Ngoại giao về chót trong thời đại nước Mỹ trên hết
LS Nguyễn Văn Thân
Trong mấy tuần qua, giới truyền thông Hoa Kỳ rộn ràng bàn luận tin đồn Tổng thống Trump sẽ sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson và đưa Giám đốc CIA Mike Pompeo lên thay thế. Pompeo có quan hệ gần gũi với Trump và Chánh Văn phòng John Kelly. Pompeo từng xuất thân từ Học viện Quân sự West Point nổi tiếng và trường luật của Đại học Harvard. Là một người theo trường phái bảo thủ, Pompeo có quan điểm tương tự với Tổng thống Trump và sẵn sàng ''chữa cháy'' bảo vệ Tổng thống, ví dụ như sau khi Trump có lời phát biểu gây nhiều tranh cãi về vụ xung đột do nhóm kỳ thị gây ra tại Charlottesville Virginia. Trong khi đó thì Tillerson trả lời báo chí rằng "Trump chỉ phát biểu ý kiến riêng của Trump''.
Trong một phiên họp với các tướng lãnh tại Ngũ Giác đài vào ngày 20 tháng 7, Trump nói với họ là ông muốn tăng số lượng vũ khí hạt nhân lên gấp 10 lần, một động thái vi phạm các hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân do các tổng thống tiền nhiệm ký kết từ thời Reagan. Tillerson bèn phản ứng và gọi Trump là ''một thằng ngu'' (a fucking moron). Trump đáp lại bằng cách thách đố Tillerson thi coi ai có trí thông minh cao hơn và còn tuyên bố là mình chắc chắn thắng. Ngay từ khi mới nhậm chức, Trump đã bác ứng viên thứ trưởng ngoại giao mà Tillerson muốn đề cử là Elliot Abrams chỉ vì Abrams đã có bài viết phê bình chính sách ngoại giao của Trump trong lúc tranh cử. Trong khi Tillerson muốn mở cửa đàm phán với Bắc Hàn để tìm một giả pháp ngoại giao thì Trump tweet là không nên phí thời giờ và ám chỉ là có chỉ có biện pháp quân sự mới giải quyết được vấn đề với Bình Nhưỡng. Tillerson ủng hộ TPP như là một vũ khí chiến lược nhưng Trump lại rút ra. Thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng vậy. Tóm lại, cộng đồng quốc tế không thể tin vào lời nói của Tillerson phản ánh quan điểm của Tổng thống và chính quyền Mỹ. Không có lòng tin như vậy thì cũng có nghĩa là Ngoại Trưởng Tillerson không có uy tín hoặc thế đứng đại diện cho Hoa Kỳ trong các cuộc giao thiệp và tiếp xúc với lãnh đạo của các quốc gia khác.
Tệ hại nhất là Trump hầu như loại bỏ vai trò của Tillerson về chính sách hòa bình tại Trung Đông. Con rể Jared Kushner được đề cử là cố vấn với sứ mạng là tìm giải pháp cho vấn đề Do Thái - Palestine. Kushner là một người gốc Do Thái và làm giám đốc của một tổ chức tại Mỹ chuyên gây quỹ giúp người Do Thái xây nhà trong khu vực chiếm đóng tại Palestine, một hành vi bất hợp pháp và vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Quyết định của Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái chắc chắn có sự ảnh hưởng của Kushner. Sau cuộc Chiến 6 ngày vào năm 1967, Do Thái xâm chiếm Đông Jerusalem là lãnh thổ của Palestine. Thành phố Jerusalem là thánh địa của các tôn giáo lớn gồm có Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo. Cộng đồng quốc tế cũng như chính sách của các Tổng Thống Hoa Kỳ tiền nhiệm đều dựa trên nền tảng giải pháp ''hai quốc gia'' là Do Thái và Palestine sống cạnh nhau trong hòa bình. Palestine muốn tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô. Liên Hiệp Quốc nhiều lần kêu gọi hai bên đàm phán để đạt thỏa thuận biên giới. Một số người đề nghị là thánh địa Jerusalem nên trở thành một lãnh thổ chung được quản lý bởi Liên Hiệp Quốc với điều kiện là tín đồ của các tôn giáo đều có quyền tiếp cận để bày tỏ niềm tin tín ngưỡng của họ.
Trump viện dẫn lý do là chính sách mới phản ánh thực tế. Nói như vậy thì cứ xâm lăng nước khác bằng vũ lực rồi cho dân mình tới sinh sống là trở thành hợp pháp sao? Nếu vậy thì Nga cũng có thể làm vậy đối với Crimea và Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó luật quốc tế cũng như cộng đồng quốc tế chưa bao giờ công nhận bất cứ yêu sách chủ quyền nào của Do Thái đối với Đông Jerusalem.
Thay đổi một chính sách ngoại giao nghiêm trọng như vậy mà Ngoại trưởng Tillerson hầu như không có một tiếng nói nào và có lẽ cũng không biết trước. Quyết định của Trump hầu như gặp phải sự phản đối của tất cả mọi người, từ Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đến tất cả mọi quốc gia trong khối Ả Rập và Liên Âu rồi lan tới Mã Lai và Nam Dương (Indonesia) – quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới. Cả Đức Giáo Hoàng Francis cũng lên tiếng cảnh báo là không nên có quết định đơn phương liên quan tới thánh địa Jerusalem. Trong số 15 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì có tới 14 (trừ Mỹ) gồm có đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển đều lên án quyết định của Trump mà họ cho rằng đi ngược lại nhiều quyết nghị của Liên Hiệp Quốc. Chẳng những thế, Trump còn đe dọa là sẽ lập danh sách các quốc gia bỏ phiếu chống quyết định của Mỹ tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và trả thù hoặc trừng phạt bằng cách cắt viện trợ đối với những nước nghèo khó nhất là ở châu Phi. Dù vậy, nhưng đã có tới 128/180 quốc gia thành viên bỏ phiếu chống quyết định của Trump. 35 quốc gia bỏ phiếu trắng. Chỉ có 7 nước ngả theo Mỹ và Do Thái. Một nguyên tắc ''ngoại giao'' mà Trump thi hành rất giỏi là xô đẩy đồng minh của Mỹ qua chiến tuyến khác.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thuê khoảng 11.000 nhân viên trong nước và 13.000 làm việc cho các đại sứ quán. Ngoài ra, khoảng 45.000 cư dân địa phương tại các quốc gia sở tại cũng được tuyển dụng. Ngân sách điều hành Bộ Ngoại giao vào năm 2015 là 26,5 tỷ Mỹ kim cộng với 21 tỷ dành cho viện trợ quốc tế. Ngay khi mới nhậm chức, Trump quyết định tăng ngân sách quốc phòng từ 550 tới 600 tỷ và cắt 30% ngân sách ngoại giao. Vì muốn cắt giảm mau nên Tillerson hứa trả $25.000 cho nhân viên để thôi việc. Từ tháng Giêng 2017, đã có tới hơn 60% nhân viên cấp đại sứ tương đương với tướng 4 sao rời Bộ Ngoại giao. Số người tham gia thi vào Bộ giảm hơn 50%. Khi bị chất vấn về vấn đề này, Trump trả lời ''Tôi quyết định hết tất cả mọi thứ''. Đồng ý Tổng thống là lãnh đạo quan trọng nhất, nhưng làm sao Tổng thống có thể biết được hết mọi thứ trên đời, mà phải nhờ vào những người phụ tá có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để giúp Tổng thống đi đến những quyết định đúng đắn và có lợi cho quốc gia nhất. Tới ngày 20/12 vừa qua, Trump mới bổ nhiệm bà Susan Thornton làm nhà ngoại giao phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Tóm lại, chính sách ngoại giao của Mỹ bây giờ chủ yếu lệ thuộc vào nhiệt độ và cảm giác tùy hứng của Tổng thống Trump cũng như phương tiện twitter.
Cả Trump lẫn Tilletson đều thuộc dân làm ăn, tính toán lời lỗ qua từng chuyến giao dịch. Trong khi đó, ngoại giao là một nghệ thuật tinh tế và mang tính chiến lược lâu dài. Phải tốn biết bao nhiêu năm, công sức và tiền bạc mới đào tạo được một nhà ngoại giao giỏi. Trump và Tillerson đang làm chảy máu chất xám ngoại giao của Mỹ. Những người này đều có thể kiếm được việc làm với mức lương cao hơn rất nhiều khi ra bên ngoài. Nhưng họ vẫn ước mong được cống hiến tài năng cho đất Mỹ. Hiện nay, Mỹ không phải là nơi đất lành chim đậu. Những nhân viên còn lại thì chỉ biết cắn răng thở dài khi nhận thêm một cái tweet với những lời lẽ cộc cằn thô lỗ từ ông chủ của họ. Mỹ là một siêu cường quân sự, điều này không ai chối cãi. Nhưng quân đội Trung Quốc đang trên đà cải tiến nhanh chóng. Nếu hợp sức với Nga chống lại Mỹ thì chưa biết thành bại ra sao. Ngoại giao là trận chiến đầu tiên vì bất cứ chiến dịch quân sự nào thì các đại sự Mỹ cũng đều phải thuyết phục quốc gia sở tại cho mượn lãnh thổ hoặc không phận để vận chuyển binh lính, vũ khí, quân dụng, quân nhu... Dù là mạnh nhất nhưng cũng nên biết tôn trọng đồng minh vì trong thế giới đa cực và phức tạp ngày nay, không có một quốc gia nào có thể đơn thương độc mã giải quyết hết mọi thách thức an ninh và chiến lược có tính toàn cầu.
Trong lịch sử ngoại giao của Hoa kỳ thì có một vài người Mỹ gốc Do thái đã và đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Người thứ nhất là Henry Kissinger, tác giả của Hiệp định Paris dẫn đến sự rút lui và bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, làm thay đổi cục diện an ninh và chiến lược tại Châu Á. Kissenger sinh năm 1923 tại Đức và theo gia đình sang Mỹ tỵ nạn vào năm 1938. Ông nhập quốc tịch Mỹ và gia nhập quân đội thuộc sư đoàn bộ binh 84 vào năm 1943. Sau đó, ông theo đuổi sự nghiệp học giả và lấy bằng tiến sĩ Đại học Harvard vào năm 1954. Kissenger được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh bởi Tổng thống Nixon vào năm 1969 và kiêm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng vào năm 1973 cũng như tiếp tục phục vụ dưới thời Tổng thống Ford.
Người thứ hai là Madeleine Albright làm Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Bill Clinton từ 1997 tới 2001. Bà sinh tại Tiệp Khắc và có bố mẹ là người gốc Do Thái. Albright là Bộ trưởng Mỹ cao nhất viếng thăm Bắc Hàn và gặp mặt Kim Nhật Thành vào năm 2000.
Người thứ ba là Jared Kushner sinh năm 1981 tại tiểu bang New Jersey. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Harvard vào năm 2003. Sau đó ông làm việc trong ngành đầu tư địa ốc. Kushner lấy Ivanka Trump – con gái của Tổng thống Trump vào năm 2009. Ông chưa từng có kinh nghiệm gì trong ngành ngoại giao trước khi được bố vợ bổ nhiệm là cố vấn đặc biệt với sứ mệnh tìm giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp truyền kiếp giữa Do Thái và Palestine.
Không biết rồi đây sẽ có bao nhiêu đồng minh bị Mỹ bỏ rơi hoặc sẽ bỏ rơi Mỹ vì những nhà ngoại giao gốc Do Thái mà các Tổng thống Mỹ thường hay trọng dụng.
N.V.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét