lớn, một thăng gạo trị giá một quan tiền, nhiều người dân phải bán ruộng đất và con trai con gái để lấy lương ăn.”(tr 258)
Hoàn cảnh hậu chiến khó khăn, hẳn không ai lạ gì. Các nhà sử học tôi muốn giới thiệu trong bài này chỉ hơn hẳn các nhà sử khác là không lảng tránh mà coi đó là một đối tượng cần phải miêu tả.
 Trong sự hạn chế của một nền sử học viết trong hoàn cảnh 30 năm chiến tranh, họ dường như muốn cảnh báo trước về những khó khăn mà con người hậu chiến hiện đại sẽ phải chịu đựng.
Theo sự chỉ dẫn của các tác giả, người ta được biết những năm đó, nguy cơ của một cuộc xâm lược lần thứ IV của quân Nguyên vẫn chưa hết.
 Nhưng có cái lạ mà khi đọc lại chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, đó là chỉ hai năm sau, lập tức vua và quí tộc nhà Trần đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược các nước láng giềng ở phía Tây và phía Nam, tức Ai Lao và Chiêm Thành.
Và có ít đâu, cuộc chiến Việt Nam Ai Lao thời ấy kéo dài hàng nửa thế kỷ ( xem tr. 260), mà cuộc chiến với Chiêm Thành lại còn dây dưa lâu hơn – trận chiến cuối cùng mà quân nhà Trần tiến hành ở Chiêm Thành là vào 1396 (tr.263).
 Các bộ lịch sử VN viết trong những năm chiến tranh có thói quen ca tụng tất cả những cuộc chiến tranh mà ông cha ta đã tiến hành trong quá khứ.
  Nhưng ngay ở đoạn viết về cuộc chiến tranh sang đánh Ai Lao của Trần Nhân Tôn  năm 1290 và 1294, các tác giả của Khoa Sử trường Đại học Sư phạm đã vượt ra ngoài thói quen đó.
 Các ông nói rõ đây là những cuộc hành binh phi nghĩa.( Tr 259)
Nhìn lại cả  một thế kỷ chiến tranh ở mặt trận Tây – Nam, các tác giả bảo rằng nó đã huy động “những khả năng lớn lao của dân tộc” chỉ “để thỏa mãn những tham vọng về đất đai uy thế và quyền lực” của vua chúa thời ấy mà thôi( sđ d tr 263).
Để miêu tả đến cùng tâm lý bệnh hoạn mà vua chúa thời ấy mắc phải,  các tác giả  Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Đức Nghinh lại còn ghi lại một cuộc bàn bạc trong triều đình nhằm tố cáo lý do giả tạo mà ông vua vừa chiến thắng quân Nguyên nêu ra để buộc mọi người làm theo ý mình.
Ở tr 259, sách kể khi đánh Ai Lao, bầy tôi có người can ngăn rằng giặc Nguyên vừa mới rút lui, vết thương chưa hàn gắn được, không nên gây việc binh đao, thì vua trả lời đại ý rằng “sau khi giặc rút lui, các nước bên cạnh tất bảo là quân mã của ta mỏi mệt, có ý coi thường, cho nên cần phải khởi đại binh để ra oai với nước khác”.
Tóm tắt tình hình chinh chiến với Chiêm Thành,  các tác giả cho biết:
 “ từ 1361, quân nhà Trần lui dần vào thế phòng ngự, chuyển cuộc  chiến tranh ở đất nước người về đất nước mình, nhân dân lao động phải gánh chịu những thảm họa của chiến tranh trực tiếp và ghê gớm hơn.”
 “…sức sản xuất bị đình trệ  và có lúc bị phá hoại nặng nề đưa đến nạn đói lưu niên. Chỉ tính từ 1290 đến 1379 đã có 13 lần đói trầm trọng…(tr. 265)
 Xét chung tình hình quốc gia, xưa nay dân ta hay nói sau khi chiến thắng quân Nguyên, đây là giai đoạn “ngàn năm thăng bình”.
        Thăng bình là từ cũ nay ít dùng. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Mộng Hùng ( S. 1975) lý giải là “lên cõi bình trị trên toàn đất nước”, tiếp đó ghi lại câu thơ Nguyễn Khuyến “ “Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo” làm dẫn chứng . 
Nhưng theo các tác giả cuốn sách đang nói, tình trạng thăng bình — và nghĩa giản dị hơn là một cuộc sống yên ổn — không đến với dân chúng.
Cuộc sống “an cư lạc nghiệp mà người dân Đại Việt muốn sau những năm chống quân Nguyên căng thẳng, không thể tìm thấy được trong cả thời gian rất dài gần hết thế kỷ XIV” ( sđ d tr. 264).
Tại sao vậy? Tạm nêu  lý do:
a/ Bao trùm trong những người quản lý quốc gia là  tâm lý đắc thắng kiêu ngạo “ bụi Hồ không dám động”.
b/ Khi đã mất hết cảm giác chính xác về thời cuộc, tầng lớp quí tộc cầm quyền những năm sau chiến tranh tự cho phép mình rơi vào ăn chơi sa đọa.
 Có thể hình dung sự ăn chơi của vua quan nhà Trần thời hậu chiến  là vô cùng bỉ ổi, bởi họ có lý có lẽ hẳn hoi. 
Nói theo chữ nghĩa thời nay, họ lao vào hưởng thụ một cách có ý thức. 
Với tư cách là người chiến thắng họ cho mình cái quyền đó. “Cuộc chơi năm nay lại hơn những cuộc chơi năm xưa” – trong một bải thơ  vua Trần đã nói như vậy( sđd tr 263).
Ta hãy chú ý đến một khoảng cách là 40 năm hậu chiến. 
Đây là thời Dụ Tông.
Tiếp theo AnhTông (1293-1314), Minh Tông(1314- 1329) Hiến Tông (1329—1340), vị vua này trị vì từ 1341 – 1369.
 Lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi viết ở bên Pháp từ 1950 và mới được dịch ở ta 2014, trong  chưa đầy hai trang ngắn ngủi nói về sự suy tàn của nhà Trần ( tr 225-227), cũng phải đề cập tới Trần Dụ Tông.
 Ông vua này được miêu tả là người “chỉ nghĩ đến rượu chè chơi bời và phung phí công quỹ vào việc xây cung điện.”
Trở lại với cuốn LSVN của khoa Sử ĐHSP, thời kỳ Dụ Tông nhiều chùa tháp và cung điện được xây dựng. Vua sai đào hồ lớn ở vừờn ngự,  chất đá thành núi, bốn mặt khai sông cho nước thông vào để làm chỗ vui chơi. Sau đó còn đào một hồ nhỏ khác bắt dân Hải Đông chở nước mặn về chứa vào hồ để nuôi hải sản (tr 263-264).
Thời kì Dụ Tông cũng là thời kì những kẻ bất tài khéo nịnh được thăng quan tiến chức, viên chính chưởng phụng ngự Bùi Khoang giả vờ uống hết 100 thưng rượu mà được thăng tước.( tr 264)
Từ những ghi chép và bình luận của Ngô Thì Sĩ
Trên đây là mấy tài liệu lấy ra từ các bộ sử đương đại. Dưới đây là các bằng chứng xa xưa hơn.
Khi nói về các bộ cổ sử, người ta phải nói tới Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu và Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Nhưng thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu còn giới thiệu một vài bộ sử khác, bộ nào cũng có những khía cạnh mới.
Một tác giả như Ngô Thì Sĩ (1726-1780) đã mang lại cho cổ sử những ghi chép người khác hoặc bỏ qua, hoặc ghi không rõ, và nhất là những bình luận độc đáo, mang dấu ấn một tư duy sử học gần với con người hiện đại.
 Chung quanh thế kỷ XIV mà chúng ta đang nói, đọc vào cuốn của Ngô Thì Sĩ thấy nhiều ý tứ phê phán mạnh bạo hơn, nên trong bài này tôi muốn cùng bạn đọc lần vào các trang  sử của người thân sinh Ngô Thì Nhậm, với sự lưu ý trước rằng, nhiều chi tiết có thể đã thấy ở cuốn Toàn thư, cũng như ở  Cương mục.
 Tài liệu tôi dùng lần này là bản Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, bản dịch của Viện nghiên cứu Hán Nôm, in 1997.
Xin phép bắt đầu bằng cách  nói tạt ngang về một chuyện có liên quan tới sự lạ lùng của ĐVSKTB.
Gần đây báo chí nói nhiều tới việc Nhân Tông thượng hoàng (trị vì từ 1279 tới 1293) đi tu.
Một lần khoảng 2010, gặp nhau ở Sài Gòn, anh Trần Đĩnh —  bằng sự lịch lãm của một người đã qua sống qua ba chục năm chiến tranh và hết sức thông thạo mọi đường ngang ngõ tắt của các trung tâm quyền lực – đã giải thích với tôi, chắc là Nhân Tông thấy chiến tranh khủng khiếp quá, nên tìm cách tách mình ra khỏi thời sự mà suy nghĩ đấy thôi.
 Cũng là một cách ghi nhận tâm lý hậu chiến!
 Thật thú vị khi đọc Ngô Thì Sĩ lại bắt gặp một ý tưởng tương đồng. 
Tiếp theo đoạn ca ngợi Thượng hoàng Nhân Tông, tác giả ĐVSKTB đứng trên lập trường nhà nho dấn thân, để chỉ ra trong hành động đi tu này vài ý nghĩa tiêu cực.
 Ngô Thì Sĩ viết 
“Vua Nhân Tông tinh thông kinh điển, vốn có giác ngộ, trong thiên hạ không vật gì đáng bận tâm. Nhưng đường đường là đấng thiên tử mà ẩn náu nơi hang cùng ngõ hẻm, sớm hôm cùng một hai nhà sư trên núi không có hám của cải,  sống trong cảnh thái bình cho đến hết đời, công nhiên dùng Phật học mà dẫn dắt con cháu, đưa cả thiên hạ vào giáo lý đạo Phật, lỗi ấy không gì lớn hơn. (Tr 394 sđd) 
Trở lại với cái mạch chung của thế kỷ XIV. 
Trên nét lớn, sau khi đọc các nhà sử học đã dẫn ra ở trên, người ta chỉ có thể đi đến kết luận rằng sau một thời đại anh hùng là một thời kỳ đen tối và  thế kỷ XIV là một thời kì đau đớn trong lịch sử nước ta.
Sau khi Nhân Tôn bỏ việc đi tu, người kế tục ông là Anh Tôn đã nổi tiếng về chơi bời hư hỏng. 
Các sách sử cũ đều viết và Ngô thì Sĩ cũng viết rằng một lần khi Thượng hoàng Nhân Tôn từ Thiên Trường về Kinh sư, mọi người trong ngoài đều không biết; vua uống rượu xương bồ quá say, Thượng hoàng đi xem khắp cung điện suốt hai khắc đồng hồ, chuẩn bị đi ăn cơm, vua vẫn chưa tỉnh.
Cũng vua Anh Tông này, theo cách miêu tả của Ngô Thì Sĩ phải kể là vị vua rất lông bông.“Vua thích vi hành, cứ ban đêm ngồi kiệu cho mười hai người thị vệ theo, đi khắp trong kinh kỳ đến gà gáy mới về cung” (Tr 394 sđd )
Ở trên đã nói, nếu lấy khoảng cách là 40 –đến 50 năm sau chiến thắng thì ông vua nhà Trần trị vì lúc ấy là Trần Dụ Tông. 
Ông này mới thật hoàn toàn tiêu biểu cho tình trạng suy đồi của vua quan nhà Trần thế kỷ XIV.
Về Dụ Tông những năm cuối đời, Ngô Thì Sĩ  có lần buông một câu gọn ghẽ: “Việc làm rối loạn đạo trời, khiến cho Dụ Tôngtinh còn mà thầnmất, người khỏe mà tâm đã chết, tối tăm càn rỡ vào tận máu thịt”.
Thời Dụ Tông cũng là thời Chu Văn An dâng sớ xin chém mấy người gian nịnh. Bởi vậy, Ngô Thì Sĩ  lại viết thêm: 
“Cho dù Chu Văn Trinh muốn lấy nghĩa lý mà chữa, cuối cùng cũng không chữa nổi.” (tr 443)
 Trong bài viết về Trần Khánh Dư, tính chung cả hàng ngũ vua quan đương thời, tôi đã từng tạm khái quát “từ những người anh hùng có công, nhiều người trong họ trở thành những viên quan cai trị có tội”.
 Nhưng mà đấy mới chỉ là nói một cách chung.
 Thực ra ban đầu các vị ấy đâu đã phải hoàn toàn hư hỏng.
Về sự suy đồi đạo lý của họ, Ngô Thì Sĩ đưa ra một sự so sánh:
+năm 1296, một viên quan thượng phẩm là Nguyễn Hưng phạm luật đánh bạc liền bị đánh chết(tr 396).
+thế mà đến năm 1362, vua Dụ Tông lại gọi người vào chơi bạc, để mưu đóng vai nhà cái một vốn bốn lời “một lần đặt là 300 quan, ba lần đã gần nghìn quan rồi”.
 Dụ Tông cũng ban lệnh cho tư nô cày một mẫu đất ở bờ bắc sông Tô Lịch để trồng hành trồng tỏi, rau dưa rồi đem bán kiếm tiền. Rồi làm cả quạt mang bán (tr. 453).
Theo cách miêu tả của  Ngô Thì Sĩ, Dụ Tông có một tính cách rất hiện đại là biết dùng bộ máy quyền lực để kiếm tiền trong quan lại cấp dưới và cả dân.
ĐVSKTB ở tr 455 kể một chuyện xảy ra từ đời vua cha là Minh Tông. Thấy một nhà buôn là Ngô Dẫn giầu lên nhờ kiếm được ngọc quý, vua gả ngay con gái cho Ngô Dẫn. Nhưng Dẫn cậy mình giàu có, lấy vợ lẽ và ở với vợ lẽ, lại tỏ ý khinh bỉ công chúa. Đến đời Dụ Tông. Nghe lời than phiền của em, Dụ Tông liền tỏ uy quyền bằng cách  ra lệnh tịch thu toàn bộ của cải.
Về việc vua Dụ Tông đào hồ làm nơi vui chơi mà trên kia cuốn LSVN của khoa Sử ĐHSP đã viết, Ngô Thì Sĩ còn ghi rất rõ:
+ trên hồ này, trên bờ trồng tùng trúc và các loại cây cùng hoa quý cỏ lạ. 
+ Lại nuôi nhiều chim quý, thú lạ ở trong vườn. 
+Đối với hồ nước mặt, sai bắt các con vật ở biển như đồi mồi cá, ba ba đen về nuôi, lại sai người ở Hóa Châu (Thuận Hóa) chở cá sấu thả vào.
Ngô Thì Sĩ cho rằng cả Tùy Dạng Đế,– nhân vật nổi tiếng tàn bạo trong lịch sử Trung Quốc — cũng không tìm được niềm vui tương tự.
 Sau khi bảo rằng cách vui của Dụ Tông lúc ấy “có thể nói là vui mà quên chết” Ngô Thì Sĩ viết tiếp  “Người mải kiếm tiền và mải vui sẽ là người lơi lỏng lơ là trong việc trị nước”.
 Ông thầm nói với hậu thế chúng ta “Giả sử chuyển trí tuệ khôn khéo ấy để trị dân trị nước thì làm gì lo đến sự bại vong” (tr 456).
 Mở rộng ra nữa, ông cảnh báo về hậu quả mọi tội lỗi của các nhân vật quốc gia: “trong thì mê gái đẹp, ngoài thì mê săn bắn, thích rượu, ham âm nhạc. Làm nhà cao, đắp tường đẹp. Phạm điều này trong bốn điều này chưa từng ai không bị diệt vong ( cũng tr 456).
Về đức hạnh của các quan đầu triều đương thời, Ngô Thì Sĩ có nêu một trường hợp là Trần Khắc Chung.
Ông này thường “cùng với học sĩ Nguyễn Sĩ Cố đánh cờ hàng mấy ngày liền, đến nổi ngồi ngay bàn cờ mà ăn cháo, không nghỉ chút nào, được thua một vài quan tiền cũng cố làm. Bạn bè có việc mở tiệc đầy năm cho con hoặc mừng nhà hoàn thành, hễ mời là đến. Nhà thầy thuốc có món ăn cũng mò mà đến, quân lính thết đãi ăn uống thì khen vợ họ để nịnh (sđd tr. 431).
Trang 445 của cuốn ĐVSKTB kể năm 1354 có nạn đói, ngoài ra nhân dân lại khổ vì trộm cướp, có người xưng là cháu ngoại của Hưng Đạo Vương tên là Tề tụ hợp các gia nô bỏ trốn ở các xứ Lạng Sơn, Nam Sách. 
 Con cháu các cụ có người cũng không sống nổi, hỏi người thường ra sao?
Trong việc các vua Trần nửa cuối thế kỷ XIV đối xử với Chiêm Thành, các nhà sử học hiện đại thường cũng quên không ghi rõ một điều mà Ngô Thì Sĩ cùng nhiều ngòi bút sử học chân chính hồi xưa đã viết. Đó là nhiều lần người Chiêm đã vào cướp phá cả những vùng như Thuận Hóa, và quân ta thua chạy. Đến đời Nghệ Tông, quân Chiêm đến sát kinh sư. Đến đời Duệ Tông thì xâm phạm xe vua.
Có lần một vua Chiêm là Chế Mỗ bị người trong nước đánh đuổi, vua Trần chở che và cho người đưa về, nhưng thất bại, Chế Mỗ chết trong cảnh đơn độc trên đất Việt.
 Nói chung trong cách đối xử với các vua Chiêm, vua ta nhiều khi tiền hậu bất nhất, dám tùy tiện làm nhiều chuyện mà trong quan hệ giữa các quốc gia  không được phép.
Nhìn chung về đội ngũ quan chức của nhà Trần suốt thế kỷ XIV, đọc Ngô Thì Sĩ, người ta có thể nhận xét là sau khi đánh xong giặc Nguyên, chả ai biết làm gì để khôi phục lại tình hình đất nước đã tiêu điều tan nát trong chiến tranh. Trên thì không có chính sách, cấp dưới thì không có người hiểu biết mà cố vấn cho vua.
Một đoạn có giọng văn bia Ngô Thì Sĩ về Dụ Tông, mà cũng là về tình trạng đổ đốn của con cháu các bậc anh hùng năm xưa:
“Dụ Tông lên ngôi 15 năm, sử chép 6 lần nhật thực, hạn hán đế 3 lần. Một lần sâu keo mất mùa hàng năm. Đến khi ấy từ mùa xuân đến mùa thu núi lở động đất lụt hạn, sét đánh, không tháng nào là không có. Trời phạt tội dâm ác đến cực độ, răn đe nảy ra chính sự lười biếng, thế mà cha con vua tôi trong một thời vẫn bình thản như thường. Kẻ trên không có lòng thành khẩn xét mình, kẻ dưới không có lời tâu cứu giúp thời cuộc, coi thường điều trời răn không biết sợ. Khinh bỏ việc người không biết lo.( VTN nhấn mạnh). Sang năm sau, Minh Tông qua đời, Dụ Tông thỏa lòng xa xỉ, giặc giã nổi lên từng bầy, việc thờ cúng không ra lề lối, ngôi báu nhà Trần suýt di chuyển về họ Dương” ( tr 448).
Mấy điều tổng kết tạm thời:
I/Nếu lịch sử Việt Nam thường chỉ được quy kết vào lịch sử chống ngoại xâm, thì việc ghi chép về các thời hậu chiến của người đương thời đã ít, đến các sử gia hiện đại, việc này lại càng bị lảng tránh.
Điều đó có thể  giải thích như sau:
  • Đối với người xưa, nó chứng tỏ xã hội Việt Nam thực ra vẫn chưa thực sự hình thành, quốc gia chúng ta vẫn giống như một đạo quân hơn là một xã hội sống bằng làm ăn kinh tế và hướng tới phát triển.
  •  Đối với các sử gia đương đại, nó càng chứng tỏ chúng ta chỉ mới có một nền sử học phục vụ cho cuộc chiến đấu trước mắt. Dù đã mấy chục năm ra khỏi chiến tranh nền sử học ấy vẫn chỉ xoay đi xoay lại các bài bản cũ, cách làm cũ.  Chúng ta thiếu các nhà trí thức biết nhìn lịch sử trên cả chặng đường dài và bằng con mắt của con người hiện đại.
II/ Khi miêu tả các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, các nhà sử học hôm nay thường chỉ ghi chép những điều tốt đẹp mà không ghi những mất mát đau thương mà chiến tranh mang lại. 
Mà mất mát đau thương nhất của chiến tranh ở VN là gì? 
Là cả cơ chế xã hội bị giải thể, trong đó bộ phận quan chức là bộ khung xã hội thì trở nên suy đồi  không thể cứu vãn.
Ta thường chỉ nói tới mặt tích cực của quan chức trong thời chiến. 
Cái đó thì đáng trọng thật. 
Nhưng mặt khác phải thấy sinh ra trong thời chiến, họ chỉ biết việc binh đao mà không biết gì việc làm ăn và quản lí xã hội. 
Được làm vua thua làm giặc, kẻ võ biền chiến thắng tự dành cho mình tính chính danh trong việc quản lí đất nước. 
Cậy là có công cứu nước, họ buộc cộng đồng mãi mãi mang ơn và tự cho mình có toàn quyền bóc lột đàn áp dân chúng.
Trong việc học hỏi và tiếp thu văn hóa Trung Quốc, chúng ta thường chỉ học lỏm về một số phương diện văn hóa; còn  chính bộ phận văn hóa quyền lực là phần văn hoá rất thâm hậu trong văn hóa Trung Quốc thì chúng ta lại không hề tiếp nhận không học theo một cách bài bản.
III/ Một thực tế của các vương triều hình thành sau khi chiến thắng là chỉ được một hai đời, đến các đời sau đều đồi bại đi rõ rệt. Trên đã nói những người đánh giặc giỏi chưa chắc đã là những người quản lý xã hội giỏi. Giờ phải nói thêm con cháu các bậc anh hùng trong thời chiến không mấy khi là những kẻ tử tế biết sống ra người trong thời bình. Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành là thế. Nhà Trần là thế. Sau này là Nguyễn Huệ. Quang Trung xuất sắc bao nhiêu thì đến Quang Toàn hèn kém bấy nhiêu.
Tôi nhớ một nhà xã hội học lớp trước đã nhận xét là ở Việt Nam chỉ có giai cấp cầm quyền mà không có bộ phận quý tộc được hình thành nhiều đời và có văn hóa. Chỉ có triều Nguyễn ở đầu thế kỉ XIX rút kinh nghiệm được các triểu trước và tạo sự liên tục suốt bốn đời vua liền. Đó là  bước tiến bộ của lịch sử. Nhưng với con người thời nay, với các sử gia Hà Nội trong 70 năm qua,  thì triều Nguyễn lại không hề được quan tâm và rút kinh nghiệm. Chỉ toàn những lời đả kích phê phán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét