Chuyện đặc quyền đặc lợi
20-12-2017
Câu chuyện mà người cha là cựu Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam làm đơn xin Trung ương xem xét lại quyết định kỷ luật về mặt đảng đối với con trai mình, nó đã bộc lộ rõ nét nhất những tính cách đặc trưng của xã hội ta đó là gì?
Là chuyện cha mẹ luôn bảo bọc và che chở cho con đến hết đời mà không để cho chúng trưởng thành và tự chịu trách nhiệm với việc mình làm. Tại sao con làm mà cha lại đưa đơn xin xem xét và cố gắng bảo bọc con mình bằng cách van nài thống thiết như vậy?
Khi ông còn là bí thư thì ông đã tìm cách bảo trợ cho con mình leo lên nhanh và lên cao trên con đường quan vị. Và đến bây giờ lại tiếp tục tư duy “con dại cái mang” mà đứng ra để che chắn cho chúng trong sự vụ vốn dĩ tự nó phải có bản lĩnh để đảm lãnh việc này.
Nếu con trai ông (hơn 30 tuổi đầu, đã đi học nước ngoài) thực sự có năng lực và đủ trình độ, kiến thức thì phải để nó đối đầu với sóng gió, với khó khăn và thử thách. Cơ hội dành cho cậu ta mới bắt đầu, ở một môi trường mới, mà thực ra nơi đó đang cần nới rộng và đầu tư nhân lực mới có thể đưa đất nước đi lên – khu vực tư nhân hay khu vực dân sự.
Hẳn nhiên nữa, đó là chuyện người ta cố chỉ bám vào nhà nước, chính quyền để được hưởng lợi lộc và an thân. Vì ông ta đã than van đến mức cho người ta thấy ngay được sự tuyệt vọng và khốn cùng, rằng, nếu xoá tên con tôi khỏi danh sách đảng viên thì cuộc đời nó không còn gì. Tại sao lại có một lối tư duy trì độn và khốn khổ đến như vậy giữa thời hiện đại này? Không tự tin vào năng lực con cái mình, hay là tiếc nuối những gì mà vị trí đó có thể đem lại? Vậy phải chăng tư duy đảng là tất cả và vào đảng là có tất cả đã trở thành tâm lý chung của con người trong xã hội ta từ trước cho đến nay? Nó ăn mòn tâm trí bao thế hệ và nó trở thành một nhận thức phổ biến đến mức nạn chạy quyền, chạy chức và chạy biên chế để được hưởng các đặc quyền, đặc lợi từ nhà nước đã nở rộ khủng khiếp như thế nào, chắc chúng ta đã đều thấy rõ.
Cũng không thể bỏ qua được một vấn đề lớn đáng bàn đến ở đây chính là việc kỷ luật đảng mới chính là yếu tố cốt tử đối với một quan chức nhà nước. Nó thể hiện rõ rằng khi mang chiếc áo đảng trên mình thì sẽ có những thứ quyền lợi chính trị mà người khác không thể có được. Nó là sự tuyệt đối quyền lực của đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước.
Ở đây có sự diễn biến hai chiều, một là anh muốn được thăng tiến và cất nhắc thì buộc anh phải là đảng viên, ngược lại, là khi anh mất đi điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất này thì có nghĩa viễn cảnh phía trước của anh (thường là sáng lạn) đã chính thức chấm dứt và sụp đổ. Kỷ luật đảng chính là một bản án tử hình và kết liễu số phận chính trị đối với một quan chức, cán bộ. Điều đó một lần nữa để chứng minh chắc chắn thêm cho luận điểm, đảng chính là nơi dung chứa và tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho những ai trở thành thành viên của tổ chức mà nó được định đặt một vị thế duy nhất và tuyệt đối tại Điều 4 Hiến pháp.
Nhưng có một nghịch lý mà ngay cả một kẻ mù loà cũng có thể thấy được, đó là việc tổ chức này không bị kiểm soát bởi bất kỳ đạo luật hay thiết chế quyền lực nào khác, trong khi nó lại nắm toàn quyền quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Tự điều đó đã khiến chúng ta không thể chắc chắn về những gì có thể xảy ra khi chính nó không bị kiểm soát bằng bất kể một phương cách hữu lý nào, ngoại trừ tính tự chế ngự nhờ đạo đức thuần tuý hoặc do sự chia rẽ, phân hoá nội bộ của những (nhóm) người trong chính nó tạo ra mang tính đối kháng, đối trọng.
Đó là một bài toán rất lớn cần phải giải quyết, trước hết về mặt tâm lý, xã hội và giáo dục đối với nhận thức con người. Tiếp đến là câu chuyện thiết lập lại cách thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, trong đó cần phải có luật pháp kiểm soát mọi thiết chế dù đó có là bất kể thực thể chính trị nào, đặc biệt là câu chuyện quyền lực bất hạn định và bất kiểm soát của đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét