Chỉ dấu ban đầu về kế hoạch kinh tế của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Lê Hồng Hiệp
4-5-2021
Thủ tướng mới của Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, dường như đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng cho con đường sự nghiệp của mình.
Năm 2009, khi còn là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an, ông Chính đã đồng tác giả một cuốn sách về kinh tế Việt Nam, giúp ông thể hiện hiểu biết kinh tế, điều có ích cho công việc hiện tại của ông. Hai năm sau, ông Chính, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an, đã chuyển sang ngạch dân sự để làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Ở Quảng Ninh, ông Chính đã giúp chuyển đổi nền kinh tế địa phương, qua đó tạo cho mình danh tiếng là một nhà quản trị có năng lực và mang tư duy cải cách. Việc năm 2015 ông chuyển sang Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cơ quan lên kế hoạch và điều phối các thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng, cũng tỏ ra là một bước đi chiến lược khác, mở đường cho ông trở thành Thủ tướng. Tham vọng của ông Chính có thể chưa dừng lại ở đó.
Nhưng với tư cách là người đứng đầu chính phủ hiện tại, tương lai của ông Chính phụ thuộc vào những kế hoạch kinh tế mà ông có và cách thức ông thực hiện chúng. Điều này sẽ không chỉ định hình thành tích kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới mà còn cả triển vọng chính trị của ông.
Thừa hưởng một nền kinh tế vững chắc từ người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, ông Chính có một khởi đầu khá thuận lợi. Năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng 2,9%, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có thể giữ cho nền kinh tế trụ vững trước cơn sóng thần COVID-19.
Tuy nhiên, đại dịch kéo dài có nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục bị kìm hãm. Hơn nữa, với việc ĐCSVN đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, ông Chính sẽ chịu áp lực rất lớn trong việc đưa nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Tại cuộc họp thành viên chính phủ đầu tiên vào ngày 15 tháng 4, ông Chính đã đưa ra một số chỉ dẫn quan trọng cho thấy những ưu tiên kinh tế trước mắt của ông.
Đầu tiên, ông muốn đẩy nhanh chương trình tiêm chủng COVID-19 và xem xét việc áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc xin” để tạo điều kiện mở cửa trở lại đất nước cho khách du lịch và doanh nhân nước ngoài. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, đồng thời ngành du lịch đóng góp tới 31,6 tỷ USD cho nền kinh tế. Nhưng với việc biên giới quốc tế bị đóng cửa kể từ tháng 3 năm 2020, ngành công nghiệp này hiện đang trong tình trạng hấp hối. Việc mở cửa lại Việt Nam cho du khách nước ngoài sẽ là một ưu tiên trước mắt.
Thứ hai, ông Chính muốn tăng tốc chi tiêu công cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn để kích thích tăng trưởng và cải thiện kết nối. Dự án đường cao tốc Bắc Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh đó là các cảng biển và sân bay hơn. Cũng có dấu hiệu cho thấy dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có thể quay lại chương trình nghị sự. Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa để tăng chi tiêu công khi nợ công của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua đã giảm xuống chỉ còn tương đương 55,8% GDP.
Một cuộc họp chính phủ không thể cung cấp đủ manh mối về mọi kế hoạch kinh tế của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Dư luận sẽ phải đợi cho đến khi tất cả các tân bộ trưởng của chính phủ được Quốc hội khóa mới bổ nhiệm vào tháng 7 để có thêm thông tin, trong khi một số chính sách kinh tế dài hạn của ông sẽ chỉ được tiết lộ tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN tổ chức vào năm tới.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy ông Chính có thể coi việc thành lập các đặc khu kinh tế (SEZ) là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ông Chính được biết đến là một người hậu thuẫn quan trọng cho dự luật về đặc khu, vốn dự kiến sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập ba đặc khu kinh tế tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và đảo Phú Quốc.
Tuy nhiên, dự luật đó đã bị hoãn lại sau các cuộc biểu tình của người dân vào tháng 6 năm 2018 do dư luận lo ngại về tính phù hợp và hiệu quả của các đặc khu, cũng như nhận thức (không hoàn toàn chính xác) rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tràn ngập các đặc khu để phá hoại chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Lần này, ông Chính dường như ủng hộ một phiên bản khác của đặc khu kinh tế, theo đó không yêu cầu phải thành lập các đơn vị hành chính riêng biệt. Thay vào đó, các “tiểu đặc khu kinh tế” như vậy sẽ được tích hợp vào các trung tâm đô thị hiện có.
Ví dụ, Chính phủ đã đặt hàng nghiên cứu việc thành lập các trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các trung tâm này sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm tài chính khu vực lớn như Hong Kong hay Singapore, thay vào đó tập trung vào một số lĩnh vực “ngách” phù hợp, chẳng hạn như fintech.
Đề xuất thành lập trung tâm tài chính Đà Nẵng do Tập đoàn Imex Pan Pacific đứng đầu cũng được cho là bao gồm một loạt các dịch vụ liên quan, như khu miễn thuế, khách sạn nghỉ dưỡng và khu phức hợp giải trí casino.
Ngoài ra, cũng xuất hiện những đề xuất về các khu kinh tế lớn. Ví dụ, một khu kinh tế rộng 32.000 ha ở tỉnh Long An đang được đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực thông qua phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Các khu kinh tế tương tự cũng có thể được đề xuất ở những nơi khác, chẳng hạn như ở tỉnh Tây Ninh, trong vài năm tới.
Nếu xét các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của Việt Nam, các sáng kiến kinh tế này có thể có được những động lực mới. Ý tưởng của ông Chính là tạo ra các trung tâm tăng trưởng mới được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế và cải cách hành chính vượt ra ngoài các ưu đãi về thuế và đất đai để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia hướng tới tăng trưởng bền vững và đổi mới – sáng tạo. Mục tiêu là giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045.
Liệu tầm nhìn kinh tế của Chính có thành hiện thực hay không còn cần thời gian để trả lời. Tuy nhiên, với vị trí mới của mình, ông Chính giờ có một vị thế tốt hơn nhiều để biến các kế hoạch kinh tế của mình thành hiện thực. Nếu vậy, thói quen lên kế hoạch kỹ lưỡng cho mọi thứ của ông sẽ một lần nữa mang lại kết quả, giúp ông củng cố hơn nữa triển vọng chính trị của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét