Virus corona: WHO ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục trong ngày

A temperature check is carried out on a student waiting to enter an exam centre on September 13, 2020 in Amritsar, India.
Chụp lại hình ảnh, 

Ấn Độ là nước có số ca nhiễm virus corona được ghi nhận cao thứ hai thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận số ca nhiễm virus corona mới trong ngày tăng kỷ lục, 307.930 ca được báo cáo trong vòng 24 giờ.

WHO cho biết số người chết đã tăng hơn 5.500, nâng tổng số người chết trên toàn cầu lên 917.417

Các ca nhiễm virus tăng nhiều nhất ở Ấn Độ, Mỹ và Brazil.

Trên toàn thế giới đã có hơn 28 triệu ca nhiễm được xác nhận, một nửa trong số đó là ở châu Mỹ.

Kỷ lục số ca mắc mới một ngày trước đó là vào 6/9, với 306.857 ca, theo báo cáo của WHO. 

Nước nào có số ca nhiễm tăng mạnh nhất?

Theo WHO, Ấn Độ báo cáo 94.372 ca nhiễm mới hôm Chủ Nhật (13/9), tiếp theo là Mỹ với 45.523 và Brazil với 43.718.

Hơn 1.000 ca tử vong mới đã được ghi nhận ở Mỹ và Ấn Độ trong khi Brazil cho hay 874 người chết liên quan đến Covid-19 trong 24 giờ qua.

Ấn Độ có số ca mắc được xác nhận lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Tuần trước, nước này báo cáo gần hai triệu ca nhiễm Covid-19 trong tháng Tám, con số mắc hàng tháng cao nhất trên thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo dữ liệu chính thức, toàn Ấn Độ ghi nhận trung bình 64.000 ca mỗi ngày - tăng 84% so với trung bình hàng ngày trong tháng Bảy. Số người chết đã lên đến 1.000 người mỗi ngày kể từ đầu tháng Chín.

Brazil ghi nhận hơn bốn triệu ca mắc, cao thứ ba trên thế giới. Nước này có số người chết cao nhất ở Mỹ Latinh, khoảng 131.000 người cho đến nay.

Hoa Kỳ có số ca mắc virus chiếm một phần tư tổng số ca trên toàn thế giới - hơn sáu triệu. Nước này chứng kiến số ca mắc mới hàng ngày gia tăng trong tháng Bảy. Nhưng kể từ đó số ca mắc mới ở Mỹ đã giảm. 

Hoa Kỳ có số người chết được ghi nhận cao nhất thế giới do Covid-19, hơn 194.000.

Tình hình nơi khác như thế nào?

Các quốc gia trên khắp châu Âu đang ghi nhận số ca mắc hàng ngày gia tăng trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát trở lại của virus.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã bị phong tỏa, và người dân được kêu gọi đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội. 

Các quốc gia khác chứng kiến sự bùng phát trở lại của virus bao gồm Peru, Israel, Hàn Quốc và Australia.

Hôm Chủ nhật, cảnh sát ở bang Victoria, Úc đã bắt giữ hơn 70 người biểu tình vì bỏ lệnh cách ly tại nhà. Khoảng 250 người đã tham gia cuộc biểu tình ở thành phố Melbourne, được thúc đẩy bởi các nhóm mạng xã hội có chung mối quan tâm về các thuyết âm mưu liên quan đến đại dịch.

Bang Victoria là tâm chấn của đợt bùng phát dịch bệnh ở Úc, chiếm 75% số ca bệnh và 90% số ca tử vong.

Trong khi đó, Israel sẽ áp một lệnh cấm mới trên toàn quốc khi các ca nhiễm virus corona tại nước này tiếp tục gia tăng. Các luật giới nghiêm sẽ có hiệu lực vào thứ Sáu - năm mới của người Do Thái - và sẽ kéo dài ít nhất ba tuần, giới chức cho biết.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Israel đã chứng kiến hơn 153.000 ca mắc virus và 1.108 ca tử vong do Covid-19.