Non nước ấy ngàn thu
Khi Đặng Tiểu Bình xua 600.000 quân Tàu đỏ mở chiến dịch tấn công Việt Nam, Đặng ngạo mạn và láo xược tuyên bố: dạy cho Việt Nam một bài học.
Vậy Đặng muốn dạy cho Việt Nam bài học gì?
Đó là bài học:
Phải biết cúi đầu vâng lời thiên triều thì được dung thân.
Việt Nam bao gồm gần 100 triệu Dân và một nhóm nhỏ cầm quyền.
Vì vậy cái mà Đặng Tiểu Bình tuyên bố và Tập Cận Bình đu đẩy theo “dạy cho Việt Nam một bài học” cần tách biệt Dân tộc Việt Nam hay nhà cầm quyền Việt Nam.
Với Dân tộc VN thì muôn đời vẫn là Dân tộc VN, đã có bài học không quên trước ngoại xâm, vì đã thành sấm truyền:
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Còn với những lãnh đạo VN không phải thời nào cũng như nhau. Quan nhất thời - Dân vạn đại.
Nhóm lãnh đạo nào đi cùng Dân tộc sẽ có tiếng lòng cùng Dân tộc, sẽ có chí khí của Dân tộc:
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Ngược lại, nhóm lãnh đạo nào đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích Dân tộc, coi Dân như bầy tôi thì cùng đất Nam ở đấy mà lòng phân ly, chí phân ly, bài học xưa bị quên lãng, chỉ còn sự co vòi trướng rủ, mành buông nỗi sợ hãi bao trùm, một lời ngay, thương ai, ghét ai cũng phải chờ từ “thiên triều” ban phát.
Để lại mối nhục muôn đời.
Những ngày này của Đất nước thêm khắc ghi lời cha ông - những tiếng nói từ ruột gan Dân tộc.
Nhà cách mạng canh tân Nguyễn Trường Tộ hơn 150 năm trước từng nói về quan hệ Đại Việt với các nước, đặc biệt với Trung Hoa:
“ … lấy nhân nghĩa công bằng mà qua lại với các nước làm cho mình và người cả hai đều được lợi, thì mới đạt được sở nguyện”.
Đó là tự tôn Dân tộc như Nguyễn Trãi viết trong Cáo Bình Ngô:
“Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Đại Hán ngàn đời cho đến cộng sản Hán đỏ chỉ “cùng binh độc vũ”, muốn dạy VN bài học: “chúng bay liệu hồn, không vâng lệnh thiên triều sẽ bị thiên triều huỷ diệt”.
Còn Đại Việt cũng ngàn đời dạy cho Đại Hán bài học: Cường bạo nhất thời, nhân nghĩa muôn đời.
Lấy nhân nghĩa công bằng qua lại.
Lấy chí nhân thay cường bạo.
Ai lấy?
Đại Việt lấy.
Đầy kiêu hãnh chữ “lấy” ấy không chút nhu nhược, xun xoe, không hãi sợ, khép mình.
Nguyễn Trường Tộ không sợ “xâm lăng nổi”, giặc tràn qua mà chỉ e ngại chính vua quan Đại Việt tự mình chui vào cái bẫy “xâm lăng chìm ngon ngọt”.
Cụ không ngơi cảnh báo nguy cơ Đại Việt bị lệ thuộc Trung Hoa bởi muôn cạm bẫy chìm ấy.
Cụ nói:
“Ngày nay chúng ta, lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ phú, lớn lên ra làm thì lại luật, lịch, binh, hình. Lúc nhỏ nào học Sơn Đông, Sơn Tây mắt chưa từng thấy, lớn lên ra làm thì đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ.
Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính sự, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi), lớn lên ra làm thì dùng đến địa lý, thiên văn, chính sự, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn.
Lúc nhỏ học những lễ nhạc, cách ăn uống, cư xử chiến đấu, doanh trại từ xa xưa của Tàu, lớn lên ra làm thì phải dùng lễ nhạc, cách chiến đấu, phép ăn ở theo quan dân nước ta ngày nay.
Còn biết bao nhiêu những việc tương tự như thế, mòn bút khô môi cũng không kể hết. Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng nước nào có nền học thuật như vậy. Quả thật lạ đời!
Tuy Nhật Bản, Cao Ly cũng đọc sách Tàu nhưng chỉ để làm vui”.
Cụ nhấn mạnh nhiều lần:
“Phải học sử ký của ta, phải học địa lý của ta. Nước ta trên cũng có trời che, tức thiên văn, dưới cũng có đất chở, tức địa lý. Trong khoảng trời đất, nước ta cũng là một đất nước tốt lành hẳn hoi, đâu phải một miền phụ dung của Tàu”.
Chao ơi, nhân tưởng nhớ ngày Quốc hận 17.2 - ngày quân cộng sản Trung Quốc tràn qua chém giết đồng bào ta, dày xéo non sông Tổ quốc ta, ngẫm lại lời dạy xưa của Nguyễn Trường Tộ mà giật mình như lời dạy chuyện hôm nay.
Lấy nhân nghĩa, công bằng đối xử với các nước là kế ổn định biên cương lâu dài. Nhưng với lũ bành trướng tham tàn thì cái mộng thiên hạ không dễ lui tan trước nghĩa nhân.
Kế sách quyết định vẫn là kế mà cả Nguyễn Trãi lẫn Nguyễn Trường Tộ luôn dâng:
“Vua quan trị quốc bằng: Lấy nghĩa nhân, công bằng đối xử với muôn Dân”.
Chỉ có vậy Dân với vua quan một lòng một chí, Dân hùng, Nước mạnh. Sợ ai? Sợ gì?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Non nước ấy ngàn thu.
L.T.V.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét