Trung Quốc đứng cuối danh sách "các quốc gia trung thực nhất thế giới"
Người Trung Quốc kém trung thực nhất. Người Anh và người Nhật Bản trung thực nhất. Đó là kết quả mới được công bố từ cuộc nghiên cứu với sự tham gia của hơn 1.500 người từ 15 quốc gia khác nhau.
15 quốc gia tham gia vào cuộc khảo sát gồm: Brazil, Trung Quốc, Hy Lạp, Nhật Bản, Nga, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Argentina, Đan Mạch, Ấn Độ, Anh, Bồ Đào Nha, Nam Phi và Hàn Quốc.
Đại học East Anglia, Anh đã thực hiện cuộc nghiên cứu về độ trung thực qua hai bài kiểm tra. Bài thứ nhất, người tham gia đã tung đồng xu và sau đó được yêu cầu nói đồng rơi xuống là sấp hay ngửa. Nếu đồng xu ngửa họ sẽ được thưởng 3 USD hoặc 5 USD.
Theo các nhà nghiên cứu nếu kết quả cho thấy một quốc gia có hơn 50% là người nói ngửa chứng tỏ có sự gian lận trong nhóm người đó.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, khoảng 70% người Trung Quốc cuộc thăm dò cho kết quả kém trung thực nhất với khoảng 70% nói dối đồng xu là sấp hay ngửa, so với người Anh chỉ có 3,4 %.
Ở bài kiểm tra thứ hai, người tham gia phải hoàn thành những câu hỏi trắc nghiệm về âm nhạc. Nếu trả lời đúng tất cả câu hỏi họ sẽ được thưởng tiền. Người tham gia không được tìm kiếm câu trả lời trên mạng internet và phải đánh dấu vào câu trả lời mà họ lựa chọn trước khi làm câu tiếp theo.
Có 3 trong số các câu hỏi ở mức độ rất khó. Do vậy, người tham gia không thể tự trả lời nếu không tìm đáp án ở trên mạng. Điều này đồng nghĩa với việc trả lời đúng được nhiều hơn 1 trong 3 câu này cho thấy người tham gia có thể nói dối.
Kết quả thu được cho thấy, người Nhật Bản đưa ra câu trả lời trung thực nhất trong bài kiểm tra, sau đó là Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng là Trung Quốc.
Tiến sĩ David Hugh-Jones, người đứng đầu nghiên cứu, nhấn mạnh rằng sự trung thực của người dân liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi đất nước. Người ở các nước nghèo ít trung thực hơn những người đến từ các nước giàu nhưng mối quan hệ này đúng hơn, mạnh hơn đối với tăng trưởng kinh tế trước năm 1950.
Ảnh minh họa. Nguồn: Shanghaiist
Ông David Hugh-Jones nói: “Tôi cho rằng mối quan hệ giữa sự trung thực và tăng trưởng kinh tế yếu đi trong 60 năm qua và hiện tại bằng chứng về mối quan hệ này hầu như không có. Một lý giải ở đây là khi các thể chế và công nghệ còn chưa phát triển, sự trung thực là quan trọng vì nó thay thế cho việc cưỡng chế thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng. Những quốc gia văn hóa trung thực được đề cao có thể đạt được thành quả trong phát triển kinh tế. Khi kinh tế tăng trưởng, nó giúp cải thiện thể chế và công nghệ, khiến cho việc giám sát thực hiện điều khoản hợp đồng dễ dàng hơn, khi đó văn hóa trung thực không còn cần thiết cho tăng trưởng kinh tế nữa”.
Trong bài kiểm tra đồng xu sấp hay ngửa, người tham gia đến từ 4 nước châu Á không trung thực nhất, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người không trung thực ít hơn cả.
Trong cuộc nghiên cứu, người tham gia cũng được dự đoán về sự trung thực của những người dân đến từ quốc gia khác. Tiến sĩ Hugh-Jones nói: “Điều đáng ngạc nhiên là mọi người thường đặt niềm tin vào sự trung thực của người dân nước họ ít hơn so với các nước khác. Một lý giải cho vấn đề này chính là họ phải thường xuyên tiếp xúc với những tin tức về sự thiếu trung thực diễn ra tại đất nước mình hơn ở các nước khác.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hong Kong. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.
Hoàng Dung (lược dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét