Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Ba Lan, nước Đông Âu tiên phong dân chủ nay đứng bên lề châu Âu

Ba Lan, nước Đông Âu tiên phong dân chủ nay đứng bên lề châu Âu

Người dân biểu tình phản đối cải cách tư pháp ở Vacxava, Ba Lan ngày 24/11/2017.

Trong bài xã luận mang tựa đề « Ba Lan bị Liên hiệp Châu Âu ruồng bỏ »Le Monde nhận xét, đây là cả một nghịch lý ! Thời Liên Xô cũ, Ba Lan là nước đi tiên phong trong cuộc chiến chống cộng. Tại đây, công đoàn độc lập đầu tiên đã ra đời, và qua thương thảo đã khai sinh ra một chính quyền dân chủ. 
Ba Lan đóng một vai trò tích cực trong sự tan rã của Liên Xô, và là nước cột trụ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Là mẫu mực cho việc hội nhập châu Âu, quốc gia thành viên có dân số đứng hàng thứ sáu của Liên hiệp Châu Âu (EU), Ba Lan có tầm nhìn và tham vọng trở thành một nước lãnh đạo của Liên hiệp. Đến hôm thứ Tư 20/12, Ba Lan lại nổi lên hàng đầu, nhưng lần này không lấy gì làm vinh dự.

Sau hai năm do dự và liên tục cảnh cáo, Ủy ban Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đã kích hoạt tiến trình được quy định trong điều 7 hiệp ước Lisboa, đối với một Nhà nước thành viên bị nghi ngờ « vi phạm trầm trọng và kéo dài » các giá trị của EU. Ba Lan, quốc gia đầy hãnh diện khi hội nhập châu Âu năm 2004, nay bị gạt ra bên lề - một cách tượng trưng.

Còn cả một loạt những thủ tục nữa trước khi tiến đến trừng phạt, chủ yếu là ngưng một số quyền lợi của nước vi phạm, như quyền bỏ phiếu ở Hội đồng Châu Âu. Vacxava có ba tháng để giải trình với Bruxelles về « nguy cơ vi phạm trầm trọng Nhà nước pháp quyền tại Ba Lan ». Giai đoạn hai sẽ được tiến hành nếu Vacxava không đáp ứng : một hội nghị thượng đỉnh châu Âu được triệu tập, qua đó tất cả các nước phải nhất trí cho rằng Ba Lan vi phạm. Một giả thiết khó thành sự thực, vì Hungary của ông Viktor Orban đã cho biết là sẽ không bỏ phiếu chống lại Ba Lan.

Có cần phải đến nước này chăng ? Le Monde cho rằng, rất tiếc là phải như thế. Chính phủ Ba Lan do đảng dân tộc chủ nghĩa Pháp luật và Công lý (PiS) lãnh đạo từ khi lên cầm quyền vào tháng 10/2015 không ngừng hạn chế tự do báo chí, tự do sáng tạo, và gây trở ngại cho sự độc lập của bộ máy tư pháp. 

Có thể do nghĩ rằng Ủy ban Châu Âu - nhiều năm qua đã làm ngơ trước Hungary, sẽ không đi đến cùng trong việc kích hoạt điều 7 – Vacxava không đáp ứng những lời cảnh cáo liên tục của Bruxelles cũng như áp lực của xã hội dân sự trong nước. Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đảng PiS, người thực sự nắm quyền ở Ba Lan, đã gặt bão sau khi gieo gió.

Đối với Ủy ban Châu Âu, nếu không hành động sẽ là một sự yếu kém đáng lên án. Chủ nghĩa dân túy và cực hữu đang phát triển tại EU, nay trở thành một lực lượng chính trị có sức nặng, và tham gia vào nhiều chính phủ, như mới đây là Áo quốc. Dù bị Bruxelles phê phán, các chính phủ này vẫn cho rằng ở lại trong EU có lợi hơn cho mình. Như thế cũng tốt, tuy nhiên theo Le Monde, các thành viên cần phải tôn trọng các quy định và giá trị của Liên hiệp, mà đứng hàng đầu là Nhà nước pháp quyền, một trong những cơ sở của nền dân chủ châu Âu.

Nữ tổng thống Thái Anh Văn thăm tàu ngầm của Hải quân Đài Loan.
Đài Loan phải đối mặt với chiến tranh cân não của Trung Quốc 

Nhìn sang châu Á, Libération nhận định « Đài Loan đối mặt với cuộc chiến tranh cân não của Trung Quốc ». Với hàng loạt cuộc tập trận và sự tăng cường đe dọa, Bắc Kinh đang gây áp lực nặng nề lên Đài Bắc.

Hôm qua, bộ Quốc phòng Đài Loan tố cáo không quân Trung Quốc đã xâm nhập đến lần thứ 10 không phận nước này, kể từ sau Đại hội Đảng 19. Tuần trước, Bắc Kinh cho tập trận quy mô : cho quân bao vây hòn đảo và cho các oanh tạc cơ mang theo hỏa tiễn trông rất rõ, lượn qua lượn lại để thị uy. Đài Loan trả đũa bằng các cuộc tập trận bộ binh có trực thăng tham gia.

Theo Libération, việc bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống Đài Loan, và trong bài diễn văn nhậm chức đã kêu gọi tôn trọng « môt hệ thống dân chủ, đặc thù quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ » khiến Bắc Kinh rất bực bội. Nhưng việc Hoa Kỳ và Đài Loan xích lại gần nhau hơn làm Trung Quốc căm tức nhất. Trong văn bản về ngân sách quốc phòng, Mỹ dự trù tăng cường hợp tác với Đài Loan, đặc biệt là cho các chiến hạm thăm viếng lẫn nhau ; trong khi Bắc Kinh coi đây là « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ».

Đạt Lai Lạt Ma tiếp xúc với các em học sinh ở Mumbai, 08/12/2017.
Đạt Lai Lạt Ma được về Trung Quốc hành hương ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết « Đạt Lai Lạt Ma chuẩn bị hành hương » tại nước này. Một đặc sứ của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong đã tái lập liên lạc với Bắc Kinh.

Chuyến thăm Trung Quốc của giáo sư Samdhong Rinpoché, nguyên chủ tịch Quốc hội Tây Tạng lưu vong và là đặc sứ của Đạt Lai Lạt Ma, đang gây ra những lời đồn đãi về việc lãnh tụ Tây Tạng sẽ đi thăm Ngũ Đài Sơn (Wutai), một ngọn núi thiêng của đạo Phật, tại tỉnh Sơn Tây (Shanxi). 

Việc để cho Đạt Lai Lạt Ma quay lại xưa nay vẫn là yêu sách hàng đầu của những người dân Tây Tạng biểu tình chống Bắc Kinh. Nhiều người tin rằng ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ hai có thể chịu nhượng bộ, sau khi đã nắm trọn được quyền hành. Theo một nhà quan sát người Tây Tạng, nhân kỷ niệm 10 năm cuộc nổi dậy Tây Tạng tháng 3/2008, Bắc Kinh có thể đưa ra một giải pháp để tránh mọi rủi ro xung đột.

Cắt băng khánh thành Làng thế vận ở Pyeongchang ngày 15/12/2017.
Bắc Triều Tiên sẽ để yên cho Hàn Quốc trong Thế vận hội ?

Trên bán đảo Triều Tiên, « Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng hưu chiến trong Thế vận hội ». Hàn Quốc muốn dời lại cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra Olympic mùa đông tại Pyeongchang.

Le Monde nhận định, bối cảnh hiện nay rất căng thẳng, và mới nhất là vụ lính biên phòng Hàn Quốc canh gác tại vùng phi quân sự đã phải bắn hơn 20 phát cảnh cáo vào sáng sớm hôm qua, về phía các binh lính Bắc Triều Tiên đang truy lùng một người lính đào tẩu. Trước đó hôm 13/11, đã có một binh sĩ Bắc Triều Tiên khác vượt qua Bàn Môn Điếm.

Người Rohingya tị nạn tại Bangladesh chật vật xin hàng cứu trợ, 21/09/2017.
Quân đội Miến Điện lo sợ nhà báo đưa ra các bằng chứng đàn áp

Tại Đông Nam Á, « Trong một làng Rohingya, một vụ thảm sát và các hình ảnh bị quân đội Miến Điện ngăn cấm » - Le Monde tố cáo. Hai nhà báo của hãng tin Reuters đã bị bắt giữ vì nắm được trong tay các bằng chứng của tội ác.

Các hình ảnh vệ tinh được Amnesty International công bố cho thấy tại làng Inn Din ở phía bắc bang Arakan tức Rakhine, nơi người Rohingya sinh sống, chỉ có nhà cửa của người thiểu số theo đạo Hồi này là bị đốt cháy, còn nhà của người theo đạo Phật vẫn còn y nguyên. Một người sống sót cho biết quân đội Miến Điện cùng với một nhóm dân quân đã vào đốt làng, bắn chỉ thiên, sau đó nã đạn vào những người Rohingya đang chạy trốn.

Hai nhà báo người Miến Điện của Reuters là Wa Lone, 31 tuổi và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi đã bị bắt giữ tại Răngun vì « thu thập thông tin bất hợp pháp với ý định cung cấp cho báo chí nước ngoài ».Trước đó hai nhà báo này đã đến làng Inn Din, cho thấy quân đội lo ngại các hình ảnh họ chụp được khiến cộng đồng quốc tế thêm phẫn nộ. Bốn giáo viên và một dân làng Inn Din theo đạo Phật đã bị tình báo quân đội bắt và thẩm vấn chỉ vì đã trò chuyện với hai nhà báo Reuters. Quân đội Miến Điện chỉ chấp nhận cho một tổ chức duy nhất là hội Hồng Thập Tự hoạt động.

Ông già Noel cỡi lạc đà tại thành phố cổ Jerusalem, 21/12/2017.
Noel không an bình trên thánh địa Jerusalem

« Châu Âu muốn trừng phạt những vi phạm của Ba Lan về Nhà nước pháp quyền », đó là tựa chính của Le Monde hôm nay. Tại Tây Ban Nha, Le Figaro nhận định «Bầu cử Catalunya : Cú sốc độc lập».

Về tình hình nước Pháp, Libération quan tâm đến « Nợ nần, hưu bổng, hỏng hóc… », những vấn đề trong năm của công ty đường sắt Pháp SNCF, mà đỉnh điểm là việc bị đặt trong vòng điều tra hôm qua. Tờ báo chơi chữ « Trạm cuối của một năm đen tối ». Nhật báo kinh tế Les Echos nói về « CAC 40 : Những bí mật tuổi 30 ». Được thành lập năm 1987, chỉ số thị trường chứng khoán Pháp đã trải qua ba thập niên, tổng vốn tăng lên 20 lần.

Giáng Sinh đã cận kề, ảnh bìa của nhật báo công giáo La Croix là những hàng trái châu sáng rực trong đêm đen, với tựa đề « Noel, đơn giản thế thôi », đề nghị « Năm ý tưởng để giữ lại tinh thần của ngày lễ Noel ».

Tại Trung Đông, Le Figaro có bài phóng sự đăng trên mạng về một « Noel căng thẳng ở Jerusalem ». Bị chinh phục trên 40 lần và bị san bằng hai lần trong quá khứ, thành phố nhiều ngàn năm tuổi này chuẩn bị đón một lễ Giáng Sinh không bình an, sau quyết định lịch sử của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Thành phố cổ có diện tích một km vuông và 40.000 cư dân, là thánh địa của ba tôn giáo lớn đang trong không khí dễ bùng nổ xung đột. Nếu ở những ngã tư thường xuyên kẹt xe của thành phố mới, khi đèn xanh bật lên mà chưa kịp nổ máy là một loạt còi xe bèn rền vang thúc giục ; thì ở trung tâm phố cổ, các giáo sĩ Hồi giáo, những người Do Thái giáo và du khách đi ngang qua mặt nhau lặng lẽ. Những vụ bạo động xảy ra thường xuyên. Một luật sư nổi tiếng thuộc cánh tả Israel vốn có nhiều bạn bè người Palestine và thông thạo thành phố như lòng bàn tay, buồn bã cho biết, bây giờ ông cũng chẳng dám ra đường một mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các dân biểu Cộng Hòa vui mừng khi luật thuế được thông qua, 21/12/2017.
Donald Trump, Ông già Noel của các đại tập đoàn Mỹ

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về « Noel của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ ». Năm nay, Ông già Noel của nước Mỹ có mái tóc vàng lộ ra dưới chiếc nón chóp đỏ : với đạo luật thuế mới, ông Donald Trump muốn chứng tỏ là người bảo vệ quyền lợi giai cấp trung lưu. Nhưng hiện thời không phải là giới trung lưu vỗ tay hoan nghênh ông, mà là các đại công ty.

Tập đoàn viễn thông AT&T cho biết sẽ thưởng cho 300.000 nhân viên mỗi người 1.000 đô la. Ngân hàng Wells Fargo tăng lương tối thiểu từ 13,5 lên 15 đô la/giờ. Nhưng không phải công ty nào cũng làm như thế. Thượng nghị sĩ Dân Chủ Charles Schumer đã cho phổ biến một danh sách 30 tập đoàn loan báo mua lại trên 80 tỉ đô la cổ phiếu, sau khi Thượng Viện thông qua đạo luật. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo, việc kích thích tăng trưởng bằng cách giảm thuế như thế sẽ làm két bạc của các công ty thêm đầy, và họ sẽ chia cho các cổ đông dưới dạng cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu.

Cửa hàng Dior ở Paris mùa Giáng Sinh, 18/12/2017.
Pháp : Hàng hóa Noel bán chạy

Tại Pháp, các nhà phân phối năm nay mãn nguyện vì có được một weekend Noel đặc biệt, « mười năm mới có một lần ». Các cửa hàng dù nhỏ hay lớn đều đầy khách, vì đêm réveillon 24/12 rơi vào Chủ nhật. Các siêu thị tha hồ bán các bữa ăn chuẩn bị sẵn vào cuối tuần, còn các thương xá Paris cũng nhộn nhịp người mua vì học sinh đến thứ Bảy 23/12 mới đi nghỉ hè. Có nghĩa là cho đến ngày cuối, vẫn có đông khách đi mua hàng, mua quà Noel. 

Chẳng hạn các siêu thị Carrefour trong ngày thứ Bảy lượng hàng giao tận nhà tăng gấp đôi, chuẩn bị bán 350.000 bánh khúc cây Noel và 4.000 tấn hải sản. Bưu điện Pháp một ngày phải chuyển đến 2,6 triệu bưu kiện thay vì 1 triệu, phải tuyển hàng trăm lao động thời vụ và nhờ thêm các dịch vụ thuê ngoài. Les Echos cho biết người Pháp vẫn chuộng các cây thông tự nhiên hơn là nhân tạo. Điều này đáng khuyến khích vì thông nhân tạo gây 8,1 kg khí thải carbone, trong khi thông tự nhiên chỉ tạo ra có 3,1 kg ; và trang trí bằng cây thông thiên nhiên cũng giúp cho cả ngàn người có việc làm trong mùa Noel.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171222-ba-lan-nuoc-dong-au-tien-phong-dan-chu-nay-dung-ben-le-chau-au

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét