Cần có chiến lược để các doanh nghiệp tỷ phú Việt Nam đầu tư cho công nghệ
Nguyễn Ngọc Chu
1. Tin một công ty tư nhân Việt Nam chi 1,1 tỷ USD (24 500 tỷ đồng) để mua 1 héc ta đất (10 060 m2) ở Thủ Thiêm đến cùng khoảng thời gian với tin tập đoàn LEGO của Đan Mạch đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Bình Dương, và tin Bắc Ninh trao giấy đầu tư 1,6 tỷ USD cho tập đoàn Amkor của Hàn Quốc để xây dựng nhà máy lắp ráp, thử nghiệm vật liệu và thiết bị bán dẫn. Các tin trong cùng thời gian nhưng đã mang đến những cảm xúc trăn trở trái ngược.
2. Cùng là 1 tỷ USD đầu tư, nhưng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ, bán cho người ngoại quốc để thu tiền về nội quốc; còn tỷ phú Việt Nam thì dùng đất Việt Nam xây nhà bán cho người Việt Nam, thu tiền của người Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài, vừa sở hữu công nghệ tiên tiến, vừa thu được tiền từ ngoại quốc. Còn doanh nghiệp Việt Nam không sở hữu được công nghệ tiên tiến, chỉ giàu lên nhờ vào đất đai của cha ông và đồng tiền của chính đồng bào mình.
3. Cùng là phải mời các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, nhưng chỉ sau ít năm thì Hàn Quốc và Trung Quốc đã tự sản xuất được các sản phẩm mà doanh nghiệp nước ngoài sản xuất. Hơn thế nữa còn chế tạo ra các sản phẩm tiên tiến hơn để cạnh tranh lại. Nhưng đã 30 năm kể từ khi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, Việt Nam không thể tự sản xuất được các sản phẩm thay thế.
Năm 2020 các doanh nghiệp FDI đóng góp 202,89 tỷ USD chiếm 71,7% xuất khẩu cả nước. Trong tổng số 299,67 tỷ USD xuất khẩu trong 11 tháng vừa qua thì doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 75%. Trong 51,9 tỷ USD điện thoại và linh kiện cùng 45 tỷ USD máy tính, điện tử và linh kiên đã xuất khẩu trong năm 2021, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 99%. Một cách trung thực, Việt Nam không tự chế tạo được được sản phẩm nào trọn vẹn.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung, LG… đặt nhà máy tại Việt Nam đã xuất khẩu hàng trăm tỷ USD sản phẩm sang Mỹ và EU trong nhiều năm qua, nhưng Việt Nam không học hỏi được điều gì về công nghệ. Samsung sẽ tiếp tục cạnh tranh với Apple, Sony… Thêm vài chục năm nữa, Samsung có nhà máy ở Việt Nam, thì Việt Nam vẫn không thể tự sản xuất được các sản phẩm thay thế.
4. Tại sao?
Vào những năm 70 thế kỷ trước, khi chiến tranh còn diễn ra khốc liệt, lãnh đạo nhà nước thời đó đã giao nhiệm vụ cho những người có trách nhiệm phải tự chế tạo được ô tô. Và vào năm 1972 những chiếc ô tô đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất đã ra đời. Dẫu biết rằng, động cơ không phải do Việt Nam tự chế tạo, nhưng trong điều kiện chiến tranh, phải nói đó là một cố gắng đáng ngưỡng mộ.
Còn mạnh hơn thế nữa, lãnh đạo thời đó đã thể hiện tham vọng về nền công nghiệp hiện đại, bao gồm cả vũ khí nhiệt hạch.
Nhưng từ năm 1986 đến nay, Đại hội nào cũng đề ra các chỉ tiêu kinh tế với số liệu cụ thể về GDP, song chưa hề có Đại hội nào đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng về sở hữu các công nghệ tiên tiến - để tự sản xuất, thay thế và cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài.
Khi các lãnh đạo cấp cao mà không đặt mục tiêu về sở hữu công nghệ tiên tiến, thì các doanh nghiệp tỷ phú Việt Nam sẽ mải đi kiếm tiền trong bất động sản, dịch vụ và thương mại.
5. Đã đến lúc chính các lãnh đạo cao nhất của nhà nước cần đặt mục tiêu về sở hữu công nghệ tiên tiến. Đã đến lúc cần có chiến lược để các doanh nghiệp tỷ phú Việt Nam tập trung đầu tư cho công nghệ.
6. Đất là của thừa kế tổ tiên để lại. Tiền sinh ra từ đất có giá theo thời cuộc rất quý nhưng là lẽ đương nhiên do “tài năng” của đất chứ không do sở hữu công nghệ. Tiền sinh ra từ sở hữu công nghệ mới bảo vệ được đất, mới làm cho đất nước hùng cường.
7. Từ đấu giá 1,1 tỷ USD cho 1 héc ta đất ở Thủ Thiêm còn hiện lên hai bức tranh khác nữa. Một bức tranh về hàng núi tiền khổng lồ đã thất thoát từ chế tài giao đất, với mức đền bù từ dăm chục ngàn đồng đến vài triệu đồng / 1 m2 mà khi đấu giá lên đến từ vài trăm triệu đồng cho đến 2,4 tỷ đồng / 1 m2. Bức tranh thứ hai là dòng nước mắt của đồng bào Thủ Thiêm đi kêu oan đã 20 năm vẫn chưa ngừng chảy!
N.N.C.
Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét