Tại sao Việt Nam không dạy lịch sử chiến tranh Trung-Việt?
Cù Tuấn dịch từ The Diplomat
Kỳ thi tại các trường cao đẳng Việt Nam thường rơi vào cuối tháng Giêng, một vài tuần trước khi kỷ niệm chiến tranh Trung-Việt, hay được gọi là Chiến tranh biên giới. Vì vậy, cuối học kỳ “sẽ là thời điểm hoàn hảo để suy ngẫm về cuộc chiến năm 1979, nhưng tôi không thể dẫn dắt sinh viên của mình thảo luận về cuộc chiến tranh này”, Hằng, giảng viên môn Chính trị quốc tế tại một trường cao đẳng cao cấp ở Hà Nội cho biết.
Để đối phó với việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia và ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô năm 1978, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc xâm lược Việt Nam vào tháng 2 năm 1979 và chiếm được một số thành phố biên giới. Các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Cộng sản đã từng là đồng minh này đã đâm vào ngõ cụt. Trong khoảng thời gian từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3 năm đó, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn binh lính Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù con số thương vong chính xác vẫn còn gây tranh cãi. Quân đội Trung Quốc đã rút lui sau đó ba tuần, thông báo rằng sứ mệnh trừng phạt của họ đã hoàn thành.
Nhưng trong hơn bốn thập kỷ kể từ khi chiến tranh Trung-Việt 1979 kết thúc, các trường học của Việt Nam do dự một cách kỳ lạ trong việc giảng dạy về cuộc xung đột này. Hằng, người đã yêu cầu giấu tên, đã không thể đưa sự kiện này vào bài kiểm tra cho học sinh của mình hoặc thậm chí vào giáo trình của cô.
Sự im lặng về cuộc chiến tranh này trong trường học chỉ tốt hơn một chút so với khi cô còn là sinh viên năm thứ hai cũng tại trường đại học này vào năm 1979.
“Giáo viên của tôi đã nói trong bài giảng rằng một cuộc chiến tranh [giữa Trung Quốc và Việt Nam] sẽ không thể xảy ra bởi vì chúng tôi vừa là đồng chí vừa là anh em. Vào ngày hôm sau, Trung Quốc đã pháo kích vào biên giới. Nhưng thầy giáo đó không bao giờ sửa lại lời giảng. Không ai dám thốt lên lời nào về chuyện đó”, Hằng nói.
Trong khi đó, những người đồng cấp ở Trung Quốc đại lục đề cập đến cuộc chiến này như Cuộc chiến tự vệ chống lại Việt Nam (tiếng Trung: 对 越 自卫 反击 战, âm Hán Việt: Đối Việt tự vệ phản kích chiến), được mô tả trong bộ phim nổi tiếng năm 2017 “Fanghua” (“Tuổi trẻ”), lấy bối cảnh là cuộc chiến này.
Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã ngần ngừ không dạy Chiến tranh Việt-Trung 1979 cho học sinh ở tất cả các cấp học – một điều gây tò mò, vì học sinh Việt Nam đã quá quen thuộc với nội dung môn lịch sử vốn đầy rẫy các cuộc chiến tranh chống Trung Quốc. Từ lớp 6 đến lớp 7, học sinh được học về gần một thiên niên kỷ bị các triều đại Trung Quốc đô hộ cho đến năm 938 cũng như các cuộc chiến đấu lẻ tẻ giữa các triều đại khác nhau chống lại các hoàng đế khác nhau của Trung Quốc. Các cuộc chiến tranh đó được nghiên cứu sâu hơn từ lớp 10 đến lớp 11. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia này vào năm 1979 lại bị bỏ đi trong các giờ lịch sử. Phiên bản năm 2001 của sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 ở Việt Nam kể lại cuộc chiến tranh này trong 24 dòng ở cuối sách, trong khi phiên bản năm 2018 giảm phần miêu tả chỉ còn 11 dòng.
Lời kêu gọi của các chuyên gia về việc cải cách sách giáo khoa lịch sử, đặc biệt là cung cấp các bản tường thuật chi tiết về cuộc chiến tranh năm 1979, cho đến nay vẫn bị phớt lờ. Mặc dù chính phủ Việt Nam có thể cho phép các cuộc thảo luận cởi mở hơn về cuộc chiến này trên các phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng việc giảng dạy toàn diện hơn về cuộc chiến này vẫn chưa được thực hiện và vẫn khó có thể được thực hiện trong tương lai. Việc viết lại và ghi nhớ cuộc chiến này sẽ đòi hỏi một cuộc đại tu các sách giáo khoa lịch sử do Đảng Cộng sản chỉ đạo.
1. Một cuộc chiến tranh ngắn và quan trọng
Hằng thấy mình đang lâm vào một tình thế khó khăn, vì cô ấy không thể thực hành những gì cô ấy thường rao giảng. “Tôi đã bảo học sinh thảo luận và đặt câu hỏi trong lớp, nhưng sau đó tôi không thể lôi cuốn các em vào chính chủ đề này,” cô nói.
Để giải quyết tình huống khó xử này, Hằng đề nghị các học sinh của mình đọc “Hồi ức và suy nghĩ”, một cuốn hồi ký nổi tiếng và được lưu hành rất nhiều của nhà ngoại giao cấp cao Trần Quang Cơ, được nhiều người coi là tài liệu có thẩm quyền nhất về quan hệ Trung-Việt trong những năm 1980. Cô cũng khuyến khích học sinh thảo luận ngoài lề về cuốn hồi ký với cô.
Đây là điều mà nhiều giảng viên ở các trường đại học khác đã và đang làm để lấp đầy khoảng trống kiến thức này.
Phạm Kim Ngọc, sinh viên năm 3 ngành Quan hệ quốc tế tại TP.HCM, cho biết cô giáo của cô đã đề cập đến cuộc chiến tranh này trong một bài giảng ngắn và rất hoan nghênh những câu hỏi sau giờ học. Vậy mà không có sách giáo khoa nào nói về nó để cô nghiên cứu thêm.
Ngọc nói: “Chúng tôi được dạy rằng Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất để nghiên cứu đối với sinh viên Việt Nam, nhưng một sự kiện như vậy vẫn còn là nhạy cảm.”
Nguyễn Ngọc Trâm, giáo viên dạy lịch sử tại một trường trung học tư thục ở Hà Nội, nhận thấy cách dạy chiến tranh từ trên xuống rất hời hợt. Trong sách của giáo viên, không có chi tiết về cách dạy về cuộc chiến này. “Chiến tranh biên giới đã được đề cập ở cuối sách giáo khoa, lẽ ra phải được dạy vào cuối năm học. Không ai để ý đến nó”, cô Trâm nói.
Ngoài ra, cô giáo Trâm cũng đang phụ đạo học sinh lớp 12 tập trung ôn môn lịch sử để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Bộ Giáo dục không đưa cuộc chiến tranh này vào nội dung ôn thi.
“Vì nó [chiến tranh biên giới] sẽ không được hỏi đến trong kỳ thi nên học sinh của tôi không có động lực để học nó,” cô Trâm nói.
Hướng dẫn ít ỏi về cuộc chiến tranh này đã khiến Trâm rất ngạc nhiên, vì học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 phải học một học phần cụ thể gọi là “giáo dục về biển đảo” nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn là chủ đề chính của sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Là sinh viên chuyên ngành lịch sử, Trâm có cơ hội tìm hiểu về cuộc chiến tranh này tại trường đại học của mình, mặc dù ở một mức độ hạn chế. Tuy nhiên, nhiều người bạn của cô đã không biết về nó.
Đặng Ngọc Oanh, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, cô hiểu biết về cuộc chiến tranh này là nhờ bố. Oanh rất sốc vì cô chưa bao giờ được học về nó ở trường. “Bố tôi từng là một người lính. Ông không tham gia vào cuộc chiến đó, nhưng ông đã kể cho tôi nghe về nó.” Oanh sau này đã tìm hiểu thêm về cuộc chiến qua sách tiếng Anh.
2. Thỏa thuận từ thượng tầng để quên đi quá khứ
Mặc dù Trung Quốc ủng hộ Việt Nam trong các cuộc chiến chống lại Pháp và Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nước đã xuống dốc trong những năm 1960. Bằng cách phát động cuộc chiến tranh năm 1979, Trung Quốc đã tìm cách dạy cho “tiểu bá đầy tham vọng” Việt Nam một bài học, sau khi nước này lật đổ chế độ Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn sau cuộc xâm lược Campuchia.
Sự thù hận của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc sau đó lớn đến nỗi phần mở đầu của Hiến pháp năm 1980 của Việt Nam đã gọi Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của Việt Nam”. Tuy nhiên, cụm từ này đã bị loại bỏ khỏi Hiến pháp 1980 trong lần sửa đổi vào năm 1988 để mở đường cho quá trình bình thường hóa song phương.
Từ năm 1980 đến năm 1987, Hà Nội đã có nhiều động thái chính thức và bí mật để nối lại đàm phán bình thường hóa với quốc gia đồng chí miền Bắc, nhưng vô ích. Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc cưỡng chiếm các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Việt Nam.
Sau khi bị quốc tế cô lập sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Bắc Kinh đã khởi xướng một cuộc họp bí mật năm 1990 tại Thành Đô, Trung Quốc, nơi hai nước đồng ý “quên đi quá khứ, hướng tới tương lai”. Kết quả là nhà nước Việt Nam đã chọn không kỷ niệm chính thức cuộc chiến năm 1979, và nó đã rơi vào quên lãng. Các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước đã tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ song phương ở cả cấp nhà nước và cấp Đảng vào năm 1991.
Một thập kỷ sau đó, hai bên ký Tuyên bố chung về Hợp tác Toàn diện. Năm 1999, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới Bắc Kinh, một phương châm, hay còn gọi là “16 chữ vàng”, đã được thông qua cho mối quan hệ của hai nước: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Đồng thời, Nguyễn Cơ Thạch, người nổi tiếng với lập trường cứng rắn trong các vấn đề Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, đã bị loại khỏi Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng, thậm chí mất chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trong nhiều bảo tàng, từ “chiến tranh” đã được tránh và từ “Trung Quốc” thậm chí không được nhắc đến khi đề cập đến sự kiện năm 1979, không giống như những mô tả về “cuộc đấu tranh anh dũng và chính nghĩa chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền miền Nam Việt Nam.” Trong một thời gian dài, Việt Nam không công nhận những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới là anh hùng. Những người lính hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc chỉ được gọi là “bảo vệ tổ quốc”, không giống như những người đồng đội của họ trong các cuộc chiến chống Pháp và Mỹ.
Trong khi Việt Nam đã buộc Trung Quốc phải rút lui vào năm 1979, cả phương tiện truyền thông chính thống và sách giáo khoa lịch sử của nước này đều không coi nó là một chiến thắng quân sự. Mặc dù Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ bồi thường chiến tranh, nhưng Việt Nam đã hoàn toàn im lặng trước những hành động tàn bạo của cuộc chiến năm 1979 do Trung Quốc gây ra.
3. Tưởng nhớ chiến tranh của những người “phản động”
Tuy nhiên, chính phủ đã thay đổi quyết định trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Năm 2014, căng thẳng giữa hai nước leo thang khi Trung Quốc di chuyển một giàn khoan dầu của Trung Quốc đến vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mọc lên khắp Việt Nam. Nhiều người Việt Nam bắt đầu bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc xung đột vũ trang trong quá khứ với nước láng giềng phía bắc. Cuộc chiến 1979 do đó đã sống lại trong ký ức của công chúng.
Theo Giáo sư Tường Vũ từ Đại học Oregon, chiến tranh Trung-Việt vẫn là yếu tố chia rẽ nhóm lãnh đạo của Hà Nội ngày nay. Một phe đổ lỗi cho Lê Duẩn, một cựu lãnh đạo Đảng nổi tiếng là chống Trung Quốc, trong khi phe kia cho rằng Đảng đã sai vì đã quá tin tưởng Trung Quốc.
“Việc cho phép bất kỳ cuộc thảo luận nào về cuộc chiến đều có nguy cơ làm rạn nứt đó thêm sâu sắc, khiến sự tồn vong của đảng bị thách thức, và sẽ vạch trần những sai lầm của ban lãnh đạo đảng,” ông Vũ nói qua email. “Việc dạy trẻ em về cuộc chiến này theo thời gian có thể tạo ra áp lực dư luận buộc Đảng phải rời xa Trung Quốc và xích lại gần Mỹ hơn. Đây là điều mà họ không muốn”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với BBC, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc và là cơ quan hàng đầu về nghiên cứu Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết vẫn chưa biết ai là đầu trò của sự im lặng về cuộc chiến.
Ngược lại, chúng ta có thể thấy rõ ràng ai là người đóng vai trò chính trong việc mở lại các cuộc thảo luận và tưởng niệm: đó là các cựu chiến binh Việt Nam trong cuộc chiến này. Đặc biệt những người lính tham gia trận Vị Xuyên và Hà Giang là những người có tiếng nói lớn nhất.
Các kênh truyền hình quốc doanh bắt đầu phát các bộ phim tài liệu về cuộc chiến tranh này. Nhiều tác phẩm nghệ thuật về cuộc chiến này bắt đầu được lưu hành. Hơn 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, nhà nước đã đưa ra sáng kiến tìm kiếm hài cốt của những người lính đã ngã xuống ở Vị Xuyên.
Vào tháng 2 năm 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm đặc biệt tới các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam để tưởng nhớ cuộc chiến tranh này. Ông là Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam làm như vậy.
Không phải cho đến khi kỷ niệm 40 năm chiến tranh vào năm 2019, phương tiện truyền thông trong nước của Việt Nam mới nói về nó một cách công khai, mặc dù với những bài tường thuật bị kiểm duyệt. Cuốn sách “Những người bảo vệ biên giới” năm 2019 do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xuất bản, là một trong số ít ấn phẩm chính thức về cuộc chiến bằng tiếng Việt. Người ta vẫn gọi đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nhằm tránh nêu tên Trung Quốc.
Đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Đài tưởng niệm ở phía Bắc tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ lòng thành kính với các chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh năm 1979. Tuy nhiên, so với các lễ kỷ niệm hàng năm của Việt Nam về các chiến thắng vẻ vang trước Pháp và Mỹ, thì chiến thắng trước Trung Quốc được kỷ niệm một cách khá sơ sài.
Ngoài ra, một số chủ đề vẫn hoàn toàn nằm ngoài giới hạn, chẳng hạn như tổng số người chết và việc hành quyết những người dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, sau khi họ đã ủng hộ quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến.
4. Cần đại tu sách giáo khoa
Là một giáo viên, Trâm phải cân bằng giữa việc nói với học sinh về cuộc chiến hầu như “không được ai nhớ đến” và không vượt qua ranh giới bất thành văn.
“Tôi phải nói mọi thứ với một ngôn ngữ uyển chuyển,” Trâm nói. “Tôi phải dạy các em từng chút một, nếu không phụ huynh sẽ phàn nàn rằng những gì tôi dạy khác với sách giáo khoa”.
Với việc tận dụng môi trường sư phạm tương đối cởi mở ở một trường tư thục, cô giáo Trâm cũng cố gắng dạy các học sinh nhỏ tuổi của mình về những dấu mốc quan trọng khác trong lịch sử mà sách giáo khoa còn thiếu.
Cô Trâm nói: “Điều quan trọng là phải dạy họ rằng Việt Nam vào năm 938 không giống như Việt Nam ngày nay. “Tôi vẫn phải dạy cho học sinh của mình rằng có nhiều lịch sử về cái mà được gọi là ‘Việt Nam’ ngày nay, chứ không phải chỉ có một Việt Nam duy nhất được định nghĩa trong sách giáo khoa cấp quốc gia”.
Ngay cả vị tướng lỗi lạc Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quan trọng đứng đằng sau chiến thắng quan trọng của Việt Nam trước quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ, cũng bị loại khỏi sách giáo khoa lịch sử chính thức.
Tuy nhiên, một số câu chuyện về tướng Giáp là rất khó để thay đổi.
Việc viết lại lịch sử của Chiến tranh Trung-Việt cũng sẽ đòi hỏi sách phải trình bày chi tiết hơn về cuộc xâm lược Campuchia năm 1978, mà phía Việt Nam vẫn nói là “giải phóng Campuchia khỏi quân Khmer Đỏ”. Cuộc chiến đó được đề cập trong 13 dòng, với tên là “cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam” trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành.
Nhà nước Việt Nam cũng chưa bao giờ thừa nhận Việt Nam Cộng hòa ở miền nam là một chính phủ hợp pháp. Nói cách khác, nó chưa bao giờ công nhận hai nước Việt Nam cùng tồn tại trong thế kỷ 20, mà chỉ coi Việt Nam là một quốc gia bị chia cắt bởi những kẻ xâm lược và phản bội Việt Nam. Sự thất thủ của Sài Gòn được miêu tả trong sách giáo khoa là đại diện cho sự thống nhất tất yếu của đất nước này.
Kết quả là, cuộc giao tranh quân sự giữa lực lượng hải quân của Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974 cũng đã rơi vào quên lãng. Tất cả các sách giáo khoa lịch sử quốc gia dành cho học sinh trên toàn quốc đều tập trung vào miền Bắc Việt Nam.
Tại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã độc quyền xuất bản sách giáo khoa sử dụng trên toàn quốc hàng chục năm nay. Kể từ năm 2019, chính phủ đã cấp phép cho một số nhà xuất bản nữa làm nhiệm vụ này. Các trường học bây giờ có thể chọn những cuốn sách nào sẽ được sử dụng. Năm 2021, sách giáo khoa lớp 10 mới được phát hành. Năm 2023, một số phiên bản sách giáo khoa lớp 12 sẽ được lưu hành. Nhưng trừ khi Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý nới lỏng nội dung sách, sách giáo khoa Lịch sử vẫn sẽ chỉ là bình mới rượu cũ.
Nguồn bản gốc: thediplomat.com/2022/02
Nguồn: Nghiên Cứu Lịch Sử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét