Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Bản tin ngày 5-10-2019

Bản tin ngày 5-10-2019

Tỉnh ủy Đắk Lắk: Học cấp 2 làm trưởng phòng
Báo Tiền Phong có bài: Con đường thăng tiến để hotgirl gội đầu thành Trưởng phòng ở Tỉnh uỷ Đắk Lắk. Ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk, xác nhận vụ Trưởng phòng Hành chính – Quản trị, trực thuộc Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk hiện nay là bà Trần Thị Ngọc Thảo, được thăng tiến nhanh chóng từ một nhân viên gội đầu: “Trong quá trình công tác tại Đắk Lắk, trải qua nhiều đơn vị bà Thảo đã lấy hồ sơ của chị gái mình là Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, trú tại tỉnh Lâm Đồng) để xin làm việc vào một số nơi”.
Giai đoạn 1992-2002, bà Thảo lấy bằng tốt nghiệp THPT của chị gái mình để xin vào làm nhân viên hợp đồng tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 và đi học trung cấp kế toán. Từ năm 2005 đến 2011, bà Thảo xin vào làm kế toán ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 2013-2016, bà Thảo lần lượt được bổ nhiệm qua các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản trị, gần đây mới bị tố cáo.
Đơn giải trình về việc bị tố cáo của bà Thảo, trong đơn bà dùng tên giả là tên chị mình. Nguồn: TP
Báo CAND phân tích vụ bà Trần Thị Ngọc Thảo dùng bằng cấp III của chị để tiến thân tới chức Trưởng phòng. Ông Nguyễn Thượng Hải cho biết: “Văn phòng đã kiểm tra bằng cấp III, trung cấp cũng như các văn bằng khác thì cái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa đều là thật, có quá trình học tập. Chúng tôi kiểm tra hồ sơ đảng viên thì cũng không có phát hiện sai sót gì nên đã thực hiện quy trình đề bạt, bổ nhiệm bình thường”. Ông Hải thừa nhận sai sót của các cán bộ Ban tổ chức Tỉnh ủy trong việc tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm bà Thảo.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo. Ảnh: CAND
Giám đốc Nhà khách Tỉnh Đắk Lắk bị khiển trách vì sa thải nhân viên trái luật, Infonet đưa tin. Ông Nguyễn Thượng Hải cũng xác nhận, sáng 4/10, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Trần Xuân Bảy, GĐ Nhà khách tỉnh Đắk Lắk, vì đã chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên không đúng quy định, dẫn đến phải bồi thường. Ông Bảy còn quản lý đơn vị không tốt, để xảy ra kiện cáo của cấp dưới.
Trước đó, vào năm 2017, một nữ nhân viên Nhà khách tỉnh Đắk Lắk gửi đơn tố cáo ông Bảy có hành động quấy rối và có nhiều tin nhắn gạ tình nữ nhân viên này. Sau đó, nữ nhân viên đã bị ông Bảy ký quyết định buộc thôi việc. Lạm quyền như vậy mà 2 năm sau mới bị khiển trách.
Tòa nhà trái phép trên đèo Mã Pì Lèng
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Hà Giang lập đoàn kiểm tra công trình trái phép trên đèo Mã Pì Lèng. Vụ ngôi nhà 7 tầng tên Mã Pì Lèng Panorama có chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê được xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng, di tích danh lam thắng cảnh quốc gia được Bộ VH-TT&DL xếp hạng hồi tháng 11/2009, một lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Giang xác nhận, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và huyện Mèo Vạc khẩn trương kiểm tra.
Công trình trái phép này được khởi công từ đầu năm 2018, đến năm 2019 chính thức kinh doanh nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí cũng không có giấy phép xây dựng. Ông Hoàng A Chinh, GĐ Sở Xây dựng Hà Giang, cho biết, thẩm quyền cấp phép thuộc huyện Mèo Vạc nên sở chưa nắm được. Chứ không phải vì đã lỡ “nuốt” một đống tiền “bôi trơn” nên mới làm như không biết, giờ báo chí làm rùm beng lên nên ông mới biết?
Công trình Mã Pì Lèng Panorama được xây dựng trái phép từ năm 2018. Ảnh: TT
Dân mạng bức xúc kêu gọi tẩy chay khách sạn 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng, theo VietNamNet. Bài báo dẫn lời nhà báo Trần Đăng Tuấn bình luận: “Bạn lên Mã Pì Lèng là để thấy nước mình có những nơi đẹp đến kỳ ảo. Nhưng nếu bạn vào sử dụng dịch vụ của quán – khách sạn này, là bạn đã góp một phần để đẩy cái ngày không còn cảnh quan Mã Pì Lèng để thưởng ngoạn đến gần hơn”.
Các vụ ăn đất đai, nhà công sản
UB kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa kỷ luật nguyên Phó Chủ tịch tỉnh bán nhà công sản trái quy định, báo Dân Trí đưa tin. Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bị kỷ luật cảnh cáo vì đã vi phạm trong việc bán nhà công sản thời điểm 2010. Bà Hòa đã bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại số nhà 135 Huỳnh Thúc Kháng, với diện tích hơn 100m2, trên phường Phú Hòa, TP Huế, sai quy định, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Ngày 4/10/2019, Tỉnh ủy Bình Dương thông tin vụ chuyển nhượng 43ha đất công không qua đấu giá, theo báo Công Thương. Ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương xác nhận, 43ha đất nêu trên, ban đầu do Tổng công ty Bình Dương là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, quản lý.
Ngày 21/7/2010, TCT Bình Dương xin chủ trương để hợp tác với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc, thành lập liên doanh với pháp nhân là Công ty Tân Phú, mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43 ha, TCT Bình Dương góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ. Đến năm 2017,  TCT Bình Dương muốn chuyển nhượng luôn 30% vốn góp này Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc, đến nay đã thực hiện xong.
Vụ nổ ở Cục thuế Bình Dương
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Công an phong tỏa hiện trường, bắt nghi phạm gây nổ Cục Thuế Bình Dương. Vào khoảng 9h30 ngày 30/9, vụ nổ xảy ra tại một nhà vệ sinh trong Cục Thuế tỉnh Bình Dương. “Vụ nổ lớn khiến tường đổ sập, cửa kính bị vỡ. Một nữ cán bộ bị kính và tường đổ bắn vào người làm xây xát nhẹ”.
Ngày 3/10, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Dương đã phong tỏa hiện trường để khám xét ngôi nhà bán tạp hóa ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngôi nhà này nằm ngay ngã ba đường Võ Thành Long và Nguyễn Đình Chiểu, một nghi can sống tại ngôi nhà trên đã được cơ quan công an đưa về làm việc.
Công an đi cướp ngân hàng
Công an tỉnh Thanh Hóa vừa tước quân tịch 1 thượng úy công an huyện tới ngân hàng gây rối, báo Người Lao Động đưa tin. Chiều ngày 4/10, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đại tá Đào Đức Minh, PGĐ Công an tỉnh thừa nhận, cơ quan này đã tước quân tịch Công an nhân dân đối với thượng úy Đào Xuân Tư, Công an huyện Triệu Sơn, do liên quan đến vụ cầm súng xông vào 1 chi nhánh ngân hàng Vietcombank ở huyện Tĩnh Gia và uy hiếp nhân viên ngân hàng để cướp tiền.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 25/7, tại chi nhánh ngân hàng Vietcombank ở xã Hải Yến. Tay thượng úy nói trên đội mũ bảo hiểm, bịt mặt, trùm đầu xông vào ngân hàng, dùng súng uy hiếp nhân viên phòng giao dịch hòng cướp tiền. Bảo vệ ngân hàng vào can thiệp, giữa 2 bên xảy ra giằng co và đã có nổ súng. Một phát đạt sượt chân bảo vệ, khiến người này bị thương nhẹ, còn thượng úy Tư đã chạy trốn khỏi hiện trường, nhưng sau đó bị bắt.
Phó chánh án Nguyễn Hải Nam bắt cóc trẻ em
Cơ quan điều tra đang thực nghiệm hiện trường vụ Phó chánh án bị tố “bắt” trẻ em, Infonet đưa tin. Chiều 4/10, lực lượng chức năng có mặt rất đông trước căn nhà số 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh án TAND quận 4 và ông Lâm Hoàng Tùng, giảng viên trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP HCM, tổ chức bắt cóc trẻ em, để tiến hành công tác thực nghiệm hiện trường.
Ông Tùng đã được đưa đến hiện trường để phục vụ việc thực nghiệm. “Ông Nguyễn Hải Nam cũng có mặt ngay sau đó. Và bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng Văn phòng Thừa Phát Lại (quận 1) cũng đã có mặt tại đây”.
Tin giáo dục
 Phòng GD&ĐT thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đang xác minh thông tin cô giáo mầm non nhắc nhở… rách cả tai học sinh, theo báo Dân Trí. Cơ quan này đã yêu cầu nhà trường và giáo viên Trường Mầm non Hoa Bưởi vào tận nhà học sinh để thăm hỏi sức khỏe, đồng thời xác minh, báo cáo vụ học sinh bị thương, nghi do bị cô giáo đánh. 
Ông Nguyễn Văn Thảo, phụ huynh học sinh Nguyễn Tiến V cho biết, tối ngày 3/10, trong lúc tắm cho con, vợ chồng anh Thảo phát hiện phía sau tai cháu có một vết rách dài. Sau khi gặng hỏi, cháu V cho biết, khi ở trên lớp đã bị cô giáo Hoàng Thị Thu Trang, GV lớp lá 4, nhéo tai dẫn đến bị thương. 
Chuyện ở Trường tiểu học Lê Hồng Phong, huyện Đắk Hà, Kon Tum: Kế toán nhà trường chiếm đoạt tiền hỗ trợ học sinh nghèo đem đi cho vay, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Công an huyện đã điều tra vụ bà Phạm Thị Hiền, kế toán trường này chiếm đoạt số tiền chế độ chính sách của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ngọc Réo. “Bà Phạm Thị Hiền đã trích ra số tiền 750 triệu đồng đem đi cho vay. Số tiền còn lại là 16,1 triệu đồng, bà Hiền đem sử dụng vào mục đích cá nhân”.
Ô nhiễm không khí
Tình hình Hà Nội ngày 4/10/2019: Sau một ngày trong lành, Hà Nội lại ô nhiễm nghiêm trọng sáng nay, báo Tiền Phong đưa tin. Chất lượng không khí ghi nhận tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ của Tổng cục Môi trường, là một điểm đo cố định cho độ tin cậy rất cao có chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 191, đạt ngưỡng xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người. Còn tại trạm đo của Đại sứ quán Mỹ, chỉ số AQI lên tới 194.
Sau khi Hà Nội nhận được cơn mưa “giải nhiệt”, “chất lượng không khí tương đối tốt (chủ yếu màu xanh-chất lượng tốt và màu vàng-chất lượng trung bình) thì từ đêm qua đến sáng nay, chất lượng không khí lại xấu trở lại”.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Ô nhiễm khói bụi từ quán nướng, xe cộ, công trình xây dựng… bủa vây TP.HCM. Kết quả quan trắc môi trường ở đây tiếp tục cho thấy trong không khí có nhiều chất gây ô nhiễm như NO2, SO2, CO và cả bụi mịn PM2.5, đều là các chất rất độc hại, nếu tiếp xúc lâu ngày có thể gây nhiều bệnh về đường hô hấp. “Việc xây dựng, đi lại, sinh hoạt, thậm chí nấu nướng bằng than… của người dân là một trong những yếu tố chính gây ô nhiễm môi trường”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét