Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

Trái ngược với tuyên bố, hợp tác quân sự Trung-Nga mang tính đối đầu

 

Trái ngược với tuyên bố, hợp tác quân sự Trung-Nga mang tính đối đầu

23/08/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 ở Moscow, ngày 15/8/2023.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã đến thăm Nga và Belarus vào tuần trước để thể hiện sự ủng hộ khi phương Tây tìm cách cô lập hai quốc gia này vì Nga xâm lược Ukraine. Hoa Kỳ đã chế tài ông Lý vào năm 2018 vì Trung Quốc mua vũ khí của Nga.

Ngày 15/8, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc dẫn hãng tin Sputnik của Nga trích lời ông Lý ca ngợi sự hợp tác quân sự Trung-Nga là cởi mở, minh bạch và có lợi cho hòa bình, ổn định:

“Quan hệ quân sự của hai nước đã thiết lập một mô hình hợp tác không liên kết, không đối đầu, không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào.”

Điều đó là sai.

Trung Quốc và Nga đang điều chỉnh các chính sách đối ngoại và chiến lược quân sự của mình để phá hoại trật tự thế giới dân chủ-tự do do phương Tây lãnh đạo. Với việc Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022 và Trung Quốc đang để mắt đến Đài Loan, liên kết của hai nước này mang tính đối đầu và nhắm vào các bên thứ ba.

Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), một tổ chức nghiên cứu quốc phòng do chính phủ Mỹ tài trợ có trụ sở tại Arlington, Virginia, đã lưu ý vào tháng 5 năm nay rằng lợi ích an ninh của Trung Quốc và Nga ngày càng chồng chéo.

“Tuyên bố chung Putin-Tập tháng 2 năm 2022, được đưa ra ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine, đã chứng tỏ sự chồng chéo ngày càng tăng trong mối quan tâm an ninh của hai bên, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều tập trung vào mối đe dọa do Hoa Kỳ và NATO gây ra đối với an ninh quốc tế nói chung và đặc biệt là đối với các quốc gia của họ,” CNA báo cáo.

Trong chuyến thăm đầu tiên của ông Lý tới Nga vào tháng 4 vừa qua, hai nước đã đưa ra tuyên bố cam kết đưa hợp tác quân sự “lên một tầm cao mới”.

Ông Lý đã gặp Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko vào ngày 17 tháng 8. Hoàn cầu Thới báo đưa tin rằng trong cuộc gặp của họ, ông Lukashenko cho biết hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Minsk “không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước thứ ba nào”.

Ukraine

Trái ngược với tuyên bố của ông Lý rằng Trung Quốc và Nga “đã thiết lập một mô hình hợp tác không liên kết, không đối đầu, không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”, hai nước đang ủng hộ các động thái quân sự của nhau chống lại các nước thứ ba.

Nga đã xâm chiếm và sáp nhập bất hợp pháp Bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014, sau đó tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, nhiều cơ quan truyền thông tuần trước đưa tin rằng gần nửa triệu binh sĩ Ukraine và Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược.

Theo Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), hơn 11 triệu người Ukraine đã bị thất tán.

Trong khi việc Nga xâm lược Ukraine vấp phải sự lên án của quốc tế, Trung Quốc vẫn từ chối chính thức lên án Nga, nhấn mạnh rằng “đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Vào tháng 2 vừa qua, Trung tâm Stimson, một cơ quan nghiên cứu ở thủ đô Washington, đã mô tả chiến lược của Trung Quốc là “trung lập thân Nga”, có nghĩa là Bắc Kinh không tích cực đứng về phía nào trong cuộc xung đột Ukraine, nhưng rõ ràng là thân Nga trong lời nói và tuyên truyền.

Tuy nhiên, tháng 3 năm ngoái BBC dẫn lời bà Maria Shagina, một chuyên gia về chế tài kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh, nói rằng Trung Quốc đang khai thác “vùng xám” giữa các mục đích quân sự và dân sự bằng cách gửi các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm cả các chất bán dẫn, để hỗ trợ Moscow trong nỗ lực chiến tranh.

Đầu tháng này, tờ Politico đưa tin rằng Trung Quốc “đang tiến tới ranh giới đỏ trong việc cung cấp đủ thiết bị không gây sát thương nhưng hữu ích về mặt quân sự cho Nga để có tác động vật chất đến cuộc chiến kéo dài 17 tháng của Tổng thống Vladimir Putin tại Ukraine”.

Tờ Politico nói thêm:

“Thiết bị bảo hộ sẽ đủ để trang bị cho nhiều người được Nga huy động kể từ cuộc xâm lược. Sau đó, có những máy bay không người lái có thể được sử dụng để hướng dẫn hỏa lực pháo binh hoặc thả lựu đạn và kính ngắm quang học nhiệt để nhắm vào kẻ thù vào ban đêm.”

Một phúc trình được giải mật của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ hồi tháng 7 năm nay đã kết luận rằng sự hỗ trợ từ Trung Quốc là “rất quan trọng” đối với khả năng Nga tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine.

Đài Loan

Trong khi đó, không có gì bí mật về chuyện Trung Quốc đang để mắt tới láng giềng Đài Loan.

Vào ngày 19 tháng 8, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quanh hòn đảo sau khi Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức dừng chân ở San Francisco và Thành phố New York trong khuôn khổ chuyến đi tới Paraguay.

Hãng thông tấn AP đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận là một “cảnh báo nghiêm khắc” về cái mà họ gọi là sự cấu kết giữa “các lực lượng ly khai và nước ngoài.”

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và thề sẽ thống nhất hòn đảo này bằng mọi cách. Đài Loan được cai trị độc lập từ năm 1949 và chính quyền hiện tại của Đài Loan cổ súy độc lập.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết vào năm 2022 rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực thống nhất hòa bình, nhưng sẽ “không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết”.

Trung Quốc đã và đang phô trương sức mạnh quân sự của mình bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quanh Đài Loan, với việc Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA đưa máy bay chiến đấu gần như hàng ngày vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Vào tháng 8 năm 2022, PLA đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất quanh Đài Loan trong những năm gần đây sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lúc bấy giờ đến thăm hòn đảo này.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật bao quanh Đài Loan kéo dài ba ngày và bao gồm việc bắn phi đạn đạn đạo qua hòn đảo này, một số trong đó đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Philippines. Các cuộc tập trận được tổ chức gần đất liền Đài Loan hơn nhiều so với các cuộc tập trận trước đây, trong đó một số cuộc tập trận tiến vào lãnh hải của Đài Loan.

Trong một tuyên bố chung Trung-Nga hồi tháng 3 năm nay, Moscow cho biết họ “tái khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, phản đối bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan và kiên quyết ủng hộ các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”

(Nguồn Polygraph.info)

Các nhà lãnh đạo BRICS họp ở Nam Phi cùng lúc khối cân nhắc mở rộng

 

Các nhà lãnh đạo BRICS họp ở Nam Phi cùng lúc khối cân nhắc mở rộng

22/08/2023
Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo BRICS tại Nam Phi ngày 22/8/2023.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia BRICS – bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã hội tụ tại Johannesburg hôm 22/8 để họp thượng đỉnh, ở đó, họ sẽ cân nhắc việc mở rộng khối khi một số thành viên thúc đẩy việc đưa khối này trở thành một đối trọng với phương Tây, theo Reuters.

Căng thẳng toàn cầu gia tăng do chiến tranh Ukraine gây ra và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tăng thêm tính cấp bách cho nỗ lực củng cố khối, vốn đã có lúc bị chia rẽ nội bộ và thiếu tầm nhìn nhất quán.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, theo thể thức chuyến thăm cấp nhà nước vào sáng ngày 22/8 trước các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo khác của nhóm vào tối cùng ngày. Ông Tập là người đi đầu ủng hộ mở rộng BRICS.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 22 đến 24/8.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang bị truy nã quốc tế vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, sẽ không tới Nam Phi và thay vào đó tham gia trực tuyến.

“Một BRICS mở rộng sẽ đại diện cho một nhóm các quốc gia đa dạng với các hệ thống chính trị khác nhau có chung mong muốn có một trật tự toàn cầu cân bằng hơn”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trước các cuộc họp.

Việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên cũng nằm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nam Phi cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào về đồng tiền BRICS, một ý tưởng được Brazil đưa ra vào đầu năm nay như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào đồng đôla.

BRICS vẫn là một nhóm còn có các khác biệt, từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang vật lộn với suy thoái, đến Nam Phi, nước chủ nhà năm nay và một nền kinh tế nhỏ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện dẫn đến mất điện hàng ngày.

Ấn Độ ngày càng tăng tương tác với phương Tây, cũng như Brazil dưới thời nhà lãnh đạo mới, trong khi Nga đang bị phương Tây trừng phạt nặng nề vì cuộc chiến ở Ukraine.

Mở rộng khối từ lâu đã là một mục tiêu của Trung Quốc, nước này hy vọng rằng số lượng thành viên đông đảo hơn sẽ tạo ảnh hưởng cho một nhóm vốn đã có khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 GDP toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo sẽ tổ chức một buổi họp kín quy mô nhỏ và ăn tối vào tối ngày 22/8, trong đó, họ có thể sẽ thảo luận về khuôn khổ và tiêu chí để kết nạp các quốc gia mới.

Nhưng việc mở rộng đã trở thành một điểm gây tranh cãi.

Nga rất muốn kết nạp các thành viên mới để chống lại sự cô lập ngoại giao sau cuộc xâm lược Ukraine. Nam Phi cũng đã lên tiếng ủng hộ.

Ấn Độ, quốc gia cảnh giác với sự thống trị của Trung Quốc và đã cảnh báo chống lại việc mở rộng ồ ạt, có “ý định tích cực và tinh thần cởi mở”,

Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra cho biết. Trong khi đó, Brazil lo ngại rằng việc mở rộng BRICS sẽ làm giảm ảnh hưởng của nước này.

Các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Trong số đó, gần hai chục nước chính thức đề nghị được kết nạp, với một số nước dự kiến sẽ cử đoàn đến Johannesburg.

Chia rẽ trong BRICS tái xuất hiện trước khi bàn về sự bành trướng

 

Chia rẽ trong BRICS tái xuất hiện trước khi bàn về sự bành trướng

23/08/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 22/8/2023 ở Johannesburg, Nam Phi. 

Các nhà lãnh đạo BRICS họp vào ngày 22/8 để vạch ra lộ trình tương lai của khối các quốc gia đang phát triển nhưng sự chia rẽ lại xuất hiện trước một cuộc tranh luận gay gắt về khả năng mở rộng của nhóm nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu.

Căng thẳng gia tăng sau cuộc chiến Ukraine và sự đối đầu Mỹ-Trung ngày càng tăng đã thúc đẩy Trung Quốc và Nga tìm cách củng cố BRICS. 

Họ đang tìm cách sử dụng hội nghị thượng đỉnh ngày 22-24 tháng 8 tại Johannesburg để củng cố nhóm - gồm Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ - trở thành đối trọng với sự thống trị của phương Tây trong các định chế toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu tại diễn đàn kinh doanh BRICS: “Ngay bây giờ, những thay đổi trên thế giới, ở thời đại chúng ta và trong lịch sử đang diễn ra theo những cách chưa từng có trước đây, đưa xã hội loài người đến một thời điểm quan trọng”.

“Tiến trình lịch sử sẽ được định hình bởi những lựa chọn của chúng ta.”

Ông Tập không dự diễn đàn kinh doanh BRICS, bất chấp sự hiện diện của người đồng cấp Cyril Ramaphosa của Nam Phi, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Phát biểu của ông được Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào chuyển tải, và vẫn chưa rõ tại sao ông Tập, người có cuộc gặp với chủ nhà Ramaphosa trước đó trong ngày, lại không tham dự sự kiện này.

Những bình luận từ ông Lula của Brazil chỉ ra sự khác biệt về tầm nhìn trong khối. Các nhà phân tích chính trị cho rằng BRICS từ lâu đã phải vật lộn để hình thành một quan điểm mạch lạc về vai trò của mình trong trật tự toàn cầu.

Ông Lula của Brazil ngày 22/8 nói trong một buổi phát sóng trên mạng xã hội từ Johannesburg: “Chúng tôi không muốn trở thành đối trọng với G7, G20 hay Hoa Kỳ.” “Chúng tôi chỉ muốn tự tổ chức mình.”

Ngoài vấn đề mở rộng, việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong các giao dịch thương mại và tài chính nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh BRICS.

“Quá trình phi đô la hóa quan hệ kinh tế của chúng ta một cách khách quan, không thể đảo ngược đang đạt được đà tiến”, ông Putin nói trong một tuyên bố được ghi hình trước.

Nền kinh tế Nga đang vật lộn với các chế tài của phương Tây liên quan đến cuộc chiến của Moscow ở Ukraine. Ông Putin đang bị truy nã theo trát bắt quốc tế vì bị cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine và đang được đại diện tại hội nghị thượng đỉnh bởi Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Nước chủ nhà Nam Phi cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào về đồng tiền chung BRICS, một ý tưởng được Brazil đưa ra như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào đồng đô la.

Điểm tranh cãi

BRICS vẫn là một nhóm không đồng nhất, từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đến Nam Phi, một quốc gia tương đối nhỏ nhưng vẫn là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi.

Nga muốn cho phương Tây thấy rằng họ vẫn còn bạn bè nhưng Ấn Độ ngày càng vươn ra phương Tây, cũng như Brazil dưới thời lãnh đạo mới.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng thường xuyên xảy ra xung đột dọc biên giới tranh chấp, làm tăng thêm thách thức cho việc ra quyết định trong một nhóm dựa trên sự đồng thuận.

Phát biểu với các phóng viên ở Washington ngày 22/8, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết ông không thấy BRICS trở thành đối thủ địa chính trị của Mỹ.

Ông nói: “Đây là một tập hợp rất đa dạng các quốc gia…có quan điểm khác nhau về các vấn đề quan trọng”.

Việc mở rộng từ lâu đã là mục tiêu của Trung Quốc. Nước này hy vọng rằng việc mở rộng số lượng thành viên sẽ tạo thêm ảnh hưởng cho một nhóm vốn là nơi sinh sống của khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Nga cũng mong muốn mở rộng thành viên trong khi Tổng thống Nam Phi Ramaphosa lên tiếng ủng hộ ý tưởng này tại cuộc gặp với ông Tập.

Các nhà lãnh đạo BRICS tổ chức một cuộc họp nhỏ và ăn tối vào ngày 22/8, nơi họ có thể thảo luận về khuôn khổ và tiêu chí để kết nạp các quốc gia mới.

Ngoại trưởng Vinay Kwatra ngày 21/8 nói rằng Ấn Độ, vốn cảnh giác trước sự thống trị của Trung Quốc và đã cảnh báo không nên mở rộng nhanh chóng, có “ý định tích cực và tư duy cởi mở”. Trong khi đó, Brazil lo ngại rằng việc mở rộng BRICS sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của nước này, mặc dù hôm 22/8 Tổng thống Brazil đã nhắc lại mong muốn được thấy nước láng giềng Argentina gia nhập khối.

Một nguồn tin chính phủ Argentina liên quan tới các cuộc đàm phán để Argentina gia nhập BRICS nói với Reuters rằng dự kiến sẽ không có thành viên mới nào được kết nạp vào khối trong hội nghị thượng đỉnh lần này.

Trong khi khả năng mở rộng BRICS vẫn còn chưa rõ ràng, cam kết của nhóm này trở thành nhà vô địch của thế giới đang phát triển và đưa ra một giải pháp thay thế cho trật tự thế giới do các quốc gia phương Tây giàu có thống trị đã tìm được sự đồng cảm.

Các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Trong số đó, gần hai chục nước đã chính thức xin gia nhập, một số dự kiến sẽ cử phái đoàn đến Johannesburg lần này.