Những thương vụ “dưới gầm bàn” và sự thất thoát ngân sách quốc gia
bauxitevnThu 7:06 AM
Ba Son, Giảng Võ thất thoát bao nhiêu?
Huy Đức
Từ mức khởi điểm 550 tỷ, sau 16 vòng đấu giá, TP đã bán được 1.430 tỷ (*). Cho dù ai mới thực sự đứng sau cuộc đấu giá này thì kết quả của nó cũng gây nhiều suy nghĩ. Chúng ta có thể làm một bái toán số học (giữa giá thị trường và giá anh Vượng đã mua, trên giấy) để thấy tiền bạc của đất nước đã thất thoát bao nhiêu khi các dự án như Ba Son, Giảng Võ được âm thầm đem bán.
Đấy là cái giá của sự thiếu minh bạch.
Chính phủ cần ngay lập tức yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tính đủ giá thành bất động sản (nhà xưởng, văn phòng...) trước khi cho cổ phần hóa.
Đối với các diện tích đất đang sử dụng cho mục đích quốc phòng hoặc đang giao cho các cơ quan làm trụ sở thì không thể coi là tài sản riêng của các cơ quan này (Nhà nước chỉ giao đất để phục vụ cho mục đích hiện hữu). Nay nếu các cơ quan đó không còn nhu cầu sử dụng thì phải trả lại và phải được quản lý như công sản. Ví dụ, Hội Nhà văn của ông Hữu Thỉnh nếu không còn cần trụ sở thì phải trả lại cho nhà nước chứ không thể tự đem bán cho tư nhân hay tự làm khách sạn.
Trong trường hợp cần bán các phần đất này thì phải công khai đấu giá như cách Sài Gòn đã làm với trụ sở của xổ số kiến thiết.
Nếu như Bộ Quốc Phòng khi cho dời cảng Ba Son, Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng không lén lút bán cho ông Vượng ngay thì Hội đồng Nhân dân TP hoàn toàn có thể lấy ý kiến nhân dân để biến nó trở thành một công viên bảo tàng, vừa tôn được giá trị của cả TP vừa không biến Ba Son thành cái thòng lọng thắt cổ giao thông TP.
Nếu những khối tài sản hàng ngàn tỷ được trao đổi dưới gầm bàn thì thánh cũng trở thành tham nhũng.
H. Đ.
Nguồn: FB Huy Đức
Vinafood 1 và Bến xe Lương Yên – thương vụ kín tiếng
Theo Đan Nguyên - Baodauthau.vn
Đêm 26/7/2016, chuyến xe cuối cùng lăn bánh rời bến Lương Yên, chấm dứt 12 năm hoạt động của bến xe này. Đây là bến xe với 38 tuyến vận tải đi 19 tỉnh thành trong cả nước với 52 đơn vị vận tải và khoảng 319 phương tiện.
Bến xe Lương Yên đóng cửa, các tuyến xe đã được chuyển về 3 bến xe khác là Gia Lâm, Yên Nghĩa và Nước Ngầm.
Bến xe lịch sử
Gọi Lương Yên là bến xe lịch sử bởi vì ngay từ khi quy hoạch (năm 2004), đây cũng chỉ là một bến xe hoạt động tạm thời để giải quyết các vấn đề trước mắt: lao động dôi dư, quỹ đất trống sau khi một nhà máy xay xát lương thực tọa lạc tại thửa đất đó phải đóng cửa.
Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên, đơn vị được cấp quyền sử dụng mảnh đất tại Bến xe, năm 2011 đã đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội sắp xếp lại Bến xe Lương Yên do nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sở GTVT Hà Nội đã chấp thuận phương án thu hẹp diện tích bến xe, cho phép hoạt động tạm thời đến năm 2013.
Đến năm 2013, theo đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội cùng các doanh nghiệp đang khai thác các tuyến xe ở Bến xe Lương Yên, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định gia hạn thời gian hoạt động đến tháng 7/2016.
Việc dừng hoạt động Bến xe Lương Yên được cho là tất yếu và hợp lý khi bến xe này ngày càng xuống cấp, nhếch nhác, tạm bợ, gây ùn tắc giao thông và làm xấu bộ mặt Thủ đô. Theo quy hoạch, khu vực Bến xe Lương Yên sẽ được chia thành khu đô thị hỗn hợp (hơn 14.000 m2), bãi đỗ xe cao tầng (hơn 5.500 m2) và trường học (2.500 m2) - thông tin được đăng tải trên Vnexpress.
Thương vụ kín tiếng
Theo kế hoạch, Vinafood 1 sẽ cổ phần hóa vào năm 2017. Nhà đầu tư hy vọng thương vụ kín tiếng giữa Sun Group và Vinafood 1 sẽ được “vén màn” trong quá trình định giá doanh nghiệp trước khi tiến hành cổ phần hóa.
Ngay sau khi di dời, Bến xe Lương Yên được quây lại tiến hành thi công. Mọi việc có vẻ đã được chuẩn bị từ trước đó khá lâu. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng và triển khai dự án có vẻ là một thương vụ tương đối kín tiếng. Chỉ biết rằng, Lương thực Lương Yên khó có thể là doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản trên quy mô lớn như vậy.
Những ngày gần đây, một dự án mới bắt đầu được ra mắt, làm nóng thị trường bất động sản phía Bắc: Dự án Sun Grand City - Ancora Residence (Sun Group Lương Yên) được xây dựng trên nền đất Bến xe Lương Yên cũ. Dự án do Sun Group, một tập đoàn bất động sản lớn, làm chủ đầu tư. Đây là dự án chung cư có view sông Hồng và Cầu Vĩnh Tuy, được đánh giá là khá quang đãng, là một trong vài khu “đất vàng” còn sót lại của Thủ đô. Theo mức giá được chào bán hiện nay, các căn hộ của Dự án hiện có mức giá trên 40 triệu đồng/m2.
Thông tin được công bố cho thấy Sun Group là chủ đầu tư duy nhất của Dự án (thông qua một công ty thành viên), do vậy có khả năng quyền sử dụng đất đã được chuyển nhượng từ Lương thực Lương Yên sang cho tập đoàn bất động sản này. Hoặc Lương thực Lương Yên cùng Sun Group đã hình thành pháp nhân để đầu tư dự án, nhưng về mặt thương hiệu, Sun Group trực tiếp “đứng tên”. Phía Lương thực Lương Yên và công ty mẹ (Tổng công ty Lương thực miền Bắc - Vinafood 1) vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin liên quan đến dự án đất vàng này.
Theo Quyết định Điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu Vinafood 1 giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Vinafood 1 và 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên và Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam sẽ được cổ phần hóa vào năm 2017. Hiện các thông tin cổ phần hóa Lương thực Lương Yên vẫn chưa rõ ràng.
Lương thực Lương Yên là 1 trong các công ty thành viên của Vinafood 1 với tỷ lệ sở hữu của Vinafood 1 là 100%. Chính vì vậy, mặc dù không trực tiếp quản lý mảnh đất hàng nghìn m2 trên mặt đường Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, không thể bỏ qua vai trò của Vinafood 1 trong thương vụ chuyển nhượng/hợp tác nói trên. Nói cách khác, thương vụ này sẽ tác động đến kết quả kinh doanh năm 2016 của Vinafood 1.
Theo kế hoạch, Vinafood 1 sẽ cổ phần hóa vào năm 2017. Nhà đầu tư hy vọng thương vụ kín tiếng giữa Sun Group và Vinafood 1 sẽ được “vén màn” trong quá trình định giá doanh nghiệp trước khi tiến hành cổ phần hóa.
Nguồn: http://ndh.vn/vinafood-1-va-ben-xe-luong-yen-thuong-vu-kin-tieng-20161208093138363p4c147.news
Bài đã bị gỡ bỏ. Tuy nhiên có thể đọc tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét