Các nhà lãnh đạo BRICS họp vào ngày 22/8 để vạch ra lộ trình tương lai của khối các quốc gia đang phát triển nhưng sự chia rẽ lại xuất hiện trước một cuộc tranh luận gay gắt về khả năng mở rộng của nhóm nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu.
Căng thẳng gia tăng sau cuộc chiến Ukraine và sự đối đầu Mỹ-Trung ngày càng tăng đã thúc đẩy Trung Quốc và Nga tìm cách củng cố BRICS.
Họ đang tìm cách sử dụng hội nghị thượng đỉnh ngày 22-24 tháng 8 tại Johannesburg để củng cố nhóm - gồm Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ - trở thành đối trọng với sự thống trị của phương Tây trong các định chế toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu tại diễn đàn kinh doanh BRICS: “Ngay bây giờ, những thay đổi trên thế giới, ở thời đại chúng ta và trong lịch sử đang diễn ra theo những cách chưa từng có trước đây, đưa xã hội loài người đến một thời điểm quan trọng”.
“Tiến trình lịch sử sẽ được định hình bởi những lựa chọn của chúng ta.”
Ông Tập không dự diễn đàn kinh doanh BRICS, bất chấp sự hiện diện của người đồng cấp Cyril Ramaphosa của Nam Phi, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Phát biểu của ông được Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào chuyển tải, và vẫn chưa rõ tại sao ông Tập, người có cuộc gặp với chủ nhà Ramaphosa trước đó trong ngày, lại không tham dự sự kiện này.
Những bình luận từ ông Lula của Brazil chỉ ra sự khác biệt về tầm nhìn trong khối. Các nhà phân tích chính trị cho rằng BRICS từ lâu đã phải vật lộn để hình thành một quan điểm mạch lạc về vai trò của mình trong trật tự toàn cầu.
Ông Lula của Brazil ngày 22/8 nói trong một buổi phát sóng trên mạng xã hội từ Johannesburg: “Chúng tôi không muốn trở thành đối trọng với G7, G20 hay Hoa Kỳ.” “Chúng tôi chỉ muốn tự tổ chức mình.”
Ngoài vấn đề mở rộng, việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong các giao dịch thương mại và tài chính nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh BRICS.
“Quá trình phi đô la hóa quan hệ kinh tế của chúng ta một cách khách quan, không thể đảo ngược đang đạt được đà tiến”, ông Putin nói trong một tuyên bố được ghi hình trước.
Nền kinh tế Nga đang vật lộn với các chế tài của phương Tây liên quan đến cuộc chiến của Moscow ở Ukraine. Ông Putin đang bị truy nã theo trát bắt quốc tế vì bị cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine và đang được đại diện tại hội nghị thượng đỉnh bởi Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Nước chủ nhà Nam Phi cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào về đồng tiền chung BRICS, một ý tưởng được Brazil đưa ra như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào đồng đô la.
Điểm tranh cãi
BRICS vẫn là một nhóm không đồng nhất, từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đến Nam Phi, một quốc gia tương đối nhỏ nhưng vẫn là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi.
Nga muốn cho phương Tây thấy rằng họ vẫn còn bạn bè nhưng Ấn Độ ngày càng vươn ra phương Tây, cũng như Brazil dưới thời lãnh đạo mới.
Ấn Độ và Trung Quốc cũng thường xuyên xảy ra xung đột dọc biên giới tranh chấp, làm tăng thêm thách thức cho việc ra quyết định trong một nhóm dựa trên sự đồng thuận.
Phát biểu với các phóng viên ở Washington ngày 22/8, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết ông không thấy BRICS trở thành đối thủ địa chính trị của Mỹ.
Ông nói: “Đây là một tập hợp rất đa dạng các quốc gia…có quan điểm khác nhau về các vấn đề quan trọng”.
Việc mở rộng từ lâu đã là mục tiêu của Trung Quốc. Nước này hy vọng rằng việc mở rộng số lượng thành viên sẽ tạo thêm ảnh hưởng cho một nhóm vốn là nơi sinh sống của khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Nga cũng mong muốn mở rộng thành viên trong khi Tổng thống Nam Phi Ramaphosa lên tiếng ủng hộ ý tưởng này tại cuộc gặp với ông Tập.
Các nhà lãnh đạo BRICS tổ chức một cuộc họp nhỏ và ăn tối vào ngày 22/8, nơi họ có thể thảo luận về khuôn khổ và tiêu chí để kết nạp các quốc gia mới.
Ngoại trưởng Vinay Kwatra ngày 21/8 nói rằng Ấn Độ, vốn cảnh giác trước sự thống trị của Trung Quốc và đã cảnh báo không nên mở rộng nhanh chóng, có “ý định tích cực và tư duy cởi mở”. Trong khi đó, Brazil lo ngại rằng việc mở rộng BRICS sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của nước này, mặc dù hôm 22/8 Tổng thống Brazil đã nhắc lại mong muốn được thấy nước láng giềng Argentina gia nhập khối.
Một nguồn tin chính phủ Argentina liên quan tới các cuộc đàm phán để Argentina gia nhập BRICS nói với Reuters rằng dự kiến sẽ không có thành viên mới nào được kết nạp vào khối trong hội nghị thượng đỉnh lần này.
Trong khi khả năng mở rộng BRICS vẫn còn chưa rõ ràng, cam kết của nhóm này trở thành nhà vô địch của thế giới đang phát triển và đưa ra một giải pháp thay thế cho trật tự thế giới do các quốc gia phương Tây giàu có thống trị đã tìm được sự đồng cảm.
Các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Trong số đó, gần hai chục nước đã chính thức xin gia nhập, một số dự kiến sẽ cử phái đoàn đến Johannesburg lần này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét