Chuyện để nghĩ từ một bài hát
Tuấn Khanh
2017-12-16
2017-12-16
THƯƠNG CON VOI, THƯƠNG CẢ CHÚNG TA
Cách đây mấy năm, Ksor Đức gửi xuống một tấm ảnh anh đứng ở một vùng đồi trọc. Những gốc cây trơ nham nhở trãi dài như một cuộc tàn sát cao nguyên im lặng. Đức viết “rừng của bản làng giờ không còn gì”.
Ông trời – Giàng của người Tây Nguyên – chắc không nỡ hại con của mình, đất của mình. Mọi thứ chắc cũng không tự nhiên biến mất. Năm 2015, Tổng cục Lâm Nghiệp hé lộ một con số giật mình rằng chỉ trong 7 năm (2008-2014), diện tích rừng Tây Nguyên mất hơn 358.000 hecta, tức mỗi năm đã có ai đó “ăn” mất hơn 51.000 hecta rừng, gỗ quý, và có nghĩa là tiêu diệt luôn cả thảm thực vật và thú hoang trong khu vực đó.
Trong lời bình của Ksor Đức không nói hết được nỗi buồn của người miền thượng. Vì không có rừng, thì bản làng cũng tan hoang. Hàng chục ngàn năm các tộc người ở đây sống với thiên nhiên thì giờ phải nhìn ngó chung quanh mình là nhũng khối bê tông che chắn, và cách sống truyền đời xủa họ bị phá vỡ khiến khốn khó nối đuôi nhau vào tận bếp nhà từng gia đình.
Voi là biểu tượng cao quý ở rừng Việt Nam, và là sự kính trọng của người Tây Nguyên. Nhưng khi người Kinh “ăn” hết rừng, họ ăn luôn của sự sống còn của voi bằng cách thu hẹp vùng sinh sống, giết voi để lấy ngà, cắt lông đuôi. Trước năm 1975, dù đang trong chiến tranh nhưng chính quyền miền Nam vẫn cố gìn giữ nên voi có trên 2000 con, tập trung ở Daklak và Đồng Nai. Nghệ An cũng có nhưng không nhiều, khoảng 20-30 con. Nhưng đến 2016, theo thống kê của WWF (Tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên) thì Việt Nam chỉ còn khoảng 100-120 con voi.
Thương con voi, vì chúng trở thành thú sưu tầm và phô trương của tầng lớp mới giàu. Thương rừng xanh giờ cũng thành trùng trùng biệt điện biệt phủ của một giai cấp mới. Thương một đời Việt Nam bị cướp đoạt từ đồng bằng lên núi cao, và nơi nơi đều bình đẳng trong tai ương và tuyệt vọng.
Có những con voi còn trẻ, không có ngà, bị săn đuổi và giết chỉ vì lông đuôi của chúng là món chơi thời thượng như để may mắn, cầu tình duyên hoặc làm tăm xỉa răng. Những nhóm điều tra về động vật hoang dã khẳng định rằng có những chứng cứ về việc các đường dây mua bán động vật hoang dã ở Hà Nội, mà lông đuôi voi của Châu Phi và Việt Nam được rao bán với giá từ 500 đến 1 triệu đồng / một sợi.
Rậm rịch, các đợt hô hào bảo vệ động vật Châu Phi vẫn luôn được tổ chức. Các nghệ sĩ cắn móng tay, có người khóc vì thương tê giác ở Nam Phi. Thậm chí có cả một đoạn phố ở dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, Quận 5 dùng để khuyến khích giới trẻ vẽ tranh cổ động cho tê giác ở đâu đó. Nhưng không ai nhắc người Việt Nam nhìn vào ngôi nhà của mình để biết con tê giác Java cuối cùng ở rừng Nam Cát Tiên đã bị bắn chết vào năm 2016.
Nhà dột từ nóc. Ở đây đủ cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Có thể bài hát Thương Con Voi dưới đây, của tác giả Tuấn Anh Cù Lần vẫn chưa nói hết được nỗi đau của linh hồn núi rừng Việt Nam, nhưng chắc sẽ nhắc được nhiều điều về thực tại, vốn quá nhiều thứ có thể đưa con người vào mê ảo. Nhất là khi nghe qua tiếng hát Ksor Đức, giọng ca vừa đoạt giải hạng Xuất sắc của Giải âm nhạc tự do 2017 của người Việt toàn cầu, được Hiệp hội yểm trợ văn hóa Úc-Việt (VAALA) tổ chức tại Sydney, Úc Đại Lợi.
Chỉ là câu chuyện đời, cùng âm nhạc cho một ngày chủ nhật dần vào cuối năm. Nhưng nếu đã chọn nghe, xin hãy dành thêm đôi ba phút để nghĩ thêm về một Việt Nam của chúng ta hôm nay.
------------------------------------------------------
Lời bài hát của tác giả Tuấn Anh Cù Lần
(tên thật là Văn Tuấn Anh)
Lời bài hát của tác giả Tuấn Anh Cù Lần
(tên thật là Văn Tuấn Anh)
Ai ăn mất cái ngà con voi rồi?
Ai ăn mất cái chùm đuôi voi đớn đau
Hôm qua, con voi còn khoe đôi ngà
Hôm qua, con voi còn khoe cái đuôi
Ai ăn mất cái rừng xanh kia rồi
Ai ăn mất thú rừng cao nguyên đó đây
Năm xưa trên non đàn voi vui đùa
Năm xưa muôn chim còn về đây
Lê thân hằn bao vết đau - voi lang thang mãi đi tìm màu xanh đã xa
Nơi đâu dòng sông mát trong, đâu thiên nhiên, nơi đâu con tim hiền hòa
Trên lưng đồi không bóng cây, mây thôi bay, xác voi ngã gục bên suối khô
Thương cho đàn voi dấu yêu, đi về đâu, thần linh (Giàng ơi ) trời xa đau buồn.
Ai ăn mất cái chùm đuôi voi đớn đau
Hôm qua, con voi còn khoe đôi ngà
Hôm qua, con voi còn khoe cái đuôi
Ai ăn mất cái rừng xanh kia rồi
Ai ăn mất thú rừng cao nguyên đó đây
Năm xưa trên non đàn voi vui đùa
Năm xưa muôn chim còn về đây
Lê thân hằn bao vết đau - voi lang thang mãi đi tìm màu xanh đã xa
Nơi đâu dòng sông mát trong, đâu thiên nhiên, nơi đâu con tim hiền hòa
Trên lưng đồi không bóng cây, mây thôi bay, xác voi ngã gục bên suối khô
Thương cho đàn voi dấu yêu, đi về đâu, thần linh (Giàng ơi ) trời xa đau buồn.
-----------------------------------------------------
Xem Video
Tham khảo thêm:
Các giọng ca đoạt giải Âm nhạc Tự do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/kFza59
https://goo.gl/kFza59
Các bài hát đoạt giải Âm nhạc Tự Do 2017 (Viet Song Contest)
https://goo.gl/C8jS2V
https://goo.gl/C8jS2V
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét