Tầm nhìn “Hòa bình kiểu Trung Quốc” của ông Tập
bauxitevnThu 12:38 PM
Sandy Pho (*)
Huỳnh Hoa dịch
Trong bài diễn văn dài 3 tiếng đồng hồ đọc trước đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017, Tổng bí thư Tập Cận Bình công bố cuộc trở lại hợp lý của Trung Quốc ở vị trí trung tâm của thế giới và hứa hẹn sẽ “đóng góp lớn hơn nữa cho nhân loại”. Ông ta cũng truyền bá mô hình quản trị đất nước của Trung Quốc (chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc) như một “sự lựa chọn mới mẻ cho… các quốc gia… mong muốn tăng tốc phát triển và duy trì nền độc lập của chính mình”.
Phải chờ xem liệu Bắc Kinh có tích cực thúc đẩy mô hình Trung Quốc ở nước ngoài hay không, nhưng không có gì phải nghi ngờ về chương trình đầy tham vọng của ông Tập. Ông ta nói rõ rằng, vào năm 2035, Trung Quốc sẽ “trở thành một quốc gia có sức mạnh dân tộc toàn diện và ảnh hưởng quốc tế hàng đầu”. Vào giữa thế kỷ này, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được kỳ vọng sẽ là một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Theo ông Tập, khi đạt được những mục tiêu này, “Đất nước Trung Quốc sẽ vượt lên trong số các quốc gia của thế giới với tư thế cao cả”.
Cũng giống như mọi chuyện ở đất nước này, ông Tập đang chơi trò chơi dài hạn. Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường “sức mạnh quốc gia toàn diện” của mình và củng cố vị trí trên “sân khấu trung tâm của thế giới” thông qua những sáng kiến như “Nhất lộ nhất đới” (một vành đai, một con đường – One Belt, One Road – OBOR), các hiệp định thương mại đa phương và Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (AIIB). Dưới quyền ông Tập, chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ tiếp tục được tính toán kỹ và được điều phối cao độ. Trò chơi của ông Tập có tên là “kiểm soát” (control).
Tập có ý định sử dụng quyền năng mới có được để tạo ra những điều kiện toàn cầu có lợi cho Trung Quốc và ngăn ngừa các mối đe dọa sẽ nổi lên. Yếu tố then chốt trong lối tiếp cận này là khả năng nhận ra những cơ hội chiến lược khi chúng xuất hiện và tận dụng chúng cho lợi thế của Trung Quốc – như đã thấy rõ ở châu Á-Thái Bình Dương, khi Bắc Kinh nhắm tới việc lập ra một khu vực tôn kính và khôi phục vị thế độc tôn của Trung Quốc. Theo nhà ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan, Trung Quốc “không chỉ muốn các lợi ích của họ phải được xem xét mà còn mong muốn việc tôn kính các lợi ích của Trung Quốc phải được các nước thành viên ASEAN ghi nhớ như là một lề lối tư duy”.
Nhưng, trở ngại chủ yếu cho việc Trung Quốc muốn ghi dấu ấn vào nếp suy nghĩ của ASEAN chính là Hoa Kỳ.
Nhiều người châu Á nhìn thấy Washington chủ động bỏ rơi các nghĩa vụ quốc tế của mình, từ tháng này sang tháng khác, như là một cuộc suy thoái dài hạn và thụ động của Hoa Kỳ. Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định khí hậu Paris, những lời than phiền của ông ta về thâm hụt thương mại với các đồng minh châu Á và lời ông ta kêu gọi Tokyo và Seoul phải trả chi phí nhiều hơn cho các lực lượng Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của họ đã củng cố cho các quan điểm này. Chuyến viếng thăm gần đây của Trump đến khu vực châu Á có ý nghĩa trấn an các đồng minh và đối tác nhưng sự phản đối của ông với chủ nghĩa đa phương và huênh hoang về chính sách “nước Mỹ trên hết” càng củng cố cái quan niệm rằng Hoa Kỳ là một đối tác không tin cậy được. Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể để nêu bật quan điểm đó.
Sẽ không là vấn đề nếu như ông Trump có một chính sách châu Á rõ ràng mạch lạc. Trong thời gian ở châu Á, ông Tổng thống đã giới thiệu tầm nhìn của Chính phủ ông – hay chỉ là hô một khẩu hiệu? – kêu gọi “một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, có vẻ như là một nỗ lực gia tăng sự cộng tác giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Tuy vậy, vẫn phải chờ xem cái công thức “Ấn Độ-Thái Bình Dương” sẽ được thực thi như thế nào, và có gì phân biệt nó một cách chính xác với chiến lược Tái cân bằng của Chính phủ thời Obama.
Sự thiếu vắng một kế hoạch chi tiết cho vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á đang xói mòn vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực và để lại một khoảng trống mà Trung Quốc đang hào hứng lấp đầy. Trong lúc ông Trump ngày càng mê mẩn với vấn đề Bắc Hàn và những thách thức trong quốc nội của ông ấy thì Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực cho đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Hồi tháng 7/2017, đài BBC tường thuật Việt Nam đã chấm dứt một dự án khoan thăm dò khí đốt ở vị trí cách bờ biển phía đông nam của nước này 250 dặm do có “những đe dọa mạnh mẽ từ Trung Quốc”. Sang tháng 8, một nghị sĩ Philippines công bố những bức ảnh tàu thuyền Trung Quốc vây quanh một bãi san hô tranh chấp trong vùng quần đảo Trường Sa – rõ ràng là để chặn lối tiếp cận của tàu thuyền các nước. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á khẳng định sự hiện diện của 9 tàu đánh cá và hai tàu chiến/tàu cảnh sát biển Trung Quốc gần Trường Sa vào cái ngày mà vị nghị sĩ nói trên thông báo. Vào tháng 9, trang mạng Washington Free Beacon (Hải đăng tự do Washington) tường thuật có sự thay đổi trong việc biện minh về pháp lý cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, từ “đường 9 đoạn” sang câu chuyện “Tứ Sa”. Theo trang Beacon, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với một nhóm quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong một cuộc họp kín rằng Trung Quốc đang “khẳng định chủ quyền” trên bốn nhóm quần đảo, gọi chung là “Tứ Sa”. Trong tiếng Anh các nhóm quần đảo này là Pratas Islands (Đông Sa), Paracel Islands (Hoàng Sa), Spratly Islands (Trường Sa) và Macclesfield Bank (Trung Sa). Mặc dù các tác giả của trang mạng chuyên về công pháp quốc tế Lawfare đều cho rằng “Sự biện minh về mặt pháp lý của Trung Quốc cho cái gọi là Tứ Sa là rất yếu ớt, nếu không nói là yếu hơn cả tuyên bố đường 9 đoạn của họ”, nhưng những động thái như vậy cho thấy rõ Trung Quốc đang tập trung cao độ vào khu vực này.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chỉ là kẻ cơ hội. Từ lâu trước khi ông Trump đến châu Á với chương trình “nước Mỹ trên hết”, Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng và xây dựng đường sá, ống dẫn dầu và hải cảng ở châu Á, một cách rất hệ thống. Trong một bài diễn văn năm 2014, ông Tập vận động cho sự ra đời của một “cơ cấu an ninh khu vực mới” vùng châu Á-Thái Bình Dương – một cơ cấu đặc biệt loại bỏ vai trò của Hoa Kỳ. Tầm nhìn có tính chất thay thế của ông Tập cho châu Á bác bỏ một hệ thống có tính chất lịch sử, trong đó các nước đồng minh lấy Hoa Kỳ làm trung tâm, để thay bằng một khung khổ bao hàm mọi nước và không có đồng minh song phương. Trong một nỗ lực khác nhằm cách ly Hoa Kỳ, ông Tập kêu gọi các bài toán của châu Á “phải được giải quyết bởi người châu Á”.
Ông Tập hình dung “châu Á của người châu Á”, trong đó Trung Quốc ngự trị ngay ở trung tâm.
S.P.
(*) Sandy Pho là trợ lý cao cấp ở Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ (KICUS) tại Trung tâm Wailson. Bà nghiên cứu và quản lý các dự án tập trung vào quan hệ chiến lược Trung-Mỹ, quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng và chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương. Các bài báo và phân tích chính sách của bà thường đăng trên các báo đài National Interest, Real Clear World, National Piblic Radio, CSPAN, CNN, The Daily Mail, The World Weekly và El Mercurio. Bà cũng là biên tập viên trang tin The Month in U.S.-China Relations.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét