Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Ông Trương Đình Tuyển: Lo khu vực tư nhân bị bóp nghẹt

Ông Trương Đình Tuyển: Lo khu vực tư nhân bị bóp nghẹt
Thứ Sáu,  29/1/2016, 08:41 (GMT+7)

Tư Hoàng-thesaigontimes.vn
Ông Trương Đình Tuyển: động lực kinh tế này chủ yếu là doanh nghiệp FDI - Ảnh TG
(TBKTSG Online) - Ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp về hội nhập của Chính phủ, nói ông rất lo lắng về tương lai của nền kinh tế khi doanh nghiệp trong nước ngày càng kiệt quệ.
Phát biểu tại hội thảo về kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 28-1 tại Hà Nội, ông nói: “Động lực của nền kinh tế trong năm nay chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải doanh nghiệp tư nhân trong nước. Động lực của nền kinh tế năm 2016 cũng vẫn như vậy. Song vấn đề là để phát triển bền vững không thể là khu vực FDI”.
Báo cáo của CIEM cho biết, giải ngân FDI tăng đáng kể so với nhiều năm trước. Năm 2015 vốn FDI giải ngân là 14,5 tỉ đô la Mỹ, cao hơn so với 12,4 tỉ đô la Mỹ năm 2014, và trung bình 10,5-11,5 tỉ đô la Mỹ/năm giai đoạn 2011-2013.
Ông Tuyển nói: “Xu hướng tăng lãi suất thực ra vẫn rất mạnh, mà có thể có dòng vốn chuyển vào bất động sản, và hạ tầng… Lãi suất cho vay vẫn cao và khu vực doanh nghiệp trong nước đang yếu đi, đó là điều rất đáng lo ngại”.
Ông Tuyển bổ sung thêm, khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, các doanh nghiệp Thái Lan đang có xu hướng mua các nhà phân phối của Việt Nam và chuyển hàng Thái vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất lớn. “Những yếu tố này gây chèn ép, bóp nghẹt khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, ông nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, lẽ ra khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể trông chờ vào nhà nước trong vai trò trọng tài, chống chèn lấn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, nhưng nhà nước lại không làm vậy.
“Nhà nước lại mua rất nhiều trái phiếu chính phủ, tức là nhà nước nhảy vào cuộc thành nhân tố thứ 3 chèn lấn, thì khu vực tư nhân chịu sao nổi. Bảo sao kinh tế tư nhân nhỏ đi, chết đi là phải”, bà Lan nói.
Bà Lan trích dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết, doanh nghiệp đóng góp tới 40,8 % lợi nhuận cho nhà nước thông qua thuế phí.
“Tôi nêu con số này hôm họp Hội đồng cạnh tranh quốc gia, một thứ trưởng của Bộ Tài chính cũng xác nhận”, bà cho biết.
“Nhà nước hăng hái thu ngân sách nên rất khó cho doanh nghiệp và người dân. Có người bảo, sao không thấy họ kêu, nhưng người dân và doanh nghiệp biết kêu vào đâu, kêu với ai, có chỗ nào cho họ kêu?”
“Họ phải đóng tỷ lệ như thế thì thử hỏi môi trường kinh doanh cải thiện được gì?”, bà Lan nói.
“Giá xăng dầu giảm là cơ hội giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp không được hưởng, vì nhà nước vẫn thu thuế phí tới 50%. Nhà nước chưa có động lực giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệpn. Bảo hiểm cũng đang tăng lên, mà còn nguy cơ vỡ quỹ do bộ máy nhà nước quá lớn”, bà nhận xét.
Bà Lan nói, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản năm 2015 lên tới gần 80.000 đơn vị là rất đáng lo.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân năm 2000 vào khoảng 8%. Đến nay tỷ trọng này vẫn chỉ là 11%.
“Tức là trong suốt  hơn cả thập kỷ vừa qua, khu vực tư nhân không lớn lên được”.
Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn cho biết, tình hình tăng trưởng nông nghiệp liên tục giảm 5 năm qua, và đã giảm sâu trong năm 2015.
“Đây là vấn đề rất không bình thường. Nông nghiệp là lợi thế của đất nước, lẽ ra phải tăng trưởng liên tục”, ông Sơn nói.
Để khôi phục lại tăng trưởng nông nghiệp, theo ông Sơn, phải mở thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm không hề có biện pháp đẩy mạnh chuỗi giá trị của nông sản Việt Nam, đó là chưa đề cập đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Tình hình như vậy mà bắn pháo hóa khắp nơi, mọi người không nhìn thẳng vào sự thật”, ông Sơn nói.
Chia sẻ:
    
CÙNG CHUYÊN MỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét