Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Nam Phương Hoàng Hậu - Người Công Giáo Yêu Nước

Nam Phương Hoàng Hậu - Người Công Giáo Yêu Nước

Trong lịch sử cận đại của Việt Nam, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn được báo chí nhắc đến nhiều, đó chính là Nam Phương Hoàng hậu của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng là người Công giáo yêu nước. 

Bà là Nguyễn Hữu Thị Lan sinh ngày 14-12-1914 tại Kính Hòa, Gò Công trong một gia đình Công giáo là ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Tên thánh lúc Rửa tội là Marie- Therese. Ông ngoại của bà chính là Lê Phát Đạt- một đại gia có tiếng giàu có của đất Nam Kỳ thường gọi là Huyện Sĩ qua câu ca:

“ Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”. 

Chính ông Huyện Sĩ đã công đức để xây nhà thờ mang tên ông gần nhà thương Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Năm 1926, bà được gửi qua Pháp để học tại trường trung học Couvent des Oiseaux ở Paris. Trường này do các nữ tu Công giáo dòng Đức Bà điều hành. Tháng 9-1932, bà nghỉ hè về Việt Nam trên tàu D’Artagnan và vô tình gặp vua Bảo Đại cùng đi trên tàu. Sắc đẹp của bà đã gây ấn tượng nơi vị vua trẻ. Vì vậy, sau đó, với sự sắp xếp của vài quan chức Pháp, bà đã chính thức gặp vua Bảo Đại tại Đà Lạt. Họ tiến đến hôn nhân nhưng có một trở ngại về lý do tôn giáo vì vua Bảo Đại theo Phật giáo và không thể trở lại đạo Công giáo. Ông Huyện Sĩ đã xin Tòa thánh Rôma và Tòa thánh đã chấp nhận sự thành hôn của cặp hôn nhân khác đạo này trước cả tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican 2 gần 30 năm. Cho nên dân gian lúc đó ở Huế đã có câu ca:
Quý hồ chàng có lòng thương
Amen mặc thiếp, khói hương mặc chàng

Lễ cưới của họ thật trọng thể được diễn ra ngày 20-3-1934. Khi đó vua Bảo Đại 21 tuổi, còn bà vừa tròn 20 tuổi . Mặc dù có nhiều người can ngăn khi Bảo Đại dự định đặt bà là Hoàng hậu vì sẽ bị mất ngôi hoàng đế theo lời tướng số. Bởi các vua trước chỉ phong 12 hoàng hậu khi họ đã chết. Vua Bảo Đại bất chấp, vẫn đặt bà là Nam Phương Hoàng hậu. Vua Bảo Đại đã viết những lời ca tụng bà: “ Cũng như tôi, Marie Theresa rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam đoan chính, trời phú. Do vậy, tôi đã chọn từ hướng nam là Nam Phương để đặt danh hiệu này. Các vị tiên đế của tôi thường hướng về người đàn bà miền nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước hoàng hậu Nam Phương có đến 7 phụ nữ miền Nam từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế”.

Từ khi bà trở thành Nam Phương Hoàng hậu, người ta thấy bà thường sánh đôi với vua Bảo Đại trong các dịp tiếp khách ngoại giao. Đây là điều trước đây chưa có tiền lệ. Bà đi thăm các trường học ở nhiều nơi và đề nghị đưa môn nữ công gia chánh vào trường trung học. Bà là người có sắc đẹp rất Á Đông trời phú nên đã ba lần đoạt giải Hoa hậu Đông Dương. Ảnh của bà được các nhật báo quốc tế như tờ Le Mond in trang trọng. Năm 1950, ảnh của bà được phát hành trong tem thư (ảnh trên). Báo chí mô tả bà là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, có nụ cười như Mona Lisa, gương mặt đẹp nhưng thánh thiện, không kiêu căng, kín đáo nhưng không e thẹn, thân thiện nhưng không quá suồng sã…

Ngày 4-1-1936, 7 loạt súng thần công nổ vang báo tin bà Nam Phương đã sinh hoàng tử đầu lòng. Đó là thái tử Bảo Long. Tiếp đó, bà còn sinh ba con gái là Phương Mai (1937), Phương Liên (1938), Phương Dung (1941) và con trai út Bảo Thắng (1943).

Năm 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị, bà dời về cung An Định. Sống ở bậc vương giả nhưng bà luôn đau đáu với tình cảnh đất nước. Trước âm mưu của thực dân Pháp, bà đã viết thư cho bạn bè ở Pháp tố cáo:

“ Kể từ tháng 3-1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, nhưng vì lòng tham của thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay nên lửa chiến tranh trên đất nước của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục cháy ở mảnh đất vốn đã quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng minh mà nước Pháp là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh ngày đêm đang tàn phá đất nước tôi”(1).

Bà đúng là người phụ nữ Công giáo yêu nước. Năm 1946, trong Tuần lễ vàng, khi Giám mục Hồ Ngọc Cẩn ủng hộ cả dây chuyền vàng cho Chính phủ Hồ Chí Minh thì người ta thấy bà cũng đem tư trang ủng hộ cách mạng. Báo chí lúc đó đã mô tả:

“Ngay trong ngày khai mạc, bà Nam Phương đã ăn mặc chỉnh tề, quần áo dài, khăn vành màu vàng, cổ đeo kiềng vàng, tai đeo bông vàng, còn hai cổ tay lại đeo hai xuyến vàng, 10 ngón tay đeo 10 chiếc nhẫn vàng. Một chiếc bàn lớn trải khăn đỏ để sẵn, bà Nam Phương đi tới và từ từ cởi bỏ hết đồ trang sức trên cố trên tay của mình rồi đặt lên bàn ủng hộ cách mạng” (2).

Tết năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi biếu bà 10 ngàn đồng tiêu Tết, nhờ Chủ tịch Ủy ban hành chính Huế chuyển giúp. Bà rất cảm động nhưng bà đã chuyển ngay số tiền đó cho Cô nhi viện ở Huế để giúp các trẻ em mồ côi trong đó. Năm 1947, bà Nam Phương lặng lẽ rời khỏi Việt Nam qua sống ở Pháp trong một căn hộ ở Chabrique. Vì cựu hoàng đế Bảo Đại vẫn đi lại, trăng gió với người phụ nữ khác khi ra Hà Nội năm 1946, nên bà đã ly thân với Bảo Đại. Nhưng bà vẫn gửi thư cho người phụ nữ mang tên Lý Lệ Hà, vốn là hoa khôi xứ Bắc, quê Hải Phòng với lời lẽ rất lịch sự. Lá thư này viết bằng tiếng Pháp, vẫn được bà Lý Lệ Hà lưu giữ, trân trọng. Bức thư có đoạn: “ Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trường nhưng chị biết rằng em hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng đế ở Hồng Công. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông cựu hoàng. Đức Từ cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ thương em” (3). Cựu hoàng qua sống ở Pháp. Sau đó kết hôn với một phụ nữ Pháp tên là Monique Bantot, kém ông 30 tuổi. Ông trở lại đạo Công giáo với tên thánh là Jean Robert. Khi công chúa Phương Liên kết hôn với một người Pháp, Bảo Đại có về gặp bà, dự đám cưới. Bà sống cô đơn, lặng lẽ cho đến cuối đời.

Bà ra đi nhẹ nhàng khi tuổi còn rất trẻ, mới có 49 xuân xanh. Không có ai thân thích bên cạnh. Ngày tang lễ, cả 5 con của bà cùng có mặt. Bà từng ước mong được chôn cất tại quê hương nhưng do chưa có điều kiện nên mộ phần của bà hiện vẫn đặt tại nghĩa trang làng Chabrignac, miền nam nước Pháp. Đây là khu đất của bá tước De la Bosse , có vợ chính là công chúa Như Lý- con gái vua Hàm Nghi, vốn là cô của Bảo Đại. Năm 2013, nhân 100 năm ngày sinh và 50 năm ngày mất của bà, Hội Truyền giáo MEP ở Paris đã cùng người thân tổ chức trọng thể lễ cầu nguyện cho bà.

TS. Phạm Huy Thông

Chú thích:

1,3 -Theo Lý Nhân Phan Thứ Lang: Vua Bảo Đại- vua cuối cùng của triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng 2004.2- Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012, tr.149

[Thơ]-THU... & MƯA ...

THU... & MƯA ...




Thu vừa thức giấc tỉnh cơn say
Thu đã ươm mơ rắc mộng dầy
Thu nhả tơ hồng vương lối cỏ
Thu tràn sắc thắm rạng làn mây
Thu trao ước hẹn khơi niềm nhớ
Thu lỗi lời thề thoảng gió bay
Thu nặng tình ai buông lệ tủi?
Thu buồn man mác lá rơi đầy.
Marielle
12. 09. 2014



MƯA ...

Mưa ơi hãy xuống mát hồn say
Mưa đến xua tan nắng hạn dầy
Mưa ướp trần gian tươi sắc thắm
Mưa hòa cõi thế đẹp chân mây 
Mưa cho Cố Quốc đau tan biến
Mưa để Quê Hương khổ sẽ bay
Mưa xóa mau đi hòng bớt tủi
Mưa ơn cứu chuộc kẻ lưu đầy

Trầm Hương Thơ
16.09.2014

NGÔ ĐÌNH DIỆM: MỘT CON NGƯỜI LỊCH SỬ

NGÔ ĐÌNH DIỆM: MỘT CON NGƯỜI LỊCH SỬ

(Ngô Đình Diệm thực không giống như chúng ta đọc trong sách của một phía. Em đã gặp những nhà trí thức của "phía bên kia", và biết thêm về ông như một chí sĩ yêu nước. Ông rất đẹp phải không? Nhìn cái cách ông bắt tay tiếp đón người Mỹ mà thấy ông là người có tính nhân văn cao. Tìm hiểu về ông cũng là điều đáng làm, vì cuộc đời ông gắn liền với lịch sử VN. Mời bạn đọc bài viết rất hay cua linh mục Vĩnh Sang, nguyên văn đầu đề là "Một Con Người Lịch Sử".)

Hôm qua, một người bạn nhắc tôi đi thăm mộ Cụ Ngô Đình Diệm, tôi chợt nhớ đã gần đến ngày giỗ của Cụ, nhanh thật, 52 năm rồi, từ năm 1963 xa tắp đến bây giờ, thời gian qua nhanh, nhiều thay đổi, thời gian quá dài đủ để trắng đen tỏ bày trong lịch sử công minh.

Nhớ những năm xưa, hai ngôi mộ lạnh lùng trong nghĩa trang rộng mênh mông giữa lòng thành phố, người ta còn bảo tên khắc trên mộ không đúng như vậy, dưới phần mộ Huynh là Đệ, dưới phần mộ Đệ là Huynh ! Chết rồi vẫn chưa yên mồ mả, hận thù và gian ác thật khủng khiếp. Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi “ban” cho thành phố một khoảng trời thinh lặng, nhẹ nhàng mênh mang và sâu lắng, bầu khí nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi mang lại cho con người khung trời sống hồi tâm. Tuổi trẻ Sàigòn chúng tôi vẫn tìm đến mỗi khi mỏi mệt với những quay cuồng của thế sự, suy ngẫm và trải lòng cùng cỏ cây mây gió, cảm giác nhẹ nhàng và bình an sau những giây phút dạo chơi trên con đường già nua giữa nghĩa trang im ắng, lá vàng không ngừng rơi rụng dưới những bước chân lạnh lùng.

Năm mươi hai năm qua rồi, thời gian đủ để phơi bày khá nhiều sự, lịch sử nhân loại cũng như lịch sử đất nước này đảo lộn nhanh đến chóng mặt, nhiều điều bất ngờ nhưng cũng có nhiều điều tất yếu, chẳng cần bàn đến chuyện công-tội, đã có lịch sử làm rõ cuộc đời. Nhớ đến Cụ trong ngày giỗ sắp tới, những điều rút ra được cho bài học làm người nhất là làm người Kitô hữu thật cần thiết cho mỗi người chúng ta, bậc tiến bối cũng như kẻ hậu sinh.

Con người có nhân cách

Nhiều tài liệu dần dần được bạch hóa, xóa vĩnh viễn nhưng câu chuyện đàm tiếu, đơm đặt, vu khống một cách thô lỗ về con người Ngô Đình Diệm. Từ cách ăn mặc, cách tiếp xúc, cách ứng xử với người thân trong gia đình, với người cộng tác, đến chương trình sống và làm việc mỗi ngày của Cụ, tất cả cho chúng ta thấy Cụ là một con người có nhân cách.

Những câu chuyện dựng đứng về đời tư của Cụ chỉ cần 50 năm thôi đã trở thành những trò hoàn toàn bịa đặt một cách độc ác và hèn hạ. Cho đến nay, không một tài liệu nào có thể dẫn chứng về bất kỳ một mối quan hệ bất xứng nào của Cụ với người khác. Với cô em dâu, bà Ngô Đình Nhu, hơn 50 năm sống âm thầm im lặng không một điều tiếng, bà mất đi mang theo những hình ảnh thật đẹp về con người Bà và về người anh đáng kính của chồng Bà. Thời gian thật nhiệm mầu.

Cái cách của Cụ Diệm đã sống, yêu thương và bao bọc mọi người, lấy sự sống phồn thịnh của người dân làm mục đích, lấy sự độc lập của dân tộc làm kim chỉ nam, lấy sự bình an và mạng sống của nhiều người làm tôn chỉ, và nhất là những quyết định của Cụ trong những giờ phút cuối đời để không phải đổ máu nhiều người, càng làm nổi bật những nét nhân cách này.

Con người có đạo đức

Tài liệu để lại về Cụ cho thấy rõ Cụ là con người rất đạo đức, những tấm ảnh chụp mỗi sáng Cụ vào Nhà Nguyện để dâng Thánh Lễ và quỳ cầu nguyện lâu giờ như một thầy tu. Những lần xuất ngoại công tác, Cụ không ở trong nhà khách với các tiện nghi sang trọng dành cho quốc khách, Cụ tạm trú trong một Tu Viện gần nơi làm việc, vẫn tiếp tục dành giờ để cầu nguyện riêng trong bầu khí thánh thiêng.

Trong ngày cuối cùng của cuộc đời nhân thế, nơi Cụ chọn để tạm trú lại cũng là một ngôi Nhà Thờ, Nhà Thờ Cha Tam trong Chợ Lớn. Cụ đã dành những giờ phút đầy nhiễu nhương tao loạn cuối đời cho việc cầu nguyện trước khi gọi điện nộp mình cho những người sẽ sát hại Cụ. Có kẻ độc miệng cho rằng Cụ đóng kịch, vậy ai đó hãy cứ thử đóng kịch được như vậy ?

Con người bị phản bội

Bên cạnh những tia sáng nhân đức trong đạo ngoài đời như thế, bóng tối của sự phản bội vẫn hung hăng kéo một phần ba tinh tú trên trời xuống đất. Có thể nói, tất cả những kẻ đóng những vai chủ chốt trong cuộc chính biến 1.11.1963 toàn là những kẻ đã được chính Cụ yêu thương, cất nhắc, và thậm chí được Cụ nhận làm… con nuôi ! Đau đớn là như vậy. Hàng tướng lãnh bất tài, háo danh, kiêu ngạo, mê quyền lực và nhất là có tâm địa và hành động phản trắc hèn hạ đã đẩy miền Nam và đẩy cả đất nước này lao đao cả nửa thế kỷ vừa qua. Sự Dữ đã hoành hành như muốn nhận chìm tất cả…

Con Chiên chịu sát tế

Hôm qua tôi có dịp dùng cơm với một vị Giám Mục đáng kính, ngồi giữa 4 anh em Linh Mục thân hữu như con cái của ngài, ngài bộc bạch suy tư: “Chúa Giêsu sinh ngoài đồng, sống ngoài đường, chết ngoài đồi, Chúng ta sẽ không có cách sống nào khác ngoài cách sống ấy”.

Cụ Ngô Đình Diệm đã chọn sống cho người khác, sống kết thân với Chúa và sống đối đầu với Sự Ác, Cụ không có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi, quả thật Cụ đã bị sát tế nên giống như Thầy Chí Thánh của mình.

Là Kitô hữu, chúng ta có hiểu và chấp nhận điều đó không ? Hay lại tìm sự thỏa hiệp và từ chối thập giá ?

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Cường Quốc Văn Hoá

Cường Quốc Văn Hoá
nha sup do
Đimh Tấn Lực – Dân Luận – 21 Oct 2014
Bảo Việt Nam một cường quốc Thơ là đúng, nhưng chưa đủ. VN còn là một cường quốc Văn Hoá. Văn hoá ta phát triển không ngừng và phát huy toàn phương vị. Phủ sóng cả nước. Nó tiến nhanh gấp vạn lần mức tăng trưởng kinh tế.
Văn hoá ta phong phú cực kỳ. Liệt kê cả ngày không hết. Nhưng hãy tạm chia làm ba nhóm, cho dễ bổ xung, cập nhật: Văn hoá ngoại vi (của xã hội); Văn hoá nội bộ (của đảng & nhà nước); và Văn hoá cốt lõi (của riêng tầng lãnh đạo).
* * *
Văn Hoá “Ngoại Vi”: không nhiều chủng loại, nhưng phổ biến đại trà, báo chí tận lực khai thác thành phóng sự nhiều tập với phần hướng dẫn rành rọt…
Văn hoá ôm: Phát huy vốn tự có. Khởi đầu là bia ôm, tới đế ôm, cà phê ôm, trà đá ôm, hớt tóc ôm, vọng cổ ôm, ngủ trưa ôm, tắm ôm…
Văn hoá nhậu: Thất nghiệp, nhậu. Trúng quả, nhậu. Thua độ, nhậu. Ăn trưa, nhậu. Tan tầm, nhậu. Móc ngoặc, nhậu. Liên hoan, nhậu. Hội thảo, nhậu. Hội nghị, nhậu hoành tráng…
Văn hoá phao: Ta có thường xuyên các lớp luyện tủ. Hàng năm có thêm chợ phao, cò phao, giám thị chuyển phao. Lại có lắm phao đầy tính sáng tạo: Trong lòng tay, sau vạt áo, viền nịt ngực, lận gấu váy, trên đùi non…
Văn hoá dells: Khẳng định đẳng cấp xã hội trong mọi câu chuyện bằng chủ ngữ dells. Bất kể tuổi tác người nghe. Liên thanh. Đầy đạn. Không dells là bất bình thường.
Văn hoá sushi: Hiển hiện cái nghèo, không cần che đậy cách ăn lộ tính cách tham. Cả ngoài phố lẫn trong hàng Buffet.
Văn hoá teen nữ: Với sự trợ giúp đắc lực của camera phone và Youtube: Đánh ghen hội đồng. Túm tóc, lột áo, tụt quần, thỉnh thoảng buông guốc đưa tình địch teen nhập viện cấp cứu…
Văn hoá tự xử: Điểm khởi là không tin vào công lý. Giết nhau vì cái hàng rào lấn đất. Đốt xe, giết trộm chó. Đâm nhau vì nhìn đểu. Truy sát vì va quệt xe máy…
Văn hoá “nhẫn”: Trào lưu chơi thư pháp. Thuyết chịu nhục. Hàn Tín lòn trôn Hàn Tín cười. Tự phục mình dai sức. Nín thở qua sông! Việc nhân nghĩa cốt ở… yên thân! (chữ của Phạm Lưu Vũ).
Văn hoá makeno: Nó chết, chẳng can gì mình. Xứ nào chẳng có tham nhũng? Ở đâu không có rác? Chính trị là chuyện bao đồng! Chừng nào bùn đỏ Tây Nguyên mới tràn tới đây? Biển đảo là chuyện lớn, nghe lờn từ đám lợn: Đã có đảng và nhà nước lo…
* * *
Văn hoá “nội bộ”: Đa dạng, tinh vi, phát triển đồng bộ, có rào chắn, có ba-rem chia phần theo hệ thống.
Văn hoá bổ túc: Trước khi vào rừng. Trong lúc ở rừng. Sau khi từ rừng về thành thị làm lãnh đạo. Vẫn còn hoang mang không phân biệt rõ chữ y dài hay chữ h ngược.
Văn hoá thành tích: Tiên tiến, đạt danh hiệu xuất sắc, là ngành… giáo dục. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp là thước đo hiệu năng của trường. Cả hệ thống cùng thi đua đẩy thông số báo cáo lên mức cao nhất có thể để chiếm danh hiệu “đạt chất lượng”. Các ngành khác tất nhiên không thể chịu thua. Nó là bà đỡ của nền văn hoá hình thức, gian dối, láo khoét. Láo với dân và láo cả với nhau.
Văn hoá “Bước đầu”: Mọi diễn văn ở xứ này, suốt 84 năm qua, đều không thể thiếu cụm từ “bước đầu. Không sai mấy! Bất kỳ bước nào của con bò đi vòng cối xay đều có thể tính là bước đầu, bất kể là nó đã đi được bao nhiều cây số.
Văn hoá “Tuy nhiên”: Đối nghịch với những bước đầu thắng lợi đó là những “tuy nhiên”. Cho dẫu vòng vo, nhưng nhất định không thể thiếu. Còn đó hàng đống những báo cáo có một bước đầu với hàng chục tuy nhiên. Mọi chính sách hay chiến lược đều bị lũ tuy nhiên này giết chết tươi, trước cả khi người dân vùng sâu vùng xa nghe nói về nó. Ngành văn cần xếp loại cho các báo cáo cặp đôi hoàn hảo này. Văn tế khép vòng, được chăng?
Văn hoá bằng giả: Bằng tiến sĩ “quốc tế” giá 17.000USD. Quan chức dùng bằng của anh họ, thậm chí, bằng của người chết. “Giá tiền để làm luận án phó tiến sĩ, nay gọi là tiến sĩ từ 20 đến 30 triệu đồng và điều cực kỳ khôi hài là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, không tìm được việc làm mới quay ra làm luận án tiến sĩ thuê” (Hoàng Xuân Sính). “Nhận tư vấn viết luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, nghiên cứu sinh các ngành khoa học. Có dịch vụ trọn gói” (quảng cáo trên báo Mua&Bán của bộ Thương Mại).
Văn hoá chạy chức: Chính thực đây là hình thái kinh tế thị trường không cần đuôi định hướng: “Đầu mối chạy vào công chức các quận huyện chính là trưởng phòng nội vụ của các quận huyện” (Trần Trọng Dực). “500.000 đô la không hạ gục được sự liêm khiết của người lãnh đạo đó thì 1.000.000 đô la” (Phạm Quang Nghị). “Cần luật hóa chạy chức chạy quyền” (Cựu Viện trưởng Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Hữu Tri).
Văn hoá bao che: Dân tát công an, đi tù. CA giết dân, cảnh cáo hay “kỷ luật nội bộ”. Từ lâu, đã là một truyền thống đi vào hệ thống. “Kỷ luật hết lấy ai làm việc” (Nguyễn Sinh Hùng). “Đánh chuột sợ vỡ bình” (Nguyễn Phú Trọng)…Vì nó đã chung tiền chạy chức, và chung chi hàng tháng dọc đường dây lên tới BCT? Đây chính là cội nguồn chiến lược động viên cái sai, lòng tham và tính ác.
Văn hoá điều chuyển: Đi chỗ khác. Làm việc khác. Ít ai biết. Thăng chức… cho nó chết! Chỉ cần điều chỉnh chút xíu hai đường dây chung chi, một cắt, một nối, ngả khác, nhưng đường nào chẳng về trung ương?
Văn hoá bánh mì nước lọc: Cụm từ này khởi đi từ sếp công an, bênh vực cho công an giao thông hươ gậy tính tiền. Sau, được dùng đại trà thành tiếng lóng, bởi không ngành nào không ăn. “Ăn không chừa thứ gì” (Nguyễn Thị Doan). Cũng không chừa cấp nào. Thanh tra là ngành có biệt tài xây dựng biệt thự đẹp nhất. Còn nhà thờ họ hoành tráng và trương mục Thuỵ Sĩ thì phải ở cấp cao hơn.
Văn hoá cưỡng chế: Dùng xe cơ giới san bằng nhà dân (lấy đất ruộng quy hoạch thành gia tài). Phát minh súng bắn lưới làm ngã xe máy để bắt người. Canh cửa/bám sát/chận đầu/giật chìa khoá xe… đều là những sáng tạo thần kỳ.
Văn hoá vu khống: Bao cao su. Trốn thuế. Hai xe đi hàng ba. Cao hơn một bậc là tội manh động/lật đổ… rồi phô trương cơ bắp bằng những cuộc diễn tập chống khủng bố (có định danh).
Văn hoá kết luận: Mỗi nghị quyết/sắc lệnh/quy định… đều có một kết luận nào đó mở đường. Từ cấp trung ương đến cấp xã. Đông như quân Nguyên. Hội thảo thì ngược lại, kết luận theo nghị quyết. Chung quy cùng kiểu: Nợ công chưa chạm trần. Vinashin sẽ có lãi. Bô-xit Tây Nguyên cực an toàn… Biển thủ xong là mắc bệnh tâm thần. Còn chết tại đồn công an luôn luôn là tự tử (lắm khi bằng dây giày, của nạn nhân mang dép lê). Đến mức có thành ngữ mới là “dễ như treo cổ trong đồn công an”. Đáng sợ nhất xứ này vẫn là những bản Kết luận Điều tra.
Văn hoá mắm tôm: Ném vào nhà dân những mắm tôm, dầu nhớt, chất thải. Cưa đá bắn bụi mù vào dân trước tượng đài Lý Thái Tổ. Khiêu vũ và trình diễn văn nghệ hở đùi để choán chỗ biểu tình.
Văn hoá trả thù: Chèn xe. Ép xuồng. Đạp mặt. Xiết cổ. Quặt tay. Bắt cóc. Nhốt vào trại phục hồi nhân phẩm. Nhắn tin doạ giết. Ung thư không được đi viện điều trị. Tiêm khuẩn HIV. Đi nước ngoài về bị đầu độc ngay tại sân bay…
Văn hoá định hướng dư luận: Tuyên giáo trung ương được nâng cấp thành xưởng đẻ dư luận viên. Những Nhật này với Nhật nọ hùng hồn đến mức làm thui chột nhiều loạt bài trên báo ND & QĐND. Mất cả chì lẫn chài. Còn dư luận thì vẫn rung đùi trên FB.
Văn hoá tiền chùa: Quỹ đen. Dễ chi. Những hoá đơn bar rượu lên tới 200 triệu một lần nhâm nhi. Cao hơn, là những phóng tay lấy phần trăm: Ngàn năm Thăng Long/Pháo hoa “quốc khánh”… Thuế của dân đói/dân oan… như thùng công đức của chùa.
Văn hoá chạm cốc vỡ mặt: Thực khách tiệc ngồi bật dậy đãi nhau món tiết canh mũi. Là khi liên hoan cơ sở có bất đồng về tỷ lệ phần trăm từng thoả thuận.
Văn hoá hát nhép: 700 tờ báo và gần 70 đài truyền hình chỉ cần 1 tổng biên tập. Thi thoảng có người lượm được vật rơi trả lại cho khổ chủ là lên ngay trang nhất các báo. Phóng viên bị công an đánh vỡ mặt thì nháy nhau im lặng là vàng.
Văn hoá dự án: Chạy vốn chung chi để được chia dự án. Hai bên đều có lợi. Cò cũng lợi. Sau đó, dự án trở thành của riêng gia tộc. Còn tiền nợ viện trợ phát triển kia là của dân.
Văn hoá khất nợ: Các câu lạc bộ tài chánh Âu châu cùng nhiều định chế tài chính quốc tế đều nhẵn mặt dàn lãnh đạo bị gậy cúi mặt ngửa tay.
Văn hoá bầu cử: Luôn luôn có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cao nhất hành tinh. Các lãnh đạo được bầu vào QH cũng đạt tỷ lệ số phiếu không đâu bằng. Cư dân Châu Quỳ/Chợ Quán còn có thể biết trước kết quả bầu cử cả tuần. Kết quả tương tự chỉ có thể xảy ra ở Cuba/Triều Tiên/TQ (chính là nơi thanh niên Hongkong đang Chiếm đóng Trung tâm đòi quyền tự quyết bằng lá phiếu thật của họ).
Văn hoá rút ruột: Do quan hệ hữu nghị thắm thiết giữa chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng. Mọi tuyến đường đều lún sụt ngay sau lễ khánh thành/thông xe. Kể cả những đoạn đường do dân đóng góp. Bẫy tử thần nắp cống. Cao ốc chung cư sập trần… Ngay cả cầu Sông Hàn (thuộc vùng cát cứ của Trưởng ban Nội chính trung ương) cũng thiếu ruột như xác ướp. Văn hoá rút ruột được lan truyền nhanh qua lãnh vực xăng dầu (Bình Dương/Nghệ An/Hải Phòng/Quảng Ninh…).
Văn hoá vô trách nhiệm: Nói vo. Lỗi hệ thống. Lời hứa hùng hồn lúc nhậm chức chỉ đợi dịp giật nước cuốn trôi. Không một ai có trách nhiệm để nhận lỗi. Ngoại trừ trách nhiệm (và chức vụ) “được đảng giao phó” thì phải bảo trọng như gìn giữ con ngươi, cho dù không còn là con người.
Văn hoá cấm: Lệnh cấm và biển cấm đông hơn chuột đồng mùa gặt. Cái gì không kiểm soát được thì cấm. Ngoại trừ truyền thống phong bì.
Văn hoá nâng bi: Trưng bày kỷ vật của (đương nhiệm bí thư) Phạm QuangNghị tại bảo tàng Hà Nội.
Văn hoá thừa sai: Thường nghe nhất là lỗi thằng đánh máy. Hầu hết các lỗi tày đình là do bộ phận thừa hành làm sai, còn chủ trương của lãnh đạo thì tất nhiên luôn luôn đúng. Dung Quất/Bô-xít/Vinashin/Vinalines đều là những chủ trương lớn và đúng.
Văn hoá tế thần: Một vài thừa sai phải hy sinh cho thượng cấp. Hoặc vào tù (Vũ Ngọc Hải/Trần Mai Hạnh/Dương Chí Dũng…). Hoặc về đất (Phạm Quý Ngọ).
Văn hoá từ điển: Tuyền là những định nghĩa ngang eo thời đại. “Tự do CCC” (Vũ Văn Hiển). “Thu nhập cao là nghề bán vé số” (Giàng Seo Phử). “VN chưa phải là một siêu cường kinh tế để đài thọ cho sự ô danh [có quyền biểu tình]” hoặc “Dương Trung Quốc: Tứ đại ngu” (Hoàng Hữu Phước). “Hàn Quốc coi nợ xấu là của toàn xã hội nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu” (Phan Trung Lý). “Quyền im lặng không phải quyền con người” (Đỗ Văn Đương)…
Văn hoá nhầm: “Kính mời quý đại biểu đến tham dự hội thảo Tính ưu việt của kim chi” (Tô Văn Động). Hà Nội trả nhầm 78 tỷ đồng cho một Cty không liên quan đến dân mất đất. “Trong số 944.425 bản kê khai tài sản [quan chức] chỉ có 1 trường hợp không trung thực [nhầm]” (Trần Đức Lượng). “Nhật cho vay 2 tỷ USD xây sân bay Long Thành” (Phạm Quý Tiêu, sau đó, chỉ xin lỗi Đại sứ Nhật). Câu nói nhầm hay nhất nhưng chưa đúng thời điểm sử dụng là của đài truyền hình Hà Nội: “Chúc một ngày Quốc Tang vui vẻ”. Hãy đợi đấy!
Văn hoá giải trình: Nguyên nhân xe cháy/nhà cháy… là vì lửa. Bùn đỏ chỉ là bùn… có màu đỏ. Vỡ đập là do xe tải va chạm. Chủng ngừa mà gây chết người là lỗi ở vắc-xin. Cầu không sập, cầu chỉ tạo dáng hình chữ “V”.
Văn hoá gật: Còn có tên khác là Văn hoá Tín nhiệm. Chỉ ngưng bấm game khi có yêu cầu bấm nút tín nhiệm. Chất vấn sao cho… đầy tủ, là được!
Văn hoá cà lăm: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý…” (Phan Thuý Thanh, Lê Dũng, Nguyễn Phương Nga, Lê Thanh Nghị, Lê Hải Bình).
Văn hoá thù địch: Chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Làm rõ bộ mặt của các thế lực thù địch. Âm mưu cơ bản của các thế lực thù địch. Một số hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đấu tranh chống các quan điểm tư tưởng sai trái, thù địch… Chủ nhân chính thức của quan điểm thù địch chính là đảng và nhà nước CSVN, đối với dân, và cả với nhau.
Văn hoá thắng lợi: “Khi TQ rút giàn khoan 981 là ta đạt thắng lợi trên biển Đông” (Nguyễn Phú Trọng). Suy rộng ra, khi TQ hoàn tất đường băng trên Trường Sa và thiết lập xong Vùng nhận dạng phòng không, thì chúng ta mới đạt hoàn toàn thắng lợi?
* * *
Văn Hoá Cốt Lõi: Chỉ có một…
Văn hoá nô lệ: Bắt nguồn từ kẻ bồi tàu xuất hành từ bến Nhà Rồng, khám phá ra tư tưởng Mác-Lê là ngọn hải đăng soi đường… đưa dân tộc vào tròng nô lệ Liên Xô rồi Trung Quốc (Hội nghị Thành Đô). Bằng cái giá hàng triệu sinh linh nằm dọc Trường Sơn, Kampuchia, và 6 tỉnh biên giới Bắc. Bằng tài nguyên đất nước và hàng chục vạn lao nô trả nợ chiến phí. Bằng biển đảo và đất đai Tổ Quốc. Và cả những cuộc đi đêm với hầu hết các cựu thù. Ngoại trừ kẻ thù chính là dân tộc VN.
Đó là bệ đỡ của thứ Văn hoá cúc cung: Bên trong là nô lệ thủ trưởng. Bên ngoài là nô lệ ngoại bang.
Đó cũng là bệ đỡ của thứ Văn hoá Hèn (13 tướng lãnh đồng loạt sang Bắc Kinh dâng biểu xin hàng).
Và thứ Văn hoá Ác (với dân oan, với người biểu tình báo động lần Bắc thuộc sau cùng).
Tóm lại, đó là cái nôi kách mệnh sản sinh ra tất cả các thứ văn hoá liệt kê bên trên.
* * *
Xem ra, với ngần đó thứ văn hoá nháo nhào, VN xứng đáng nhận huy hiệu vinh quang là một cường quốc văn hoá toàn phương vị. Đứa nào bảo văn hoá ta “không theo kịp đà tăng trưởng, chưa phát triển tương xứng với yêu cầu đề ra”, thì đích thị nó là một thằng… mù văn hoá.
20/10/2014 – Chào mừng hội Liên hiệp Phụ nữ VN vừa tròn… 84 tuổi.