Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Lạm bàn về “Chiến lược nhân tài”

Lạm bàn về “Chiến lược nhân tài”

Nguyễn Đình Cống
1-8-2019
Trong công cuộc phát triển, VN tuy có đạt vài kết quả về kinh tế, nhưng đã phạm phải một số sai lầm và gặp nhiều bế tắc. Một trong những nguyên nhân chính là “thiếu nhân tài”, đặc biệt là ở cấp chiến lược. Vì thế mà ĐCS loay hoay với việc “Quy hoạch CB”. Gần đây Bộ Nội vụ lại làm đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài” (gọi tắt là Chiến lược nhân tài).
Ngày 5/6/2019, ra Quyết định số 470/QĐ-BNV 2019 về “Chiến lược nhân tài”.
Ngày 17/7, tổ chức Hội thảo khoa học về “Chiến lươc nhân tài”, công bố thành lập Ban chỉ đạo, gồm 12 thành viên do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm trưởng ban. Dự kiến tháng 10/2019 sẽ trình Dự thảo lên Thủ tướng. Kế hoạch thực hiện từ năm 2020 đến 2025.
Tìm hiểu kỹ về Quy hoạch CB của ĐCS và Chiên lược nhân tài của Bộ Nội vụ tôi thấy rằng Đảng và Nhà nước, nếu không thay đổi thể chế chính trị, vẫn theo con đường hiện nay thì không có cách nào tìm và dùng được các nhân tài chân chính. Thường chỉ tìm được những kẻ cơ hội, tuy có bằng cấp này nọ nhưng thiếu trung thực, thiếu tài năng, chỉ có nhiều mưu mô. Vì sao vây?
Trong Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia, tiết b, mục 1 (Mục đích) viết rằng: “Đề án bảo đảm đúng quan điểm, đường lối của Đảng,…”. Đường lối đó thể hiện rõ trong Quy hoạch CB. Tôi và nhiều người khác cho rằng Quy hoạch đó phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ (*). Theo đường lối như thế làm sao tìm ra nhân tài.
Phải chăng trong nhân dân Việt Nam không có nhân tài. Không phải! Không những có mà có nhiều, nhưng những người tài chân chính đã bị Quy hoạch của Đảng loại bỏ ngay từ vòng đầu tiên. Họ bị loại vì không đạt được tiêu chuẩn cơ bản nhất của Đảng là “Tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác Lê”. Một số ra nước ngoài, số khác bị bắt nhốt vào tù hoặc bị trừ khử, số nữa bị quy là “thế lực thù địch”, là phần tử “tự diễn biến”, bị chống đối kịch liệt. Riêng những người có bằng cấp cao, có kiến thức sâu rộng, nhưng bưng tai, bịt mắt, ngậm miệng, buông tay trước thế sự. thì cũng chưa phải là nhân tài chân chính.
Hội thảo khoa học về Chiến lược nhân tài (HT) do Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa điều hành. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc, bà Lê Minh Hương công bố Chiến lược, các ông TS Dương Quang Tung, GSTS Phạm Hồng Thái, PGSTS Lê Minh Thông đã có các tham luận về phát hiện và sử dụng nhân tài.
Tuy rằng trong các tham luận có đề cập một vài ý cần quan tâm như nhân tài rất cần môi trường tự do để hoạt động, để sáng tạo, còn lại trong phần lớn tham luận chỉ trình bày những điều mà những người có hiểu biết thông thường phải thốt lên: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Ngoài ra cũng còn có phát biểu của vài người khác, tập trung ý kiến vào việc ca ngợi và minh họa Chiến lược nhân tài.
Về nhân tài TS Phan Hồng Giang có bài “Đừng để tiểu nhân trà trộn hãm hại người tài” (GD 30-7-19). Khổ thay cho Nhà nước VN, không phải tiểu nhân trà trộn mà là giữ địa vị then chốt, quyết định. Về hình thức, người ta ra nghị quyết, lập chiến lược tìm người tài để sử dụng, nhưng trong thực tế, khi phát hiện được người có thực tài thì họ tìm cách khuất phục, bắt quỳ gối khom lưng, cúi đầu, nếu không khuất phục được thì tìm cách vô hiệu hóa. Một trong những tội ác của đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản là loại bỏ, hủy diệt tầng lớp tinh hoa của dân tộc. Tầng lớp đó phản biện sự độc tài toàn trị chuyên chính vô sản.
Nhân tài sinh ra từ chỗ cha mẹ hấp thu được khí thiêng sông núi hoặc có di truyền tốt. Môi trường gia đình và xã hội là hết sức quan trọng để nhân tài phát triển hoặc bị làm thui chột.
Dân tộc Việt hiện nay, tuy lâm vào môi trường xã hội và chính trị khá bất lợi, tinh hoa bị hủy hoại, nhân tài chân chính bị vùi dập, nhưng khí thiêng sông núi vẫn còn, di truyền tốt vẫn còn, vì vậy nhân tài vẫn tiếp tục được sinh ra, vấn đề là làm sao thay đổi được môi trường để nhân tài phát triển mà không bị hủy hoại.
Phan Hồng Giang cho rằng, có nhân tài nhưng không sử dụng được vì sự đánh giá chủ quan, thiếu dân chủ, quyền đánh giá nằm trong tay một số người. Tôi cho rằng điều hết sức quan trọng của đánh giá là trình độ, phẩm chất của người đánh giá chứ không phải số lượng. Không phải “một số người” mà chỉ một người thôi, khi có trình độ và phẩm chất thì vẫn có thể đánh giá đúng. Một số người mà ông Giang nêu ra, phải nói rõ là kém cỏi, tư lợi và độc đoán.
Về thu hút nhân tài, vừa qua Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố sách chuyên khảo “Thu hút kiều dân trình độ cao để phát triển khoa học và công nghệ- Lý luận chung, thực tiễn Hàn Quốc và hàm ý cho Việt nam” ( NXB Khoa học xã hội 2019). Tôi đã viết bài phản biện, cho rằng nội dung có nhiều sai lầm về cơ bản.
Ngạn ngữ có câu “Đất lành chim đậu”. Đất lành cho nhân tài là môi trường chính tri-xã hội thật sự tự do dân chủ. Với VN bây giờ điều kiện tiên quyết để có môi trường như vậy là cải cách thể chế chính trị, xóa chuyên chính vô sản, từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê, ĐCS trả lại quyền làm chủ cho nhân dân hoặc “Lập Quyền Dân” như Trung tâm Minh Triết chủ trương.
Không làm được như thế thì “Chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài” chỉ là trò diễn kịch để tuyên truyền mà thôi.
______
(*) Tôi đã công bố bài: “Phản biện đường lối cán bộ cộng sản”. Tôi sẵn sàng thuyết minh về tính chất phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học của Quy hoạch CB, xin lấy danh dự và tính mạng để bảo vệ các ý kiến đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét