Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Nhân kỷ niệm CMT8: Nhìn lại bản chất và thành tích của Đảng Cộng Sản Việt Nam

     
Nhà báo Trần Quang Thành thực hiện
Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao vào thời điểm 1945 đảng được ủng hộ nhất lại là Đảng Cộng Sản, một đảng theo đuổi một chủ nghĩa mà mục tiêu cuối cùng là hủy diệt quốc gia? Đáng lẽ biến cố Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phải khiến người ta hiểu rằng Đảng Cộng Sản sẽ tiêu diệt hết những thành phần không cộng sản. Chúng ta không thể nào nhấn mạnh đầy đủ sự trống vắng ý thức chính trị và tinh thần dân tộc vào giai đoạn Cách Mạng Tháng 8. 
Lời giới thiệu: Một lần nữa chính quyền Việt Nam lại sắp tổ chức kỷ niệm tưng bừng Cách Mạng Tháng 8 (CMT8) mà cao điểm là ngày 19/8/1945, ngày mà cho tới gần đây Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn gọi là ngày "cướp chính quyền". Có lẽ vì thế giới đã thay đổi và "cướp" không còn được coi là một hành động vinh quang nữa nên từ vài năm nay ĐCSVN chỉ còn nói tới CMT8 mà thôi. Trái lại những người đối lập lại thường hay nhắc lại cụm từ "cướp chính quyền" này như để nói lên bản chất của chế độ. Mặt khác một dấu hiệu của thời đại là ngày càng có nhiều người nói về thành tích của Đảng Cộng Sản như thể là để nhìn lại một giai đoạn lịch sử sắp chấm dứt. 
Ngày 19/8/1945 và CMT8 đã mở đầu của giai đoạn cộng sản. Đây là dịp để nhận định lại một lần nữa biến cố lịch sử này và làm một tổng kết tạm thời về thành tích của ĐCSVN.
Nhà báo Trần Quang Thành đã có cuộc trò chuyện sau đây với ông Nguyễn Gia Kiểng, ủy viên thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Nội dung như sau– Mời qúi vị cùng nghe:
Lược ghi cuộc trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Gia Kiểng với nhà báo Trần Quang Thành
Trần Quang Thành: Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng!
Nguyễn Gia Kiểng: Xin chào ông Trần Quang Thành!
TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, lại sắp đến dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 và việc thành lập nhà nước cộng sản. Thường thường vào dip này họ rất khoa trương nhưng những năm gần đây có vẻ lạc lõng. Có tranh luận nhiều về nguyên nhân khiến Đảng Cộng Sản chiếm được chính quyền. Theo ông tại sao Đảng Cộng Sản đã cướp được chính quyền?
NGK: Giai đoạn trước và sau CMT8 cần được các sử gia đầu tư nhiều nghiên cứu hơn nữa. Đây là một giai đoạn rất đặc biệt, có những hiện tượng rất lạ lùng. Chúng ta không thể quên rằng vào năm 1929 – 1930 đã có cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) gây tiếng vang rất lớn và dẫn tới sự hy sinh của 13 liệt sĩ bước lên đoạn đầu đài với tiếng hô "Việt Nam muôn năm!". Đây là lần đầu tiên quốc hiệu Việt Nam được hô lên. Sự hy sinh anh dũng của họ khiến hai tiếng Việt Nam trở thành thiêng liêng và trở thành quốc hiệu chính thức. Cũng năm 1930 xẩy ra một biến cố rất quan trọng là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh do Đảng Cộng Sản chủ trương. Cái tên "Xô Viết Nghệ Tĩnh" đáng để ý vì nó chứng tỏ rằng Đảng Cộng Sản không tự coi như một đảng Việt Nam mà như một thành phần của Đệ Tam Quốc Tế và Liên Bang Xô Viết. Biến cố này đã rất đẫm máu. Tại những xã và huyện mà họ chiếm được họ đã tàn sát những người Việt Nam bị coi là trí thức, giầu có, địa chủ hoặc thân hào nhân sĩ với khẩu hiệu "trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ!". Phong trào này đã rất kinh khủng, nó đã tạo ra một biển máu rồi cũng bị đán áp trong một biển máu.
Thế nhưng cả hai biến cố này xẩy ra trong cùng một năm 1930 đều đã hầu như không có ảnh hưởng nào trên thành phần được coi là ưu tú của Việt Nam, nghĩa là những người có ăn học. Trong suốt thập niên 1930 sau đó trí thức Việt Nam chỉ lao đầu vào học lấy bằng cấp để làm quan và thụ hưởng. Một hiện tượng lạ lùng là sau năm 1930 cả một phong trào thơ văn, nghệ thuật trữ tình và lãng mạn thật khó hiểu nở rộ lên. Tôi đã cố gắng tìm hiểu mà vẫn không hiểu được tại sao trí thức Việt Nam vào giai đoạn này lại có thể thờ ơ và vô cảm với đất nước như thế. 
Không khí chính trị chỉ sôi động trong giới thanh niên tại một số trường đại học sau khi Thế Chiến II bùng nổ. VNQDĐ hồi sinh và đảng Đại Việt ra đời. VNQDĐ tuy được hầu như mọi người ủng hộ nhưng đã tan rã như một đám đông không có lãnh đạo.
Còn đảng Đại Việt cũng không có một dự án chính trị hay tư tưởng chính trị nào cả, không những thế còn theo một chủ nghĩa rất sai trái là chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Chủ nghĩa này dựa trên lý thuyết Lebensraum, nền tảng của Đức Quốc Xã, theo đó các quốc gia đương nhiên phải xâm lấn lẫn nhau và chế độ đúng nhất là chế độ độc tài.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là phong trào sinh viên sôi động. Nó rất yếu ớt và chỉ giới hạn trong một số trường đại học. Phải nói là lúc đó nước ta sống trong một khoảng trống chính trị toàn diện. Không ai có một ý thức nào về tương lai Việt Nam, không ai tự hỏi Việt Nam sẽ ra sao dù lúc đó Thế Chiến II đang diễn ra và chỉ cần một chút suy nghĩ người ta phải thấy rằng chế độ thực dân sắp cáo chung và Việt Nam sẽ được độc lập.
Trong tình trạng vừa hỗn loạn vừa suy nhược đó chỉ có Đảng Cộng Sản là còn hoạt động vì họ là thành phần của phong trào cộng sản thế giới đang lâm chiến.
Khi Nhật đầu hàng họ là lực lượng duy nhất và vì thế đương nhiên chiếm được chính quyền. Không ai phủ nhận vai trò lãnh đạo của họ, không ai chống lại họ cả. Tuy vậy họ đã lấy một quyết định kinh khủng là tiêu diệt hết những người không phục tùng hoặc bị tình nghi là có thể sẽ không phục tùng chủ nghĩa cộng sản, bởi vì mục tiêu chính của họ không phải là giành độc lập cho Việt Nam mà là thiết lập chế độ cộng sản.
Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao vào thời điểm 1945 đảng được ủng hộ nhất lại là Đảng Cộng Sản, một đảng theo đuổi một chủ nghĩa mà mục tiêu cuối cùng là hủy diệt quốc gia? Đáng lẽ biến cố Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phải khiến người ta hiểu rằng Đảng Cộng Sản sẽ tiêu diệt hết những thành phần không cộng sản.
Chúng ta không thể nào nhấn mạnh đầy đủ sự trống vắng ý thức chính trị và tinh thần dân tộc vào giai đoạn CMT8. Điều đó giải thích tại sao Đảng Cộng Sản đã giành được chính quyền.
Kế tiếp là người Pháp trở lại, chính quyền quốc gia do Bảo Đại đứng đầu được dựng lên và cuộc nội chiến 30 năm.
TQT: Theo ông thì nhìn lại 71 năm cướp quyền rồi cầm quyền một cách đôc tài Đảng Cộng Sản đã đạt được những thành tựu nào và để lại dấu ấn nào?
NGK: Đã đến lúc phải nói một cách giản dị và dứt khoát: thành tích của Đảng Cộng Sản đã thảm khốc và rùng rợn hơn mọi tưởng tượng.
Trước hết là việc tàn sát hàng trăm nghìn người yêu nước hoặc vô tội, những người đảng viên hoặc bị tình nghi là đảng viên của các đảng phái quốc gia như VNQDĐ và Đại Việt, hoặc là những thân hào nhân sĩ. Ở quê tôi những người như vậy bị tàn sát hết, chỉ có một số nhỏ chạy thoát được. Thực là kinh hoàng. 
Sau đó có vụ Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu. Nhờ khảo cứu của cố giáo sư Đặng Phong thuộc Viện Kinh Tế Việt Nam, một người của chế độ, chúng ta được biết con số nạn nhân chính xác là 172.008 người, nhưng chưa chắc con số này đã đầy đủ. 
Ngoài ra cũng có vụ đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm. Tuy không đổ máu nhưng đây là một tội ác về văn hóa, nó đã làm thui chột văn hóa Việt Nam. Nên lưu ý một thành tích của Đảng Cộng Sản: trong 61 năm cầm quyền tại miển Bắc và 41 năm trên cả nước chế độ đã không có được một tác phẩm hay một công trình văn học nghệ thuật nào. Đó là hậu quả của một chính sách đàn áp văn hóa rất dã man. Chúng ta còn nhớ câu nói của nhà văn Nguyên Tuân, một nhà văn nổi tiếng trước CMT8 nhưng sau đó không còn sáng tác được gì nữa. Nguyễn Tuân nói với một người bạn: "Tao sống được đến ngày hôm nay là nhờ biết sợ".
Và dĩ nhiên có cuộc nội chiến 30 năm gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1945-1954 mà ĐCSVN gọi là giai đoạn "kháng chiến chống Pháp giành độc lập" và giai đoạn 2, 1960 – 1975, mà ĐCSVN gọi là giai đoạn "chống Mỹ cứu nước". Cuộc nội chiến này là một tội ác đối với nhân dân Việt Nam vì chỉ nhắm áp đặt chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Đó đã là 30 năm trong đó người Việt Nam tàn sát lẫn nhau và mạt sát nhau làm ít nhất bốn triệu người tử vong. Con số thực sự có thể lên đến sáu triệu người hay hơn nữa. 
Sau đó là 41 năm của chế độ cộng sản toàn trị trên cả nước. Kết quả là Việt Nam hiện nay ra sao? Chúng ta đứng hàng thứ 14 về dân số với gần 100 triệu dân nhưng không có một công ty hoạt động lành mạnh nào, không một thành tích khoa học kỹ thuật, không một tác phẩm văn học nghệ thuật nào được biết tới. 
Chúng ta hiện đang là một nước lụn bại và không đáng kể trên thế giới. Hiện nay GDP bình quân trên mỗi đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/7 mức trung bình thế giới. Ngay cả với một chính quyền hiệu quả và sáng suốt chúng ta cũng phải cần 100 năm nữa mới bắt kịp mức trung bình thế giới. Thành tích của Đảng Cộng Sản thực kinh hoàng. 
Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Môi trường của chúng ta còn bị hủy hoại nặng, đạo đức xuống cấp, con nguời chán nản và vô cảm. Chúng ta chỉ đứng đầu thế giới về tỷ lệ phá thai với những tác hại tâm lý không lường được. 
Đã thế còn mất đất, mất biển, mất đảo mất cả chủ quyền. Vụ Formosa cho thấy là các khu công nghiệp Trung Quốc không hoàn toàn đặt dưới luật pháp Việt Nam mà giống như các nhượng địa. Gần đây có một tin mừng là Tòa án Trọng tài Quốc tế Den Hag đã dõng dạc bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc, nhưng đó cũng không phải là thành quả của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chúng ta phải cảm ơn nhân dân và chính quyền Philippines đã kiện Trung Quốc và đạt kết quả này.
TQT: Ông vừa nói về hai giai đoạn nổi bật của cuộc chiến gọi là chống Pháp và chống Mỹ . Theo ông nét nổi bật nhất của giai đoạn chiến tranh 1946 – 1954 mà họ gọi là giai đoạn "kháng chiến chống Pháp giành độc lập", với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu là gì?
NGK: Cuộc chiến này không cần thiết. Nó là hậu quả phối hợp của sự thiếu hiểu biết về chính trị và mục tiêu áp đặt chủ nghĩa cộng sản.
Sau Thế Chiến 2 phải thấy răng chủ nghĩa thực dân đã cáo chung, các cường quốc thực dân như Anh và Pháp không chỉ phải trả độc lập cho các thuộc địa mà còn phải lo tháo chạy thật nhanh. Sau bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập họ sẽ hoặc phải trả độc lập cho các thuộc địa hoặc phải nhìn nhận quyền công dân cho các dân tộc thuộc địa và bị chiếm đóng ngược lại. Dĩ nhiên họ chọn tháo chạy. Dĩ nhiên cũng phải thương thuyết, phải tranh đấu để giành được độc lập trong những điều kiện thuận lợi nhất nhưng chúng ta biết tẩy của họ là phải tháo chạy. Phải nói thẳng rằng cuộc chiến gọi là chống Pháp đã xẩy ra chỉ vì mực đích của Đảng Cộng Sản là thiết lập chế độ cộng sản mà mở rộng ảnh hưởng của phong trào cộng sản thế giới chứ không phải là để giành độc lập cho Việt Nam. Đảng Cộng Sản đã hành động như là một thành phần của phong trào cộng sản thế giới chứ không phải như một lưc lượng Việt Nam.
TQT: Bây giờ nói về cuộc chiến gọi là chống Mỹ, vào ngày 30/4/2015 ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hô khẩu hiệu "đánh cho Mỹ cút". Nhưng ngày nay thực chất cuộc chiền này ra sao thì ngay trong cấp lãnh đạo cộng sản cũng có bàn cãi. Ông bình luận như thế nào?
NGK: Nếu nói một các nhân nhượng thì đây là một sai lầm tăm tối và mê muội, còn nói một cách nghiêm túc hơn thì đây là một tội ác. Đảng Cộng sản đã phạm một tội ác vô cùng lớn khi phát động ra cuộc chiến này. 
Hoa Kỳ hoàn toàn không phải là một cường quốc thực dân. Họ trả độc lập cho Philippines và không chịu sáp nhập Porto Rico dù được Liên Hiệp Quốc trao quyền quản trị hòn đảo chiến lược này và dù ba triệu rưỡi người Porto Rico đều muốn trở thành một phần của nước Mỹ. Phải nói rằng Hoa Kỳ không có chính sách giành dân lấn đất, họ chỉ tìm những đối tác. 
Những người lãnh đạo ĐCSVN không chống Mỹ vì Mỹ xâm chiếm Việt Nam, họ chống Mỹ vì tư coi là thành phần của phong trào cộng sản thế giới đang kình địch với Mỹ. Đây chỉ là cuộc chiến ủy nhiệm để "đánh cho cả Trung Quốc, cho cả Liên Xô" ờnhư li Lê Duẩn, người đã chủ xướng và lãnh đạo toàn bộ cuộc chiến này.
TQT: Ông Hồ Chí Minh hô hào đánh Mỹ với khẩu hiệu hấp dẫn "không có gì quý hơn độc lập tự do", còn ông Lê Duẩn thì nói đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô và giành độc lập. Nhưng rồi thì Việt Nam sau khi sinh hơn bốn triệu người con ưu tú ngày càng lệ thuộc Trung Quốc và đang có nguy cơ trở thành một khu vực chư hầu của Trung Quốc nếu mật ước Thành Đô là có thật. Ông nghĩ sao?
NGK: Chắc chắn là có mật ước Thành Đô nội dung của nó như thế nào thì phải đơi đến khi chế độ cộng sản không còn nữa chúng ta mới có tài liệu chính xác, nhưng chắc nó là một mật ước hy sinh chủ quyền rất lớn, bởi vì sau nhiều cáo buộc rất có cơ sở của những người xuất phát từ chế độ Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn im lặng tuyệt đối. Sự im lặng này tự nó cũng là một lời thú nhận. Thế nhưng tôi nghĩ chúng ta không cần quá lo lắng. Đây chỉ là một thỏa thuận ngầm giữa hai đảng cộng sản và không ràng buộc nhân dân Việt Nam. Nó sẽ mất hết hiệu lực ngay khi chế độ cộng sản không còn nữa, và ngày đó không còn xa. Tôi không loa âu về khả năng Việt Nam sẽ biến thành một tỉnh tự trị của Trung Quốc.
Trái lại điều đáng lo âu trong lúc này là chúng ta lệ thuộc Trung Quốc nhiều quá. Từ 25 năm nay Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc, đã cho Trung Quốc thuê nhiều khu rừng đầu nguồn, cho Trung Quốc khai thác bôxít tại Tây Nguyên, cho Trung Quốc lập nhưng khu công nghiệp gần như tự trị. Trung Quốc trúng thầu 90% các công trình kết cấu hạ tầng, hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam như chỗ không người bóp nghẹt công nghiệp Việt Nam, Việt Nam gần như đã trở thành cảng để xuất khẩu hàng Trung Quốc mang nhãn made in Vietnam.
Gần đây chúng ta thấy đang có cố gắng để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng đây là một cố gắng rất khó khăn do mức độ lệ thuộc quá đáng.
TQT: Câu hỏi cuối cùng để ông Nguyễn Gia Kiểng giải đáp. 
Có một nhà khoa học nghiên cứu rất tường tận về các chế độ độc tài trên thế giới. Vị này nói là không chế độ độc tài nào sống thọ được đến năm tuổi 75. Liên Xô đến năm thứ 74 thì tan rã. Các đảng độc tài Châu Phi cũng thế. Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản cũng ra đi khi chưa đến tuổi 75. Vậy Đảng cộng sản Việt Nam họ đã qua cái tuổi cổ lai hi đã qua tuổi 70 rồi. Vây theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì Đảng Cộng Sản Việt Nam có đi vào quĩ đạo của của các đảng độc tài, họ sẽ ra đi trước tuổi 75 hay sẽ bền bỉ hơn ạ?
NGK: Tôi không tin vào những kết luận dựa trên những con số ngẫu nhiên như vậy. Có những chế độ độc tài khác nó tồn tại lâu hơn. Ở Trung Quốc đã có những chế độ độc tài kéo dài đến 400 năm, như nhà Hán. Thế nhưng tôi nghĩ Đảng Cộng Sản ngày hôm nay đang sống những ngày cuối cùng dựa trên những lập luận thực tế:
Thứ nhất là họ đặt nền tảng trên chủ nghĩa Mác – Lênin, một chủ nghĩa không những bị nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới bác bỏ mà còn nhìn là một tội ác đáng kinh tởm đối với loài người. Họ đã mất hết tình cảm và sự kính trọng của nhân dân Việt Nam. 
Thư hai là về mặt thành tích như tôi vừa nói họ đã là một tai họa ghê gớm về mọi mặt đạo đức, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, công nghiệp, môi trường, và cả về chủ quyền.
Cho đến ngày hôm nay họ vẫn cố bám lấy hào quang của một lực lượng đã có đấu tranh giành độc lập. Thế nhưng ngày nay lập luận đó đã bị lố bịch hóa sau khi họ đưa đất nước vào quá sâu trong sự lệ thuộc đối với Trung Quốc. Cho nên ngày nay không ai còn nhìn đảng cộng sản như một lực lượng giải phóng dân tộc. 
Càng ngày càng đông người nhìn đảng cộng sản như một đảng có tội làm mất chủ quyền. Nhiều người còn mạt sát họ là một đảng phản quốc, điều này cũng không oan lắm.
Phải nói rằng đến ngày hôm nay đảng cộng sản không còn bất cứ lý do nào để tồn tại nữa. Nhân dân Việt Nam nhìn nhận họ không như một chính quyền Việt Nam mà như một lực lượng chiếm đóng. Điều đó cũng không ngoa chút nào. Họ là một lực lượng chiếm đóng không bình thường, một lực lượng chiếm đóng đã hết vũ khí và lương thực. Họ đang đứng trong một tình trạng kinh tế, tài chính rất khó khăn, nợ công chồng chất trong khi ngân quĩ trống rỗng, khả năng vay tiền các định chế quốc tế và các quỹ đầu tư gần như không còn. Quan sát kỹ chúng ta thấy nhà nước cộng sản Việt Nam đang cố gắng thâu tóm và tận dụng khối tiết kiệm trong nước. Thế nhưng khối tiết kiệm đó nó không có là bao nhiêu. Hơn nữa chính sách này đang đặt các ngân hàng Việt Nam trước nguy cơ phá sản. Chế độ này không còn một lý do nào để tồn tại và cũng không còn sức để tồn tại nữa. Cho nên sự cáo chung của nó là rất gần, không phải dựa vào bói toán hay con số 75 mà bởi vì lô-gich buộc nó phải chấm dứt.
Còn một lý do nữa là hiện nay đang có một cố gắng cải thiện chế độ nhưng cải thiện không được. Vì sao? Lịch sử đã chứng tỏ rằng người ta không thể dân chủ hóa chế độ cộng sản. Lịch sử cũng đã chứng tỏ rằng người ta không thể cải tổ một chính quyền tham nhũng để nó bớt tham nhũng và chế độ cộng sản Việt Nam đang bị đục khoét bởi tham nhũng ở mức độ vô cùng nghiêm trọng.
Có một câu nói để đời của một nhà tư tưởng và nghiên cứu chính trị ở thế kỷ 19, ông Alexis de Tocqueville. Ông ấy nói “Mối nguy của các chế độ bạo ngược thường xảy ra vào lúc họ cố gắng để tự cải thiện”. Phải nói hiện nay chế độ cộng sản đang có cố gắng để tự cải thiện nhưng cố gắng đó sẽ không thành công. 
Thứ nhất là vì họ đã để cho tình trạng quá nghiêm trọng rồi, không thể chấn chỉnh được nữa. Thứ hai là vì những người lãnh đạo không có tầm vóc và khả năng ngang tầm với mức độ khó khăn của tình thế và thực ra cũng không muốn làm cuộc cải tổ, họ vẫn muốn giữ nguyên chế độ độc tài đảng trị. Họ đang làm một việc khó vượt sức của họ mà họ vừa không biết làm vừa không muốn làm nên thất bại là điều chắc chắn.
Tôi nghĩ rằng sự tồn tại của đảng cộng sản không còn bao lâu nữa. Tôi không muốn nói tới một con số bởi vì tình thế còn tùy thuộc vào ý chí tự cởi trói của dân tộc Việt Nam. Có vẻ thế hệ hiện nay hơn hẳn thế hệ trước nhưng ý chí tự cởi trói đó vẫn còn là một dấu hỏi. Chúng ta chưa thể khẳng định được một cách chắc chắn bao giờ chế độ này sẽ chấm dứt, chúng ta chỉ có thể tin chắc rằng nó sẽ sẽ chấm dứt rất nhanh chóng, có thể nhanh hơn mọi dự đoán.
Sau khi đó Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ được nhớ tới như một tai họa chưa từng có cho nhân dân Việt Nam. 
Thần tượng Hồ Chí Minh sẽ sụp đổ. Ông Hồ Chí Minh sẽ được các thế hệ mai sau nhớ tới như một con người có trình độ văn hóa và nhân cách đạọ đức thấp nhưng rất mưu mô, đã thành công vì xảo quyệt hơn là vì những khả năng bình thường của một người lãnh đạo quốc gia. Ông đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam và gây ra những thiệt hại to lớn mà trước đây chưa có ai gây ra và sau này có lẽ cũng sẽ không ai có thể gây ra cho dân tộc Việt Nam.
TQT: Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng!

Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn

3 phản hồi



Thiệt tình, hình như tôi có chút duyên "cãi cọ" với ông Kiểng và cũng nhờ ông Kiểng nên tôi chịu khó đi tìm hiểu thêm chuyện đời. Nhiều ý kiến ông Kiểng nêu ra ở đây rất đáng cho bà con ta cùng tìm hiểu và trao đổi. Chủ đề hôm nay rất rộng không thể bao hết, chỉ mong ông Kiểng cho phép tôi thọt lét ông vài chỗ:
Ông viết "Còn đảng Đại Việt cũng không có một dự án chính trị hay tư tưởng chính trị nào cả, không những thế còn theo một chủ nghĩa rất sai trái là chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Chủ nghĩa này dựa trên lý thuyết Lebensraum, nền tảng của Đức Quốc Xã, theo đó các quốc gia đương nhiên phải xâm lấn lẫn nhau và chế độ đúng nhất là chế độ độc tài."
Chỗ này tôi đi tìm xem thì ra "chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn" là tư tưởng chính trị do Đảng Trưởng Trương Tử Anh [1] của Đại Việt mà sau này được triển khai thêm sâu bởi cố GS Nguyễn Ngọc Huy [2]. Khẳng định chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn là "Theo đó các quốc gia đương nhiên phải xâm lấn lẫn nhau và chế độ đúng nhất là chế độ độc tài", tôi cho rằng ông thiếu đọc về chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của Đại Việt mà đưa ra nhân định gây hiểu lầm tai hại về chủ trương của họ - y như ông chê dân Pháp về cuộc Cách Mạng 1789.
Thứ hai, nhỏ thôi, "trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ!" là khẩu hiệu xuất hiện trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất (1953-56) trong khi vụ Xô Viết Nghệ Tỉnh xảy ra vào năm 1930-31. “Xô Viết Nghệ Tĩnh là tên gọi chỉ phong trào đấu tranh của lực lượng công nhân và nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnhtrong năm 1930-1931 chống lại đế quốc Pháp tại Việt Nam. Tên gọi Xô viết Nghệ Tĩnh xuất phát từ sự hình thành các "xã bộ nông" mà những người cộng sản gọi là "Xô viết" [3].
Ông nghĩ coi, năm 1930, 31 thông tin trao đổi bằng ngựa, chạy bộ, báo chí còn chưa có trừ vài báo của Tây, chữ quốc ngữ còn chưa được phổ biến, chỉ có vài Đại Học do Pháp thiết lập, ông trách “tôi đã cố gắng tìm hiểu mà vẫn không hiểu được tại sao trí thức Việt Nam vào giai đoạn này lại có thể thờ ơ và vô cảm với đất nước như thế” Thời ấy nói đến sĩ phu thì có nhiều chứ, 13 liệt sĩ yên bái chẳng hạn, làm sao nói họ vô cảm được? nhưng nói đến trí thức thì về sau cũng có khá nhiều người gia nhập hàng ngũ Việt Minh, làm sao nói họ vô cảm được - Ở đây ta có thể bàn về sự thất vọng, dinh tê, đớn đau của khá nhiều người, nhưng đây là một chủ đề đã, đang, và sẽ còn rất nhiều hồi ký, nghiên cứu.
Thứ ba, “Sau bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập họ sẽ hoặc phải trả độc lập cho các thuộc địa hoặc phải nhìn nhận quyền công dân cho các dân tộc thuộc địa và bị chiếm đóng”. Chỗ này mới thấy người Anh chính trị cao, trí tuệ cao hơn người Pháp. Anh trả Độc lập cho thuộc đia như Ấn và giữ họ trong Liên Hiệp Anh. Trong khi “Ngày 9 tháng 10 (1945), tướng Pháp Leclerc đến Sài Gòn, theo ông là lực lượng gồm 40.000 quân Pháp để chiếm giữ miền Nam Việt Nam và Campuchia. ” [4]. Ông thiệt quá lạc quan ông Kiểng ơi. Phe kháng chiến Algerie lúc ấy chia làm hai phe, phe chủ chiến, phe chủ hòa, 50/50, họ đồng ý với nhau chờ coi Việt Minh đánh nhau với Pháp như thể nào. Khi Điện Biên Phủ bị thất thủ, kháng chiến Algerie lập tức chọn con đường vũ trang kháng chiến. Độc Lập của Việt Nam và Algerie phải trả bằng máu, dễ gì Thực dân buông thuộc địa béo bở của mình ?
Chưa hết, trong hội nghị Postdam ở Đức (để bàn về các điều về chấm dứt Thế chiến II) vào tháng 7/1945 “ các đại diện của Pháp yêu cầu sự trở lại của tất cả các thuộc địa của Pháp như trước chiến tranh ở Đông Nam Á (Đông Dương). yêu cầu của họ được chấp thuân. Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ một lần nữa trở thành thuộc địa của Pháp sau khi Nhật Bản bị loại bỏ.” [5]
Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền được thành lập ngày 10 tháng 12 năm 1948 trong đó có đoạn trong điều II rằng “Cho dù quốc gia hay lãnh thổ này độc lập hay dưới sự bảo hộ, không được tự trị hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền.” [6] – nói cách khác Pháp trả Độc Lập hay không cho Việt Nam không là vấn đề. Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền được thành lập hơn 2 năm sau khi Pháp đưa 40 ngàn quân theo chân quân Anh vào chiếm đóng lại Đông Dương.
Việt Nam ngày nay như thế nào rõ ràng là công tội thuộc về đảng Cộng Sản Việt Nam vì họ là những con người cụ thể đưa ra đường lối chính sách và thực hiện chúng. “Như thế nào” nói chung là không tốt về rất nhiều khía cạnh, nhưng không là tất cả khía cạnh. Đồng ý với ông và có lẽ cũng có khá nhiều người đồng ý về việc này kể cả lãnh đạo Việt Nam.
Nhân lúc google thông tin, tôi thấy bài thơ khóc mười ba Liệt Sĩ Quốc Dân Đảng, đau thương và hào hùng;
Ngày Tang Yên Bái
Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than
Từ lưng trời sương trắng rủ màn tang
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Bái đang u sầu và lặng lẽ
Giữa mấy hàng gươm sáng tỏa hào quang
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài danh dự
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ
Vài cụ già đầu bạc, lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: "Ới, con ơi!"
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời
Nhưng chỉ trong giây lát vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường
Éo le thay! Muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình quý mến
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến
Sau cái nhìn chào non nước bi ai
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng
"Việt Nam muôn năm!" Một đầu rơi rụng
"Việt Nam muôn năm!" Người kế tiến lên
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.
Xem thêm về Chủ Nghĩa SInh Tồn qua Tuyên Ngôn của Đại Việt năm 1939 [7]


Tôi gửi bài này dưới dạng còm
MỘT CÁI NHÌN VỀ CÁCH MẠNG THÁNG 8-1945
Nhân dịp kỷ niệm CM tháng 8-1945, trên Dân luận có hai bài cảu ông Nguyễn Đình Cống và Kami nêu lên những sự kiện lịch sử của cuộc CM này. Nói chung cả hai bài đều làm rõ một số sự kiện. Thế nhưng cả mấy bài đều có vấn đề cần bàn luận trao đổi thêm cho rõ công hay tội thế nào để thế hệ trẻ không nắm rõ những ngày lịch sử ấy. Nhìn chung cả hai bài đều đặt Việt Nam trong khung cảnh cách biệt với thế giới bên ngoài nên có một số lý giải không chính xác.
Sau thế chiến thứ II thì nhờ sự can thiệp của Liên Hiệp quốc, nhiều nước đế quốc đã trao trả đội lập cho các nước bản xứ. Việt Nam và một số nước ở châu Á như Indonexia, Philipine cũng như Ấn Độ và một số nước châu Phi nằm trong diện này và lần lượt được độc lập. Nếu Việt Minh không cướp chính quyền và tiến hành cuộc chiến tranh chông Pháp thì Pháp cũng sẽ trao trả độc lập cho chính quyền của vua Bảo Đại vào năm 1949. Như vậy ta đỡ phải đổ xương đổ máu của hàng triệu đồng bào đỡ hao người tốn của, giống như Indonexia, Philipin, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.
Khi viết lịch sử thì yêu cầu đầu tiên là phải trung thành, phải viết đúng những gì nó đã xẩy ra, vì một lý do nào đó, người viết sai hoặc thiếu thì cũng có thể coi như xuyên tạc lịch sử. Trong bài "Vài đánh giá nhầm trong Cách mạng Tháng Tám", ông Nguyễn Đình Cống khi trích dẫn bản tuyên ngôn của vua Bảo Đại thì đã bỏ đi đoạn cuối làm cho người đọc cảm thấy như vai trò chủ động của nhà vua với nền độc lập nước nhà.
Từ cưới thế kỷ XIX đến cả thế kỷ XX, hầu như tất cả những biến cố xảy ra trên đất nước ta đều có sự chi phối của yếu tố nước ngoài. Việc Nguyễn Ánh thắng nhà Nguyễn Quang Trung thì có vai trò của người Pháp. Việc vua Bảo Đại tuyên bố nước ta độc lập thì rõ ràng có vai trò của người Nhật như bài của tác giả Kami nêu ra. Ông Ka mi nêu ra một sự thật khách quan nhưng rất tiếc, ông Kami lại có cái nhìn không chính xác, hay nói cách khác là ông Kami đánh giá về sự việc chưa chính xác, trong khi đó thì ông viết: "Vì thế trong công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam, đòi hỏi những người cầm bút và thành phần trí thức, nhưng người mang sứ mệnh dẫn dắt xã hội cần có cái nhìn và sự đánh giá công tâm, đúng đắn."
Muốn đánh giá lịch sử chính xác thì phải có cái nhìn lịch sử, tức là đặt sự việc vào đúng bối cảnh lịch sử mà nó xẩy ra.
Đến đầu thế kỷ XX ở nước ta nổi lên một sự viêc hay có thể nói là một trào lưu, đó là có nhiều người cùng đi tìm đường cứu nước, thế nhưng mỗi người muốn dựa vào một cường quốc khác nhau. Động cơ thì đúng, nghĩa là người nào cũng yêu nước, nhưng con đường đi hay đối tượng muốn dựa thì khác nhau. Có cái nhìn như vậy thì ta sẽ đánh giá việc vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim muốn dựa vào Nhật bản để giành độc lập thì không có gì sai mà lại chính là điều kiện có thể chấp nhận được.
Nếu cứ coi chuyện dựa vào nước ngoài để kiến thiết đất nước là sai thì sẽ rơi vào tình trạng kết án cả con người vĩ đại Phan Chu Trinh. Cụ Phan Chu Trinh không muốn cuộc chiến tranh Việt - Pháp hao người tốn của nên cụ cũng chủ trương "Pháp- Việt đề huề ", dựa ngay vào người Pháp để kiến thiết đất nước. Thực ra cái kiểu tương tự như thế thì người Trung quốc đã nêu ra chủ trương cách chúng ta hàng nghìn năm về trước, nhưng có điều hơi khác, nghĩa là khi thấy kẻ thù yếu hơn, có thể đánh thắng thì đánh, nhưng khi thấy kẻ thù mạnh hơn không thể thắng được thì hợp tác ngay với kẻ thù và dùng văn hóa đồng hóa ngay kẻ thù để làm lợi cho mình. Đó là chính sách thông minh.
Những người CS thì phê phán cụ Phan Chu Trinh là cải lương và họ muốn giải quyết mọi vấn đề bằng đấu tranh vũ trang đổ máu. Cụ Hồ thì rõ ràng là muốn dựa vào Liên xô là quốc gia trùm CS.
Vua Bảo Đại là người thông minh và có tư tưởng dân chủ kiểu phương Tây. Còn học giả Trần Trọng Kim là người hiểu biết sắc sảo, "tri kỷ tri bỉ", có tư tưởng dân tộc, rất đáng kính trọng. Phải nói rằng lúc bấy giờ chọn giải pháp thỏa thuận với Nhật là con đường khôn khéo, thoát ra khỏi ách đô hộ của Pháp mà không tốn xương máu.
Có ý kiến cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim không được lòng dân nên người dân ủng hộ Việt Minh, theo tôi đó là ý kiến không chính xác. Ngay sau khi lên điều hành đất nước, chính phủ Trần Trọng Kim đã điều tàu hỏa chở gạo từ miền Nam ra Bắc để cứu đói. Nhưng chuyến tàu đó đã bị Việt Minh đánh bom, làm cho người dân đói. CS lấy cớ đó xúi giục người dân nổi dậy cướp các kho thóc của nhà nước.
Nhưng thời gian tồn tại ít quá, chính phủ của cụ Trần Trọng Kim chưa làm được gì nhiều. Nếu xem danh sách nội các của cụ thì toàn những người có học cả. Đó là những trí thức hiểu thời cuộc và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
Sau gần trăm năm sống dưới chế độ nô lệ ngoại bang, người dân Việt Nam khao khát độc lập, đến vua cũng khao khát độc lập. Nắm được tâm lý này, Việt Minh lừa dối đồng bào bằng chiêu bài giương cao ngọn cờ độc lập để tập hợp quần chúng nổi dậy thực hiện âm mưu cướp chính quyền.
Hồi đó trình độ dân trí của nhân dân ta quá thấp, không ai cũng phát hiện ra luận điệu lừa dối của CS. Nếu như Việt Minh tuyên bố rõ là họ làm cách mạng XHCN như hiện nay thì liệu nhân dân ta có theo Việt Minh không? Cụ Hồ, vị "cha già của dân tộc" cũng còn nói dối " Tôi chỉ có một Đảng: Đảng Việt Nam."
Hồi ấy người Nhật cũng nêu ý kiến là nếu chính phủ của cụ Trần Trọng Kim cần đàn áp những người nổi dậy thì họ sẽ giúp nhưng vì xương máu của đồng bào, chính phủ Trần Trọng Kim đã khước từ "thiện ý" của người Nhật. Bản thân nhà nước của vua Bảo Đại cũng có lực lượng vũ trang là đội quân lính khố đỏ và lính khố xanh do Pháp để lại, nếu chính quyền ra lệnh thì có thể có một bộ phận binh lính đi đàn áp, vì họ ăn lương. Nhưng anh em binh lính cũng khao khát độc lập nên đại bộ phận ngả theo Việt Minh. Vì độc lập, nhà vua sẵn sàng thoái vị, vì độc lập nhiều nhà giàu đã cống hiến cho chính phủ của ông Hồ Chí Minh hàng nghìn lạng vàng, cả hoàng hậu Nam Phương cũng cống hiến vàng. Những người dân nghèo thì họ sẵng sàng theo cụ Hồ vừa vì độc lập vừa vì được đi phá kho thóc để cứu đói.
Cuộc xuống đường biểu tình không phải nổ ra đầu tiên ở Hà Nội mà nổ ra đầu tiên vào ngày 17-8-1945 ở tỉnh Quảng Yên (nay là thị xã Quảng Yên thuộc huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh) là nơi nghèo khổ. Cả tỉnh không có một nhà máy xí nghiệp hay một cơ sở sản xuất nào, lại không có cả nhà tù vì chẳng ai thừa cái gì để người khác có thể ăn cắp được. Cả tỉnh có một cái giếng công cộng để mọi người dân ra đấy cần nước thì ra gánh về, đỡ phải mắc đường ống dẫn nước, và dĩ nhiên hàng tháng không có người đến thu tiền nước đỡ phải ỉ eo "sao nhà tôi dùng ít mà phải trả nhiều tiến thế?" Tỉnh cũng có một cái bệnh viện, hồi đó gọi là "nhà thương". Ai ốm đau thì đến đấy chữa, không ai phải lo lót "phong bì" vì bệnh viện không lấy tiền, nếu phải trả tiền thì nhà thương không có bệnh nhân. Cảnh người chết phải bó chiếu đem chôn là chuyện bình thường.
Tỉnh thì phải có phố phường. Từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh có một con đường nhựa độc nhất, ở phiá đầu tỉnh, tức là cái đoạn nối với sông Bạch Đằng (người dân quen gọi là bến Rừng) thì có đoạn gọi là phố Lê Lợi, những ngày hội hè gì đó thì trẻ con nông thôn cưỡi trâu đi qua phố chơi. Ở đây có một đặc điểm là có nhiều con gái rất đẹp, nước da nõn nà, người ta bảo ăn cái nước giếng ở đấy thì da đẹp ra đấy. Khối chiến sĩ cách mạng đã về đây lấy vợ, sau này có ông làm lên chức tướng, chẳng biết có phải vì vợ không?
Người ta nghèo như thế nên người ta dễ theo Đảng CS và được đánh giá là sớm giác ngộ cách mạng. Hầu hết những người theo cách mạng là những người không biết chữ. Thế mà có ông đảng viên ở đây lại giác ngộ đồng chí Tô Hiệu và giới thiệu đồng chí ấy kết nạp vào Đảng cơ đấy.
Nếu ông Hồ Chí Minh thực tình có tâm huyết với dân với nước thì ông đã hợp tác với chính phủ Trần Trọng Kim giải quyết những khó khăn cho đồng bào. Thế nhưng bản thân ông Hồ Chí Minh là người có hai độc quyền nên ông đã gây ra rất nhiều tội ác. Một là ông muốn Đảng CS độc quyền có công giành lại độc lập cho dân tộc nên ông đã lợi dụng thời cơ cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim. Sau đó thì ông triệt hạ những tổ chức yêu nước khác, trong đó giết hại những người theo Quốc dân Đảng một cách vô cùng dã man tàn ác. Ông còn tạo điều kiện cho Pháp đi tiêu diệt đội quân của người lãnh đạo Quốc dân đảng Trương là Tử Anh ở vùng Bắc Giang, Vĩnh Yên, chưa kể đến vụ án Ôn Như Hầu và giết nhiều nhà văn, nhà thơ trong Quốc dân Đảng có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà, trong có có vụ bỏ nhà văn có tài hội họa Lan Khai vào rọ rồi vứt xuống khe núi ở Tuyên Quang…
Tổng số những người bị giết trong cuộc thành trừng phe đối lập của CS cũng lên tới vài chục vạn người, cộng với những người bị lạm sát trong CCRĐ thì it nhất cùng ngót nghét nửa triệu.
Cái độc quyền thứ hai ông giành cho bản thân ông và mang tính chất độc tài phát xít là ông muốn triệt hạ cả những người CS không cùng chính kiến với ông. Điều dễ thấy nhất là ông giết hại một người CS vĩ đại là Tạ Thu Thâu.
Coi như trong CM tháng Tám -1945 thì Việt Minh đã thắng hoàn toàn, tức là CS đã chiếm được đất nước, bước khởi đầu để bành trướng CNCS ra toàn Đông Dương, rồi sau đó ra toàn Đông Nam Á và còn có tham vọng mở ra xa hơn nữa. Hồi đó CS chỉ có 5.000 đảng viên, phải nói rằng đạt được thành tích như vậy thì thực sự có tài tuyên truyền lừa bịp và tổ chức.
Cũng cần phải nhắc lại rằng nếu không có CM tháng Tám thì đến năm 1949 thực dân Pháp cũng sẽ trao trả độc lập cho nước ta theo lịch trình mà Liên Hiệp quốc đã can thiệp. Ấn Độ được Anh trao trả độc lập vào năm 1947, trước ta hai năm, Mỹ cũng trao trả độc lập cho Philippin và Hà Lan trao trả độc lập cho Indonexia… cùng thời điểm sau thế chiến II, đó là chưa kể đến một số nước châu Phi. Nói lên điều này thì càng rõ "công lao" của CS hy sinh hàng triệu người Việt trong cuộc nội chiến kéo dài đến năm 1975 mới giành được "độc lập trong phe XHCN do Liên xô lãnh đạo". Nhờ cái "hữu nghị " này dân miền Bắc được hưởng 30 năm tem phiếu, tuy đại đa số không chết đói nhưng đói cho đến lúc chết.
Như vậy, cuộc CM tháng Tám 1945 sau đó đến cuộc chiến tranh chống Pháp kết thúc vào năm 1954 thì thực chất nước ta chỉ thay đổi hình thức là một nước có mẫu quốc là Pháp sang một nước có huynh quốc là Liên xô, kèm theo anh Tàu khựa. CS đã làm một việc tốn bao xương máu của đồng bào để thay thày đổi chủ, "đuổi hùm cửa trước, rước beo cổng sau". Sau 1975 thì cả nước phải làm nô lệ dưới chiêu bài "Hữu nghị" cho hai anh đế quốc XHCN là Liên xô và Tàu cộng.
Thực chất thì từ khi CS năm chính quyền, nước ta chỉ độc lập sau năm 1991 là nhờ ơn Liên xô sụp đổ, rất tiếc là thời gian độc lập quá ngắn ngủi, sau đó ta lại rơi vào cái vòng kim cô của Trung quốc, tức là thời kỳ Bắc thuộc lại tái diễn, nhưng lần này mang mấu sắc mới "Vì đại cục và 16 chữ vàng", vừa thâm độc vừa nguy hiểm, nó đánh toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, môi trường ... có tính chất hủy diệt cả dân tộc. Nó không dùng vũ khí sắt thép mà dùng BOM NGU thả vào đầu óc những người lãnh đạo để dùng người Việt trị người Việt, rồi cứ cắn dần bờ cõi biển đảo của ta theo chính sách "con tằm ăn lá dâu".
Những thành tựu của cách mạng tháng Tám 1945 cho đến nay thì mọi người đều biết cả rồi. Đảng CS cũng đã tự biết. Chỉ vì ông Hồ rước cái CNXH mung lung, viển vông vào mà dân tộc ta phải đổ bao xương máu để đến bây giờ nước ta bị thụt lùi so với những nước xung quanh không theo CNXH. CNXH nay đã lỗi thời, cần thay bằng một chính thể dân chủ cho phù hợp với thời đại.
Theo bằng cách nào ư? Đó là làm cuộc cách mạng chính thể giống như miền Nam cộng hòa trước đây, không đổ máu, vua Bảo Đại lại một lần nữa thoái vị, chuyển giao chính quyền cho tổng thống Ngô Đình Diệm một cách cui vẻ. Thế mới biết vua Bảo Đại là ông vua dân chủ tiến bộ và VĨ ĐẠI, vì dân vì nước chứ không vì cái ngai vàng của mình như "14 ông vua tập thể" trong cái Bộ chính trị mà hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng đang đứng đầu, chỉ "vinh quang" hão lúc đương chức đương quyền rồi bị lịch sử lên án, nguyền rủa ngàn năm sau.
Nhà nguyễn khởi đầu bằng chúa Nguyễn Hoàng có công mở mang bờ cõi
"Từ thủa mamg gươm đi mở cõi
Mà lòng thương nhớ đất Thăng Long"
(Huỳnh Văn Nghệ)
kết thúc bằng một ông vua dân chủ VĨ ĐẠI sẵn sàng rời bỏ ngai vàng, quyền lực trở về đời thường, hóa ra cái câu "quan nhất thời dân vạn đại" ra đời từ lâu mà bây giờ vẫn còn giá trị.
Còn những kẻ chỉ vì quyền lực nhất thời mà quên cả đất nước và đồng bào, cố đấm ăn xôi "được làm vua thua làm giặc" quên cả Tổ quốc và nhân dân để theo giặc thì
"Trăm năm bia đá cũng mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn con trơ trơ".
(Kính gửi BBT Dân Luận. Tôi vốn không biết cầm bút. Để có được mấy dòng còm, tôi đã phải khổ luyện từ A đến Z trong một thời gian khá dai. Nay thấy việc viết còm đã tàm tạm êm êm. Tôi muốn chuyển sang viết báo, tuy rằng biết đó là khó khăn, nhưng tôi cứ mạnh bạo viết. Đây là bài viết đầu tiên của tôi. Nếu thành công, được in thì đó là công lao của Dân luận. Cám ơn.)


Một cuộc phỏng vấn hay, again!!
Mr. Kiểng có đề cập đến tầm ảnh hưởng của Tàu Bựa và sự cố gắng thoát Trung:
Gần đây chúng ta thấy đang có cố gắng để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng đây là một cố gắng rất khó khăn do mức độ lệ thuộc quá đáng.
Cho dù nhà Sản có cố gắng thoát Trung thật sự nhưng đó là 1 cố gắng No Can Do, muôn đời và mãi mãi. Trừ khi Tàu Bựa phá sản và tan rã, hoặc nhà Sản ko còn trên mảnh đất VN. 
Mọi chuyện đều có thể qui ra tiền. Đã có nhiều người tố cáo tất cả những quan chức nhà Sản đều phải bỏ tiền ra để mua. Suy ra, bộ máy công quyền của nhà Sản là con buôn. Con buôn nhỏ buôn nhỏ, con buôn lớn buôn lớn.
Và khi nói về buôn bán, chỉ có Tàu Bựa sẵn sàng bỏ tiền ra, bằng mọi giá, mua tất cả ở VN. Tàu Bựa mua rừng, mua đảo, mua Formosa, mua BôXít, mua núi, mua sông, mua từng thành phố 1, mua tất tần tật với tầm nhắm chiến lược vài thập niên hoặc 1 thế kỷ sắp tới. Ngoài Tàu Bựa, những đại gia khác như Anh, Mỹ, Nhật etc... ko làm ăn kiểu như vậy. Hãng họ bỏ tiền ra, họ phải có lời trong thời gian ngắn hoặc trung hạn. 
Tất cả những giá những quan chức VN đưa ra, đều là giá bèo đối với Tàu Bựa. Tàu Bựa dân đông và VN là vị trí Chiến Lược (sân sau) của Tàu Bựa.
Với đảng cướp nhà Sản, họ đã bán cả hồn lẫn xác từ thủa nào. Mảnh đất VN hình chữ S chỉ là kiến cỏ dưới con mắt họ, ko lớn 1 giao dịch bất động sản vài trăm ngàn đô.
Vấn đề: Nị chịu trả cho tụi ngộ bao nhiêu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét