Cơ hội kiếm tiền thu hẹp, Hà Nội phải bán nóng tài sản
Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Trong lúc Hà Nội rất cần tiền để cứu nguy chế độ, thì năm mới 2018 lại là thời điểm mất rất nhiều cơ hội kiếm ngoại tệ: Sau 30 năm miệt mài, mãi đến năm ngoái mới tiến tới được mức bán 30 tỷ Mỹ Kim hàng hóa sang Âu Châu; với Hoa Kỳ là 38 tỷ Mỹ Kim. Cả hai thị trường này đang có chiều hướng co lại. Sau khi Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Bá-Linh, lập tức Hà Nội rơi vào khủng hoảng ngoại giao và ngoại thương; còn Hoa Kỳ kiên quyết đòi cân bằng thương mại. Mỏ khí đốt Cá Voi Xanh với trữ lượng 150 tỷ mét khối, có khả năng cung ứng cho ngân sách Việt Cộng 20 tỷ Mỹ Kim, thay vì khai thác từ cuối năm 2017, đã bị hoãn đến năm 2019 hoặc trễ hơn nữa. Ba Đình ngẩn người nhìn Cá Voi Xanh (Blue Whale)[1] “bơi” theo Cá Rồng Đỏ (nhóm có 12 giếng dầu)[2], trước đó đã bị đàn anh Tầu cộng đóng “vòng kim cô” bằng 16 chữ vàng khiến Hà Nội mất toi hàng chục tỷ Mỹ Kim từ mỏ khí đốt ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Hồi tháng 7, chỉ vài ngày sau khi biết được mỏ Cá Rồng Đỏ có trữ lượng khí đốt rất lớn, Bắc Kinh đe dọa động binh đánh úp quần đảo Trường Sa, buộc Hà Nội phải yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng khoan giếng dầu 163-03, mang tên Cá Rồng Đỏ. Cho đến lúc đó, có tin nói công ty Repsol đã chi ra 300 triệu Mỹ Kim. Hà Nội đành phải bồi hoàn cho Repsol số tiền này, đồng thời phải để cho Cá Rồng Đỏ bơi theo đàn anh “4 tốt”!
Đầu tháng 12, Bộ Thương Mại Mỹ thông báo áp dụng thuế chống phá giá và trợ giá ở mức từ 265% đến 531% đối với các loại thép từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Cộng, đi đường vòng vào Mỹ. Cho đến nay các lô hàng thép này có tổng trị giá 295 triệu Mỹ Kim [3].
Cùng thời gian trên, Cơ quan liên bang Đức về bảo vệ người tiêu dùng và vệ sinh, an toàn thực phẩm đưa ra lệnh thu hồi tôm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam với lý do bị tồn dư chất kháng sinh, phân phối cho 3000 cửa hàng trải rộng trên khắp nước Đức, mà doanh thu trên 18 tỷ Euro. Quyết định này mang thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chế biến thủy hải sản của Việt Nam, chuyên cung cấp cho các nhà buôn tại châu Âu, đặc biệt lệnh thu hồi này sẽ tác động xấu tới từng người dân làm nghề nuôi tôm [4].
Trước đó vài tháng, Liên minh châu Âu đã cảnh báo mạnh mẽ, đe dọa sẽ trao “thẻ đỏ” cấm nhập hàng thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không thể kiểm soát các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không quản lý các loại hải sản theo đúng cam kết với quốc tế.
Hà Nội đưa đề nghị phía Liên minh Châu Âu (EU) rút lại “thẻ vàng” cho thuỷ hải sản của Việt Nam và không đưa nhân quyền vào hiệp định Thương mại tự do EU Việt Nam. Đề nghị này được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra với ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) vào chiều ngày 21 tháng 11 tại Hà Nội.
Trong một biến chuyển quan trọng ảnh hưởng xấu đến tương lai ngoại giao và kinh tế Việt Nam, hôm đầu tháng 12 báo chí Việt cộng đồng loạt loan tin, vụ Trịnh xuân Thanh (TXT) sẽ được xét xử vào đầu năm (2018). Đức đã kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo xét xử công bằng cho ông Trịnh Xuân Thanh và vụ việc phải được giám sát bởi báo chí và các quan sát quốc tế.
Hôm 16 tháng 12, tờ Thời Báo trích thuật nguồn tin từ Quốc Hội Đức cho hay, hai Nghị Sỹ thuộc hai đảng khác nhau trong Quốc Hội sẽ đến Việt Nam để tham dự phiên tòa xét xử ông TXT. Phía Hà Nội chưa có phản ứng gì.
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf nói với BBC hôm 15-12 rằng “bất kể việc ông Trịnh Xuân Thanh có bị đưa ra xét xử tại Việt Nam trong thời gian tới hay không, thì điều đó cũng không làm thay đổi địa vị pháp lý của ông tại Đức, cũng như quan hệ luật sư-thân chủ giữa bà và ông Thanh”.
Cùng với vụ TXT, còn 18 người khác [5], trong đó, lần đầu tiên cộng đảng không cho Ủy Viên Bộ Chính Trị đương chức được “hạ cánh an toàn” mà bị bắt công khai là trường hợp ông Đinh La Thăng. Biến cố này phá tan luật bất thành văn “Ủy Viên BCT bất khả xâm phạm” lưu truyền từ thời có cộng đảng.
Nhiều quan sát viên chính trị nhận định rằng, ông Thăng từng một thời được dân Sài Gòn mến mộ vì dám nói, dám làm. Việc này giúp ông Thanh thu hút đám báo của đảng chạy theo tâng bốc, nên không thích hợp với truyền thống độc tài cộng sản “rừng chỉ có một cọp”. Các diễn biến tình hình khá phúc tạp báo hiệu cuộc đấu đá tranh ăn trong giới chóp bu cộng đảng còn nhiều màn gay cấn; không giới hạn trong số 18 người từng được nêu danh. Nhưng trước mắt chuyện Tập đoàn Dầu khí, sẽ có thêm ít nhất 2 vụ xử tiếp: ông Đinh La Thăng, ông Vũ Huy Hoàng đều từng là cận thần của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã khiến TBT Trọng mất ăn, mất ngủ.
Tờ Thoibao.de nói, “ngay sau khi Chính phủ Đức công khai danh tính Trung tướng Đường Minh Hưng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an đã trực tiếp sang Đức, điều hành bắt cóc ông TXT ở Berlin, gây ra căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa hai nước. Các chỉ trích dường như đổ dồn tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, [6],người đứng đầu đảng cộng sản, đột nhiên phải đối diện với nguy cơ bị pháp luật Đức và châu Âu truy tố”.
Ông Lê Trung Khoa, một nhà báo tại Đức cho biết: “sau vụ TXT, hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức gần như bị đóng băng. Các thống đốc một số bang định trước sẽ về Việt Nam để khảo sát kết nối đầu tư, hỗ trợ hợp tác phát triển, nhưng tất cả đều bị đình chỉ. Họ phải đợi quyết định của chính phủ liên bang trong thời gian tới. Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), cũng dừng cấp tín dụng đầu tư mới ở Việt Nam, các dự án đã được chuẩn bị từ lâu giờ đây không thể triển khai, thiệt hại rất lớn”.
Hà Nội từng đầu tư tiền bạc, thời gian vào các cuộc thương thảo để hình thành hiệp định EVFTA (với EU). EVFTA cũng là hiệp định tự do thương mại “thế hệ mới”, có phạm vi cam kết sâu rộng và cao nhất từ trước tới nay đối với Việt Nam. Hiện nay, các nước thành viên EVFTA đang rà soát lại văn bản hiệp định trước khi ký kết. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018, nếu tất cả 28 nước thành viên đều đồng thuận.
Sau khi Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, phía Đức đã điều tra và công bố bằng chứng, đồng thời quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, ngưng việc miễn Visa cho các nhân viên ngoại giao của Việt Nam vào Đức, và sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn nếu chính phủ Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu của họ. Không loại trừ khả năng chính phủ Đức phủ quyết EVFTA nếu hai bên vẫn không hòa giải được hậu quả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cùng với đòi hỏi của Đức về nhân quyền, thì việc Hà Nội hy vọng vào EVFTA sẽ trở thành tuyệt vọng, trong khi TPP-11 còn xa vời. Như thế, giải pháp cứu nguy kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình huống “mất cả chì lẫn chài”.
Sau hội nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11, chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index lên 903 điểm liên tiếp trong vài ngày, rồi 950 điểm vào tháng 12. Cùng thời kỳ này 11 năm trước, sau hội nghị APEC ở Hà Nội, chứng khoán Việt Nam đã đạt mức lịch sử trên 1000 điểm. Sau đó thị trường chao đảo, lao dốc liên tục nhiều năm, có lúc giá chứng khoán chỉ ngang bằng tiền mua một bó hành, gọi là thời kỳ “chứng khoán cộng hành”. Cho đến lúc kết thúc bài viết này, chứng khoán Việt Nam đôi lúc rung lắc dữ dội, trở mặt nhanh chóng và đó là dấu hiệu của một thị trường thiếu yếu tố bền vững. Tuy nhiên cũng có suy đoán lạc quan, tin rằng chứng khoán sẽ thăng hoa trong năm 2018.
Cho đến hiện tại, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng phần lớn nhờ vào đầu tư công nghệ từ nguồn vốn Foreign direct investment (FDI). Nền kinh tế dựa vào chế xuất do người ngoài “bẻ ghi”, sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia và ngoại giao luôn trong tình thế “cúi mặt”.
Tiền đồng Việt Nam liên tục giảm giá so với Mỹ Kim. Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) thì khoe là ngoại hối dự trữ ở mức an toàn 46 tỷ Mỹ Kim. Các định chế tài chánh quốc tế kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa trong thời gian tới để sẵn sàng đối phó với những biến động khó lường trên toàn cầu hiện nay. Còn phía đảng muốn ngăn chặn mọi biến động lớn trên thị trường tiền tệ vào dịp Tết. Năm ngoái Hà Nội từng vật vã nhưng vẫn thất bại trước tin đồn sẽ có đổi tiền vào dịp cuối năm, gây ảnh hưởng xấu đến giá cả thị trường.
Hà Nội hàng năm nhận một số Mỹ Kim đáng kể do khoảng 5 triệu người Việt sống tại 103 quốc gia trên thế giới gởi về nước, được gọi là kiếu hối. Năm 2015 kiều hối đã lên đến mức 13,2 tỷ Mỹ Kim, và giảm xuống còn hơn 9 tỷ Mỹ Kim vào năm 2016. Một trong những lý do chính làm giảm lượng kiều hối là do lãi suất tiền Mỹ Kim gởi ở Việt Nam giảm xuống chỉ còn 0%, trong khi tại Hoa Kỳ lãi xuất đang trên đà cải tiến. Chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump cũng góp phần giảm kiều hối về Việt Nam. Chỉ tính kiều hối từ Mỹ thôi cũng chiếm khoảng 4% trong GDP của Việt Nam.
Trong nhiều thập niên, nền tài chính đất nước bị tàn phá bởi nhóm lợi ích thân cận giới đương quyền trong từng giai đoạn, đã vơ vét không nương tay, đưa đến tài nguyên quốc gia cạn kiệt, ngân sách ở thế vỡ trận và nợ công ở mức 210% GDP nếu tính cả các loại nợ do Doanh nghiệp Nhà Nước vay mượn. Nợ xấu ngân hàng trên 15% tổng dư nợ nhưng vẫn được gói gọn dưới mức chính thức công bố là 3%. Các Tập đoàn, Tổng Công Ty và Công Ty Nhà Nước vẫn là nơi khai thua lỗ để bòn rút của dân. Phía doanh nghiệp tư nhân, không nằm trong băng đảng ăn chia với cán bộ thì bị chèn ép đến nỗi giải thể, vỡ nợ hàng trăm ngàn công ty trong nhiều năm trước.
Không có định hướng chính sách quốc gia, nền kinh tế hướng đến mô hình kinh tế chế xuất và gia tăng dịch vụ để kiếm tiền từ khu vực FDI. Nhưng vấn nạn vẫn còn nguyên là làm sao giải quyết được ngân sách thâm thủng liên tục vì phải nuôi đến 12 triệu người ăn lương, nhưng lại có hiệu năng rất kém về đầu tư công và dịch vụ công ích.
Như đã trình bày, viễn ảnh thu ngoại tệ đang trong tình thế rất u ám. Mọi giải pháp cứu nguy chế độ đang được Hà Nội cân nhắc. Nhưng việc trước mắt là phải bán nóng tài sản quốc gia như các công ty Vinamilk, Sabeco, Vinaconex... mới có tiền tươi để tiếp tục “ăn cắp”.
Người dân và doanh nghiệp cảm thấy rất vô lý khi phải chịu gánh nặng thuế má và mọi chi phí ngày càng cao, như giá xăng dầu và giá điện mới tăng 6%, phí cầu đường với 82 trạm BOT (Build-Operate-Transfer) và nhiều thứ chi phí, “đóng góp” khác theo “sáng kiến” tận thu của các cơ quan nhà nước. Có vùng phí mãi lộ của các trạm BOT tăng từ 300% tới 500%. Hậu quả tất yếu của các trạm BOT còn làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa di chuyển bằng đường bộ.
Sau 3 tháng huy động mọi lực lượng để trấn áp dân chúng, rốt cuộc BOT Cai Lậy phải “thất thủ” hôm đầu tháng 12. Hà Nội đã ra lệnh tạm ngưng thu phí 1 - 2 tháng, kể từ đầu tháng 12 để tìm cách đối phó. Dân chúng đang thừa thắng xông lên, bày thế trận cho cuộc đấu tranh tại các BOT kế tiếp. Cuộc đấu tranh bất bạo động chống thu tiền mãi lộ tại BOT Cai Lậy thành công là bằng chứng phong trào “bất tuân dân sự” (civil disobedience) trong dân chúng đã qua được bước khó khăn ban đầu.
Dec 24
_______________________________________
Chú thích:
[3] http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11565/duc%3A-thu-hoi-tom-trong-sieu-thi-co-nguon-goc-tu-viet-nam-.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét