Người dân nhiều nước thế giới đổ xô đi tích trữ đồ phòng dịch COVID-19
Dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới đã khiến người dân ở nhiều quốc gia đổ xô đi mua đồ tích trữ phòng trường hợp phải cách ly hoặc địa phương ban bố lệnh phong tỏa.
Giấy vệ sinh cháy hàng tại nhiều nước châu Á
Trong những ngày đầu tháng 2, dường như một phần của Hồng Kông, Singapore và Seoul sắp xảy ra tận thế khi cư dân sợ hãi bởi sự bùng phát của virus corona, đã đổ xô đi dọn sạch mọi thứ trên kệ siêu thị, từ rau quả tươi đến giấy vệ sinh, mì ăn liền.
Trong một đoạn hội thoại với các doanh nhân bị rò rỉ, Bộ trưởng thương mại Singapore Chan Chun Sing được cho là đã lên tiếng mỉa mai hành vi hoảng loạn mua đồ của cư dân đảo quốc, cho rằng đó giống như những con khỉ bắt chước nhau, theo SCMP.
“Bạn muốn trữ gạo, trữ mì, tôi có thể hiểu, nhưng tại sao lại trữ giấy vệ sinh? Nếu bạn ăn hết chỗ gạo và mì bạn tích trữ, bạn đảm bảo sẽ đi ngoài,” ông Chan nói.
Tại Hồng Kông, người dân cuống cuồng tích trữ giấy vệ sinh và nhiều nhu yếu phẩm sau khi xuất hiện tin đồn hàng hóa sắp khan hiếm vì dịch corona.
Yeah
That's enough toilet paper to wipe 25 bums#WuhanCoronovirus #HongKong twitter.com/BeWaterHKG/sta …
16 people are talking about this
Mặc dù chính quyền Hồng Kông đã bác bỏ những tin đồn này, nhưng cũng không làm người dân yên tâm, khiến giấy vệ sinh trở thành mặt hàng “khan hiếm” tại đặc khu.
Thậm chí, tại Hồng Kông đã xảy ra một vụ cướp giấy vệ sinh táo tợn. Rạng sáng ngày 17/2, ba người đàn ông bịt mặt đã dùng dao khống chế một tài xế xe tải bên ngoài siêu thị ở quận Mong Kok, cướp đi 600 cuộn giấy vệ sinh trị giá 1.600 HKD (tương đương hơn 205 USD).
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm virus tăng nhanh trong thời gian gần đây cũng khiến các mặt hàng khẩu trang, giấy vệ sinh, giấy ăn được săn lùng và trở nên vô cùng khan hiếm. Giấy vệ sinh được người dân “vét” sạch trên mọi kệ hàng ở khắp các cửa hàng, siêu thị.
Liên tiếp trong các sáng ngày 29/2 và 1/3, cửa hàng Super Kitamura ở Ota, Tokyo đã chứng kiến một hàng dài ít nhất 20 người đứng đợi bên ngoài trước giờ mở cửa để đợi mua giấy vệ sinh và giấy ăn.
Tại siêu thị OK Hirano ở Koto, Tokyo, gạo, mì ăn liền, thức ăn đông lạnh, đồ hộp và nhiều hàng hoá khác cũng đã hết hàng.
Ông Kazuya Nakayachi, giáo sư tâm lý học rủi ro tại Đại học Doshisha, Nhật Bản, nhận xét về xu hướng tích trữ đồ: “Mọi người nghe nói rằng sẽ khan một loại mặt hàng, nên họ ra ngoài và mua thật nhiều mặt hàng đó, khiến chúng “biến mất” trên kệ. Những người đến sau không thấy loại mặt hàng ấy nữa, đổ xô đi săn lùng và cố gắng mua hết những gì còn lại, và đó là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.”
Cơn sốt mua hàng tích trữ lan sang Âu Mỹ
Khi dịch COVID-19 có dấu hiệu lan xa hơn trên thế giới, hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ đã xảy ra ở nhiều khu vực tại châu Âu, Bắc Mỹ và Úc.
Tại thủ đô Bucharest của Rumani, người dân không quá quan tâm đến giấy vệ sinh như ở châu Á, nhưng cổng thông tin EU Observer có trụ sở tại Brussels báo cáo rằng các kệ siêu thị đã gần như trống trơn. Đến nay Rumani đã có 3 ca nhiễm virus.
Tại thành phố Milan của Ý, bánh quy, pasta và đồ hộp đã trở nên khan hiếm, trong khi trái cây và rau quả thì vẫn còn, theo SCMP.
Khi số ca nhiễm tại Đức bắt đầu có dấu hiệu tăng vọt, nhiều người dân đã đổ về các siêu thị để mua nhu yếu phẩm với số lượng lớn do lo ngại bị cách ly. Tại các chuỗi bán lẻ, người Đức mua thực phẩm dài hạn, đồ hộp, mì , giấy vệ sinh và chất khử trùng.
Ở Anh, chuỗi cửa hàng Superdrug ghi nhận nhiều kệ hàng trống trơn. Người dân Anh thậm chí còn thiết lập các phòng “cách ly” tại nhà.
Tại thành phố Auckland của New Zealand, mặc dù nước này mới chỉ phát hiện 1 ca nhiễm bệnh, nhưng tờ New Zealand Herald đã báo cáo những hàng dài người xếp hàng ngoài lối vào siêu thị từ 7h30 sáng. Nhiều kệ hàng nhu yếu phẩm, giấy vệ sinh đã hết sạch ngay sau đó.
Tại đảo Oahu của Hawaii – nơi một người đàn ông Nhật Bản từng đến và được xác nhận là nhiễm COVID-19, đại siêu thị Costco địa phương chật kín khách hàng chen nhau mua các đồ hộp, nước đóng chai, giấy vệ sinh và khăn giấy, theo báo địa phương Khon2.
Tại Vancouver, Canada, hàng dài người xếp hàng để vào siêu thị Costco trong sáng 1/3. Siêu thị Metro Vancouver không còn cuộn giấy vệ sinh nào trên kệ. Các sản phẩm như thuốc khử trùng tay, khăn lau khử trùng và các nhu yếu phẩm khác để sử dụng trong trường hợp bị cách ly đều cháy hàng.
Tại Mỹ, kể từ khi số các ca nhiễm có dấu hiệu tăng cao trong những ngày gần đây, người dân tại nhiều thành phố đã vội vàng đi mua các mặt hàng thiết yếu. Bộ An ninh nội địa nước này đã khuyến cáo người dân nên dự trữ thực phẩm và thuốc men đủ dùng trong 2 tuần trước khi xảy ra đại dịch. Bộ cũng nhấn mạnh đó là để chuẩn bị, chứ không phải để hoảng loạn.
Ở miền Nam California, một số cửa hàng Walgreen đã hết sạch thuốc ho, thuốc cảm cúm, bình xịt, khẩu trang và nhiệt kế. Nhiều người đã lên mạng để tìm kiếm các sản phẩm khan hiếm nhưng trên mạng cũng đã bán hết.
Lê Xuân (tổng hợp)
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét