Hơn 488 nhà báo, ký giả đang bị cầm tù
Vũ Ngọc Yên
17-12-2021
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hay Ký giả Không Biên giới (Reporters sans frontières – RSF) có văn phòng quốc tế tại Paris, là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, với mục đích bảo vệ tư do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Tổ chức hoạt động dựa trên Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Ngày 16.12.2021 Tổ chức RSF công bố bản báo cáo về tình trạng của những người hoạt động trong lãnh vực truyền thông đang bị giam ở nhiều quốc gia. Theo đó, số nhà báo và ký giả trong tù đã tăng lên 488, trong đó có 60 nữ ký giả. Con số này cho thấy, chưa bao giờ những người hoạt động trong lãnh vực truyên thông bị bắt nhiều như vậy và so với năm trước, đã tăng hơn 20%.
Báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kết án ba quốc gia có số ký giả trong tù gia tăng nhiều là Belarus, Myanmar và Trung Quốc. Tại Myanmar, chính quyền quân nhân cầm quyền sau cuộc đảo chính vào ngày 1.2.2021 đã lùng bắt giới cầm bút và đưa số ký giả bị tù lên 53, so với năm trước chỉ có 2 người. Tại Belarus dưới sự cai trị của nhà độc tài Alexander Lukaschenko có 32 ký giả ngồi tù, so với năm trước có 7 người. Tại Trung Quốc, các cuộc đàn áp nhà báo, ký giả cũng diễn ra khủng khiếp. Với luật an ninh quốc gia, chính quyền Trung Cộng đã mạnh tay kiểm soát Hồng Kông.Trước kia Hồng Kông có quy chế đặc biệt và được công luận xem là tấm gương tôn trọng tự do báo chí trong khu vực Đông Nam Á.
Theo RSF, số nữ ký giả trong tù từ năm 2017, nay đã tăng lên gấp đôi. Tại nhà tù Belarus có 15 nam và 17 nữ ký giả. Trung Quốc là quốc gia đứng đầu bảng với 127 người bị giam vì hoạt động truyền thông. Kế tiếp là Myanmar với 53 và Việt Nam với 43, Belarus có 32 và Saudi Arabia có 3.
Tổ chức RSF cũng tường thuật một số trường hợp đáng lo ngại. Trong số đó phải nhắc đến Julian Assange, người sáng lập Wikileads. Trong trường hợp bị trao cho Mỹ, ông này sẽ phải lãnh án tù tới 175 năm.
Trong thời gian qua RSF đã nhiều lần yêu cầu VN trả tự do cho những nhà báo và ký giả như như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn, Trương Duy Nhất, Nguyễn Văn Hoà, Phạm Đoan Trang.
Nhà báo Phạm Đoan Trang là một trong ba người nhận Giải thưởng Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) năm 2019.
Ngày 14-12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 16-11-2017 đến ngày 5-12-2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các chính quyền dân chủ phương Tây đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam vì bản án nặng với nhà báo Phạm Đoan Trang, là người được báo chí truyền thông quốc tế mô tả là một trong những nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất tại Việt Nam.
Tại CHLB Đức, Diễn đàn Việt Nam 21 ủng hộ triệt để chiến dịch đòi tự do cho nhà báo Phạm Ðoan Trang do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới phát động. Trong thư đề ngày 17-12-2021 gửi tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhân dịp nhậm chức,Tiến sĩ Dương Hồng Ân, Điều hợp viên của DĐVN21, đã nêu trường hợp án tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang và yêu cầu chính quyền Đức hãy can thiệp.
Trong thư, TS Ân viết “… Chúng tôi chào mừng tân chính sách đối ngoại dựa trên các giá trị của Đức chống những quốc gia độc tài như Trung Cộng, Nga Xô, Việt nam, Belarus và Bắc Hàn… Chính quyền Hà Nội đã không tôn trọng và không thực thi các điều cơ bản liên quan đến nhân quyền được quy định trong ‘Đối thoại pháp quyền Đức-Việt‘ và ‘Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Âu châu’… Chúng tôi chân thành yêu cầu bà Ngoại trưởng hãy can thiệp cho Nhà hoạt động nhân quyền và đòi Hà Nội phải trả tự do ngay cho Phạm Đoan Trang…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét