Mật hóa kế hoạch tập kích Đồng Tâm tạo điểm nghẽn cho vụ án?

Đồng Tâm
Chụp lại hình ảnh, 

Các sỹ quan cảnh sát của chính quyền Hà Nội trong ngày được trao trả tự do ở Đồng Tâm, Hà Nội năm 2017

Luật sư bào chữa cho các bị cáo đã kiến nghị thu thập bản kế hoạch số 419A liên quan đến chiến dịch do công an tiến hành tại Đồng Tâm, sự kiện làm ba cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong. 

Trước kiến nghị này luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, đã phản đối, viện lý do kế hoạch về việc đảm bảo an ninh trật tự là một văn bản tối mật.

Vậy việc không tòa không cho thu thập văn bản này để làm sáng tỏ chiến dịch và hoàn cảnh dẫn đến cái chết của ba cán bộ công an, trong khi lại đề xuất hai án tử hình liệu có minh bạch công bằng với các bị cáo?

Yếu tố quyết định của bản án

Kế hoạch 419A được cho là bản kế hoạch tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào sáng 9/1/2020 do Công an Hà Nội soạn thảo và Bộ Công an phê duyệt. 

Trong cuộc tấn công, ba cán bộ chiến sĩ công an cùng ông Lê Đình Kình, một người dân xã Đồng Tâm, đã tử vong. Phiên tòa sơ thẩm đang diễn ra tại Hà Nội là để xét xử 29 bị cáo liên quan tới sự kiện này với tội danh Giết người và Chống người thi hành công vụ.

Về vấn đề này, luật sư Lê Văn Luân nói trên trang cá nhân: 

"Quay trở về vấn đề công vụ. Đây là một cơ sở bắt buộc để truy tố tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự. Và điều luật này quy định, công vụ phải là hợp pháp. Trong khi đó, hồ sơ vụ án đã nêu rõ Kế hoạch số 419a/KH-PV01-PV02-MP do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt. Và tài liệu này là một văn bản đặc biệt quan trọng để xác định đúng đắn công vụ là gì. 

"Mặc dù vậy, vị đại diện Công an Hà Nội xuất hiện tại phiên toà với vai trò người tham gia tố tụng khác lại đã không được xét hỏi và bị coi là đơn vị được mời tham dự phiên toà. Và hẳn nhiên, Kế hoạch số 419a này sẽ được lưu trong hồ sơ của nhiều cấp, ngành khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không có mặt trong hồ sơ vụ án. Tài liệu là văn bản trả lời về kế hoạch của Công an Hà Nội chỉ là một văn bản thế thân, nên không có giá trị để đánh giá so với bản Kế hoạch gốc chứa đựng nội dung của nó", ông Luân viết.

Khi nhắc đến bản kế hoạch 419A trong phiên tòa, luật sư bên bị hại "vô tình" tiết lộ rằng đó là tài liệu "tối mật". 

Luật sư Đinh Hồng Hạnh từ TP HCM cũng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng nếu đúng như các tiết lộ ở tòa, thì đây là chuyên án thuộc kế hoạch nhà nước. Bà Hạnh nói:

"Cần phải làm rõ, yêu cầu công khai được nội dung bản kế hoạch 419A mà luật sư của bên bị hại đã vô tình tiết lộ tại tòa là văn bản tối mật. Bởi nếu cơ quan, trung đoàn cảnh sát thực hiện kế hoạch bí mật ở cấp vượt trên cơ quan CSĐT Hà Nội thì cơ quan CSĐT Hà Nội ở vị trí thấp hơn trong chuyên án được thực hiện bởi lực lượng cao hơn trong ngành. Riêng việc này đã gây ra sự bất bình đẳng về mặt quyền lực và vi phạm trình tự thực hiện".

"Thứ hai, nếu bản kế hoạch công khai ra là thực hiện trực tiếp bởi các cơ quan an ninh, phản gián của Hà Nội thì tức đây là cơ quan gây ra vụ việc mà cũng là cơ quan cảnh sát điều tra. Điều này sẽ tạo ra sự không minh bạch và mâu thuẫn lợi ích", bà Hạnh lưu ý thêm. 

Người dân Đồng Tâm từng rất tin tưởng vào chính quyền Việt Nam.

Về vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp, Đoàn Luật sư TP.HCM - nhận định với BBC News Tiếng Việt: 

"Văn bản 419A là văn bản quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tội danh của các bị cáo. Nếu văn bản đó ban hành trái luật hoặc trên thực tế triển khai các nghiệp vụ ngoài kế hoạch thì rõ ràng không thể nói là thi hành công vụ được". 

Tại sao đây lại là điểm quan trọng? Theo luật sư Sơn, nếu vụ tấn công vào sáng 9/1 không phải thi hành công vụ thì không thể nói các bị cáo chống người thi hành công vụ được. 

"Khi đó, có thể xem hành vi của các bị cáo là phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Trong trường hợp này, hình phạt dành cho các bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức không quá 7 năm tù, nếu thực sự họ có các hành vi và hậu quả như cáo trạng nêu", ông Sơn phân tích.

Cần phải công khai

Viện vào lý do "tài liệu tối mật" để không công khai kế hoạch 419A là một điểm nghẽn của vụ án. Theo ý kiến của các chuyên gia, điều này tạo ra nguy cơ bản án được xét xử thiếu công bằng, minh bạch; tạo ra bất công, án oan sai cho các bị cáo.

Một trong những điều có thể được làm sáng tỏ nếu như công bố nội dung kế hoạch 419A, đó là quan hệ giữa đơn vị triển khai cuộc tấn công vào thôn Hoành và Cảnh sát điều tra Hà Nội, nơi tiến hành điều tra vụ án.

Luật sư Hạnh nói: 

"Trước hết phải làm rõ xem trong bản kế hoạch ban đầu, có công cụ nào cho phép tấn công người dân vào thời điểm không phải giờ hành chính, không phải đang trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm có thể đe dọa an ninh xã hội hay trật tự quốc gia. Phải xem lại gốc rễ vụ việc là văn bản 419A".

Các cảnh sát được thả (mặc đồng phục sẫm màu) bước ra khỏi đình làng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017.
Chụp lại hình ảnh, 

Các cảnh sát bước ra khỏi đình làng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22/4/2017 sau khi bị dân làng bắt làm con tin trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền

Facebooker Hải Bùi Hồng nêu ý kiến trên trang cá nhân:

"Dù chúng ta chưa được đọc nội dụng cụ thể của bản kế hoạch 419A/KH - PV01 - PV02 - MP, nhưng những gì bộc lộ tại tòa và tài liệu trong cáo trạng thể hiện, cho phép sử dụng cả trung đoàn quân đặc nhiệm tấn công vào tư gia của người dân vào đêm khuya mà không có lệnh của tòa án, hoặc bất kỳ hành động phạm pháp quả tang. 

''Một bản kế hoạch giấy trắng mực đen như vậy tuyệt đối sẽ không biến mất. Nó đã là thách thức pháp lý vĩnh viễn đối với những người đã ký và tổ chức thực hiện nó".

Trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Hồ Hải đặt câu hỏi:

"Các luật sư bảo vệ các bị can vụ án Đồng Tâm đòi tòa đưa kế hoạch tối mật 419A, nhưng không được như ý. Vậy kế hoạch 419A là kế hoạch gì, do ai chủ biên, ai ký lệnh? Sao phải gọi là tối mật?".

Chụp màn hình nhân vật

Trao đổi với BBC, luật sư Phùng Thanh Sơn đánh giá: 

"Còn tuỳ vào nội dung của văn bản 419a đề cập đến vấn đề gì, có đề cập đến những nội dung mang tính nghiệp vụ hay không. Nếu không thì không nên xem đó là tài liệu mật. Cho dù văn bản 419A là văn bản mật đi chăng nữa nhưng nó là văn bản quan trọng quyết định đến bản chất vụ án thì nó được xem là chứng cứ của vụ án, toà án cần phải thu thập đưa vào hồ sơ vụ án. 

Một khi đã là chứng cứ thì luật sư được quyền tiếp cận. Khi tiếp cận văn bản 419A thì luật sư có nghĩa vụ bảo mật tài liệu này theo quy định pháp luật", ông Sơn nói.

Phân tích với BBC, luật sư Hạnh nói thêm: 

"Như vậy, mấu chốt là làm rõ bản kế hoạch 419A để xác định phạm vi, đối tượng cũng như trong tình huống nào họ được tấn công khi họ xác định có hành vi khủng bố. Vì theo tường thuật, cuộc tấn công diễn ra vào 3 giờ sáng, không phải thời điểm đang xảy ra tranh chấp thì không thể xem là hành vi khủng bố. Và phải xem lại việc 3 cảnh sát chết có là hành vi giết người và chống người thi hành công vụ hay không".

"Các tài liệu, mọi bước có liên quan đến vụ việc này mà được xem là bí mật nhà nước thì không đảm bảo sự minh bạch trong xét xử. Vì những bên liên quan và người dân không thể tiếp cận được và đây là lợi thế quá lớn của cơ quan CSĐT và những người tiến hành tố tụng. Tôi nghĩ quan trọng trong vụ này là phải công khai bản kế hoạch 419A. Thứ hai là tòa phải đồng ý điều tra thực nghiệm bổ sung và trả hồ sơ điều tra lại từ đầu", bà Hạnh đề xuất.

Các chuyên gia pháp luật cũng cho rằng nếu các tài liệu, mọi bước có liên quan đến vụ việc này mà được xem là bí mật nhà nước thì không đảm bảo sự minh bạch trong xét xử. Vì những bên liên quan và người dân không thể tiếp cận được nên đây là lợi thế quá lớn của cơ quan cảnh sát điều tra và những người tiến hành tố tụng.