Người Trung Quốc kém trung thực nhất. Người Anh và người Nhật Bản trung thực nhất. Đó là kết quả mới được công bố từ cuộc nghiên cứu với sự tham gia của hơn 1.500 người từ 15 quốc gia khác nhau.
15 quốc gia tham gia vào cuộc khảo sát gồm: Brazil, Trung Quốc, Hy Lạp, Nhật Bản, Nga, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Argentina, Đan Mạch, Ấn Độ, Anh, Bồ Đào Nha, Nam Phi và Hàn Quốc.
Đại học East Anglia, Anh đã thực hiện cuộc nghiên cứu về độ trung thực qua hai bài kiểm tra. Bài thứ nhất, người tham gia đã tung đồng xu và sau đó được yêu cầu nói đồng rơi xuống là sấp hay ngửa. Nếu đồng xu ngửa họ sẽ được thưởng 3 USD hoặc 5 USD.
Theo các nhà nghiên cứu nếu kết quả cho thấy một quốc gia có hơn 50% là người nói ngửa chứng tỏ có sự gian lận trong nhóm người đó.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, khoảng 70% người Trung Quốc cuộc thăm dò cho kết quả kém trung thực nhất với khoảng 70% nói dối đồng xu là sấp hay ngửa, so với người Anh chỉ có 3,4 %.
Ở bài kiểm tra thứ hai, người tham gia phải hoàn thành những câu hỏi trắc nghiệm về âm nhạc. Nếu trả lời đúng tất cả câu hỏi họ sẽ được thưởng tiền. Người tham gia không được tìm kiếm câu trả lời trên mạng internet và phải đánh dấu vào câu trả lời mà họ lựa chọn trước khi làm câu tiếp theo.
Có 3 trong số các câu hỏi ở mức độ rất khó. Do vậy, người tham gia không thể tự trả lời nếu không tìm đáp án ở trên mạng. Điều này đồng nghĩa với việc trả lời đúng được nhiều hơn 1 trong 3 câu này cho thấy người tham gia có thể nói dối.
Kết quả thu được cho thấy, người Nhật Bản đưa ra câu trả lời trung thực nhất trong bài kiểm tra, sau đó là Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng là Trung Quốc.
Tiến sĩ David Hugh-Jones, người đứng đầu nghiên cứu, nhấn mạnh rằng sự trung thực của người dân liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi đất nước. Người ở các nước nghèo ít trung thực hơn những người đến từ các nước giàu nhưng mối quan hệ này đúng hơn, mạnh hơn đối với tăng trưởng kinh tế trước năm 1950.
Ảnh minh họa. Nguồn: Shanghaiist
Ông David Hugh-Jones nói: “Tôi cho rằng mối quan hệ giữa sự trung thực và tăng trưởng kinh tế yếu đi trong 60 năm qua và hiện tại bằng chứng về mối quan hệ này hầu như không có. Một lý giải ở đây là khi các thể chế và công nghệ còn chưa phát triển, sự trung thực là quan trọng vì nó thay thế cho việc cưỡng chế thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng. Những quốc gia văn hóa trung thực được đề cao có thể đạt được thành quả trong phát triển kinh tế. Khi kinh tế tăng trưởng, nó giúp cải thiện thể chế và công nghệ, khiến cho việc giám sát thực hiện điều khoản hợp đồng dễ dàng hơn, khi đó văn hóa trung thực không còn cần thiết cho tăng trưởng kinh tế nữa”.
Trong bài kiểm tra đồng xu sấp hay ngửa, người tham gia đến từ 4 nước châu Á không trung thực nhất, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người không trung thực ít hơn cả.
Trong cuộc nghiên cứu, người tham gia cũng được dự đoán về sự trung thực của những người dân đến từ quốc gia khác. Tiến sĩ Hugh-Jones nói: “Điều đáng ngạc nhiên là mọi người thường đặt niềm tin vào sự trung thực của người dân nước họ ít hơn so với các nước khác. Một lý giải cho vấn đề này chính là họ phải thường xuyên tiếp xúc với những tin tức về sự thiếu trung thực diễn ra tại đất nước mình hơn ở các nước khác.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hong Kong. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.
Quốc hội sẽ để Thống đốc Nguyễn Văn Bình yên với cam kết ngân sách không ảnh hưởng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng? Quốc hội cũng để ông Bình liều mình "cứu chúa" bằng cách để NHNN đứng ra "nhận ủy quyền" phần vốn âm nhiều chục nghìn tỷ đồng của gia đình ông Trầm Bê sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank?
Southern Bank là một ngân hàng vi phạm gần như tất cả các quy định mang tính nguyên tắc mà Luật ràng buộc đối với một tổ chức tín dụng.
Hai cổ đông lớn nhất đều sở hữu cổ phần vượt 5% vốn điều lệ (ông Trầm Bê sở hữu 8,36%; con gái, Trầm Thuyết Kiều, sở hữu 7,36%). Nhóm cổ đông trong gia đình ông Trầm Bê và người có liên quan sở hữu tới 26,26% vốn điều lệ trong khi Luật cho phép tối đa chỉ 20%.
Đặc biệt, 71,28% tổng dư nợ được tập trung cho các nhóm khách hàng với mức cho vay mỗi nhóm vượt nhiều lần quy định so với vốn tự có của Southern Bank.
Cũng như Nguyễn Văn Mười Hai sử dụng "Nước hoa Thanh Hương", ông Trầm Bê đã sử dụng Southern Bank như một công cụ huy động vốn. Thường, những khoản "vốn" này được dùng để kinh doanh địa ốc.
"Khách hàng" Thạch Thị Thúy An - nhân viên tín dụng của Southern Bank - được vay 280 tỷ VND mà không cần tài sản thế chấp gì để một thời gian sau thì đưa về 25 "sổ đỏ". "Khách hàng" Thạch Thị Quy - nhân viên phòng đầu tư - vay 280 tỷ cũng không thế chấp gì và khi bổ sung tài sản đảm bảo thì lại là 28 "sổ đỏ".
Việc rút hàng trăm tỷ đồng rồi sau đó mang "sổ đỏ" về còn được lặp lại với hàng loạt "khách hàng": Phạm Thị Ngọc Điệp, 280 tỷ VND; Lưu Thị Lợi, 280 tỷ VND; Châu Khương, 457 tỷ VND; Diệp Thị Linh, 384 tỷ VND; Ngô Thị Bích Duyên, 380 tỷ VND; Trương Cẩm Linh, 390 tỷ VND...
Hàng chục công ty "khách hàng" của Phương Nam được lập ra để "vay" hàng trăm, hàng nghìn tỷ từ Phương Nam mà các cổ đông có khi là con dâu, con rể ông Trầm Bê hoặc "cháu ông Trầm Bê", "cháu vợ ông Trầm Bê và có khi chỉ là một "nhân viên tập sự" của chính ngân hàng này (Ngày 2-2-2012 bà Trương Cẩm Linh được "nhận thử việc" tại Công ty quản lý nợ của Phương Nam; Ngày 10-2-2012, bà Linh được "cho vay" 390 tỷ).
Nếu không phải là con cháu trong nhà thì "khách hàng" của Phương Nam cũng là những người nằm trong "nhóm lợi ích" như Bầu Kiên; như nhóm của "Bầu" Thắng Đồng Tâm (có số dư nợ tới 6-2012 là 4.440 tỷ VND); như nhóm công ty của Trần Minh Chí - em vợ Thủ tướng đương nhiệm (có số dư nợ tới 6-2012 là 1.245 tỷ VND)...
Rất nhiều "hợp đồng tín dụng" chỉ như để rút tiền ra khỏi ngân hàng. Hàng trăm tỷ được rút ngay một lần và không ai biết rõ những số tiền khổng lồ đó được đưa đi đâu vì con số thực chi cho các "dự án" so với quy mô thế chấp vay tiền là vô cùng nhỏ.
"Khu dân cư Trần Thái" - của ông Trần Minh Chí, em vợ Thủ tướng - được định giá 603 tỷ VND, đã vay và dư nợ tới 6-2012 là 249 tỷ VND, nhưng cùng thời, các chi phí tư vấn, giám sát, đền bù cho người dân và các chi phí quản lý công trình cho công trình này mới được ghi nhận là 12,58 tỷ đồng. Tương tự, 110.158 m2 đất tại xã Phong Phú huyện Bình Chánh được định giá 551 tỷ đồng, trong khi trên thực tế Phong Phú chỉ mới chi đền bù 24 tỷ đồng chứ chưa làm gì cả.
Làm thế nào để năm 2012, khi Phương Nam đã lỗ lũy kế 15.756 tỷ VND, ông Trầm Bê lại còn có thể thu gom cổ phiếu của Sacombank.
Không phải ngẫu nhiên khi rất nhiều khoản "vay" của các "khách hàng" có liên quan tới ông Trầm Bê cho những dự án mà chúng ta thấy là chi tiêu rất nhỏ so với các khoản tiền đã giải ngân. Những lần "tăng vốn" cho chính Southern Bank, lần theo các khoản vay và góp vốn, thấy rất rõ sự liên quan giữa việc gia đình ông Trầm Bê đã "rút" tiền gửi của khách hàng với việc "góp vốn" vào ngân hàng.
Trong lần tăng vốn đợt 2, từ 3,2 nghìn lên 4 nghìn tỷ, (tháng 6-2012), gia đình Trầm Bê "góp" 289,4 tỷ VND. Trong các khoản vay cùng thời điểm, ta thấy: Ngày 4-6-2012, "khách hàng" Nguyễn Thị Hồng, con dâu ông Trầm Bê, vay 140 tỷ, "khách hàng" Nguyễn Thị Thu Hà vay 150 tỷ từ Southern Bank
Cùng ngày 4-6-2012, Southern Bank "giải ngân" 280 tỷ, ngày hôm sau "giải ngân" tiếp 10 tỷ, tất cả đều được chuyển vào tài khoản của "Công ty Thành Long", nơi con rể Trầm Bê là Lê Trọng Trí làm Chủ tịch. Ngay trong ngày 4-6-2012, Lê Trọng Trí rút hết 280 tỷ đồng ra khỏi tài khoản Thành Long.
Ngay trong ngày 4-6-2012, người ta thấy "22 cổ đông" nhà Trầm Bê mua cổ phần với số tiền 280 tỷ 243 triệu. Ngày 5-5-2012, Lê Trọng Trí rút 9 tỷ đồng; cùng ngày, con trai ông Trầm Bê - Trầm Trọng Ngân - mua cổ phần với số tiền 9 tỷ 217 triệu.
Những sai phạm này có thể chưa cần phải "hình sự hóa" nếu nó không gây hậu quả to lớn như những gì ông Trầm Bê gây ra ở Southern Bank.
Tính tới 30-6-2012, dư nợ cho vay của Phương Nam là 51.300 tỷ VND; vốn chủ sở hữu đã thực âm 11.653 tỷ VND trong khi những khoản vay lên đến hàng chục nghìn tỷ khác của Phương Nam lại ở trong tình trạng "một đi không trở lại". Chỉ tính trong số 42.829 tỷ VND dư nợ được thanh tra, đã có 9.531 tỷ VND có khả năng mất vốn; 8.529 tỷ VND khó có khả năng thu hồi khi xử lý tài sản.
Ông Trầm Bê, với tư cách Chủ tịch Hội đồng tín dụng đã cho vay tới 6.343 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo và đứng trước nguy cơ mất vốn; 3.236 tỷ VND khác được cho vay với tài sản đảm bảo không đủ điều kiện thế chấp, được đánh giá là có khả năng mất vốn; 8.521 tỷ khác cho vay với tài sản chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, khó có khả năng thu hồi nợ.
Phải chăng sau Vinashin, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vẫn có thể được Quốc hội và NHNN coi là "chuyện nhỏ".
Ở thời điểm đầu năm 2012, Southern Bank đã hội đủ bệnh tật để bị kiểm soát đặc biệt. Ai đã đưa ra kịch bản thâu tóm Sacombank hòng "đánh bùn sang ao". Vì sao NHNN đã im lặng để "nhái ốm" Southern Bank "nuốt" xong "con rắn hổ mang" Sacombank rồi mới "nhận ủy quyền" món nợ từ ông Trầm Bê đã trở nên chồng chất.
Theo tính toán của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, chi phí minh bạch mua một cổ phiếu Sacombank của ông Trầm Bê lên đến hơn 30 nghìn VND/ cổ phiếu trong khi ông chỉ có thể thu lợi khoảng 25 nghìn VND/ cổ phiếu (gộp cả cổ tức tính từ khi mua). Sáp nhập vào Sacombank rõ ràng là một cuộc đào thoát chứ không phải là một thương vụ.
Vào thời điểm Trầm Bê thâu tóm cổ phiếu Sacombank, đầu năm 2012, Southern Bank đang lỗ 15.756 tỷ VND, nợ xấu đang ở mức 45,6%. Vào thời điểm Trầm Bê và các thân hữu của ông "thôn tính" Sacombank, nợ xấu của Southern Bank lên tới 55,31%. Con số tuyệt đối thì mới kinh hoàng.
Quốc hội nên dành cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình một ngày trên hội trường, để các đại biểu và, đặc biệt, các thành viên Ủy ban Tài chánh & Ngân sách chất vấn ông Nguyễn Văn Bình.
Chỉ cần bạch hóa hồ sơ về những gì ông Trầm Bê đã làm ở Southern Bank, các vị sẽ biết rõ cái gọi là tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu là gì. Chỉ cần xem xét vài hồ sơ "đảo nợ" ở Southern Bank, các vị sẽ rõ các món nợ đã được "làm đẹp sổ sách" như thế nào, sẽ hiểu vì sao GDP vẫn tăng mà nền kinh tế thì càng èo uột, ngân sách thì trống không mà quan chức và các con nợ thì vẫn chi xài như đại gia.
Nếu không dùng ngân sách thì ông Bình sẽ dùng phép thần thông nào để chi trả nhiều chục nghìn tỷ đồng thâm thủng ở Southern Bank và các ngân hàng "0 đồng" khác.
Cách "tái cấu trúc" ngân hàng của Thống đốc Nguyễn Văn Bình có thể sẽ nuôi được các con bệnh ngân hàng qua mùa Đại hội nhưng khi những món nợ nhiều chục nghìn tỷ đồng của ông Trầm Bê và của các "ngân hàng 0 đồng" liên tục đáo hạn ông Bình sẽ chi trả cho dân bằng gì.
Các sai phạm của ông Trầm Bê thì khác gì với ông Thắm Đại Dương, với ông Danh ngân hàng Xây Dựng. Từ 2012 tới nay, ai đang bảo kê cho ông Trầm Bê.
ĐÀ NẴNG (NV) - Mặc cho lao động Trung Quốc có phép hay làm “chui” tràn ngập khắp nơi, nhà cầm quyền Đà Nẵng lại vừa đồng ý cho thêm 300 người vào làm việc tại đây, khiến không ít người dân quan ngại.
Lao động Trung Quốc làm việc trái phép tại một công trình xây dựng ở Đà Nẵng. Hình: Báo Lao Động
“Đà Nẵng vừa đồng ý cho thêm 300 lao động Trung Quốc vào làm việc tại đây”, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao Động Xã Hội thành phố Đà Nẵng xác nhận với báo Lao Động chiều 16 tháng 11.
Theo ông An, ủy ban thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý cho nhà thầu là công ty Sichuan Hua Shi được phép sử dụng lao động là người nước ngoài trên cơ sở điều chuyển nội bộ từ công ty mẹ có trụ sở ở Tứ Xuyên, Trung Quốc sang làm việc tại Đà Nẵng. Cụ thể, 300 lao động kỹ thuật Trung Quốc sẽ làm việc tại công trình khách sạn 5 sao JW Marriott tại quận Ngũ Hành Sơn trong 2 năm bắt đầu từ tháng 10 năm 2015.
Lý giải việc này, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động Sở Lao Động Đà Nẵng cho rằng: “Giai đoạn 2 của công trình này là một tòa nhà khách sạn phức hợp lớn, để kịp tiến độ hoàn thành phục vụ APEC 2017 nên họ phải xin thêm số lao động nói trên”.
Theo Sở Lao Động, tính đến cuối tháng 9 năm 2015, ở Đà Nẵng có 55 đơn vị sử dụng người Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong thì số lượng lao động Trung Quốc tập trung nhiều nhất tại công ty Silver Shores và công ty Sichuan Hua Shi. Ngoài ra, trong khu vực khách sạn, resort của Silver Shores thì khách du lịch hầu hết cũng là người Trung Quốc. “Vào dịp hè người Trung Quốc đi nhan nhản ngoài đường phố Đà Nẵng”, ông An nói.
Nói với báo Lao Động, một lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn cho hay, từ đầu năm đến nay tình hình an ninh trật tự ở quận này đang có những diễn biến phức tạp. Hiện đã có gần 109.900 lượt người đến quận lưu trú, tạm trú và trong đó có gần 59.200 người Trung Quốc. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 60 người Trung Quốc làm việc “chui” tại quận này
Ông Ánh thừa nhận, rất khó kiểm tra người Trung Quốc làm việc tại các dự án, khu resort do phía Trung Quốc làm chủ đầu tư. Bởi muốn vào kiểm tra thì phải có công văn thông báo trước. Nếu không thông báo mà tự đi kiểm tra là không được vì họ không tiếp.
“Bây giờ dân Ngũ Hành Sơn ra đường thấy người Trung Quốc quá nhiều nhưng lại lẫn lộn người đi làm với người du lịch”, ông Ánh nói. (Tr.N)
Vì là một nhà hoạt động chính trị quốc tế cho nên tư tưởng của Henry Kissinger chủ yếu là quan hệ quốc tế. Gần đây, một nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đến từ Trung Quốc, ông Dương Bình (Yang Peng), đã đưa ra một số nhận xét khá có trọng lượng về quan điểm của ông Kissinger. Nhưng nhận xét này của ông Dương Bình đã không đủ sâu, và dường như có chút thương tình. Vì ông là một học giả thỉnh giảng đang ở trong vùng đất của Kissinger, cho nên việc giữ sự nhẹ nhàng và hạn chế khi nói về ông ta là một điều dễ hiểu. Vì vậy, tôi xin đưa ra một số phê bình nặng hơn về tư tưởng của ông Henry Kisinger vì nó rất quan trọng đối với cả nguời Trung Quốc và nguời Hoa Kỳ.
Trong cuốn sách World Order (Trật tự Thế giới), mà ông xuất bản gần đây, Henry Kissinger đã giải thích viễn kiến của mình từ kinh nghiệm ngoại giao và phản ảnh đã tích lũy trong nhiều thập niên qua. Viễn kiến này thực sự có cùng chung lối, hay nói một cách khác là được nặn ra cùng một khuôn "Các giá trị Châu Á" của Giang Trạch Dân (Trung Quốc) và Lý Quang Diệu (Singapore). Cả hai cho rằng tư tưởng ngoại giao hay cách suy nghĩ truyền thống của người phương Tây và người Trung Quốc không giống nhau.
Lý thuyết này cho rằng người phương Tây dùng tư duy pháp lý, ví dụ như duy trì các mối quan hệ giữa các nước theo pháp luật và nó là như vậy kể từ thời các Hòa ước Westphalia vào thế kỷ thứ 17. Người Trung Quốc quen suy nghĩ theo luật rừng xanh, chỉ chấp nhận mối quan hệ giữa quốc gia bá chủ và các nuớc chư hầu. Theo lối diễn tả tương đối hoa mỹ của ông Kissinger, luật rừng xanh được trình bày như là tư duy về sự phát triển lịch sử. Tổng quát, các nguyên tắc của phương Đông và phương Tây khác nhau - đó là một khái niệm đặc biệt của "Các giá trị Châu Á".
Về mặt lịch sử nó có thực sự đúng không? Ông Duơng Bình lịch sự đưa ra một ví dụ ngược lại. Ở Trung Quốc trong thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, đã có một "Đại hội nghị ngưng chiến" (Big Conference to Cease the Wars) sau chiến tranh giữa các nuớc Tấn (Jin) và Chu. "Đại hội nghị ngưng chiến" (bao gồm hơn một tá các quốc gia) cho ra các hiệp ước hòa bình quốc tế đầu tiên trên thế giới. Nó duy trì hòa bình hơn một trăm năm, trong một vùng có tổng diện tích lớn hơn nhiều so với khu vực nói tiếng Đức. Nó xảy ra trên hai ngàn năm sớm hơn so với các "Hòa ước Westphalia" mà Kissinger đã rất tự hào.
Liệu nó có đúng là trong hơn hai ngàn năm sau "Đại hội nghị ngưng chiến", Trung Quốc chỉ có mối quan hệ giữa quốc gia bá chủ và các nuớc chư hầu, như Kissinger đã viết? Tôi phải nói rằng ông Kissinger không đọc sách và đưa ra những bình luận mù tịt vì không biết lịch sử. Bên cạnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước chư hầu, còn có các mối quan hệ hiệp ước giữa Trung Quốc và các nước láng giềng mà nó vẫn tiếp tục tồn tại trong hơn hai ngàn năm. Người Trung Quốc, dù được giáo dục bởi Đảng Cộng sản TQ, vẫn nhớ hòa uớc nổi tiếng giữa triều đại nhà Đường và Tây Tạng, được khắc vào ba phiến đá dựng nơi công cộng tại ba địa điểm, trong đó có thủ đô Trung Quốc đời nhà Đường là Trường An và thủ đô Tây Tạng là Lhasa. Phiến đá Hòa uớc tại Lhasa (Lhasa Doring) còn tồn tại cho đến ngày nay, và nó được phơi bày cho công chúng tự do xem bất cứ lúc nào, không giới hạn. Có thể nào công chúng được xem hiệp ước viết trên da thú của ông (Kissinger) một cách tự do không?
Bây giờ chúng ta hãy khảo sát lịch sử tư tưởng châu Âu, theo cái nhìn của Henry Kissinger, một lần nữa. Chúng ta không nói về hòa bình tương đối, được duy trì bởi các giới chức tôn giáo, vào thời kỳ Trung Cổ. Có phải châu Âu hòa bình sau Hòa ước Westphalia? Những cuộc chiến bên trong nước Đức chấm dứt. Tuy nhiên, luật rừng xanh vẫn có hiệu lực giữa các quốc gia. Đã có nhiều cuộc chiến nổ ra giữa nuớc Đức và các nước khác. Ngay cả hai cuộc thế chiến trong thế kỷ vừa qua đã được khởi xướng bởi người Đức. Tư duy về luật hiệp ước đã ở đâu? Tốt lắm là nó bằng với Trung Quốc. Bản chất con người thì như nhau. Không có cái gọi là "Các giá trị đặc biệt".
Điều đầu tiên ảnh hưởng đến nền hòa bình giữa những quốc gia là sự phát triển lịch sử. Do bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong nước, cán cân quyền lực giữa các quốc gia sẽ bị phá vỡ. Những nước mạnh hơn sẽ có động lực để vi phạm hòa bình, hầu hết là như vậy cho lý do của chiến tranh. Hoà ước Westphalia có được vì tất cả mọi người đã bị kiệt quệ vì các cuộc chiến tranh, và với việc các quốc gia của họ ở trong tình trạng suy thoái kinh tế, họ đã phải rút lại các động lực gây hấn. Các luật và các hiệp ước chỉ là những cái cớ.
Lý do mà "Đại hội nghị ngưng chiến" đã thành công ở Trung Quốc hơn 2.600 năm trước bởi vì tình trạng cũng tương tự như của thế giới từ thế kỷ trước. Giống như ngày hôm nay, nó tạo ra sếp sòng (overlords), hay cái gọi là "cảnh sát quốc tế" để duy trì trật tự. Nghĩa là, với sự trọng tài tương đối công bằng và với các biện pháp trừng phạt, họ ngăn chặn các cuộc chiến có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Cái gọi là "luật quốc tế" của ngày hôm nay chỉ là như vậy (không răng). Thay vì thực (áp dụng ngay nếu vi phạm), nó phụ thuộc vào sự sẵn sàng đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của những nguời thực thi. Như một vấn đề thực tế, Liên hiệp quốc chỉ là một vật trang trí, tự bản thân không có ý nghĩa thiết thực.
Điều này cũng giống như các luật khác xung quanh chúng ta - nếu không có các biện pháp trừng phạt và những nguời thi hành luật pháp, thì sẽ có không nhiều người thực sự muốn tuân thủ pháp luật. Nếu người phạm tội không bị trừng phạt và thậm chí còn được thưởng các lợi ích, tôi sợ rằng hầu hết mọi người sẽ không tuân thủ pháp luật. Tình trạng hiện nay ở Trung Quốc là một ví dụ (Việt Nam cũng thế - người dịch). Và bây giờ xã hội lớn của quốc tế cũng đang phát triển theo hướng này. Khi những người yếu cổ vũ sự suy giảm của Mỹ, họ đã quên thảm họa đau khổ sẽ như thế nào khi ngôi làng thiếu người cảnh vệ.
Vậy thì sự nảy sinh tư duy xâm lược của các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc đến từ đâu? Đây chính là nét chung của tất cả các chế độ độc tài. Tư duy độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến từ đâu? Chính xác nó đến từ các bạn ở phương Tây. Nó không phải là tư duy của hiệp ước pháp lý truyền thống Trung Quốc.
Nói một cách khác, (khi xưa) tư duy truyền thống của Trung Quốc đặt nặng về các luật lệ và các hiệp ước, trong khi tư duy truyền thống phuơng Tây đặt nặng trên luật rừng xanh. Chỉ khi đi vào thời kỳ hiện đại thì tình trạng mới đảo ngược, khi luật rừng xanh được áp dụng bởi Đảng Cộng sản TQ ở Trung Quốc, trong khi hầu hết các nước phương Tây đi theo những ý tưởng mới của pháp luật và các hiệp ước.
Tại sao phương Tây đã thay đổi tư duy truyền thống của mình? Đó là bởi vì người dân của các quốc gia dân chủ họ yêu chuộng hòa bình, và họ quen thuộc với tư duy tương tự như luật và các hiệp ước. Cho nên, họ thường vấp phải sai lầm, nghĩ rằng những người khác cũng như mình, mà không biết rằng họ có thể khác mình. Đặc biệt, họ không hiểu rằng tư duy của những kẻ bạo nguợc thì không phải là tuân thủ luật và các hiệp ước, nhưng là để bắt nạt với luật rừng xanh.
Những người bạn cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc như ông Henry Kissinger lớn tiếng bênh vực cho những kẻ bạo ngược: họ nói rằng họ muốn “Thao quang dưỡng hối” (Tao yang guang hui) - để ẩn mình chờ thời. Người Mỹ đã không hiểu được ý nghĩa thực sự của thành ngữ Trung Quốc nổi tiếng này, nghĩ rằng nó có nghĩa là đem cất các vũ khí vào trong kho và thả các con ngựa chiến về núi. Trong thực tế, ý nghĩa thực sự của thành ngữ này là: ẩn giấu các mũi tên vào trong túi, giả bộ như hòa bình và chờ đợi cho đến khi đúng thời điểm để tiêu diệt kẻ thù.
Đây là sự khác biệt cơ bản của hai cách tư duy. Ngay bây giờ, bàn tay của Tập Cận Bình đang thò vào mũi tên tẩm độc nằm trong túi của ông ta, ông khao khát muốn bắn thử nó vào các nước láng giềng. Thật vậy, ông không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Không phải ông không thể chờ vì do môi trường quốc tế, nhưng vì do hoàn cảnh bên trong của Trung Quốc. Nếu không có lực lượng hình cảnh quốc tế sẵn sàng đứng ra nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ hòa bình, hòa bình tất nhiên đã bị biến mất.
Bây giờ, chúng ta đã biết ai là kẻ đại nói dối quốc tế đang giúp đỡ (CSTQ) bằng cách cổ vũ sự quỵ luỵ. Nếu họ thực sự là những học giả có đầu óc tỉnh táo, thì họ đang phản bội lại người dân của họ để đổi lấy lợi ích cá nhân. Dĩ nhiên, có một truyền thống khác trong chính trị hiện đại của Mỹ, đó là: những kẻ siêu phản bội là những người được ngưỡng mộ. Truyền thống này đào tạo ra những học giả như vậy, những người nói dối với dân chúng Mỹ, đã trở thành thời thượng.
Myanmar thực hiện thành công cuộc cách mạng Dân chủ từ trên xuống
bauxitevnWed 8:21 AM
Thiện Tùng
Độc tài đối lập với Dân chủ. Độc tài đa dạng như Vua Chúa trị, Gia đình trị, Đảng trị, Quân đội trị. Dân chủ chỉ có một dạng, có khác chăng ở mức độ cao hay thấp, thật hay giả. Dân chủ, Đa nguyên chính trị là khuynh hướng thời đại. Điều đó nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao của Đảng CSVN cũng đã nhận ra và ghi rõ ở điều 25 Hiến pháp hiện hành.
Cùng là thể chế chính trị Độc tài, Myanmar (Miến Điện) bế tắc trong thể chế độc tài Quân đội trị, còn Việt Nam cũng đang bế tắt trong thể chế độc tài Đảng CS trị. Giới cầm quyền Myanmar mạnh dạn, chủ động chuyển đổi từ Độc tài sang Dân chủ một cách êm thấm, còn giới cầm quyền Việt Nam chưa vượt qua được chính mình, không làm được như Myanmar, đang như gà con vướng tóc là do đâu ?
Chuyển đổi thể chế chính trị Độc tài sang Dân chủ có 2 cách: một là “từ trên xuống”, hai là “từ dưới lên”. Thực tế cho thấy, chyển đổi từ trên xuống (tự thân) đều diễn ra êm thấm như các nước Cộng sản Đông Âu hồi thập niên 90 hay Cuba, Myanmar gần đây. Chuyển đổi từ dưới lên khó tránh khỏi “nẹt lửa” giữa dân và nhà cầm quyền như đã và đang diễn ra ở một số nước Trung Cận Đông . Dưới thể chế Độc tài Đảng CS trị như Việt Nam và Trung Quốc, nếu đảng cầm quyền không tự giác chuyển đổi từ trên xuống, sớm muộn gì cũng phải đón nhận chuyển đổi từ dưới lên. Đó là điều bất hạnh đối với dân tộc nói chung, với đảng độc tài nói riêng.
Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein vừa chúc mừng đảng ̣đối lập của bà Aung San Suu Kyi thắng lợi trong kỳ bầu cử vừa qua (90% phiếu sơ bộ).
Qua vụ bầu cử dân chủ ở Myanmar, có không ít người ước ao “Việt Nam cần một Aung San Suu Kyi để chuyển đổi thể chế chính trị từ Độc tài sang Dân chủ một cách êmthấm”.Ước ao như thế là phủ nhận thực tế: Hãy kiểm lại xem, ở Việt Nam ta, nhiều năm qua, đã và đang có quá nhiều người như bà San Suu Kyi, họ đấu tranh bất bạo động không biết mệt mõi, không chỉ bị quản thúc tại gia như bà San Suu Kyi, mà bị “Đảng ta” hành hạ và cầm tù vì cái tội yêu cầu chuyển đổi thể chế Độc tài sang Dân chủ.
Myanmar chuyển đổi thể chế Độc tài sang Dân chủ êm thắm, cái chính không phải do bà San Suu Kyi mà do trong bộ máy Độc tài Quân đội trị còn có những người cao thượng, với tinh thần độc lập tự chủ, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cục bộ, cá nhân cho lợi ích cộng đồng dân tộc Myanmar, nổi trội là Tổng thống Thein Sein. Vậy là ở VN đã có nhiều tổ chức Xã hội Dân sự chưa được nhà cầm quyền công nhận (chỉ mặc nhận) và lắm người như bà San Suu Kyi, chỉ cần trong Đảng cầm quyền có những người cao thượng... như Tổng thống Thein Sein thì việc chuyển đổi từ thể chế Độc tài Đảng trị sang thể chế Dân chủ dễ như trở bàn tay? Rất tiếc ở Việt Nam ta, trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng cầm quyền chưa có người ngang tầm Thein Sein!
Dân chủ, đa nguyên chính trị là thể chế ưu việt mà nhân loại đang áp dụng và ngưỡng mộ. Việt nam không thể giữ mãi thể chế chính trị độc tài lỗi thời, sớm muộn gì tất yếu phải chuyển sang thể chế Dân chủ Đa nguyên. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam chuyển đổi theo hình thức từ trên xuống hay từ dưới lên?Chỉ có thể chọn một trong hai. Nếu chọn hình thức chuyển đổi từ trên xuống, đòi hỏi phải có ít nhất một người có vị thế trong Đảng CSVN mạnh dạn “thoát Trung”, dám nghĩ dám làm như tướng Thein Sein. Sức chịu đựng của con người bao giờ cũng có giời hạn, nếu chờ mãi “Đảng ta” không chịu chuyển đổi từ trên xuống, người dân phải dùng áp lực hay bạo lực chính trị chuyển đổi từ dưới lên. Như đã nói, chuyển từ dưới lên là việc cực chẳng đã, có thể dẫn đến bất hạnh không chỉ đối với người dân mà còn đối với cả Đảng cầm quyền.
Bà Aung San Suu Kyi đàm thoại với ông Tập Cận Bình
Khi có tin Myanmar tổ chức bầu cử, thiết lập thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên, công chúng tỏ ra mừng vui, và mong Việt Nam ta sớm có thể chế Dân chủ như ở Myanmar. Ước mơ là quyền con người phải được tôn trọng, nhưng sao tôi cảm thấy xót lòng, vì ước mơ ấy dù chính đáng đến đâu cũng khó trở thành hiện thực. Bởi vì, Đảng CS VN chưa hẳn chịu “thoát Trung”, vẫn khòm khòm bám lấy Đảng CSTQ làm lưng dựa để tiếp tục giữ địa vị thống trị của mình. Ở đây đó trong hàng ngũ lãnh đạo “Đảng ta” còn có người thiển cận, hẹp hòi, cục bộ cho rằng “thà mất nước còn hơn mất Đảng”. Lãnh đạo “Đảng ta” còn mùi mẫn hứa hẹn với “đồng chí phương Bắc” của mình: giữ chặt mối quan hệ song phương, vì “đại cục”, thực hiện 4 tốt và 16 chữ vàng. Và, ngoài việc cơ cấu con em của mình “nối ngôi”, Đảng CSVN còn tiếp tục gởi người sang Trung Quốc đào tạo để “nối nghiệp” những viên Thái thú Tàu vốn có trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam.
Con người khi mất hết hy vọng mang tâm lý hết muốn sống. Tại sao những người thất nghiệp, nghèo khó lại là những người vét tiền mua vé số? Họ mua hy vọng trúng số ấy mà. Cũng như, vì quá khổ với nạn Độc tài, khi thấy thể chế Dân chủ xuất hiện ở Myanmar người ta vẫn hy vọng, dầu đó chỉ là mơ ước xa vời.
"Nhà nước đang nuôi báo cô nhiều công chức, viên chức"
bauxitevnWed 8:20 AM
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng như vậy khi trao đổi với báo chí về năng lực công chức, viên chức.
Theo kế hoạch dự kiến, Nhà nước sẽ tinh giản biên chế trên 296 nghìn cán bộ công chức, viên chức (tức là chiếm khoảng 10%) trong giai đoạn 2015 – 2021.
Tuy nhiên, vấn đề nhiều Đại biểu Quốc hội lo ngại hiện nay là liệu có chuyện “giảm chỗ nọ, phình chỗ kia” hay không? Thậm chí, đã có ý kiến chỉ ra rằng, số lượng cán bộ công chức, viên chức ăn lương nhà nước không những không giảm mà còn tăng lên thời gian qua, và các ngành đều có lý do chính đáng.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng rằng, không thể cào bằng như hiện nay mà phải tính lại cho đúng với năng lực thực tế của từng vị trí công việc. Nếu không làm được thì động lực phát triển trong bộ máy nhà nước bị triệt tiêu, đến một lúc nào đó người có năng lực sẽ chán và buông xuôi.
“Hiện nay, trong bộ máy nhà nước đang trả lương cho một bộ phận không làm gì, tức là nuôi báo cô. Nhưng đồng thời, chúng ta có tội với những người làm việc bằng 5 người khác đang làm”, ông Quyền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) nói thẳng, Nhà nước đang nuôi báo cô rất nhiều công chức, viên chức. ảnh: Ngọc Quang.
Theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, muốn giảm biên chế hiệu quả phải đặt vấn đề trên tổng thể toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ ở bộ máy hành chính của nhà nước.
“Chúng ta đang cải cách bằng cách định biên, tức là làm rõ mỗi vị trí công tác thì công việc như thế nào? Trong một số ngành, tôi thấy đã định biên được, nhưng nhìn chung thì chưa định biên được nên dẫn đến giảm biên chế rất khó khăn.
Hơn thế nữa theo quy trình hiện nay, tinh giảm biên chế không dễ dàng một chút nào cả. Người ta vẫn làm việc, bây giờ, hiệu quả đánh giá năng suất lao động như thế nào, những tiêu chí, người có thẩm quyền, cách thức thực hiện ra sao, trình tự thủ tục vẫn rất mơ hồ”, ông Quyền nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, việc phình biên chế trong cơ quan nhà nước trong nhiều trường hợp còn do ý chí chủ quan của người đứng đầu đơn vị.
Ông Quyền nêu thí dụ: “Tôi đã từng làm Vụ trưởng, lúc đó, tôi bảo chỉ cần 2 vụ phó thôi, nhưng thủ trưởng tôi bảo, không, anh phải cần 4 vụ phó.
Tôi chưa cần lấy thêm người thì ông thủ trưởng bảo cần lấy thêm người. Tức là người đứng đầu một đơn vị cũng không có thẩm quyền về biên chế, cán bộ.
Tính tự chủ đi đôi với tính tự chịu trách nhiệm, bởi vì người ta không tự chủ nên tính tự chịu trách nhiệm cũng yếu đi. Muốn tinh giản bộ máy Nhà nước hiện nay để lương cải thiện thì có quá nhiều việc phải làm và phải có bàn tay nào đó rất mạnh mẽ”.
Ông Nguyễn Đình Quyền cũng khẳng định, qua kinh nghiệm làm việc ở những cơ quan mà ông từng làm quản lý thì có thểm giảm được tới 40% cán bộ công chức, viên chức.
Ông Quyền dẫn chứng: “Có lần tôi đã từng nói, nếu tôi làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi có thể thải được 40% cán bộ, công chức ra khỏi bộ máy. Nếu cho phép tôi toàn quyền.
Thực tế ở các vụ chuyên môn 1 người có thể làm việc bằng ít nhất 3 người, thậm chí có thể làm bằng 5 người. Một anh vụ phó dư sức làm việc của hai anh vụ phó và 3 anh chuyên viên cộng lại, nhưng không có cơ chế gì khuyến khích, thậm chí có khi làm càng nhiều lại càng phải va chạm. Đến lúc bỏ phiếu bình bầu thì có khi mất phiếu.
Do đó, quan trọng nhất hiện nay là phải tính được định biên, và đặc biệt phải giao quyền tự chủ cho người đứng đầu. Người ta đã ở trong bộ máy nhà nước lâu rồi, bây giờ nói sa thải rất khó. Cơ chế thải bằng cách nào là cả một vấn đề, chúng ta phải tính đến hậu quả pháp lý của vấn đề đó”.
Từ câu chuyện sử dụng cán bộ, ông Nguyễn Đình Quyền cũng chỉ ra sự bất cập trong cách tính lương của hệ thống cơ quan nhà nước.
“Thí dụ, tôi nói những doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế như dầu khí, điện lực, tại sao lương lại mấy chục triệu như vậy? Địa tô chênh lệch đó không phải do anh ta tạo nên mà do cán bộ nhà nước và do ngân sách nhà nước đầu tư cho anh tạo nên.
Ở các tập đoàn kinh tế, cán bộ công chức được nhà nước bỏ tiền ra đào tạo, ngân sách nhà nước bỏ tiền ra để làm các thủy điện, nhiệt điện hàng nghìn tỷ... Khi bắt đầu kinh doanh anh đã tạo ra địa tô chênh lệch 1, chênh lệch 2 thì ngành anh hưởng, cái đó là vô cùng bất hợp lý.
Hai người, một người vào bộ máy nhà nước thì hưởng lương như lương thứ trưởng của tôi hiện nay là khoảng 14 triệu đồng, một người tài năng chưa chắc hơn ai vào tập đoàn đó thì được hưởng lương 50 - 70 triệu đồng. Như thế hoạch định lương kiểu gì? Thế mà nó vẫn diễn ra”.
Có một vấn đề rất thời sự đó các cơ sở giáo dục, y tế đã được nhà nước đầu tư rất lớn nhưng thực tế người dân vẫn phải trả phí rất cao. Câu chuyện xã hội hóa đã được nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập là tại sao luôn nói “xã hội hóa” mà không phải “tư nhân hóa”? Nếu tư nhân làm tốt thì nhà nước cũng cần khuyến khích tạo điều kiện, nhưng cơ chế chính sách hoàn toàn khác với “xã hội hóa”.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, trong dịch vụ lợi ích công của Việt Nam hiện giờ là thiếu minh bạch nhất, mà việc này sẽ tạo ra lợi ích nhóm.
“Sẽ có một nhóm hưởng lợi từ cái thiếu minh bạch đó. Cho nên, trong dịch vụ công đó phải tính đúng, tính đủ nhưng phải trên cơ sở tính minh bạch chứ không phải một nhóm người tạo ra định suất rồi áp vào người dân.
Ở đây, cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt cho từng định suất đó và phải tính trên mặt bằng trung bình của xã hội chấp nhận được.
Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch được thì đồng vốn của Nhà nước chi phí vào dịch vụ công đó sẽ minh bạch.
Thứ hai là công lao của đơn vị dịch vụ công đó và thứ ba là sự đóng góp của người dân. Ba thứ đó, mới tạo ra được dịch vụ công tránh được thất thoát, lợi ích nhóm”, ông Quyền phân tích.
Ngày chủ nhật 8/11 vừa qua, thế giới đã chứng kiến cuộc bầu cử lịch sử ở Miến Điện với sự tham gia tự do của 92 chính đảng. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập do bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi áp đảo.
Người Việt Nam vui mừng cho nước bạn nhưng lại ngơ ngác nhìn nhau: bao giờ cho đến Việt Nam? Lại thêm một quốc gia Đông Nam Á bứt đi và bỏ lại Việt Nam phía sau. Mừng cho bạn và tủi cho mình.
'Việt Nam khác Miến Điện'
Một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã tổ chức đi Miến Điện để học hỏi. Tuy nhiên, nhà cầm quyền dùng tiền thuế của dân để nuôi hẳn một đội ngũ “giáo sư, tiến sỹ” chuyên nghiên cứu phong trào dân chủ các nước để đề ra cách đối phó. Học được cách nào thì nhà cầm quyền có đối sách đó.
Một số ví dụ cụ thể, giới lãnh đạo đảng cộng sản sẽ diệt ngay từ trong trứng nước bất kì đảng phái nào xuất hiện chứ không để lớn mạnh đông người như đảng NLD.
Họ cũng sẽ không để cho bất kỳ ai trở thành một gương mặt lãnh tụ như Aung San Suu Kyi. Những ai có tiềm năng trở thành lãnh tụ của phong trào dân chủ sẽ không thể tự do ở trong nước mà chỉ có một con đường là bị trục xuất.
Các tổ chức xã hội dân sự không thuộc chính quyền thì sẽ bị cài người đánh phá, chia rẽ, trấn áp, sao cho mỗi tổ chức chỉ làng nhàng vài người không đáng kể.
Kể qua một số ví dụ để thấy rằng, mục tiêu chiến lược của phong trào dân chủ nước nào cũng giống nhau, nhưng sách lược ở từng nước sẽ phải khác nhau tùy vào hoàn cảnh mỗi nước. Học hỏi Miến Điện là tốt nhưng phải hiểu hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thì mới có thể thành công.
Chính trị nền tảng
Có người chê giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam kém. Nhưng hãy thử nhìn xem hơn một tỷ dân Trung Quốc vẫn đang bị kìm kẹp bởi Trung Cộng. Tiềm lực của phong trào dân chủ trong giới Hoa kiều, rồi Đài Loan, Hồng Kông rất lớn nhưng vẫn chưa thành công.
Nói vậy không phải để nhìn vào Trung Quốc rồi tự ti, mà phải nhìn vào Miến Điện để tự tin. Tự tin rằng bánh xe lịch sử sẽ đi tới. Tự tin rằng dân chủ hóa là xu thế không thể đảo ngược của thời đại.
Ở đây, tôi muốn trình bày những bài học mà tôi rút ra được từ sự thành công của Miến Điện và xa hơn một chút là Nam Phi.
Vấn đề không phải là chỉ trích, bắt bẻ hay dạy đời ai mà cần tập trung nỗ lực vào mục đích chung với một chiến lược tổng thể nhất quán để có thể đi đường dài, thậm chí lên đến hàng mấy chục năm như đảng NLD.
Bài học quan trọng nhất là Miến Điện, Nam Phi đã đi vào chính trị nền tảng: đó là tranh đấu trên tinh thần phối hợp cho quyền làm chủ của người dân phải được hiện thực và bình đẳng một cách cụ thể qua hiến pháp. Đó là mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trên “con đường dài đến tự do” (tên hồi ký của Nelson Mandela).
Quyền làm chủ hiện thực, bình đẳng qua hiến pháp
Trong bài khảo luận vinh danh cha mình, tướng Aung San, vào năm 1989, Aung San Suu Kyi đã viết: “Ở mức cơ bản nhất và trực tiếp nhất, dân chủ tự do có nghĩa là, về mặt hiến chế, một chính quyền mang tính đại diện, được bổ nhiệm dựa trên những điều kiện do hiến pháp quy định, thông qua những cuộc tuyển cử tự do và công bằng”.
Trong cuộc trò chuyện với Bill Richardson, nghị sĩ đảng Dân Chủ Mỹ ngày 14/2/1994, Aung San Suu Kyi đã tuyên bố: “Khi chúng tôi xây dựng một nền dân chủ, chúng tôi muốn thấy một nền dân chủ dựa trên những nguyên tắc vững bền, chứ không phải dựa trên bất kỳ nhân cách nào”.
Điều đó có nghĩa là nền dân chủ phải được dựa trên “những nguyên tắc vững bền” được minh định rõ trong bản hiến pháp chuẩn mực của toàn dân chứ không thể dựa vào một cá nhân lãnh tụ nào, hoặc hi vọng vào một đảng mới thay thế sẽ tốt hơn.
Aung San Suu Kyi vẫn thường nói: “trung thành với các nguyên tắc còn quan trọng hơn cả việc trung thành với cá nhân”.
Do đó, chúng ta cũng có thể biết rằng mục tiêu quan trọng nhất của NLD thời gian tới vẫn là sửa đổi lại bản hiến pháp để nó trở nên công bằng, vì có công bằng mới “vững bền”. Đó chính là lực lượng vũ trang phải phi chính trị, phục vụ cho chính quyền dân cử, và không có quyền tự bổ nhiệm 25% đại biểu quốc hội và một số vị trí bộ trưởng.
Tinh thần hợp tác
Suốt cả đời đấu tranh, Aung San Suu Kyi đã luôn bày tỏ thiện chí đối thoại với các tướng lãnh quân đội. Bà thường có những lời lẽ tôn trọng với họ, khẳng định rằng bà không bao giờ báo thù những đau khổ mà họ đã gây cho người dân nói chung và với gia đình bà nói riêng.
Aung San Suu Kyi đã luôn nhắc nhở thành phần đối lập rằng chớ có đưa ra những phát biểu có tính chất phỉ báng các lực lượng vũ trang, “bởi có một sự khác biệt giữa các lực lượng vũ trang và những kẻ đang lạm dụng sức mạnh của các lực lượng vũ trang…”
Cuối cùng, thiện chí của bà đã giành được sự tin tưởng của các tướng lãnh. Họ đã bắt tay với bà để cùng nhau đưa cả dân tộc đi tới.
Tương tự như vậy ở Việt Nam, chúng ta cũng cần hiểu rằng bản thân các đảng viên cộng sản cũng bị mắc kẹt trong chính hệ thống độc đảng phản dân chủ do các thế hệ cộng sản tiền bối đã tạo ra.
Các đảng viên không có quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử cả với chức vụ nhà nước cũng như chức vụ đảng. Ngoài ra họ còn bị kìm kẹp bởi 19 điều đảng viên không được làm. Nghĩa là tự do của họ còn bị giới hạn nặng nề hơn cả dân thường.
Chính vì vậy, cuộc cách mạng dân chủ sắp tới cần phải giải phóng cho cả những người cộng sản. Công cuộc phối hợp cải tổ cần sự hợp tác giữa từng người dân, từng tổ chức, và chào đón cả các đảng viên cộng sản.
Một lực lượng rộng lớn vì một mục tiêu chiến lược chung như vậy mới có thể hiện thực hóa được quyền làm chủ của người dân, giành được sự ủng hộ của quốc tế.
Nói như Aung San Suu Kyi: “Chúng ta cần phải làm việc gắn bó với hết thảy những ai đang cố sức vì dân chủ. Tôi không có ý nói đến thái độ hợp tác nửa vời - chúng ta cần làm việc chung với nhau bằng trọn trái tim và tâm hồn.”
Để làm được như vậy cần có tinh thần bao dung chính trị và kiên nhẫn rất lớn, nhất là từ phía những người bị áp bức, để cho cả dân tộc cùng tiến lên, cả đảng cộng sản cũng tiến lên để trở thành một chính đảng dân chủ.
Cần hiểu rằng ở Việt Nam hiện tại, chống đối, thù hận thì gây rắc rối trước hết cho bản thân. Còn đứng riêng rẽ một mình một nhóm nghĩa là không có khả năng phối hợp, không có chiến lược khả thi.
Độc lập tự chủ
Việt Nam hiện nay cũng như Miến Điện trước kia, là một quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc từ kinh tế đến chính trị. Nhu cầu độc lập, tự chủ đang là một nhu cầu thiết yếu của đất nước. Nếu không độc lập, tự chủ thì bao nhiêu máu xương của ông cha, kể cả máu xương các chiến sỹ cộng sản chống lại chế độ thực dân trở thành vô nghĩa.
Thế nhưng, đất nước không thể gọi là độc lập, tự chủ khi nhà nước lại lệ thuộc vào chỉ một tổ chức chính trị, nhà nước trở thành công cụ cho một đảng chính trị.
Một quốc gia không thể có độc lập, tự chủ khi từng người dân còn chưa có quyền làm chủ của mình, căn bản nhất là quyền quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia qua trưng cầu dân ý, quyền phúc quyết hiến pháp, quyền tự do ứng cử bầu cử, quyền sở hữu đất đai, tài sản của mình.
Nói như bà Aung San Suu Kyi trên tạp chí Times ngày 29/8/1988 thì “một hệ thống chính trị mà phủ nhận quyền được hưởng các quyền tự do cá nhân của nhân dân tức là đi ngược lại với lý tưởng độc lập”.
Chính bản thân Hồ Chí Minh cũng nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”.
Các tướng lãnh Miến Điện hiểu rất rõ điều trên nên để “thoát Trung”, họ không có con đường nào khác là trao quyền làm chủ lại cho nhân dân để đất nước được “độc lập, tự chủ”.
Họ đã từ chối ngõ cụt “độc đảng, tự mãn” mà điểm cuối là đất nước lệ thuộc vào ngoại bang, lãnh thổ bị xâm lược, kinh tế kiệt quệ.
Bà Aung San Suu Kyi có “sức mạnh mềm” là lòng bao dung, trí tuệ, kiên nhẫn và một mục tiêu chính nghĩa. Các tướng lãnh có “sức mạnh cứng” là súng đạn, nhà tù. Nhưng cuối cùng họ phải nhờ đến “sức mạnh mềm” của bà để kết nối ra thế giới văn minh và “thoát Trung”.
Kết luận
Tôi muốn dành đoạn này trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hòa bình 1991 cho bà Aung San Suu Kyi do con trai bà đọc để gửi đến các vị lãnh đạo đảng Cộng sản:
“Trong thâm tâm của những kẻ đương quyền giờ đây ở Rangoon cũng biết rõ rằng số phận sau cùng của họ cũng sẽ như tất cả các chế độ độc tài khác muốn áp đặt quyền hành của mình thông qua nỗi sợ hãi, đàn áp và căm thù… cuối cùng, thông qua sự bất lực hoàn toàn về mặt kinh tế, chế độ hiện tại rồi sẽ tiêu vong.”
Và tôi muốn gửi đoạn này trong bài diễn văn của Aung San Suu Kyi ngày 3/12/1988 đến các bạn bè tôi trong phong trào dân chủ: “Nếu các bạn hỏi chúng ta sẽ giành được dân chủ hay không, sẽ có tổng tuyển cử hay chăng, thì đây tôi sẽ trả lời như thế này: Đừng nghĩ những điều này sẽ xảy đến hay không. Chỉ cần tiếp tục làm những gì mà bạn đang tin là đúng, Sau này kết quả của những gì bạn đang làm sẽ trở nên rành rành trước mắt chúng ta thôi. Trách nhiệm của chúng ta là làm điều xứng đáng.”
Và tôi cũng dành đoạn kết này cho Nhân Dân Việt Nam bằng lời khẳng định của Aung San Suu Kyi đăng trên tờ The Independent ngày 12/9/1988: “Câu hỏi thứ ba người ta cũng thường hay hỏi tôi là tôi có tin rằng phong trào vì dân chủ của nhân dân sẽ thành công hay không. Câu trả lời dứt khoát là CÓ. Trái với tiên đoán của những người hoàn toàn chẳng biết gì hết về tâm trạng của Miến Điện ngày nay, tôi tin rằng nhân dân không chỉ giành được dân chủ, mà họ còn sẽ có thể làm cho đất nước tươi đẹp hơn.”
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một cựu tù nhân lương tâm hiện đang sống tại Sài Gòn.